4/1/09

ĐI QUA NĂM GIAN KHÓ



Cuối năm 1990, báo chí thời đó đưa tin: Liên Xô sẽ cắt hoàn toàn viện trợ cho Việt Nam kể từ năm 1991. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng. Việt Nam khi đó đã tiến hành đổi mới được 5 năm, kinh tế thị trường đã cho những trái ngọt đầu tiên, xã hội đã bắt đầu khởi sắc.

Nhưng trong khoảng thời gian 5 năm đó vẫn có sự chống lưng của Liên Xô: máy móc, xăng dầu của Liên Xô vẫn được đưa tới Việt Nam. Công cuộc cải tổ của Liên Xô lúc đó đã báo hiệu những bất ổn, kinh tế của "người anh cả" không còn được huy hoàng như cũ. Và ông anh quyết định rằng đã đến lúc các "em" phải đi bằng đôi chân của chính mình.

Tôi nhớ tối 30 Tết năm đó, cùng một hội bạn đi dạo quanh Hà Nội. Đêm 30 không lạnh lắm và thời bấy giờ Hà Nội còn khá hoang vắng. Đi qua Nhà hát Lớn, thấy một tấm phướn lớn trải dài từ trên xuống dưới với khẩu hiệu mà tôi không nhớ rõ, đại loại như "Sẵn sàng vượt qua thử thách trong năm 1991".

Một người bạn nói với tôi: "Thế là sang năm bị dứt khỏi bầu vú mẹ rồi đây? Không biết có sống được không?". Một người khác nói: "Không được bú mẹ thì nuôi bộ, trẻ con vẫn sống đầy ra đấy".
Đám thanh niên mới ngoài 20 một chút cười vang đầy vô tư.

Nhưng 1991 quả là một năm thật gian khó. Đó cũng chính là năm diễn ra cuộc chính biến tại Mátxcơva với cuộc đảo chính Gorbachev bất thành. Liên Xô lúc đó đã rệu rã lắm rồi. Cuối tháng 8 năm đó, tôi tình cờ có mặt ở Mátxcơva, chỉ vài ngày sau cuộc chính biến và còn thấy ngổn ngang chiến lũy ở khu vực Quảng trường 1905 và trước cửa Nhà Trắng - trụ sở của Chính phủ Nga.

Người Nga lo âu, nhưng ẩn bên trong lớp vỏ lo âu đó lại là tinh thần phấn chấn và lạc quan. Sasha - một người bạn thân của tôi nói: "Nước Nga có truyền thống sẵn sàng đập hết những gì mà họ không thích để xây lại cái mới hơn".

Cuối năm đó các nước cộng hoà trong Liên Xô lần lượt tuyên bố độc lập...

Người Việt Nam vẫn nói: "Trong cái khó ló cái khôn". Liên Xô cắt hoàn toàn viện trợ có thể coi như một cú hích khiến Việt Nam đoạn tuyệt hoàn toàn với nền kinh tế bao cấp và chuyển hẳn sang kinh tế thị trường.

Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1988, nhưng đến 1991 mới thực sự đem lại những thành quả của đổi mới. Riêng năm 1991, Việt Nam thu hút được 1,2 tỉ USD đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Giai đoạn 1991-1996 được coi là 5 năm bùng nổ đầu tư của Việt Nam. Năm 1995, VN thu hút FDI được 6,6 tỉ USD, gấp 5 lần so với năm 1991.

Kể từ 1991 chính sách tìm bạn mới bắt đầu được đẩy mạnh. Thời đó các hoạt động ngoại giao được bố trí dày đặc, đại đa số các cuộc gặp là với các đối tác ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ... Tôi còn nhớ có ngày có tới 3 cuộc gặp cấp cao ở cấp nhà nước, chính phủ và quốc hội.

1991 thực sự trở thành năm bản lề đối với Việt Nam.

18 năm đã trôi qua. Những chàng trai, cô gái sinh vào cái năm bản lề ấy nay đã trưởng thành. Vào ngày cuối năm 2008 ta lại nghe rộ lên dự đoán: Năm 2009 sẽ còn khó khăn hơn.

Chắc chắn sẽ có khó khăn. Nhưng tôi trộm nghĩ rằng đối với những người đã trải qua thời bao cấp, thì gì có thể khó khăn hơn năm 1991, cũng như chẳng thể khó khăn hơn những năm tháng trước đó.

Thách thức bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Đi hết một năm gian khó, thì sẽ thấy trời quang thôi.
Free web counter

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết