7/1/09

TIẾNG NAM



Năm tôi lên 9 tuổi, thì miền Nam được giải phóng. Thời đó, tất cả miền Bắc đều ngóng về miền Nam, nơi mà những người cha, người chồng, người anh, người em sẽ trở về.

Trẻ con miền Bắc chắc ai cũng biết bài hát "Miền Nam em dừa nhiều/Miền Nam em dứa nhiều/Miền Nam em dừa thơm/Miền Nam em khoai bùi"...

Tiếng Nam qua giọng đọc của phát thanh viên Việt Khoa trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam thân thương lắm.

Sau năm 1975, mọi thứ từ miền Nam ùa ra miền Bắc. Thật ngỡ ngàng mà cũng thật thân thiết. Người Bắc hình như tiếp cận với mọi thứ của miền Nam nhanh hơn, hồ hởi hơn. Cải lương miền Nam được bà con miền Bắc đón nhận nhiệt liệt.

Có thời phim ảnh của Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP Hồ Chí Minh được cả nước đón xem. Những ngôi sao điện ảnh thời bấy giờ như Hương Xuân, Thùy Liên, Thúy An, Lý Huỳnh, Chánh Tín, Thẩm Thúy Hằng, Thương Tín, Trần Quang, Bích Liên, Phạm Anh... nổi tiếng như cồn.

Giọng nói ngọt ngào của người Nam Bộ qua các vở cải lương và các bộ phim đi vào lòng khán giả cả nước. Tôi vẫn nhớ thời đó các anh thanh niên mơ có người yêu nói giọng ngọt ngào như Thùy Liên và Thúy An trong phim "Mùa gió chướng".

Người Bắc mê tiếng Nam đến nỗi có thời bất cứ phim nào sản xuất ở Hà Nội đều phải lồng tiếng Nam mới có người xem. Các ca sĩ Hà Nội cũng học cách phát âm bằng tiếng Nam cho sành điệu.

Người Bắc đi vào Nam làm ăn nhiều, mỗi lần về thăm quê lại mang theo những từ mới và cả ngữ điệu theo cách nói của người miền Nam. Thế nên, tiếng miền Nam ngày một lan tỏa trong đời sống thường nhật của người dân Bắc. Và quả thực, có những từ mà người Nam dùng khó mà thay thế được bằng từ tương đương của người Bắc.

NHẬU là một từ mà bây giờ người Bắc dùng nhiều và khó kiếm được từ nào phù hợp hơn để thay thế.

HUỴCH TOẸT cũng hơn từ "nói thẳng" của miền Bắc. "Huỵch toẹt" tượng thanh hơn, cho thấy hành động rất mạnh, rất rõ ràng mà từ tương đương trong tiếng Bắc không thể có được.

Còn gì mô tả chính xác hơn một người ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe, lờ và lờ vờ, chẳng chịu làm gì, lượn lờ như một cái bóng, bằng cụm từ 'XÌU XÌU ỂNH ỂNH"?

CÀ CHỚN, nghe vui tai và dễ thương hơn so với từ "láo", "mất dạy"!

Và còn rất nhiều ví dụ khác.

Tiếng miền Nam nghe thật dễ thương phải không?

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

free hit counters

2 comments:

Mai nói...

Đàn ông 100 người thì 101 thích giong con gái miền Nam, mà thích là phải, nhẹ nhàng, nũng nịu, khác người Bắc cứ choi chói, lanh lảnh:)

Vhlinh on lúc 09:11 9 tháng 1, 2010 nói...

Đúng. Bí cũng thích tiếng Nam.Nhưng hát thì xin đừng hát tiếng Nam, trừ cải lương.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết