Bạn sẽ làm gì nếu như đột nhiên thất nghiệp?
Tất nhiên, bạn sẽ phải tìm công việc khác và có thể sẽ chấp nhận một công việc thấp kém hơn công việc cũ. Nhưng có điều 99,9% trong chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận công việc mà Daigo - nhân vật chính trong bộ phim Nhật Bản "Departures" nhận làm.
Trải qua bao gian khó, chàng trai tỉnh lẻ Daigo (Masahiro Motoki đóng) mới thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu của mình là được kéo đàn cello trong dàn nhạc giao hưởng ở thủ đô Tokyo. Anh dám bỏ 180 nghìn Yen (19 nghìn USD) mua một cây đàn quý để theo đuổi sự nghiệp của mình. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang, dàn nhạc bị đột ngột giải tán, bỏ lại chàng trai với giấc mơ tan vỡ và món nợ không nhỏ.
Daigo buộc phải bán cây đàn và dắt vợ về quê, sinh sống trong căn nhà nguyên là quán cà phê, nơi người mẹ quá cố đã một mình nuôi anh khôn lớn. Daigo đi tìm việc, sếp công ty NK Agent nhận anh ngay mà không cần phỏng vấn. Công việc lương cao, không cần kỹ năng - kinh nghiệm, được đi đây đi đó, không hề liên quan đến du lịch như Daigo và vợ anh lầm tưởng. Đó là việc TẮM RỬA, KHÂM LIỆM NGƯỜI CHẾT ĐỂ HỌ KHỞI HÀNH VÀO THẾ GIỚI BÊN KIA.
Chính Daigo cũng không ngờ rằng anh dễ dàng chấp nhận công việc ấy, bởi vì sau khi tận mắt chứng kiến những gì mà sếp đồng thời là thầy của mình làm, anh vỡ lẽ ra rằng đó không hề là công việc thấp kém. Khâm liệm người chết là một nghi lễ thiêng liêng, là cả một nghệ thuật mà phải là người có tâm thật sáng, có lòng nhân lớn mới có thể làm được.
Miko - vợ của Daigo (Ryoko Hirosue đóng) sững sờ khi biết được sự thật về công việc của chồng. Quá hoảng sợ, cô xách khăn gói về nhà cha mẹ đẻ. Ngay cả người bạn thuở thiếu thời của Daigo cũng không hiểu anh, trong một lần gặp nhau trên phố, anh khuyên người bạn một câu cụt lủn: "Cậu hãy tìm một công việc phù hợp hơn".
Càng làm, Daigo càng cảm thấy gắn bó với công việc của mình. Anh như người nối nhịp cầu giữa người sống và người chết, giữa người chết với thế giới xa lạ mà họ sắp bước chân vào. Công việc của anh khơi gợi lòng yêu thương, sự ăn năn, hối hận của những người còn sống đối với người đã khuất; chuẩn bị cho người chết một tâm thế để bắt đầu một hành trình mới.
Đến một ngày, vợ Daigo trở lại báo tin cô có mang 3 tháng. Đến một ngày, mẹ của anh bạn thân qua đời, Daigo một tay khâm liệm, xóa tan trong anh ta định kiến về một nghề không phù hợp. Đến một ngày Daigo phải vượt qua chính mình khi hay tin, người cha đã bỏ mẹ con anh 30 năm về trước để chạy theo người tình, qua đời mà anh lại là người ruột thịt duy nhất phải lo việc ma chay cho ông...
Chết không phải là chấm hết. Chết là cánh cổng mà ở đó người ta lại khởi hành.
Bộ phim trôi qua thật nhẹ và nhanh, nhưng để lại trong khán giả những dấu ấn sâu đậm về kiếp người. Lời thoại của phim giản dị, nhưng ẩn chứa sau mỗi lời thoại là một triết lý sống. Phim xứng đáng đoạt 10 giải thưởng điện ảnh của Nhật Bản, giải Oscar phim nước ngoài hay nhất và hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc tế danh tiếng khác.
Nếu bạn lỡ xem "Những cuộc khởi hành" vào ban đêm như tôi đã xem đêm qua, thì bạn yên tâm rằng bạn sẽ không bị ám ảnh và hoảng sợ về những cảnh trong phim. Bộ phim đầy ắp tình người, khiến bạn phải rưng rưng xúc động và thấy cõi tạm ngắn ngủi của chúng ta thật đáng sống biết bao.
Departures - Những cuộc khởi hành
Đạo diễn | Yōjirō Takita |
---|---|
Biên kịch | Kundo Koyama |
Diễn viên | Masahiro Motoki Ryoko Hirosue Tsutomu Yamazaki Kimiko Yo Kazuko Yoshiyuki Takashi Sasano |
Âm nhạc | Joe Hisaishi |
Quay phim | Takeshi Hamada |
Dựng phim | Akimasa Kawashima |
10 comments:
Bóc tem anh :D
Phim Nhật thì thường lê thê. Nhưng nội dung phim này nghe có vẻ được nhỉ. Em thích những vấn đề về tâm linh lắm :)
Ai hay xem phim Nhật thì sẽ nhận thấy bộ phim này đặc chất Nhật: Giản dị, nói ít, hiểu nhiều, ít cao trào nhưng nhiều triết lý. Nhưng mà phim này có đôi khi bị một số trường đoạn hơi sến :P. Điểm bonus cửa Okuribito là sound track toàn bản cực chất, anh Cường có nhu cầu load về thì ới em gửi cho nhé.
Em chưa xem phim. Đứng ở góc độ phim ảnh thì nghề nào cũng đẹp miễn là nó được "lên phim". Đứng ở góc độ thực tế thì ... gai góc đến tội nghiệp.
câu chuyện đem lên film thì có vẻ hay vì tính hơi thiên về phật, nhưng...nếu xảy ra bên ngoài thực tế thì em nghĩ khó mà chấp nhận hoàn cảnh thế này. Người bị rơi vào tình huống trên có thể gọi là bất đắc chí. Ai cũng muốn mình học gì thì sau này sẽ làm nghề đó để ước mơ thăng hoa. Để áp dụng cái sở học của mình làm được điều gì đó có ích cho bản thân cũng như cho xã hội. NHân vật trong film chỉ là tự an ủi mình rằng "thôi cũng không tồi nếu như ta cứ an phận với những xác chết, với mùi hôi tử thi để có cái sống qua ngày". Nhưng em biết chắc anh ta ko vui thì ko còn được đàn, ko được thực hiên ước mơ của mình. Ngày trước khi VN có thời kinh tế khó khăn nên ông xuống làm thèng, có nhiều bác sĩ đi làm cá, có nhiều nhà giáo đi bán chợ trời. Lúc đầu bản chất lịch sự của nhà giáo làm cho họ ko miệng bằng tay, tay bằng miệng được. Nhưng rồi vì đói quá nên họ bắt đầu phải thay đổi, học trò mà có dịp nhìn thấy cảnh họ mua bán thì hởi ôi, vì cũng chửi, cũng tranh giành với con buôn khác mới mong có cái mà ăn qua ngày. Nói túm lại, theo em thì nếu là film thì đáng coi vì biết tạo tình huống lạ, nhưng nếu xãy ra bên ngoài thực tế thì đúng là ko chấp nhận nổi tại sao mình học bác sỉ mà đi mổ cá? tại sao mình là giáo viên mà đi bán chợ trời, chửi bới giành giựt như hàng tôm hàng cá? lúc này cái câu " chết để đi đến thăng hoa hơn" có lẻ đúng theo nghĩa đen...
Mình không xem phim, nhưng mình nghĩ rằng, "nghiệp" của mỗi con người đều là do cơ duyên. Và nghề nào cũng cao quý nếu con người ta gắn cái tâm của mình vào đó!
Nghe bác này tả, em phải đi mua CD mới được, em đã chứng kiến việc khâm liệm vài lần, nhưng có lẽ với những người trong gia đình thì không thấy sợ, chứ người ngoài cũng sợ lém
@Lu: cũng không hẳn là "bất đắc chí". Có những lúc người ta không đi theo những gì ban đầu người ta định đi. Bỗng một ngày người ta lại ở ngoài vòng đã định trước. Một số người may mắn được như thế. Còn số đông thì an phận với những gì đã dự định từ trước, ví dụ như là từ bé đến lớn đều bước đi trên một con đường như đã vẽ sẵn rồi, như là cố gắng phấn đấu trở thành một bác sĩ, một nghệ sĩ,... sinh nghiệp tử nghiệp. Số đông này chưa có may mắn được ở bên ngoài nghiệp sẵn để xem nếu là một nghiệp khác họ sẽ thế nào. Nhưng có số ít lại may mắn một cách tình cờ như vậy, những lối rẽ khiến họ thay đổi 360 độ. Và rồi họ gắn bó.
@ Nguyen Thi : đi theo những gì mình đã định trước không gọi là "an phận" đâu bạn ơi. Nó gay go và đòi hỏi mình phải kiên nhẫn bám theo tới cùng đó chứ? Như Lu đã cmt ở trên là vì hoàn cảnh khó khăn nên có người ko giử được nghề. Họ phải thay đổi để tồn tại, tận trong suy nghĩ họ ko vui đâu, nhưng họ vẫn yêu đời yêu nghề trái cẳng ngổng đó để mà sống. Đây mới đúng là "an phận". An phận vì họ biết ko làm gì được hơn, hoặc họ đã mệt mõi để mà phấn đấu. Trong xã hội Lu đã từng tiếp xúc rất nhiều người như thế này rồi. Họ ko bất tài mà chỉ là thời ko có chỗ cho tài của họ. Đó là lí do tại sao người ta thường nói câu "hay không bằng hên". Lu dùng câu "bất đắc chí" cũng bởi vì Lu đã từng hơn 4 năm bị như thế. Thèng boss cũ của Lu nó đì Lu sói trán ko cho ngoi lên chỉ bởi vì Lu ko nghe lời nó. Mà chiều theo nó thì coi như làm nhục cái sự học mấy năm của Lu, cứ thế nên Lu cắm câu mà chờ thời như Khương Thượng í. Đã có lúc Lu chán nãn nên lại đi học tiếp ngành học khác với hi vọng đỗi nghề. Có thễ nói nếu Lu đỗi nghề thì chính là Lu thua cuộc, Lu chấp nhận an phận. Nhưng mừ..cái gì cũng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hắn cũng té văng đi cho Lu có cơ hội làm nghề mình học. Hà hà, bi giừ Lu đã tự hứa với mình là ko ngu nữa, đứa nào nó cản đường đi của Lu là Lu đạp...đạp...đạp...ko dở hơi như con dơi mà ngồi chờ sung rụng :D
a, em phải vào xí xớn 1 tý nữa là phim Nhật về cái chết mà cũng nhẹ nhàng ngộ nghĩnh còn 1 bộ nữa là Sweet rain, bán đầy trên Bảo Khánh với cái tít rất giật là Mưa Tình. Em nghĩ chắc chắn anh C sẽ thích phim này, giàu triết lý, đã thế anh thần chết lại còn mê âm nhạc nữa chứ :D. Trong phim này lần đầu em dc nghe anh Kim Thành Vũ nói tiếng Nhật bằng một thứ giọng rất ấm, muốn mê mệt luôn, hic. Sound track trong blog của em, anh vào nghe thử xem, hay hay :D
Bộ phim nói về sợi dây liên hệ giữa người chết và những người ở lại. Mượn việc khâm liệm xác chết để nói lên những triết lý sống, những câu chuyện nhân văn. Còn việc nhân vật chính phải từ bỏ giấc mợ, nợ nần, bán đàn... chỉ là tình tiết nhấn để câu khách, tạo sự hấp dẫn thêm cho phim. Các bạn bàn tán nhiều làm giề.
Btw, em sẽ đi mua đĩa này về xem. Thanks đại ca nhé.
Đăng nhận xét