27/9/10

Ở HÀ NỘI NHỚ HÀ NỘI



Từ Huy

Ngồi trước hồ Tây mà nhớ hồ Tây. Ở trong gió hồ Tây, trong hơi nước hồ Tây, mắt tắm trong sóng hồ Tây, mà nhớ hồ Tây. Hoàn toàn không giống như người du khách của Nguyễn Bính, đến xóm Ngự Viên tiêu điều của hiện tại để nhớ về Ngự Viên huy hoàng trong quá khứ.

Mà đây là một nỗi nhớ đi trước nỗi nhớ? Nỗi nhớ đến quá sớm? Dự cảm về nỗi nhớ? Biết gọi như thế nào cho đúng? Đây chính là cái cảm giác đã từng xuất hiện vài lần trong đời: cảm giác về một hiện tại sắp trở thành quá khứ, hay đang trở thành quá khứ. Cảm nhận về tính chất quá khứ của hiện tại. Cái cảm giác xuất hiện khi ngồi đối diện một người bạn và biết rằng khoảnh khắc này khó còn có thể tái lặp trong một khoảng thời gian chưa thể xác định được. Một cái gì bóp nghẹt trí não khi đôi mắt ghi lại dáng hình của người ấy, tai ghi lại giọng nói, và đồng thời biết rằng giọng nói đó, dáng ngồi đó đã trở thành kỷ niệm ngay khi đang được nắm bắt. Quá khứ vắt qua hiện tại. Quá khứ nằm trong lòng hiện tại.

Đó là khi một quyết định biến mất được thực hiện. Biến khỏi một thành phố. Điều đó chẳng có gì đặc biệt. Lại càng chẳng có gì đặc biệt khi mà người ta từng biến mất ngay khi còn đang tồn tại trong thành phố đó. Hugo đã từng miêu tả việc Paris nuốt chửng Jean Valjean vào cái bụng khổng lồ của nó như thế nào. Jean ở đó, nhưng không ai biết đến ông cả; ngay cả người sống bên cạnh ông, người mà ông hết mực yêu quý, nàng Cosette xinh đẹp ấy, cũng không biết ông thực sự là ai; thế thì khác nào ông đã biến mất khỏi đó. Trong trường hợp này ranh giới giữa tồn tại và biến mất rất mơ hồ.

Giờ đây hẳn nhiên Paris đã là quá khứ. Nhưng ngay lúc đó, khi thả bộ dọc sông Seine cùng cô bạn gái mắt xanh, hay khi chạy dọc Lối đi xanh (Coulée verte) được bao bọc bởi các luống hoa hồng vàng trắng đỏ với nhiều gam khác nhau xen cùng vô số loại hoa khác, hay khi lắng nghe tiếng chân mình dạo hờ khúc nhạc hẫng trên đám lá rụng ở một góc khuất vắng trong vườn Luxembourg cùng người bạn văn chương, rồi khi cùng một người bạn khác ngắm các màu sắc không ngừng biến đổi trong rừng Fontainebleau, Paris cũng đã là quá khứ rồi. Những hạt của quá khứ trộn lẫn không khí phủ tràn màng phổi.

Hà Nội cũng bắt đầu trở thành quá khứ. Hồ Tây có vẻ rộng hơn và gió hồ bắt đầu mang theo thông điệp rõ rệt hơn. Những vỉa hè hở hoác, nứt toác – triệu chứng của căn bệnh hình thức hay hậu quả của những mánh lới kiếm tiền thời hiện đại – kể lể với những gót giày về bao vết thương của chúng. Thành phố ngàn năm có xá chi mấy cái vỉa hè vài ngày tuổi. Có ai hỏi xem những vỉa hè ấy, chúng muốn gì; có ai hỏi xem Hà Nội muốn gì khi quyết định xây dựng nhà này ở đây, nhà nọ ở kia, khi quyết định quét vôi, sơn tường cho phố cổ?


Nếu người ta hỏi Hà Nội để biết nó muốn gì thì có lẽ thủ đô này đã có một diện mạo khác, có lẽ các đường phố của Hà Nội đã không biến thành sông suối mỗi độ mưa về. Hình như người ta quên rằng Hà Nội có một tâm hồn. Hà Nội cũng là một chủ thể. Hà Nội có tâm tư nguyện vọng của mình. Mà để tri nhận một tâm hồn, nhất thiết phải có một tâm hồn.

Hồ Tây vẫn khoáng đạt. Cái khoáng đạt của tự nhiên mà con người khó lòng xóa bỏ nổi. Nó mang lại cảm giác thông thoáng cho toàn thành phố. Gió hồ cố gắng xua đi cái ngột ngạt oi bức khói bụi tích tụ trên bầu khí quyển đặc thù của Hà Nội. Hồ Tây khác hồ Gươm. Hồ Gươm tĩnh như một biểu tượng bị sử dụng. Hồ Tây tự do và tự nhiên, cho dù cách bài trí của hệ thống đường ven hồ càng ngày càng tước đoạt mất vẻ tự nhiên của nó, con người chỉ biết mình muốn gì, không cần biết hồ muốn gì.

Hồ Tây cùng sông Hồng thanh lọc cho Hà Nội, giữ cho Hà Nội tính chất phơi phới. Hơn thế chúng còn áp đặt sự hiện diện của nước. Hẳn rồi, vì với sông Tô Lịch hay với một số hồ khác, người ta tránh nhắc đến nước. Mức độ ô nhiễm khiến người ta thà đừng nhắc đến nước của những nơi đó. Sự hiện diện của nước vốn là một cái gì quan trọng trên xứ sở lắm sông suối nhiều ao hồ và hàng ngàn km bờ biển này. Hồ Tây và sông Hồng nhắc cho Hà Nội nhớ rằng dù sao nước vẫn còn đó.

Đang ở Hà Nội mà nhớ một số người Hà Nội/người sống ở Hà Nội. Những người can đảm trong lặng lẽ. Những con người thua thiệt. Nhưng không phải thua thiệt vì hèn kém. Trái lại, sức mạnh của họ là ở đó: chấp nhận thua thiệt để bảo vệ nhân cách, để chống lại sự biến mất ồ ạt của những giá trị truyền thống và những giá trị nền tảng của đạo đức xã hội. Họ cưỡng lại cái dòng chảy xiết của sự băng hoại tưởng chừng như không thể nào cưỡng nổi. Hẳn nhiên, sẽ tốt hơn, nếu họ vừa chống lại được cơn triều cường của sự suy thoái đó, vừa không bị thua thiệt.

Nhiều tài năng ở Hà Nội đã và đang biến mất dưới gánh nặng của cuộc mưu sinh, biến mất ngay chính trong lòng Hà Nội. Có những người thành đạt trong chính sự lãng phí tài năng của họ. Thành đạt và sự phát triển tài năng không hẳn đi đôi với nhau, trong thời này và ở nơi này. Chỉ với một khoảng cách cần thiết và một quãng lặng cần thiết trong đêm là có thể nghe rõ sự sự thất thoát ở cấp độ báo động của nguồn năng lượng trí tuệ vốn rất dồi dào ở Hà Nội. Thất thoát ngay trong lòng Hà Nội. Khắp mọi lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, các nguồn năng lượng đang bị lãng phí. Đang biến mất.


Ở Hà Nội mà nhớ những người Hà Nội/người sống ở Hà Nội kiên quyết không đầu hàng hoàn cảnh. Họ cố gắng để bảo vệ năng lực của mình, tránh để mình bị lãng phí, dù thường khi không dứt được cảm giác vô vọng. Và những người kiên quyết sử dụng năng lượng của mình cho hoài bão và lý tưởng. Những người nỗ lực để tạo ra một thực tế khác, thực tế như họ mong muốn. Những người hành động cho các mục tiêu tiến bộ, chấp nhận trả giá. Trả giá đôi khi đồng nghĩa với biến mất, ví dụ như biến mất khỏi hệ thống, hay bị buộc biến mất khỏi cuộc sống tự do bình thường. Nhưng sự biến mất của những người này có khả năng đảm bảo cho sự hiện diện của họ. Cùng với việc biến mất, họ dành cho tương lai một cơ hội. Vì sự biến mất cũng có thể được bảo tồn như bất kỳ một sự vật hiện tượng nào trong đời sống.

Từ cửa kính của cà phê ven hồ, nhìn mặt nước lặng im, tự hỏi rằng đã bao giờ tồn tại một cách thực sự ở thành phố này. Hay những năm tháng chẳng qua cũng chỉ là một cuộc biến mất dài dằng dặc. Biến mất ngay khi đang tồn tại. Cũng giống như phố Hàng Đào hoàn toàn biến mất dưới chồng chất những đống hàng Trung Quốc rẻ tiền. Nếu người ta quan tâm đến việc phố Hàng Đào muốn gì thì chắc nó đã không phải khoác lên mình cái bộ mặt hạ đẳng của hàng Tàu dởm.

Nỗi buồn của một con phố ở trung tâm của thủ đô ngàn năm tuổi, nỗi buồn ấy cũng biến mất như bản thân con phố ấy, biến mất như những phiên chợ vùng quê cũng chồng chất hàng Tàu chất lượng kém. Một quá trình trở thành quá khứ đang bắt đầu. Liệu có đến ngày rồi tất cả sẽ chỉ còn là quá khứ? Liệu có đến ngày xứ sở này cũng sẽ chỉ còn là quá khứ trong hoài niệm của một số người có ý thức về sự vong bản? Vậy ở lại hay biến mất khỏi một thành phố còn có ý nghĩa gì?

Ở Hà Nội mà nhớ đến Vinh. Vinh thì lại là chuyện khác. Biến mất khỏi Vinh là một điều không dễ. Dù không có mặt ở đó cũng khó có thể gọi là biến mất. Phải chăng vì ở đó có ngôi nhà của ba mẹ, ngôi nhà của chính mình? Phải chăng vì lúc nào cũng có thể trở về đó? Ở lại hay rời bỏ thành phố nhỏ ấy cũng không có ý nghĩa gì: không thể biến mất hoàn toàn khỏi nơi đó. Goethe nói: “Nơi tôi cảm thấy mình có ích, đấy sẽ là tổ quốc của tôi”. Và Marcel Brion đã bình luận về câu này: “Chủ nghĩa yêu nước của Goethe thật đẹp biết bao”.

Hẳn rồi. Vinh có nằm ngoài logic này không? Ở lại Vinh, rất có thể sẽ thành ra vô ích, song đi khỏi Vinh lại chưa hẳn đã là không có ích cho nó. Ở Vinh, việc thất thoát năng lượng trí tuệ hầu như không khiến ai phải chạnh lòng. Có vẻ như Vinh chấp nhận nhiệm vụ xuất khẩu chất xám của nó. Thành phố Vinh chưa bao giờ đặt câu hỏi: Vinh sẽ có diện mạo như thế nào nếu nó sử dụng được nguồn nhân lực mà nó cung cấp cho các thành phố lớn?

Khó lòng biến mất khỏi Vinh. Bởi lẽ đi ra khỏi Vinh là để trở về với nó, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ba trăm km từ Vinh ra Hà Nội, những con tàu nối kết mười sáu năm đứt đoạn, mười sáu năm lồng giữa hai lần vào thu. Thu là một đặc sản của Hà Nội. Uống mùa thu cho đến tận đáy ly cà phê Tây hồ, uống cả cho những lúc rồi sẽ thiếu mùa thu.

Đang ở trong lòng Hà Nội đã cảm thấy nhớ những phố dài xao xác heo may.

Hà Nội, 19/8/2010

Nguồn:
Ở Hà Nội nhớ Hà Nội - Tạp chí TIA SÁNG

Ảnh Hà Nội cổ: Tamtay.vn

7 comments:

Thái Anh on lúc 18:13 27 tháng 9, 2010 nói...

Bài này tuyệt quá!!!
Tác giả Từ Huy sinh ra ở Nghệ An, viết về Hà Nội rất hay! Nói được nhiều điều nhưng vẫn mang hồn cá nhân. Hay thật.
Tuy đoạn đầu có vẻ hơi... triết học 1 tý nhưng cháu thích đoạn sau, đoạn bắt đầu từ "Hà Nội cũng bắt đầu trở thành quá khứ...". Đọc một mạch thấy sướng quá!

Titi on lúc 21:13 27 tháng 9, 2010 nói...

Bài viết khá công phu, nhưng không tránh khỏi xu hướng oán trách, hờn dỗi lấp loáng đâu đó của một người không thể thuộc hẳn về HN. Hi hi...

Little Cat on lúc 21:21 27 tháng 9, 2010 nói...

"Khó lòng biến mất khỏi Vinh. Bởi lẽ đi ra khỏi Vinh là để trở về với nó, dưới hình thức này hay hình thức khác." ...

Nhà luôn là nơi ra đi để trở về phải không ạ? Vinh đã làm rất tốt nhiệm vụ của một mảnh đất nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước mà không đòi hỏi về mình điều gì từ họ!

Em yêu quê em! Cảm ơn tác giả Từ Huy và bác VMC đã post entry ạ!

Nặc danh nói...

Mình thích VMC viết về HN cơ, mới hay, hic.

LU on lúc 12:20 28 tháng 9, 2010 nói...

Hà Nội...người Hà Nội...thức ăn Hà Nội...thôi để em dìa bên nhà của em đại tám tiếp về Hà Nội ;))

Lililan on lúc 12:56 28 tháng 9, 2010 nói...

Về Vn Lần nào cũng bay ra Hà Nội ..thích không khí ở Hn Hơn Sài Gòn. Hà Nội cổ kính và lãng mạn

Nặc danh nói...

Chi TiTi nay cu cho minh quyen phan xet nguoi khac nhi?!" Thuoc ve Hn hay khong"thi co quan trong gi dau?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết