... Cậu bé Ngoạn co ro trong ổ rơm sau khi dằn bụng một củ khoai luộc mà u nó đưa cho khi sớm. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Ấy là mùa đông năm 1945 sau Tết Ất Dậu ít lâu. Ông Thiềm, thầy nó dặn nó chỉ loanh quanh ở nhà không được đi ra ngoài kẻo chết rét.
Ông nội nó là địa chủ ở cái làng này, nhưng thóc lúa của gia đình đều đã bị bọn Nhật tịch thu cả. Tất nhiên, ông nội, thầy nó và các chú cũng đã giấu được một ít, song họ cũng chỉ dám ăn dè sẻn, thậm chí cũng phải tỏ ra túng thiếu để bọn Nhật đỡ sinh nghi.
Bụng rỗng, trời lạnh trẻ con không được ra ngoài là đương nhiên. Nhưng ông Thiềm còn ngại mấy đứa con ông có thể bắt gặp xác những người chết đói ở đâu đó trong làng. Từ sau Tết đến nay, hầu như ngày nào làng cũng có người chết đói. Hôm trước, cả nhà anh cu Liễn, từng làm công cho nhà ông Thiền, đã chết sau mười mấy ngày không có gì ăn.
Ngoạn ở nhà một mình, nó đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng ồn ào, những tiếng chửi rủa, rồi tiếng kêu thất thanh của một người đàn bà: “Thả chồng tôi ra!”. Nó định thần giỏng tai lắng nghe. Tiếng người phụ nữ lại ré lên: “Thả chồng tôi ra!”. Ơ, giọng này đúng là của u nó. Ngoạn vùng dạy và chạy qua mảnh sân nhỏ ra đường làng có lát những phiến đá xanh lớn.
Nó nhìn thấy u nó đang bế con em miệng không ngớt kêu la đi theo một toán lính Nhật giải hai người đàn ông bị trói giật cánh khủy. Một đám người làng ồn ào kéo đuôi theo sau. Nó nhận ra hai người bị trói là thầy nó và anh Đàn người ở cho gia đình nó.
Nó chạy đến và túm lấy áo u nó: “U ơi, sao thầy lại bị bắt thế kia?”. U nó quệt nước mắt trên gương mặt lấm lem: “Con ngựa của quan Nhật chết, nên nó bắt thầy và anh Đàn. Phen này chắc nó giết thầy mất con ơi”.
Nghe thấy thế thằng Ngoạn òa khóc nức nở. Nó đã nghe nhiều câu chuyện rùng rợn về sự tàn ác của lính Nhật. Bọn Nhật về tịch thu thóc lúa và đóng quân ở làng bên. Chúng coi mạng người như con nhái.
Chỉ huy của chúng là một tên sĩ quan tuổi chừng 40. Trái với lũ lính thấp lùn, tên này dáng dong dỏng cao, có gương mặt khá điển trai và phong trần. Hắn đi bốt da, đeo kiếm dài và thường xuyên cưỡi ngựa.
Một buổi chiều hắn đến nhà ông Thiềm. Hắn biết nhà ông vẫn còn nuôi mấy con trâu và cố gắng giữ chúng bằng được cho vụ mùa tới. Qua tên thông ngôn, hắn yêu cầu ông Thiềm hàng ngày phải cung cấp một phần cỏ mà anh Đàn kiếm được cho con ngựa của hắn.
Và thế là hàng ngày, anh Đàn phải lũi cũi ôm mớ cỏ mà anh lặn lội kiếm được đến cho tên sĩ quan Nhật. Mùa đông, cỏ hiếm dần, có hôm anh Đàn kiếm được rất ít, nhưng ông Thiềm vẫn bảo anh mang cả cho tên sĩ quan, còn mấy con trâu ở nhà ông cho ăn rơm.
Anh Đàn ức lắm, thằng Ngoạn nghe anh chửi rủa, nhưng thầy nó an ủi: “Thôi, thí cho nó đi con. Cố cầm cự hết mùa đông, chừng tháng nữa là lại có cỏ thôi mà!”. Anh Đàn lầm bầm: “Chém cha con ngựa nhà nó!”.
Đến giờ này thì thằng Ngoạn lờ mờ hiểu ra rằng anh Đàn đã làm điều gì đó khiến con ngựa của thằng sĩ quan Nhật bị chết, và lính Nhật bắt cả anh Đàn lẫn thầy nó giải đến cho thằng sĩ quan hỏi tội.
Bọn Nhật giải hai người đàn ông qua cánh đồng sang làng bên. Thằng Ngoạn chạy theo u nó trên những luống đất đã cày đang phơi ải, mẹ chạy đến sát thằng lính Nhật áp giải và kêu: “Chồng tôi không có tội!”.
Tên lính mạnh tay gạt khiến mẹ nó cùng đứa em gái ngã xóng xoài. Con em khóc ré lên. Thằng Ngoạn chạy tới đỡ mẹ và em dậy. Thầy nó quay lại nói: “U em cho các con về đi, đừng cho chúng nó nhìn thầy cảnh này”.
Nhưng u Ngoạn không chịu về. Một số người dân làng, chủ yếu là những người làm công cho ông Thiềm, cũng đi theo.
Tên sĩ quan Nhật đeo kiếm dài đứng chờ đoàn người bên cạnh xác con ngựa. U Ngoạn đưa em cho nó bế và quỳ sụp xuống chân hắn: “Con cắn cơm cắn cỏ lậy quan lớn, chồng con không giết ngựa, xin quan lớn tha tội chết”!
Tên Nhật liếc mắt ra hiệu cho đám lính xốc nách lôi người đàn bà ra. Hắn ra lệnh trói hai người đàn ông vào gốc cây. Đến lúc này thì anh Đàn bật khóc nức nở: “Con giết chú rồi, chú ơi”.
Ông Thiềm gắt: “Im mồm, đàn ông dám làm dám chịu. Đến nước này còn khóc làm gì?”. Anh Đàn mếu máo: “Lạy chú tha tội cho con!”, rồi cố nín tiếng khóc.
Tên sĩ quan Nhật chầm chậm bước những bước dài từ chỗ con ngựa chết đến bên hai người đàn ông bị trói quỳ ở gốc cây. Tất cả những người có mặt ở đó nín thở. Chỉ có gió mùa đông bắc lướt qua cánh đồng trống hoác rít vào những tán cây ven làng như muốn xé rách chúng.
Hắn rút kiếm và đưa mũi kiếm đến cổ ông Thiềm. Ông ngửa cổ bình thản nhìn thẳng vào mặt hắn. Nhưng hắn quay lại phía anh Đàn, đưa mũi kiếm vào cổ anh như vừa làm với ông Thiềm. Chàng trai trẻ mặt lem nhem nước mắt nhìn hắn đầy lo sợ.
Hắn lùi lại một bước, vung mạnh tay về đằng sau rồi cắm phập chiếc kiếm vào ngực anh Đàn. Một tiếng kêu khàn đục vang lên hòa cùng tiếng hét thất thanh của đám người đứng quanh đó.
Tên sĩ quan đâm quá nhanh khiến thằng Ngoạn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó há mồm chăm chú nhìn vào ngực anh Đàn. Tên Nhật rút kiếm ra và một dòng máu đỏ phụt ra ngoài vào thẳng ống quần và bốt của hắn. Anh Đàn giãy lên một cái rồi gục đầu xuống ngực. Từ miệng anh rỉ ra một dòng máu đỏ tươi.
Thằng Ngoạn ngước nhìn tên sĩ quan. Hắn nhếch mép cười và cầm chiếc kiếm dính đầy máu quay lại chỗ xác con ngựa. Hắn đặt cây kiếm lên đầu con vật xấu số, rồi cúi gập người xuống.
(còn tiếp)
Photo from Hora Tomio's book "The Great Nanjing Massacre and the Kill All, Loot All, Burn All War "
0 comments:
Đăng nhận xét