16/1/09

CON MUỐN TRỞ VỀ



Tốt nghiệp trung học, cha muốn con trai học lên đại học, nhưng con trai lại muốn đi làm, muốn tự kiếm tiền, muốn trải nghiệm, muốn thoát khỏi sự quản lý của ba má, muốn được trở thành người đàn ông độc lập.

Chàng trai nói với cha: "Con muốn dọn ra ngoài!".

Người cha vằn mắt: "Con đừng học tập theo tụi Mỹ. Dù thế nào thì con vẫn là người Việt, bởi vì ba má đều là người Việt và gia đình ta là gia đình Việt Nam".

Chàng trai gãi gáy: "Nhưng ba ơi, con không thể tiếp tục ăn bám ba má. Con đã lớn và con phải tự kiếm sống. Các bạn con đều ra khỏi nhà. Con không muốn bị họ chế diễu".

Người cha gầm gừ: "Con nhầm rồi. Một nửa trong số bạn của con đi học đại học. Chúng nó ra khỏi nhà để đến trường. Nếu con ra khỏi nhà bằng cách đó thì ba má rất vui lòng. Còn nếu con ra khỏi nhà theo cách của con thì con có thể đi mà không cần quay trở về ngôi nhà này!".

Chàng trai uất hận. Cậu chỉ xin phép dọn ra ở riêng, nhấc một gánh nặng ra khỏi vai ba má, chứ không hề muốn rời xa họ. Nhưng lời nói gay gắt của cha khác nào muối xát vào tim câụ. Cha đuổi cậu ra khỏi nhà. Tính tự ái trẻ con nổi lên, cậu hậm hực xách đồ đạc ra đi.

Cậu làm đủ nghề: bồi bàn, hái quả, cắt cỏ, đưa báo... Cậu tự hào vì có thể tự nuôi sống mình. Ra khỏi nhà, cậu thấy mình lớn hơn, vượt qua được những khó khăn mà nếu cứ ở nhà với ba má, cậu sẽ không bao giờ phải đối mặt.

Duy chỉ có điều cậu nhớ quay quắt mùi thức ăn mà má nấu. Nhớ giọng nói trầm ấm bông lơn của ba. Nhớ ánh mắt trìu mến tràn trề yêu thương của má mỗi khi cậu trở về nhà.

Giáng sinh đến gần, bạn bè của cậu đều rộn ràng tính chuyện trở về nhà. Riêng cậu lặng im. Cậu không biết phải làm gì. Chiếc điện thoại của cậu không nhận được cú gọi hay tin nhắn nào từ số điện thoại của ba má. Cậu check email liên tục, nhưng tấm thiệp mong đợi nhất vẫn không thấy.

Chỉ còn một ngày nữa là Giáng sinh. Bạn bè đều trở về nhà. Cậu còn lại trơ trọi một mình.

Không chịu nổi, cậu quay số điện thoại quen thuộc. Đầu dây đằng kia, giọng đàn ông trầm ấm vang lên. Cậu ngập ngừng. Cha hỏi: "Thưa, ai đầu dây đó ạ?"

Cậu thưa giọng run run: "Ba... là con gọi đây!"

Một vài giây im lặng. Rồi giọng cha cậu bình thản vang lên: "À, cuối cùng anh cũng nhớ gọi điện chúc mừng Giáng sinh tôi sao?"

Cậu nghẹn giọng: "Ba... con... con nhớ nhà quá à!"

Vẫn giọng nói đó vang lên lạnh lùng: "Sao? Đến giờ này anh mới nhớ nhà sao? Anh không nói là anh muốn về nhà đó chớ?"

Cậu im lặng, bắt đầu cảm thấy nuối tiếc vì đã gọi điện.

Giọng cha cậu đanh lại: "Tôi chưa nói chuyện với má anh, nên tôi không biết chúng tôi có sẵn sàng đón anh vào nhà hay không. Nhưng anh cứ về. Nếu thấy cái cây trước nhà buộc một cái khăn trắng thì hãy vào nhà. Còn nếu không thấy, thì coi như là chúng tôi chưa sẵn sàng!"

Nói xong, cha cậu buông máy.

Lời thách đó của cha thắp lại cho cậu niềm tin mong manh. Cậu hối hả vất đồ đạc lên chiếc xe cà tàng và lên đường trở về nhà ngay.

Cậu lái xe đến tận nửa đêm. Tuyết rơi và cậu buộc phải ghé vào một motel ngủ tạm để sáng sau tiếp tục hành trình.

Con đường đầy tuyết khiến cậu không thể chạy nhanh và mãi đến lúc chập tối cậu mới về đến nhà. Tuyết phủ trắng sân, mái nhà, cây cối. Cậu dừng xe ngoài đường, phóng tầm mắt qua tấm kính mờ và nhìn về phía nhà mình, hàng cây trước nhà cũng phủ đầy tuyết trắng.

Cậu mở cửa xe, ngập ngừng bước xuống đường. Cậu phân vân đưa mắt nhìn: Làm sao biết được có cái khăn trắng buộc ở vào thân cây trước cửa nhà hay không?

Cậu quyết định đi về phía cửa nhà. Tuyết lạo xạo dưới chân. Tim cậu đập mạnh.

Cậu đến sát gốc cây và ngẩng lên nhìn. Và, trời ơi, cậu không còn tin vào mắt mình: Những chiếc khăn mầu trắng buộc đầy trên những cành cây, nằm lẫn trong tuyết mà chỉ đứng dưới gốc cây người ta mới có thể nhìn thấy.

Chắc hẳn hôm qua, khi tuyết bắt đầu rơi, cha cậu đã phải buộc thêm nhiều khăn trắng để cậu có thể nhìn thấy được chúng.

Những dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào làm tan đi những hoa tuyết đậu trên má cậu. Cậu đã trở về nhà.

(Dựa theo kịch của Quang Minh và Hồng Đào)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết