22/6/09

HÔN NHÂN DỊ CHỦNG



Anh họ tôi kết hôn với một phụ nữ nước ngoài. Cuộc sống của họ khó mà hình dung được là một cuộc sống chung. Chị sống theo kiểu của chị, theo mặc định văn hóa của chị. Anh sống theo kiểu của anh, một người Việt Nam gia trưởng mà nếu sống ở Việt Nam với vợ con là người Việt thì cũng khó mà tìm được tiếng nói chung.

Cùng một nhà mà họ ít gặp nhau, gặp nhau cũng ít nói chuyện. Thỉnh thoảng họ cũng cãi vã, nhưng chẳng bao giờ cãi được đến nơi đến chốn. Đơn giản là nếu chị có phun ra những lời giận giữ, thì anh cũng chẳng hiểu chị nói gì. Hoặc nếu anh có muốn đập bàn quát lên cho hả giận thì cũng chẳng biết phải quát như thế nào.

Có lẽ cái sự không đủ ngôn ngữ đã khiến họ không vượt qua giới hạn của những điều tệ hại có thể làm tổn thương nhau dễ dẫn đến chia tay đôi ngả. Một điều nữa giữ hai người lại với nhau là hai cậu con trai đẹp như thiên thần. Chúng đẹp hơn tất cả những đứa trẻ sống ở khu phố của họ. Điều đó khiến chị hãnh diện. Chị cũng nhìn thấy một kiểu yêu con rất đặc biệt của đàn ông Á Đông, thứ tình yêu khó cắt nghĩa và khá khác biệt so với tình cha con Châu Âu thông thường.

Chị là người phụ nữ xinh đẹp, thoáng nhìn cũng biết là người tốt. Bạn bè người Việt sống cùng thị trấn với gia đình anh ca ngợi: "Khó mà tìm được người vợ nào tốt hơn Violetta". Anh cười cười: "Cũng khó mà tìm được người chồng nào như tôi!". Ngẫm ra thì đúng thế, anh thu xếp chỗ làm cho vợ và cô em ruột của vợ, không phải lo nghĩ gì.

Họ cứ sống như thế, hai nửa hoàn hảo dưới một mái nhà, thân thiết mà xa lạ, yêu thương nhưng không thể chiếm hữu nhau.

Cuối năm ngoái, anh về Việt Nam thăm gia đình. Về một mình, vì các con đi học, vợ thì bận rộn với mùa bán hàng Giáng sinh. Trước Tết một tuần, chị gọi điện cho anh: "Em sẽ đưa hai con sang Việt Nam ăn Tết với mẹ anh!". "Sao lại quyết định đột ngột thế?" - anh hỏi giọng đầy cảnh giác. - "Không đột ngột đâu. Em quyết định sang Việt Nam cùng lúc với anh, chỉ có điều bây giờ mới nói!", chị đáp. Anh bực bội: "Lẽ ra phải nói sớm hơn, để còn chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở chứ!". Chị bình thản trả lời: "Em học anh đấy, luôn đặt người khác vào việc đã rồi. Em đã mua vé máy bay. Sáng mùng Hai về đến Hà Nội. Không có chỗ ở tại nhà anh thì có thể thuê khách sạn. Anh nhớ ra sân bay đón mẹ con em!"

Khỏi nói anh mừng thế nào khi nghe tin này. Hai thằng con anh dù mang nửa dòng máu nước ngoài, vẫn là những thằng cháu nội mà mẹ anh mong gặp hơn ai hết. Mấy lần anh đã định đưa chúng về Việt Nam, song vợ anh không cho vì sợ anh có thể bỏ chúng ở lại. Nay chị đích thân đưa chúng sang, tức là chị cũng mong chúng biết rõ về nguồn cội của mình.

Chuyến bay hạ cánh xuống Nội Bài vào sáng sớm mùng Hai. Anh hòa mình vào dòng người đứng nhốn nháo trước hàng rào inox đối diện với cánh cửa kính nơi hành khách đi ra. Tay anh cầm một bó hoa gói khá cầu kỳ mua tại quầy hoa trong sân bay. Thấy anh lóng ngóng với bó hoa, tôi cười: "Ở bên ấy anh có bao giờ tặng hoa cho vợ không?". - "Không bao giờ" - anh đáp cụt lủn. "Thế sao hôm nay lại mua hoa?" - "Thấy người ta toàn cầm hoa đi đón người nhà, mình không có hoa trông lạc lõng thế nào ấy"- anh ngượng ngập giải thích.

Tôi dễ dàng hình dung ra tình cảnh của người phụ nữ Châu Âu khá xinh đẹp không bao giờ nhận được hoa của chồng. Chắc chị đã nhiều lần dằn vặt không hiểu người chồng Việt Nam này có thực sự yêu mình không, rốt cục thì mình là ai đối với người đàn ông khó hiểu này và mình được gì từ cuộc hôn nhân hợp chủng này.

Người đàn ông bao năm chỉ thích làm theo ý mình bỗng nhiên thay đổi hành vi khi thấy mình xử sự không giống với những người đồng bào.

Rồi chị đẩy xe hành lý cùng hai đứa con đi qua kiểm soát hải quan và tiến ra phía cửa. Hai đứa trẻ ngỡ ngàng nhìn người đàn ông cầm hoa đang đứng nhìn chúng mắt cười lấp lánh. Chúng kêu ầm: "Tatus, tatus" (Bố, bố). Anh giang tay ôm cả ba người. Tôi thấy chị có vẻ ngượng ngập. Hình như chị chưa quen được chồng ôm tại chốn đông người như thế này.

Ảnh: Corbis

11 comments:

LU on lúc 20:28 22 tháng 6, 2009 nói...

em cũng te tái bốc tem anh phát trước khi đi vào công ti đơi, chiều về có time rồi í kiến í cò típ. Nhưng mừ thật sự em ko hợp nổi cái món tình yêu và hôn nhân dị chủng này. Có lẽ em giống anh chồng cổ hủ này. Em không bài ngoại, nhưng đối với em ngoại quốc cho dù giỏi dù tốt đến mấy cũng chỉ là đồng nghiệp là bạn bè xã hội. Không thể nào tìm được tiếng nói chung khi mà hai ngôn ngử hai văn hóa khác nhau. Cho dù mình giỏi tiếng anh đến cở nào nhưng tự trong máu của mình vẫn là dòng máu á đông. Người Việt mình với nhau mà đôi khi còn ko hiểu nổi suy nghĩ của nhau đến nổi nhiều cặp còn dẫn đến tình trạng đồng sàng dị mộng kìa. Em có nhiều nguời bạn cũng quen ngoại quốc, cũng lâhp gia đình với người ngoại quốc, nhưng cuối cùng rồi họ vẫn tìm về với người Việt mình. Ai khoái đồ ngoại thì khoái riêng em chỉ chuộng Vietnamese only. Mừ phải là dạng ko lai căng nhá! cứ cá kho canh chau rau muống là em xơi, ko thích McDonald :D

vutd on lúc 20:35 22 tháng 6, 2009 nói...

Muốn comment mà thực sự khó tìm từ diễn tả... nhất là trước những nhà báo.
Thế mới biết dốt tiếng Anh là chuyện dễ hiểu.

Lý Minh Triết on lúc 22:22 22 tháng 6, 2009 nói...

Bài này hay. Em thích cách anh viết nhẹ nhàng như vầy... đọc xong vẫn còn thấy thoang thoảng mùi thơm như trái thị ở góc bếp. Nó hay vì rất thật. Thích!

Titi on lúc 23:50 22 tháng 6, 2009 nói...

Hôn nhân dị chủng nghe có vẻ nặng nề quá. Thực ra, đó chỉ là một hiện tượng kết hợp 2 nền văn hoá qui mô nhỏ. Cũng như hôn nhân cùng chủng, nếu cả 2 cùng đồng tâm, đồng mộng, đồng tình thì khó khăn nào cũng vượt qua hết á. Nếu có chữ đồng tiền nữa thì là perfect marriage :)

Vân Lam on lúc 06:38 23 tháng 6, 2009 nói...

Đôi khi vì dị chủng thế này lại hay. Em thích cái câu anh diễn tả:

"Họ cứ sống như thế, hai nửa hoàn hảo dưới một mái nhà, thân thiết mà xa lạ, yêu thương nhưng không thể chiếm hữu nhau."

Đôi khi "hiểu nhau" quá chưa phải là hay! Và có khi hiểu nhau quá nhiều, người ta đâm ra chán nhau. Hạnh phúc gia đình là một điều gì đó rất đơn giản nhưng cũng rất trừu tượng. Em nghĩ thế...

Vân Lam on lúc 06:39 23 tháng 6, 2009 nói...

Em cũng thích chữ "đồng tiền" song hành cùng vài yếu tố "đồng" của chị Ti! Thực tế, rất thực tế! Và đó cũng là cách để người phụ nữ trở nên độc lập, tiếng nói có giá trị hơn trong gia đình. :)

Lan Lan on lúc 08:52 23 tháng 6, 2009 nói...

Em quan sát và thấy một điểm là lạ : phụ nữ Đông Âu có thể dễ dàng chấp nhận kết hôn với các anh chàng Á đông hơn Tây Âu. Phải chăng Đông Âu có nét đồng điệu với Á đông? Ngược lại thì các chàng trai Tây âu lại rất kết các cô gái Á đông vì vẻ mignone đáng yêu, lại dịu dàng nữ tính hơn các cô tây âu rất nhiều. Có chiều hướng như thế không nhỉ?

Mecghi on lúc 10:06 23 tháng 6, 2009 nói...

hồi xưa sít nữa em mê 1 chàng nước ngoài, chỉ vì em thích luyện tiếng anh với chàng. Và những hành động ga lăng của chàng làm em xúc động, vì các chàng ở VN đâu có ga lăng vô tư như thế. Tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Em vẫn ngưỡng mộ những cuộc hôn nhân kết hợp, nhất là chòng việt-vợ tây, vì cảm thấy họ hơn hẳn đàn ông việt nam í.....

ANH on lúc 11:05 23 tháng 6, 2009 nói...

Với văn hóa Tây phương thì việc ôm hôn và tặng hoa có gì lạ đâu mà chị kia phải ngượng ngập nhỉ? Có lẽ chị bị Á Đông hóa sau một thời gian làm dâu Việt rồi. Còn anh chồng sau khi ngỡ ngàng thấy sự thay đổi của vợ đã phải cố gắng Tây hóa bằng việc mua hoa ôm hôn đi đón này.
Chứng tỏ cái nhân tố "dị chủng" này nó đang mai một dần đấy chứ

THIN TI on lúc 20:28 25 tháng 6, 2009 nói...

^^ tiếc là hơi ngắn
Mà may là ngắn, hok tối nay thức đêm học bù thời gian lướt web rồi ^^

Cao Thành Long on lúc 15:04 26 tháng 6, 2009 nói...

Tuyệt. Thực sự thì đúng là sau khi đọc entry này của VMC, tớ mới thực sự ngộ rằng..híc...cái thằng tớ có vẻ giống ông anh họ này quá. Từ khi lấy nhau và đã có 2 mặt...tớ cũng chưa một lần tặng hoa cho vợ. Chết thật.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết