Monas là tên viết tắt của National Monument hay Monumen Nasional, tức Tượng đài Quốc gia nằm ở trung tâm thủ đô Jakarta. Đấy là một ngọn tháp cao 137 mét, tượng trưng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia. Thắp bắt đầu được xây dựng từ năm 1961 dưới thời Sukarno và mãi 14 năm sau, sang giai đoạn trị vì của Suharto, tháp mới được hoàn tất.
Tòa tháp được thiết kế theo biểu tượng sinh thực khí Lingga-Yoni bao gồm 4 phần: tầng hầm (nơi đặt bảo tàng với những diorama mô tả lịch sử của Indonesia), phần đế (cao 17m) là nơi đón tiếp người đến tham quan, phần thân cao từ mét thứ 17 lên đến mét thứ 115. Ở độ cao 115 mét người ta cho xây dựng một mặt bằng mà từ đó có thể ngắm toàn cảnh Jakarta theo 4 phương 8 hướng trong những hôm trời quang mây tạnh.
Điểm đặc biệt của Monas là ngọn lửa cao 20m ở trên cùng của tháp (từ mét thứ 115 lên mét thứ 135). Nghe nói nó nặng đến gần 15 tấn và được mạ một lớp vàng thật với tổng số vàng nặng đến 35 kg. Ban đêm đèn pha chiếu vào, ngọn lửa trông như đang cháy.
Monas được đặt trong công viên Medan Merdeka với những vườn cây, hồ nước và tượng khá đẹp mắt. Vì vậy đây là nơi lui tới của rất đông người: các gia đình cho con đến vui chơi, thả diều; du khách xếp hàng leo lên độ cao 115m để ngắm nhìn quang cảnh Jakarta.
Monas cực kỳ đông khách vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi đến đó vào lúc khoảng 10 giờ sáng thứ bảy và nhìn thấy đoàn người rồng rắn xếp hàng dài ngót trăm mét để chờ trèo lên tháp. Với thâm niên gần 2 năm sống ở Jakarta, người dẫn đường cho tôi ước tính phải 2 tiếng đồng hồ nữa mới đến lượt chúng tôi lên tháp.
Ái chà, phải chờ đợi 2 giờ trong cái nắng nóng 32-33 độ C này thật chẳng thú vị chút nào. Nhưng biết làm sao, mọi người đều kiên nhẫn xếp hàng, đành phải chờ thôi.
Hai người đàn ông mặc áo batik đồng phục đứng ở khu vực gần cuối hàng nhận ra người nước ngoài rất nhanh và gật đầu chào bằng tiếng Indonesia. Người dẫn đường cho tôi chào lại và nói câu gì đó có từ Việt Nam. Tôi đoán rằng họ hỏi tôi là người nước nào. Một trong hai người đàn ông quay sang nói với tôi bằng thứ tiếng Anh khó nghe: “Hello, friend from Vietnam. Welcome to Jakarta”. Tôi hello và cảm ơn anh ta.
Người đàn ông vẫy bạn tôi và kéo anh ta ra xa khỏi hàng chừng mươi thước. Khoảng 5 phút sau, anh ta quay lại và nói: “Họ có thể cho mình vào trước nếu mình trả cho họ 150.000 rupiah (255 nghìn đồng)”. “Đấy là tiền cho một hay hai người vào?” – tôi hỏi. “Hai người. Họ nói là an ninh ở đây rất nghiêm ngặt, họ phải qua nhiều cửa, chứ không phải một mình họ lấy số đó”, người dẫn đường đáp.
Vé leo lên đỉnh tháp là 7.000 rupiah, cộng thêm với 5.000 rupiah bảo hiểm bắt buộc là 12 nghìn rupiah cho một chuyến du ngoạn thông thường. Muốn đi nhanh, ta phải chi thêm một khoản tiền tốn gấp 5 lần nữa. Hay thật, dịch vụ ở đây có vẻ như tồn tại đã lâu lắm rồi. Bên tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur (Malaysia) chắc khâu quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn, nên không có loại “cò” này. Trên chiếc vé ghi rõ giờ lên tháp để người tham quan lo làm việc khác, cứ đúng giờ đến là được đi thang máy lên.
Tôi rất tò mò xem cái công nghệ chen ngang này diễn tiến như thế nào, nên nói với người dẫn đường: “Cậu ra bảo họ 100 nghìn cho hai người có được không?”. Anh ta đi ra một lát rồi quay lại báo: “Họ đồng ý. Em đi ra trước, khoảng mấy phút nữa anh rời hàng và đi ra cái cửa kia nhé”.
Chúng tôi đi vào cánh cửa đó, đi qua khu vực có cánh cửa vào thang máy nơi du khách xúm đông xúm đỏ, leo theo cầu thang bộ tương đương với 4 tầng nhà, lên nóc của phần đế cao 17 mét. Trong lúc leo thang, người đàn ông mặc áo batik kịp xin tiền và ra hiệu cho chúng tôi nhất cử nhất động phải nghe theo anh ta. Đến cánh cửa nơi mà thang máy đưa người từ trên cao xuống dừng lại cho mọi người bước ra, ông ta yêu cầu chúng tôi dừng lại chờ.
Khoảng mấy phút sau cánh cửa bật mở cho 10 du khách đã hoàn tất phần tham quan trên cao bước ra, để ngắm nhìn Jakarta từ độ cao thấp hơn. Đợi cho mọi người ra hết, người đàn ông batik ra hiệu cho người đàn ông điều khiển thang máy cho chúng tôi vào. Ông ta đóng cửa và nói cho chúng tôi đứng nép vào một bên. Thang máy rất chật, công suất ghi chở được 12 người, nhưng thực ra nó chỉ chở 10 người.
Chiếc thang máy đi xuống nấc dưới, nơi có cánh cửa soát vé cho du khách vào. Do đã có 2 chúng tôi ở bên trong, nên chuyến này nó chỉ chở được 8 người. Người điều khiển thang máy đóng cửa và nhấn nút cho thang máy đi lên. Không khí trong thang máy tù túng, nồng nặc mồ hôi người chờ đợi hàng tiếng đồng hồ dưới nắng nóng. Không hiểu người điều khiển thang máy làm sao chịu đựng được cả ngày như vậy.
Thang máy chạy khá nhanh và êm, chừng 2 phút sau nó đã đạt độ cao 115m. Chúng tôi bước ra và khoan khoái hít thở bầu không khí mát mẻ và trong lành. Từ trên cao nhìn quang cảnh Jakarta thật đã. Người ta khá chu đáo khi cho treo ngang tầm nhìn những bức ảnh panorama lớn của từng hướng với ghi chú tỉ mỉ từng tòa nhà một.
Cũng không có nhiều việc để làm ở độ cao này, ngoài bỏ xu vào ống nhòm để xem cận cảnh từng tòa nhà ở xa và chụp ảnh. Thế nên chừng 10 phút sau, chúng tôi lại xếp hàng đi xuống. Do số người lên xuống luôn được hạn chế, nên hàng ở đây xếp không dài lắm và không còn có “cò” nào làm dịch vụ chen ngang để đi xuống.
Thang lại dừng ở nấc 17m để chúng tôi bước ra. Chỗ này chính là điểm sơ hở để những con cò đưa người chen ngang vào. Lần này không có ai chờ sẵn bên ngoài. Thực ra không phải ai cũng sẵn lòng bỏ ra thêm 50 nghìn rupiah (tương đương 85 nghìn đồng) để được chen ngang và không phải ai cũng tò mò muốn biết cái công nghệ chen ngang ấy nó như thế nào.
0 comments:
Đăng nhận xét