9/9/07

VÔ HỒN



... Một nửa thành phố này đơn giản là không tồn tại. Theo tôi nghĩ, khoảng không gian bên trong đường Vành đai đang hàng đêm biến thành cái gì đó tựa như một trò chơi trên máy tính, nơi chỉ toàn đám người rỗng tuếch cư trú. Đã có những lúc họ từng là những con người bình thường với ước mơ giản dị, "với những tâm hồn, khí thế tuyệt vời", với những mối lo cơm áo gạo tiền. Thế rồi, trong một khoảnh khắc nào đó, họ hiểu rằng, để biến thành nhân vật chính của các tờ tạp chí thời thượng, những nữ hoàng, người hùng của sàn nhảy, hay các hiệp sĩ nhà hàng bên bàn nhậu, còn dễ dàng hơn. Họ biến cuộc sống của mình thành bầu không khí của những cuộc chơi mút chỉ và trở thành những cư dân chuyên lấy đêm làm ngày được tâng bốc nhất ở mọi ngóc ngách thành phố.

Những ánh đèn đêm đã khiến cặp mắt họ không còn thích nghi với ánh sáng ban ngày, những bóng đèn trong nhà tắm nắng nhân tạo đã khiến họ không còn khả năng tắm nắng ngoài thiên nhiên dưới mặt trời, hàng tấn nước hoa và mỹ phẩm cùng ma tuý và chế độ ăn kiêng dần dần khiến cơ thể họ trở nên tiều tuỵ, còn mớ tạp chí nóng bỏng cùng các chương trình giải trí trên truyền hình cũng làm cho não họ tiều tuỵ hệt như vậy. Cuối cùng thì cả đám họ biến thành những chiếc bóng tựa như người vô hình chỉ có thể rời khỏi nhà khi đêm xuống, lúc thứ ánh sáng nhân tạo che giấu hết những gì nằm dưới lớp phấn son, dưới làn váy hiệu "Prada", quần jeans "Cavalli" hay bộ complet "Brioni" - một sự trống rỗng được che đậy. Chính vì thế mà bạn chẳng bao giờ gặp họ ban ngày trên đường phố (...) Nỗi sợ hãi có ai đó sẽ nhìn thấy hai hốc mắt trống rỗng trong con ngươi sau tròng kính râm hiệu Chanel với khuôn mặt được tô vẽ sơn phết buộc họ ban ngày phải ru rú ngồi nhà. Ngày là thời gian của con người, còn đêm - ấy là thời gian của xác ướp.

Đương nhiên, phán xét sự trống rỗng tâm hồn bằng kiểu cách ăn mặc và ngồi kiểu xác ướp trong một quán cà phê Piramid nào đó hay là quán bar Ramzé và vừa chăm chú xem những tấm ảnh chụp của đám dân chơi bao giờ cũng dễ dàng hơn là sống đời con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Bất cứ ai cũng đều có mục đích của đời mình, còn xác ướp thì đương nhiên là không. Chúng chỉ có một sự tồn tại trong không gian trống rỗng.

Ban đầu chúng chỉ là một số rất ít. Dần dần, chúng càng ngày càng đông lên. Chúng cần có nơi chốn để mà giao tiếp với những người giống mình, để mà cám dỗ họ vào guồng với mình và để nhân giống đội quân xác ướp. Rồi vào một ngày đẹp trời nào đó, cứ thử tin lời tôi xem, họ sẽ kịp nhân giống nguyên cả một thành phố. Và như vậy, khi cái đám xác ướp này tăng đột biến trên từng kilômét vuông diện tích hữu dụng của dăm ba nhà hàng, vũ trường, hệt như loại nấm diệt ruồi mọc sau cơn mưa axít, trong thành phố lại xuất hiện vô khối các shop thời trang, thẩm mỹ viện, vũ trường, nhà hàng hoặc quán cà phê. Đó là những chỗ mà bạn có thể thấy chúng hàng đêm.

Để đồng nhất bè bạn của mình giữa các đám khách chơi ở những chốn nói trên, (một số ít trong đó bây giờ vẫn còn là người) đám xác ướp cần một hệ thống định vị riêng của mình... Và lúc ấy, thế giới của các thương hiệu thời trang sẽ nhảy xổ vào hỗ trợ đám xác ướp này. Điều này giải thích tại sao đám xác ướp ăn mặc gần như theo một kiểu như nhau - danh sách các nhãn mác quần áo hay xe hơi hoàn toàn không dài lắm. Để làm quen với nhau, chúng không cần phải ngửi hít, ve vãn, lòng vòng rào trước đón sau với những câu chuyện dài dòng cà kê dê ngỗng kiểu như "ai mặc đồ gì ở đâu và bay đi đâu nghỉ phép" như trước đây nhằm hiểu thêm về đối tác của mình thuộc thế giới nào. Giờ đây, chỉ cần dùng mắt thường coi cách ăn mặc của đám người ngồi sau bàn là đủ để xác định được chính xác đâu là xác ướp...

Đọc đoạn trích trên, hẳn bạn tìm ra bóng dáng cuộc sống hiện đại của chúng ta trong đó. Nếu không nêu đích danh cái thành phố, nơi mà sự vô hồn này diễn ra, thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sự vật vờ này đang tồn tại ở đây, ngay bên cạnh ta mà thôi.

Đoạn văn trên trích dẫn từ tiểu thuyết "Vô hồn" (Duhless) của nhà văn trẻ người Nga Sergey Minaev, thuật lại sinh động cuộc sống vô nghĩa và tẻ nhạt của thế hệ 7X ở Nga - một thế hệ mà tiền và tình dục được coi là thước đo của thành công.

Cuốn sách còn có tựa đề khác là "Chuyện về một người không chân chính", để đối lập với "Chuyện về một người chân chính" của Boris Polevoi thuật lại cuộc đời của anh hùng phi công Maretsev, bị cụt hai chân, nhưng vẫn lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh vệ quốc.


"Vô hồn" do Nhật An và Trương Hồng Hạnh chuyển ngữ khá công. Sách do Nhà xuất bản Trẻ và Tinh Văn phối hợp ấn hành.


0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết