13/1/10

CHUYỆN ĐỜI (7)



Anh lúng túng khi thấy bố quá xúc động trước thông tin bất ngờ này. Anh chẳng đã tức tối gầm lên khi nghe cô vợ cũ nói ông chồng tương lai của cô muốn nhận thằng bé làm con nuôi đó sao. Lo ngại ông có thể bị sốc, anh vội vã giải thích: "Thực ra thì không hẳn là cô ta muốn đem thằng bé làm con nuôi, mà cô ta chỉ muốn con từ chối quyền làm cha đối với cu Tí mà thôi".

Rồi anh thuật lại chi tiết câu chuyện cho bố. Ông nghe chăm chú và ngồi lặng im khi anh kể xong. Vài phút sau, ông mới hỏi: "Thế tức là cô ấy không đem con cho người khác, mà là đưa nó ra nước ngoài sau khi lấy chồng mới thôi, đúng không?". Anh gật đầu.

Ông đứng dậy: "Thôi, con ăn nốt đi, rồi dọn dẹp rửa bát. Xong ra uống nước, bố con ta nói chuyện".

Khi anh ra phòng khách thì thấy ông đã ngồi chờ bên ấm trà sen mới pha. Ông rót trà đưa cho anh: "Lúc nãy con hỏi bố một câu mà bố chưa trả lời là liệu bố có đem con cho người khác, khi bố bằng tuổi con bây giờ? Câu trả lời là không. Không, vì bố và mẹ con sống hạnh phúc và đủ sức nuôi con. Còn trường hợp của con bây giờ lại rất khác. Và vì thế câu trả lời không nhất thiết phải là không".

- Sao lại thế được ạ? Câu trả lời của con cũng là không. Không thể có câu trả lời khác đối với câu hỏi này. - Anh quả quyết.

- Vấn đề là ở chỗ vợ chồng con đã chia tay. Tòa phán quyết thằng bé ở với mẹ. Mẹ nó tái hôn. Nếu như người chồng mới của cô ta chấp nhận thằng bé, thì không có lý gì mà chúng ta giữ được nó ở lại đây.

- Nhưng bố có biết là họ sẽ đi nước ngoài, chứ không phải là loanh quanh đâu đó ở Việt Nam? Điều đó có nghĩa là con có nguy cơ không được gặp nó. Sẽ phải trông chờ vào lòng hảo tâm của cô ta nếu cô ta chịu đưa con nước...

- Đúng vậy. Chỉ có cách đó thôi. Thế nên không thể cứ gân cổ lên cãi vã được. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề...

- Thế bố bảo con phải làm gì? Nhắm mắt để người ta dẫn đứa con trai duy nhất của con đi nước ngoài? Phó mặc nó cho một người đàn ông xa lạ dạy dỗ? Và không rõ vợ chồng anh ta biến nó thành người như thế nào? Biết đâu, nó còn không biết thắp hương, cúng giỗ tổ tiên nữa...

- Thế con có biết thắp hương, cúng giỗ tổ tiên không? Lúc mẹ còn sống, mẹ là người làm việc đó. Mẹ mất đi, bố là người cúng giỗ. Con luôn phải để bố nhắc và chỉ về nhà ăn giỗ khi cỗ đã dọn xong...

Anh lặng người đi sau những lời của bố, quả đúng là như vậy. Thâm tâm anh coi chuyện cúng giỗ là bổn phận thiêng liêng, nhưng anh chưa bao giờ tự tay thực hiện. Có chăng chỉ là thắp nén nhang lên mâm cỗ, hoặc giúp bố hóa vàng. Như hiểu được ý nghĩ của anh, ông nói: "Còn cái việc thắp ba nén hương vái ba cái trước ban thờ, hay hóa vàng như con vẫn làm thì chỉ cần học trong một phút là xong. Con không cần đến hàng chục năm để dạy con trai con làm việc đó".

- Bố, bố đang tước bỏ mọi vũ khí của con... - anh bực tức kêu lên.

- Những thứ vũ khí đó con không hề có. Bố chỉ giúp con nhận rõ ra điều đó mà thôi. Bây giờ bố muốn hỏi con một câu, và con phải nói thật. - Ông ngừng lại nghe thái độ của anh. Thấy anh im lặng, ông tiếp: "Con có thấy nếu con trai con đi nước ngoài là tốt hơn cho nó không?"

-Bố, con còn chưa biết tay bố dượng của nó mồm ngang mũi dọc ra sao thì làm sao con trả lời câu hỏi đó của bố được. Chắc gì đi nước ngoài đã tốt hơn ở Việt Nam? Nhất là nếu người đàn ông đó tài sản chẳng có gì, tính cách lôm côm, thì tốt nhất là nó nên ở lại. Ai đảm bảo mẹ nó sẽ sống hạnh phúc với cuộc hôn nhân thứ hai? Nếu cô ta lại ly dị, thằng bé sẽ ra sao?

Ông đứng dậy, đặt tay lên vai anh: "Có vẻ như con đã hiểu ra vấn đề rồi đấy...". Anh ngẩng lên nhìn ông: "Tức là bố ủng hộ quan điểm của con không cho thằng bé đi.". Ông lắc đầu: "Như bố đã nói, chúng ta không thể giữ thằng bé lại được. Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là giảm thiểu những bất trắc sẽ xảy ra với nó..."

Anh đứng dậy, cầm lấy hai vai ông và lắc mạnh: "Bố ơi, chúng ta không hề biết bất trắc nào đang chờ đợi nó, vậy thì làm sao bố con ta có thể giảm thiểu được những bất trắc đây?". Ông cầm hai tay anh, giữ lại: "Được chứ. Chúng ta có thể đặt các điều kiện".

- Điều kiện gì ạ? - anh nôn nóng hỏi.

- Điều kiện gì ấy à? Cái này thì phải tính. Nhưng muốn tính được thì phải có dữ kiện. Sao con không đi gặp anh chàng Tây kia nhỉ?

- Gặp chồng mới của cô ta ấy ạ?

- Đúng rồi. Chỉ có gặp anh ta, nói chuyện với anh ta mới biết anh ta là người như thế nào, tốt hay xấu, giầu hay nghèo, thái độ với thằng cu Tí ra sao, và nhiều chuyện khác nữa. Biết càng rõ anh ta, thì chúng ta càng đưa ra được những điều kiện sát với thực tế...

(còn tiếp)

CHUYỆN ĐỜI (1)
CHUYỆN ĐỜI (2)
CHUYỆN ĐỜI (3)
CHUYỆN ĐỜI (4)
CHUYỆN ĐỜI (5)
CHUYỆN ĐỜI (6)



33 comments:

Tóc Dài on lúc 01:54 14 tháng 1, 2010 nói...

Cho đến phần này thì ông bố vẫn ok nhất , anh con trai thì chán quá , như vậy không lên lãnh đạo được là điều đương nhiên rồi . Cậu ơi , 1 ngày cho ra 2 phần đi , tức quá đi mất thôi :))

Unknown on lúc 09:09 14 tháng 1, 2010 nói...

Viết cũng nhọc nhằn lém, chị ơi, nên thông cảm, động viên và cổ vũ tác giả chị à,

Titi on lúc 09:28 14 tháng 1, 2010 nói...

Thế là em hình dung ra giọng của anh C khi về già ròi. Dưng còn các nếp nhăn thì thế nào nhỉ? Liệu có đẹp như ảnh minh họa không nhỉ :-D

VMC on lúc 09:31 14 tháng 1, 2010 nói...

@Tóc Dài @ Lan: Bạn Dài nói thế cho vui thôi, chứ không hẳn là muốn 1 ngày có 2 xuất đâu, bạn Lan ạ.
@Titi: Trên Internet có phần mềm biến ảnh trẻ thành già đấy. Hiệu quả tức thì, xem biết liền.

Titi on lúc 10:06 14 tháng 1, 2010 nói...

Cho em cái link anh ơi :-D

Thuhuong nói...

Nếu tôi là anh chồng tôi sẽ ko gặp người đàn ông đó vội, vì như thế cứ thấy vô duyên thế nào ý vì hẳn 2 người đâu có liên quan đến nhau. Haỹ bình tĩnh xem xét việc xử lý của vợ cũ, vì nếu cô ta còn muốn thuyết phục mọi chuyện cho êm đẹp, cô ta sẽ biết cách xử sự, anh chồng sao thiếu bản lĩnh quá nhỉ. Lại còn không biết cách an ủi người bố đã già nữa chứ. Tôi tuy là pn nhưng quyết sẽ không làm bố mẹ tôi phải đau vì chuyện riêng của vợ chồng, nhưng hình như đàn ông khi bị đau rất khó giữ cho riêng mình hay sao ý

Titi on lúc 11:22 14 tháng 1, 2010 nói...

@ThuHuong: ôi, hỏi ý kiến người lớn tuổi về một vấn đề phức tạp và hệ trọng là khôn ngoan và tinh tế chứ. Không phải là phiền đến bố mẹ như bạn nghĩ đâu. Những cái gì mình tự giải quyết ngon lành mà vẫn bắt ông bà phải nghĩ hộ thì mới là phiền cơ .

Vân Lam on lúc 11:26 14 tháng 1, 2010 nói...

"Lời người già như mặt trời mùa đông, chỉ tỏa sáng mà không sưởi ấm..."

Điều đó bây giờ ứng nghiệm. Khi đã sống đến tuổi "tri thiên mệnh", người già nhìn ra những con đường mà người trẻ không nhìn thấy, những con đường mà người trẻ cho rằng nó không phù hợp với mình vì nó buộc họ phải đối đầu với cả những phũ phàng của thực tế mà họ đang cố tránh né hoặc không nhìn thấy. Nhưng kì thật, đó chính là con đường có ánh sáng...

Anh viết hay tuyệt! :)

Titi on lúc 11:44 14 tháng 1, 2010 nói...

Tại sao lại phải giữ nỗi đau cho riêng mình? Bạn không biết thương bản thân sao? Không thương bản thân thì sao biết thương người khác nhỉ? Tự giải quyết vấn đề là tốt, nhưng khi lúng túng mà vẫn cố giải quyết một mình, chẳng thèm hỏi ý kiến ai thì chẳng khác nào một người mù, chẳng thấy đường , chẳng có phương tiện dẫn lối mà vẫn xông bừa. Khi không hỏi ý kiến, không nhờ đến sự giúp đỡ an toàn từ người thân, không biết sử dụng những kho kinh nghiệm bên mình, bạn chỉ chứng tỏ bạn là người ương bướng và thiếu kỹ năng sống.

Unknown on lúc 11:47 14 tháng 1, 2010 nói...

May mà có ông già

Thuhuong nói...

@Titi: Đây chỉ quan điểm riêng của tôi, và tôi nhớ có một câu châm ngôn nói rằng tốt nhât mâu thuẫn vợ chồng không nên cho người thứ 3 can thiệp bạn ạh, vì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn. Pháp luật quy định tuổi kết hôn là khi bạn đã có đủ kỹ năng sống, khi sự việc xảy ra chỉ có bạn là có thể quyết tiến hay lùi là đúng cho mình, còn khi nhờ dến bố mẹ thì là lúc sự đã rồi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, nhờ đến bố mẹ là hầu như khuyên: nếu không hợp thì ly dị, và 95% đã ly dị, còn những đôi tự giải quyết lại đến 90% là làm lành với nhau. Tôi không nhận tôi là người đủ hay thiếu kỹ năng , nhưng nếu chuyện này xảy ra với tôi, chắc chắn sẽ khac. Bố mẹ luôn là bờ vai bao dung và độ lượng với con cái, mặc dù con cái họ sai mười mươi.Khi có mâu thuẫn với chồng,Tôi chọn cách nói chuyện rất tế nhị với bố mẹ để bớt buồn và không gây căng thẳng cho họ, và quyết định cuối cũng vẫn là của mình, và đến bây giờ vẫn ổn đấy bạn ạh, chưa đến mức mang con về cho các cụ nuôi, còn mình vẫn nghĩ là rất sáng suốt đi tiếp.....

Titi on lúc 14:38 14 tháng 1, 2010 nói...

Ồ, thế thì chúc mừng bạn. Bạn quả là người tài giỏi và hiếm có, có thể tự mình lúc nào cũng tỉnh táo và sáng suốt :-)

Titi on lúc 14:43 14 tháng 1, 2010 nói...

VMC: sao anh không dựng lên nhân vật như bạn ThuHuong kia nhỉ? Ai lại quá tuổi kết hôn ròi mà cư xử cứ như trẻ con cả lượt thế? Cả làng cười cho :-D

Titi on lúc 14:57 14 tháng 1, 2010 nói...

@ThuHuong: Tôi lại thấy ngược lại, khi hỏi ý kiến người lớn tuổi, thường bao giờ tôi cũng thấy được khuyên là chín bỏ làm mười, tha thứ đi vì không ai hoàn hảo, lớn ròi, đóng cửa bảo nhau, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, hãy nghĩ những thứ lớn hơn chứ đừng lúc nào cũng tự ái vặt...đại khái những câu rất chân tình mà dễ hiểu như thế và khi mình gặp rối, không bao giờ tôi thấy hối hận khi hỏi ý kiến người khác :-)

VMC on lúc 15:00 14 tháng 1, 2010 nói...

@Thu Hương, Titi: Anh ta đã xử sự đúng như bạn mong muốn. Khi ly hôn, anh ta đã tự quyết định. Nhưng đến lúc này, đứng trước nguy cơ bị mất con, anh mới cần đến những lời khuyên của bố. Ở đời không có ai hoàn hảo cả, nếu nhân vật ở đây cũng hoàn hảo thì chẳng còn gì để chúng ta nói nữa.

Thu Huong nói...

@titi: Chúng ta nên tôn trọng tác giả và để tự mỗi người bàn luận về câu chuyện, bạn không nên áp đặt cho ai suy nghĩ hay hành động gì, vì mỗi người có cá tính khác nhau sẽ xử lý tình huống khác nhau bạn ah. Khi tôi đọc bài viết, tôi chỉ nghĩ nếu bản thân gặp tình huống thế thì sẽ xử lý theo cách nào, mặc dù đó chưa hẳn đã thỏa lòng mọi người. Cuộc sống do vậy rất phong phú và mọi người bình đẳng. Tôi không chế giễu cách xử sự của bất kỳ ai, mà chỉ suy nghĩ về cách xử sự của nhân vật trong câu chuyện thôi. Vì là chuyện đời mà, nó có thể không có thật, nhưng nhờ đó mà mỗi người, và cả tôi tự rút kinh nghiệm cho mình. Bạn VMC đã rất tành công ở chỗ đó.

Thu Huong nói...

@VMC: Đúng là đến lúc này thì nhân vật anh chồng đã bế tắc và lúng túng không biết nên giải quyết thế nào Tuy vậy vẫn rất cần thời gian để xử lý sự việc và tôi chỉ không thích anh ta gặp bạn mới của vợ thôi. Còntruyện vẫn cứ tiếp diễn theo ý tác giả, và chúng tôi sẽ theo dõi xem họ sẽ xử lý thế nào.

VMC on lúc 15:13 14 tháng 1, 2010 nói...

@Thu Hương: Cám ơn bộc bạch của bạn. Các nhân vật sẽ xử sự theo cách mà họ cho là đúng trong bối cảnh của họ. Có lẽ họ sẽ giải quyết rất khác so với cách mà chúng ta vẫn nghĩ.

Titi on lúc 15:15 14 tháng 1, 2010 nói...

VMC: đúng vậy ạ. Nếu hoàn hảo thì chẳng có chiện ạ :-)
ThuHuong: tôi đâu có chế giễu ai. Bạn thử nghĩ, nếu con bạn gặp vấn đề cực kỳ lúng túng mà nó cũng tự giải quyết, không thèm hỏi ý kiến bạn , dẫn đến hậu quả xấu xem. Cuộc sống ai cũng đúng với chính người đó. Bạn xử lý tốt vì bạn còn giữ được tỉnh táo. Trong câu chiện này, ai cũng thấy vợ chồng nhà kia đều rất không tỉnh táo, đó là tính cách khác bạn, bạn cần thông cảm với những tính cách khác bạn và chúng ta đang bàn về việc khi gặp bất chắc thì những tính cách biệt kia cần cái gì :-)

Titi on lúc 15:20 14 tháng 1, 2010 nói...

Mặc dù những lời ông già nói là hoàn toàn đơn giản và dễ hiểu đối với chúng ta, những người đang tỉnh táo. Nhưng liệu trong lúc rối bời tâm trí như thế, anh chồng kia có thể nghĩ nổi những gì ông già đang nói không?

Unknown on lúc 15:32 14 tháng 1, 2010 nói...

Em thấy gặp gỡ là giải pháp khả thi. Trong tình huống trên, ông bố tỏ ra đúng mực đấy chứ? Ông khác hẳn một số bậc cha mẹ, chân thành lắng nghe con, đưa ra lời khuyên cho con, còn con quyết định ra sao lại rất tôn trọng. Đa số trường hợp vợ chồng ở với bố mẹ chồng, gặp trục trặc, cha mẹ bên chồng bênh con trai chằm chằm, cha mẹ bên vợ khuyên con gái chín bỏ làm mười. Nhưng ông bố chồng ở đây rất hay, ông cụ chẳng bênh ai, ông cụ chỉ gọn lỏn tùy các con thôi - rất tôn trọng ý kiến anh chị đấy nhé - hiếm thấy và mẫu mực.
Ngay cả trường hợp cô con dâu một thời có ý định mang con đi xa, vào trường hợp đa số các cụ nổi giận ầm ầm rồi, nhưng cụ nhà đây vẫn rất bình tĩnh, phân tích thiệt hơn cho anh con.
Như người khác, cụ đã khóc ầm lên vì cho rằng sắp mất cháu đích tôn. Nhưng cụ đã kìm nén được tình cảm để nhìn tương lai rộng cho cu cháu.
Phải nói cụ rất tuyệt, nhận lời khuyên từ cụ rất hay trong trường hợp này,

Titi on lúc 15:40 14 tháng 1, 2010 nói...

Câu chiện của anh VMC có tính giáo dục rất cao. Cho đến giờ phút này em tính ra được những điều hay ho như sau (ai thấy nhiều hơn thì cứ viết tiếp ạ)

Thứ nhất: về kỹ năng đàm phán - không bao giờ hạ nhục đối phương nếu muốn đạt được thỏa thuận cần có.
Thứ hai: Vợ chồng đã ly dị cùng có trách nhiệm như nhau trong việc đóng góp nuôi con nhưng người nào được chăm sóc sẽ có quyền lớn hơn người không chăm. Nhưng đừng có dại mà lấy quyền đó để ép buộc người kia đến đường cùng.

Thứ ba: nếu gặp rắc rối, cần tìm gặp người thứ 3, thứ 4 đáng tin và tỉnh táo hơn mà hỏi ý kiến
.
Thứ năm: Tính chia sẻ được cổ vũ. Tất cả những comments trong bài đều cho ta những kinh nghiệm nhất định. Ai thấy hợp với mình thì cứ áp dụng ạ.

Titi on lúc 15:52 14 tháng 1, 2010 nói...

Ôi trời, thiếu mất cái thứ tư:
Qua số lượng comments, ta thấy phụ nữ thích chiện về gia đình hơn đàn ông :-)

Unknown on lúc 15:54 14 tháng 1, 2010 nói...

Gặp gỡ là nên, trước tiên từ phía người vợ vì cô ấy đang phải thuyết phục người chồng cũ cho con ra nước ngoài cùng mình.
Người Việt Nam khác với người phương Tây ở điểm sống trách nhiệm, tình cảm tuy đôi lúc trách nhiệm, tình cảm có đi quá giới hạn cho phép.
Nên việc tìm hiểu người cha mới cho đứa con, đứa cháu mình là điều nên, vì nó đúng với truyền thống việt nam.
Nếu khéo léo, cô ấy sẽ phải vận động từ xa rồi, tạo những cuộc gặp gỡ giữa chồng cũ và gia đình mới của mình, để hai phía có cơ hội hiểu nhau, dễ thông cảm. Hoặc cũng phải hỏi đứa trẻ muốn gì chứ? Nó cũng phải có tiếng nói trong câu chuyện này.
Đằng này, cô ấy lại đưa tất cả mọi người vào sự sắp đã rồi thế này,

VMC on lúc 16:15 14 tháng 1, 2010 nói...

@Titi: Ở bên Phệt bục, số đàn ông comment ngang ngửa với phụ nữ luôn.

Titi on lúc 16:22 14 tháng 1, 2010 nói...

@Lan: hí hí...gặp gỡ và chia sẻ, đó mới là cách làm của người tỉnh táo thực sự :-)
@VMC: nhưng cộng hai bên lại thì phụ nữ vẫn áp đảo phải hong anh. Chẳng qua là bên fệt bục, anh có nhiều friends hơn thôi mừ :-)

Titi on lúc 16:26 14 tháng 1, 2010 nói...

Có lẽ, em nên vào fệt bục xem các ông nói rì cái nhỉ :-D

VMC on lúc 16:40 14 tháng 1, 2010 nói...

Titi: OK, sang Phệt bục đi.

Titi on lúc 19:34 14 tháng 1, 2010 nói...

Hà hà...các ông í nói gần giống em. Dí dỏm hơn, cơ mừ, không "đầy đặn" như em :-P

Nặc danh nói...

Titi cho em cái link phệt bục đi.
Đi một ngày mà đọc comment đã chóng hết cả mặt, hiện vẫn còn choáng chưa biết chém gió vào chỗ nào nữa.
(Này)

VMC on lúc 23:11 14 tháng 1, 2010 nói...

@Này: Muốn đọc Phệt bục, em cũng phải mở một cái account, rồi add FB của anh thì mới xem được.

Tóc Dài on lúc 16:07 15 tháng 1, 2010 nói...

@Lana @ VMC : Không phải là tớ không muốn ngày 2 xuất nhé , 3-4 xuất tớ cũng hấp thụ được đấy bạn C ạ . Chỉ có điều đúng như Lana nói , viết cũng nhọc nhằn lém . Tự nhiên chúng ta có truyện để đọc và tranh luận thế này đã quá thích thú rồi , bạn C còn cả núi công việc chứ có phải chỉ ngồi đây sáng tác không thôi đâu . Tớ pha cho bạn C 1 ly cafe nóng đây , uống và nhào nặn ra nhiều cái hay ho cho bọn tớ ngâm cứu với nhá :))

VMC on lúc 23:38 15 tháng 1, 2010 nói...

Oài, cảm ơn bạn Dài nhá. Thực sự muốn uống cà phê của bạn,

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết