7/1/09

NHỮNG NGÔI BIỆT THỰ CỔ HÀ NỘI


Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1988, nơi đầu tiên tôi đến làm là Nhà Xuất bản Ngoại văn Hà Nội (nay là Nhà Xuất bản Thế giới) ở số 46 Trần Hưng Đạo. Đó là ngôi biệt thự xây từ thời Pháp có kiến trúc rất đẹp.

Nghe nói, chủ ngôi biệt thự là một sĩ quan hải quân người Pháp. Ông yêu sóng nước biển cả, nên cho thiết kế ngôi nhà 3 tầng của mình theo hình dáng một con tàu, với những cửa số hình tròn, cầu thang ngoài trời uốn lượn từ tầng 1 lên tầng 2. Sảnh trên tầng 2 nơi cầu thang dẫn lên có một khoảng rộng được bao bằng lan can, trông như boong tàu.

Khi đó mới đổi mới được ít lâu, tiền của chưa có nhiều nên ngôi biệt thự hầu như chưa được sửa chữa gì. Lớp ván sàn và cầu thang đã bạc phếch, những bức tường quét ve màu vàng phủ bụi. Một phòng tắm được cải tạo; bồn tắm vòi nước bị khuân đi đâu hết và trở thành chỗ làm việc của bà y tá kiêm thủ quỹ của cơ quan. Một phòng vệ sinh thì cũng bị dọn sạch thiết bị vệ sinh và trở thành nơi kê mấy cái máy tính.

Bàn làm việc của tôi kê ngay cạnh cửa sổ, gần hai chị biên tập viên tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa. Cả hai chị đều hay chuyện, lơi ra một chút là buôn chuyện líu lô. Thời đó máy lạnh chưa phổ biến như bây giờ, nhưng dù nhiệt độ cao bao nhiêu, vào ngôi nhà này cũng trở nên mát rượi.

Thỉnh thoảng khi làm việc, tôi lại phóng tầm mắt qua ô cửa sổ tròn để ngắm nhìn sóng lá xanh ào ạt từ hàng cây trên hè phố và trong khuôn viên biệt thự, lòng nhủ thầm: Sao mình may mắn thế nhỉ, được làm việc trong một ngôi nhà đẹp như thế này?

Cùng làm ở NXB với tôi khi đó có chị H., nhân viên đánh máy. Cha chị nguyên là tư sản dưới thời Pháp thuộc, nên gia đình chị có một ngôi biệt thự to đùng trên đường Điện Biên Phủ. May bố mẹ chị có nhiều con, nên cả gia đình sống trong ngôi biệt thự ấy, không phải chia sẻ với ai. Con trai, con gái, con dâu, con rể đều sống ở đó, mỗi cặp vợ chồng được chia một căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông.

Đôi ba lần chúng tôi đến nhà chị H. chơi, được chị dẫn đi thăm ngôi nhà. Nó đã xuống cấp lắm rồi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp. Tuy nhiên, những nhà tắm, toilet, bếp, hành lang rộng đều bị "xử lý" làm mất đi tính hợp lý về không gian mà kiến trúc sư đã thiết kế.

Vợ chồng chị H. ở tầng 1, trông ra cái vườn hoa nhỏ mà bao nhiêu năm đã biến thàng vườn rau. Anh chị đặt cái bếp dầu ở ngay vỉa hè, cứ nấu nướng xong xuôi là lại để cho nguội và cất vào gầm giường cho đỡ tốn diện tích. Chị H. khoe, tất cả anh chị em nhà chị đều sinh trong ngôi nhà này. Nên họ cũng sẽ chết trong ngôi nhà này.

Tôi chỉ làm ở 46 Trần Hưng Đạo có 10 tháng, nhưng cũng đủ để yêu ngôi nhà đó. Vẫn nhớ những ô cửa sổ hình tròn, những chiếc lò sưởi đồ sộ nhưng không bao giờ được thắp lên, những cầu thang uốn lượn với lớp ván sàn bạc màu kêu cót két dưới mỗi bước chân.

Mấy năm sau tôi gặp lại chị H., đẫy đà hơn so với trước. Chị mời đến chơi nhà mới, tôi hỏi: "Chị không sống ở biệt thự trên phố Điện Biên Phủ nữa à?". Chị nói không, sau khi bố mẹ chị mất, các anh chị em đã quyết định bán ngôi biệt thự ấy cho một tập đoàn đa quốc gia làm trụ sở công ty. Số tiền bán nhà (nghe nói lên cả triệu đô) được chia đều cho mọi người và tất cả đều hả hê dọn đến nhà mới.

Ngôi biệt thự ấy được công ty đa quốc gia kia sửa sang. Họ phá hết những thứ lặt vặt cơi nới mà nhà chị H. làm ra, rồi biến nó thành một trong những tòa nhà đẹp nhất trên đường phố này. Mỗi lần đi trên đường Điện Biên Phủ, tôi lại liếc mắt nhìn ngôi nhà ấy, lòng thấy tiêng tiếc là chị H. đã không được ở đó đến cuối đời như chị đã từng mong muốn. Không hiểu chị có cái cảm giác ấy không?

Nhưng nếu nhà chị H. không bán lại ngôi biệt thự, cứ để cho nó xập xệ xuống cấp, thì đường Điện Biên Phủ hẳn không sạch sẽ, đẹp đẽ như bây giờ.

Hà Nội đẹp, một phần vì những ngôi biệt thự kiến trúc kiểu thuộc địa này. Chúng được xếp vào loại "biệt thự cổ". Chẳng phải nước nào cũng có được di sản quý giá ấy. Singapore có khu Raffles Institution, chẳng thể so sánh được với những biệt thự cổ ở Hà Nội, nhưng được bảo tồn, trùng tư và quảng bá lên tận mây xanh để thu hút du khách.

Cách đây khoảng 1 tháng, HĐND Hà Nội đã quyết định chỉ giữ lại 173 ngôi biệt thự trong tổng số gần 1000 biệt thự cổ ở Hà Nội. 800 ngôi còn lại sẽ được đem bán. Giới kiến trúc, sử học và những người yêu Hà Nội đều lo ngại rằng quyết định này có thể sẽ làm biến mất một di sản kiến trúc mà không phải thành phố Châu Á nào cũng có được.

Tôi thì lại nghĩ khác. Nếu cứ để chúng xuống cấp như hiện nay thì còn phí hơn. Chắc là số đông những người dám bỏ tiền ra mua loại biệt thự này hẳn biết được giá trị của nó. Họ sẽ đầu tư, trùng tu nâng cấp để làm cho nó đẹp hơn. Và như vậy, di sản sẽ được bảo quản tốt hơn, chứ không ở trong tình trạng "cha chung không ai khóc".

Đừng tiếc vì không được chết trong những ngôi nhà ấy giống như gia đình chị H. Cuộc sống vẫn quan trọng hơn.



2 comments:

My Lăng on lúc 15:51 14 tháng 7, 2010 nói...

Tôi ko rành đường phố HN , nhưng có lần (1993) đi ngang qua ngôi biệt thự rất đẹp và dãy biệt thự trên đường đó, có thể nói lúc ấy là tuyệt vời.Đứng giữa đường nhìn ngang dọc ngôi nhà mà ko nhìn thấy 1 anh CA đứng gác phía trước nhà, rồi quay lại hỏi anh :"Nhà này của ai vậy" và: Bộ Ngoại giao.

VMC on lúc 17:31 14 tháng 7, 2010 nói...

@My Lăng:
Trụ sở Bộ Ngoại giao thì quá đẹp rồi. Không thể chê được.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết