27/5/08

BẰNG LĂNG NHẬT BẢN (7)



Ông Daiki Takahashi lặng người sau khi nghe câu chuyện qua điện thoại của con trai. Ông không ngờ sự việc lại đưa đến hoàn cảnh trớ trêu ngày hôm nay. Âm điệu từ giọng nói run run với nhịp nói gấp gáp của Ichiro khiến ông hiểu rằng những gì mà Ichiro vừa kể chắc chắn có tác động rất lớn đến cuộc sống của nó.

Ông vẫn còn nhớ cái buổi chiều mùa thu heo hắt ông nhận được cú điện thoại của người em trai báo tin bệnh tình của cha ngày một trầm trọng và ông cụ sẽ khó mà trụ lại đến mùa đông. Ông vội vã đáp tầu cao tốc trở về thành phố nhỏ duyên hải nơi cha ông chọn làm nơi ẩn dật sau khi nghỉ hưu đã gần 30 năm nay.

Cha ông ngồi trên chiếc ghế bành bằng mây, quay mặt ra khu vườn còn vương lại những tia nắng rớt. Cặp mắt mờ đục của cụ như sáng lên một chút khi thấy con trai trở về. Ông quỳ xuống bên cạnh cha, cầm lấy bàn tay nhăn nheo của cha và hôn nhẹ lên đó.

Ông nhìn cha xót xa. Người đàn ông cao to, kiêu hùng, thần tượng một thuở của đám thanh thiếu niên trong thị trấn, giờ đây ngồi nhỏ thó như một đứa bé trong chiếc ghế. Người đó đưa bàn tay run rẩy vuốt ve gương mặt của ông: "Đừng khóc con, đàn ông nhà Takahashi không bao giờ được khóc!"

Ông rút khăn mùi xoa lau mắt. Đối với ông những lời nói của cha bao giờ cũng là mệnh lệnh thiêng liêng mà ông không bao giờ dám cưỡng lại. Cha ông nói chậm rãi bằng một giọng rin rít và ngắt quãng: "Daiki, giá trị to lớn của cuộc đời cha. Cha hài lòng vì những gì con đã làm cho dòng họ, cho con, cho gia đình con và cho đất nước này. Cha bao giờ cũng tự hào về con. Giờ đây, khi cha sắp sửa ra đi, cha muốn con biết một điều bí mật mà cha vẫn chôn chặt trong lòng và nếu có thể, hãy tha thứ cho cha..."

Ông Daiki cầm hai bàn tay cha và hấp tấp nói: "Vâng, thưa cha, có điều gì uẩn khúc, cha cứ nói. Con nguyện sẽ hóa giải để cha được an lòng". Ông già lặng im. Những tia nắng rớt ngoài vườn như đang trườn đi khiến khung cảnh phần nào ảm đạm.

- Daiki, khi cha trở về sau chiến tranh lúc đó con đã 15 tuổi rồi, đúng không?

- Vâng.

- Ừ, cha nhớ con bắt đầu vỡ giọng. Chỉ chưa đầy ba năm không gặp con, mà khi cha trở về, con đã từ một đứa bé trở thành một chàng trai. Cha còn nhớ con đã hân hoan thế nào khi cha trở về. Bạn bè con có đứa bố bị chết trận, có đứa bố trở về nhưng bị thương tật. Thế nên việc cha trở về lành lặn khiến con không chỉ vui mừng mà còn tự hào nữa. Con cũng chẳng cần biết cha đã làm gì trong cuộc chiến đó. Chắc con cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng người cha oai hùng của con đã tung hoành ngang dọc, đã tiêu diệt không biết bao nhiêu là quân thù...

Ông Daiki ngước lên nhìn cha. Đúng là như vậy. Cậu bé 15 tuổi Daili lúc đó chỉ mong được đeo chiếc kiếm của cha vào thắt lưng, nhảy lên lưng ngựa và thúc cho nó phi nước đại trong tiếng quân reo vang dội.

- Cha nhớ khi cha tháo kiếm ra chưa biết để đâu thì con đã nhanh nhẹn đỡ lấy. Rồi con cầm nó bằng hai tay nghiêm trang bước đến chỗ bàn thờ. Con từ từ quỳ xuống nâng kiếm lên ngang mày. Con nhìn vào cây kiếm với ánh mắt vừa âu yếm vừa nể trọng. Con hôn nó rồi mới đặt nó lên bàn thờ... Nhưng ngày hôm sau, chiếc kiếm đã không còn ở vị trí ấy nữa. Con có thắc mắc, và cha giải thích là đã đem nó đến cho bảo tàng chiến tranh. Con có biết cây kiếm ấy giờ ở đâu không?

- Không, cha ạ. Khi con lên Tokyo học đại học, con nhủ thầm nhất định phải đến bảo tàng chiến tranh để nhìn ngắm lại cây kiếm của cha. Nhưng học hành, rồi công việc, vợ con... nên cho đến tận giờ con vẫn chưa đi thăm lại cây kiếm của cha.

- Nó không nằm ở viện bảo tàng đâu, Daiki. Cha đã đem chôn nó ngay ngày hôm sau. Chỗ của nó là dưới đất. Cha đã giết người bằng chiếc kiếm đó. Ở Việt Nam!

Ông Daiki giật nẩy mình khi nghe lời thú tội ngắn gọn và rành rẽ của cha. Ánh mắt ông cụ phiêu diêu đậu đâu đó ngoài khu vườn đã tắt nắng.

- Nhưng cha ơi, đó là chiến tranh. Chuyện giết chóc trong chiến tranh thì cũng là thường tình...

- Điều đó đúng trong trường hợp sát hại quân thù. Còn cha lại đâm chết một người nông dân không có một tấc sắt trong tay chỉ vì lý do anh ta đã đầu độc con ngựa của cha. Chiếc kiếm đó đã thấm máu của một người vô tội... Nhưng cha không chỉ giết chết một con người đó. Cha còn giết hàng nghìn người khác bằng cách tịch thu thóc lúa của họ, khiến họ bị chết dần chết mòn, chết tức chết tưởi vì đói... Con có bao giờ nghe đến nạn đói năm Ất Dậu tại Việt Nam không? Đó thực sự là cảnh tượng kinh hoàng...

- Con cũng biết sơ sơ... - ông Daiki ngập ngừng đáp.

- Con biết, sau này thì con biết hết. Nhưng con đã không nỡ hỏi cha tường tận về chuyện đó. Cha cảm ơn con đã không căn vặn về quá khứ của cha. Nhưng nếu con hỏi cha, để cho cha được trả lời, thì có lẽ cha đã thanh thản hơn rất nhiều...

- Con xin lỗi.

- Không cần phải xin lỗi đâu. Con biết không, có những đêm cha giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng rú hãi hùng từ góc vườn nơi chôn cây kiếm. Đúng là tiếng rú của anh chàng nông dân đã bị cha đâm chết. Có những đêm cha lại nghe thấy tiếng nỉ non của hàng nghìn con người đang van xin thức ăn vì đói... Họ đi theo cha suốt từ đó đến nay.

- Cha ơi, nhưng cha đã rời ngôi nhà có mảnh vườn đó từ lâu. Gần 30 năm nay cha dọn về đây, nơi không còn cây kiếm nữa, làm sao cha còn bị ám ảnh đến như vậy?

- Không, con ạ. Khi cha dọn đến ẩn dật chỗ này, cha đã đào cây kiếm hoen gỉ ấy lên và mang nó đến chôn ở góc vườn chỗ dưới tảng đá nhỏ đằng kia. Cha đáng bị trừng phạt, thì hãy để cho cha bị trừng phạt. Cha phải tiếp tục chịu đựng nó, nếu không tai hoạ sẽ giáng lên đầu con, các em con, con cháu của các con. Cha cứ ngỡ cha có thể nhanh chóng được giải thoát, nhưng ông trời đã bắt cha phải chịu đựng thêm gần 30 năm nữa. Phải đúng 50 năm cầu nguyện xin tha thứ cho tội ác ấy, cha mới được giải thoát. Nay chắc đã sắp đến lúc đó rồi...

- Kìa cha, cha đừng nói như vậy!

- Daiki, cha biết cha sắp được ra đi. Ý nguyện cuối cùng của cha là con hãy cho Ichiro đến Việt Nam, hãy để nó đến đó để chuộc lại những lỗi lầm của cha. Có như thế cha mới được thanh thản nơi chín suối.

- Vâng, con sẽ làm theo lời cha. - Ông Daiki nói, nước mắt chảy dài trên má.

Đêm đó cụ
Takahashi lặng lẽ ra đi...

(còn tiếp)

PHẦN 1
PHẦN 2
PHẦN 3
PHẦN 4
PHẦN 5
PHẦN 6

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết