Ba mươi năm trước, trong một bài thơ của mình, cố thi sĩ Xuân Quỳnh có viết:
Ai cũng có một quê
Nơi tuổi thơ để ở
Tuổi khôn lớn để yêu
Và ra đi để nhớ
Tôi thấm thía những câu thơ này hơn trong những năm tháng triền miên sống ở xứ người. Mỗi một người Việt chúng ta, ai cũng có một chốn sinh thành, một nơi cư ngụ, nhưng đều có một quê chung, một địa danh luôn luôn hướng đến, nhất là những người xa Tổ quốc, đó là thủ đô Hà nội.
Nhiều đêm, rất nhiều đêm không ngủ,tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn tuyết rơi miên man trên đất khách, quê người, lòng lại da diết nhớ về Hà nội đang cữ heo may. Những lúc đó, những kỉ niệm đi qua trong kí ức như một cuốn phim nhiều tập, nhiều trường đoạn, mà cảnh nào cũng gợi nên một nỗi nhớ thương. Dường như tiếng chuông tàu điện , tiếng xích lô trẩy chợ phiên,tiêng còi tan ca của các nhà máy Hà nội giờ tan tầm… đã trở thành một phần máu thịt của thế hệ chúng tôi
Hồi những năm đánh Mỹ, rồi những năm hoà bình trở lại, ngồi trên một chuyến tàu điện rời Bờ Hồ đến Hà đông, hay Cầu Giấy đã như là một chuyến du lịch đường dài. Những cánh đồng năn, lác, cỏ rậm um tùm xuất hiện khi tàu chỉ mới qua Thượng dình hay Kim mã. Vào thời điểm đó, nếu như đi xe máy, chỉ cần phóng một giờ là đã đi hết một vòng Hà nội. Nói theo cách của các nhà thơ là Hà nội khiêm tốn đên mức chỉ cần một tiếng gọi vọng như gọi đò thì cả hai đầu thành phố đều nghe thấy!
Chính vì vậy, khi trở lại Hà nội sau nhiều năm cách biệt, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tầm tay của thành phố đã vươn xa tới một vành đai dài rộng. Khó mà nhận ra phố cũ, cảnh xưa. Trước đây, ngôi nhà cao nhất thành phố là Nhà in báo Nhân dân; con đường lớn nhất thành phố lúc đó gọi một cách đầy vẻ đại ngôn là Đại lộ Tràng tiền, Tràng thi, Nguyễn Thái Học. Còn giờ đây, sừng sững hàng loạt nhà cao tầng, những con đường mới mở dọc ngang thành phố đúng với tư cách đại lộ như Liễu giai, Giải phóng, Hoàng Quốc Việt….
Đã lùi về quá khứ một Hà nội đói nghèo, trăm bề thiếu thốn với những biển hiệu “cơm nồi", “nước sôi”, ”hàn vá dép nhựa”, “bơm mực bút bi”… đêm đêm ánh điện leo lét , thưa thớt chiếu vàng vọt trên hè phố. Nhắm mắt lại, tôi bỗng nhớ về những cái Tết bao cấp, mỗi gia đình chỉ đủ khả năng mua sắm trong vòng cấm địa của tem phiếu , nghĩa là dăm lạng thịt, cân bột mì, cân nếp, nửa cân đường; bày biện trên bàn chỉ có quy gai, quy xốp, những thuật ngữ mà bây giờ để bọn trẻ hiểu được cũng cần nhiều thời gian giải thích.
Nặng lòng với những cổ sự ấy, tôi như bị thôi miên bởi sự phồn thịnh mà phép thần của cơ chế thị trường mang lại. Hàng hoá đa chủng loại tràn ngập phố phường giống như Hồng kông, Thái lan vậy, mà giá lại phải chăng phù hợp với túi tiền của dân lao động. Trước mắt tôi, Hà nội không còn “phố chật, nhà gianh” nữa, một cuộc sống vật chất tuy chưa viên mãn, nhưng đã cao gấp bội phần hai thập niên về trước.
Phải thừa nhận rằng, bây giờ người Hà nội ăn mặc rất đẹp. Nhìn những trai thanh, nữ tú ăn vận rát thoáng , rất mốt thong thả dạo phố, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ về một thời chúng tôi lên lớp, đến công sở với những bộ áo quần xoàng xĩnh, dép lê loẹt quẹt, kèm thêm một cặp lồng cơm bất ly thân! Sự ăn mặc lãng mạn, bạo dạn, nhưng rất phương Đông của giới trẻ thời nay phần nào dã thể hiện một cách tương đối đầy đủ chất lượng sống, sự tự tin và phong thái đĩnh đạc chỉ có thể có vào thời kì hội nhập.
Nhìn một vài cô gái thanh thản khoác tay khách nước ngoài dạo phố, thấy sự giao đãi tự nhiên của dân ta với du khách, tôi bỗng sực nhớ một câu chuyện mặc dù mới xẩy ra chỉ hai mươi năm, nhưng nay đã thành cổ tích.
Vào tháng 11-1985, Giáo sư Bugrôp, Chủ nhiệm bộ môn Văn học Xôviêt sang thăm Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân công đưa ông đi thăm thú Thủ đô. Sau khi đi hết một vòng Văn Miếu , ông ngỏ ý muốn uống một ly cà phê. Tôi dẫn ông vào một quán ở phố Hàng Bột cạnh cửa hàng đồ cũ uống cà phê và nhấm nháp bánh ngọt. Chỉ có mỗi việc ấy thôi, mà khi trở về Trường, Phòng Đối ngoại đã cho rằng tôi đã vi phạm quy định khi làm việc với người nước ngoài!
Giờ đây tôi không hề mặc cảm, không hề trách cứ một điều gì, mà chỉ mừng vì chúng ta đã đi qua thời ấu trĩ đó; càng thấy quý hơn những cánh cửa đã được mở ra để Hà nội ngẩng cao đầu đến với nhân loại bằng đôi chân được cởi trói.
Vừa rồi, cùng về Hà nội với tôi có Giáo sư Pexkôp, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Giao thông Matxcơva. Ông ở cạnh phòng tôi trong khách sạn. Một điều trùng hợp đến buồn cười là khi ra phố, cả ông và tôi đều mang đủ mọi thứ giấy tờ tuỳ thân như một phản xạ có điều kiện.
Khi chợt nhớ ra là mình đang ở Hà nội, tôi trịnh trọng khuyên ông bỏ lại mọi thứ ở quầy lễ tân, vì Hà nội không phải là Matxcơva, không hề có cảnh công an ngang nhiên chặn khách nước ngoài hỏi giấy tờ rồi lôi tuột về đồn nộp phạt.
Ở Hà nội, ông có thể đi chơi thâu đêm, suốt sáng mà không gặp phải một sự cấm đoán nào. Nói tóm lại, ở Hà nội ông sẽ có được một sự bình yên, một sự trọng thị hơi thái quá của người Việt nam đối với khách nước ngoài, điều đó tồn tại như một nếp văn hoá đã trở thành truyền thống.
Trong những năm tháng sống xa Tổ quốc, do lý do công tác, tôi đã có nhiều dịp tới thủ đô của các nước Châu Âu, Châu Á. Sự lộng lẫy, hoành tráng và hiện đại của sân bay, phố xá, cách tổ chức đời sống đô thị của họ đã làm cho tôi kính phục. Nhưng sống giữa sự đủ đầy, công thức của những tiện nghi, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó, khó tả vô cùng.
Bâng khuâng mãi, tôi mới hiểu ra rằng, tôi thiếu một chút không gian Hà nội, một chút se lạnh, một chút sương mờ man mác của buổi sáng Hồ Guơm. Ấy là chưa kể sự cồn cào trong dạ khi nhớ đến những món ăn bình dân, quê kiểng của Hà nội, những gương mặt thân quen của người Hà nội.
Càng đi nhiều, tôi càng thấm thía rằng, trên trái đất này không một địa danh nào lại có thể sánh được Hà nội về cảnh quan, thời tiết và sản vật. Điều đó để giải thích rằng tại sao ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada… có bao người Việt cao tuổi, có nhà vườn mênh mông, có đủ tiện nghi vật chất, vẫn khắc khoải mong được về sống với Hà nội!
Riêng tôi, cứ mỗi một lần bay đến Matxcơva, khi máy bay lượn trên bầu trời, phía dưới là cao ốc, đô thị san sát, là trong lòng luôn mang một tâm trạng phấp phỏng lo âu về sinh kế, an ninh, về sự xa lạ và không ổn định như thiếu một nơi bấu víu.
Còn khi máy bay nghiêng cánh trên đồng bằng Bắc bộ, phía dưới là những cánh đồng xanh, mát dịu, lòng tôi lại ngập tràn một cảm giác bình yên, được che chở, được tin yêu.
Hà nội còn nhỏ bé, còn biết bao nhiêu vấn nạn về môi sinh, về nếp sống, về tầm vóc, nhưng có lẽ vì thế những tình cảm tự nhiên của người xa thủ đô lại song hành với những nghĩ suy về trách nhiệm.
Là người gắn bó với Thủ đô, đi nhiều ở Hà nội, đọc nhiều về Hà nội , nhưng đối với tôi Hà nội luôn vẫn mới, vẫn bí ẩn, lạ lùng, như nhà thơ Bằng Việt từng thổ lộ:
Như Hà nội mười năm tôi đã biết
Đến hôm nay , vẫn lạ nét ban đầu
Nguyễn Huy Hoàng
(TS Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov)
Bài xin từ blog Bac To
Ai cũng có một quê
Nơi tuổi thơ để ở
Tuổi khôn lớn để yêu
Và ra đi để nhớ
Tôi thấm thía những câu thơ này hơn trong những năm tháng triền miên sống ở xứ người. Mỗi một người Việt chúng ta, ai cũng có một chốn sinh thành, một nơi cư ngụ, nhưng đều có một quê chung, một địa danh luôn luôn hướng đến, nhất là những người xa Tổ quốc, đó là thủ đô Hà nội.
Nhiều đêm, rất nhiều đêm không ngủ,tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn tuyết rơi miên man trên đất khách, quê người, lòng lại da diết nhớ về Hà nội đang cữ heo may. Những lúc đó, những kỉ niệm đi qua trong kí ức như một cuốn phim nhiều tập, nhiều trường đoạn, mà cảnh nào cũng gợi nên một nỗi nhớ thương. Dường như tiếng chuông tàu điện , tiếng xích lô trẩy chợ phiên,tiêng còi tan ca của các nhà máy Hà nội giờ tan tầm… đã trở thành một phần máu thịt của thế hệ chúng tôi
Hồi những năm đánh Mỹ, rồi những năm hoà bình trở lại, ngồi trên một chuyến tàu điện rời Bờ Hồ đến Hà đông, hay Cầu Giấy đã như là một chuyến du lịch đường dài. Những cánh đồng năn, lác, cỏ rậm um tùm xuất hiện khi tàu chỉ mới qua Thượng dình hay Kim mã. Vào thời điểm đó, nếu như đi xe máy, chỉ cần phóng một giờ là đã đi hết một vòng Hà nội. Nói theo cách của các nhà thơ là Hà nội khiêm tốn đên mức chỉ cần một tiếng gọi vọng như gọi đò thì cả hai đầu thành phố đều nghe thấy!
Chính vì vậy, khi trở lại Hà nội sau nhiều năm cách biệt, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tầm tay của thành phố đã vươn xa tới một vành đai dài rộng. Khó mà nhận ra phố cũ, cảnh xưa. Trước đây, ngôi nhà cao nhất thành phố là Nhà in báo Nhân dân; con đường lớn nhất thành phố lúc đó gọi một cách đầy vẻ đại ngôn là Đại lộ Tràng tiền, Tràng thi, Nguyễn Thái Học. Còn giờ đây, sừng sững hàng loạt nhà cao tầng, những con đường mới mở dọc ngang thành phố đúng với tư cách đại lộ như Liễu giai, Giải phóng, Hoàng Quốc Việt….
Đã lùi về quá khứ một Hà nội đói nghèo, trăm bề thiếu thốn với những biển hiệu “cơm nồi", “nước sôi”, ”hàn vá dép nhựa”, “bơm mực bút bi”… đêm đêm ánh điện leo lét , thưa thớt chiếu vàng vọt trên hè phố. Nhắm mắt lại, tôi bỗng nhớ về những cái Tết bao cấp, mỗi gia đình chỉ đủ khả năng mua sắm trong vòng cấm địa của tem phiếu , nghĩa là dăm lạng thịt, cân bột mì, cân nếp, nửa cân đường; bày biện trên bàn chỉ có quy gai, quy xốp, những thuật ngữ mà bây giờ để bọn trẻ hiểu được cũng cần nhiều thời gian giải thích.
Nặng lòng với những cổ sự ấy, tôi như bị thôi miên bởi sự phồn thịnh mà phép thần của cơ chế thị trường mang lại. Hàng hoá đa chủng loại tràn ngập phố phường giống như Hồng kông, Thái lan vậy, mà giá lại phải chăng phù hợp với túi tiền của dân lao động. Trước mắt tôi, Hà nội không còn “phố chật, nhà gianh” nữa, một cuộc sống vật chất tuy chưa viên mãn, nhưng đã cao gấp bội phần hai thập niên về trước.
Phải thừa nhận rằng, bây giờ người Hà nội ăn mặc rất đẹp. Nhìn những trai thanh, nữ tú ăn vận rát thoáng , rất mốt thong thả dạo phố, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ về một thời chúng tôi lên lớp, đến công sở với những bộ áo quần xoàng xĩnh, dép lê loẹt quẹt, kèm thêm một cặp lồng cơm bất ly thân! Sự ăn mặc lãng mạn, bạo dạn, nhưng rất phương Đông của giới trẻ thời nay phần nào dã thể hiện một cách tương đối đầy đủ chất lượng sống, sự tự tin và phong thái đĩnh đạc chỉ có thể có vào thời kì hội nhập.
Nhìn một vài cô gái thanh thản khoác tay khách nước ngoài dạo phố, thấy sự giao đãi tự nhiên của dân ta với du khách, tôi bỗng sực nhớ một câu chuyện mặc dù mới xẩy ra chỉ hai mươi năm, nhưng nay đã thành cổ tích.
Vào tháng 11-1985, Giáo sư Bugrôp, Chủ nhiệm bộ môn Văn học Xôviêt sang thăm Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân công đưa ông đi thăm thú Thủ đô. Sau khi đi hết một vòng Văn Miếu , ông ngỏ ý muốn uống một ly cà phê. Tôi dẫn ông vào một quán ở phố Hàng Bột cạnh cửa hàng đồ cũ uống cà phê và nhấm nháp bánh ngọt. Chỉ có mỗi việc ấy thôi, mà khi trở về Trường, Phòng Đối ngoại đã cho rằng tôi đã vi phạm quy định khi làm việc với người nước ngoài!
Giờ đây tôi không hề mặc cảm, không hề trách cứ một điều gì, mà chỉ mừng vì chúng ta đã đi qua thời ấu trĩ đó; càng thấy quý hơn những cánh cửa đã được mở ra để Hà nội ngẩng cao đầu đến với nhân loại bằng đôi chân được cởi trói.
Vừa rồi, cùng về Hà nội với tôi có Giáo sư Pexkôp, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Giao thông Matxcơva. Ông ở cạnh phòng tôi trong khách sạn. Một điều trùng hợp đến buồn cười là khi ra phố, cả ông và tôi đều mang đủ mọi thứ giấy tờ tuỳ thân như một phản xạ có điều kiện.
Khi chợt nhớ ra là mình đang ở Hà nội, tôi trịnh trọng khuyên ông bỏ lại mọi thứ ở quầy lễ tân, vì Hà nội không phải là Matxcơva, không hề có cảnh công an ngang nhiên chặn khách nước ngoài hỏi giấy tờ rồi lôi tuột về đồn nộp phạt.
Ở Hà nội, ông có thể đi chơi thâu đêm, suốt sáng mà không gặp phải một sự cấm đoán nào. Nói tóm lại, ở Hà nội ông sẽ có được một sự bình yên, một sự trọng thị hơi thái quá của người Việt nam đối với khách nước ngoài, điều đó tồn tại như một nếp văn hoá đã trở thành truyền thống.
Trong những năm tháng sống xa Tổ quốc, do lý do công tác, tôi đã có nhiều dịp tới thủ đô của các nước Châu Âu, Châu Á. Sự lộng lẫy, hoành tráng và hiện đại của sân bay, phố xá, cách tổ chức đời sống đô thị của họ đã làm cho tôi kính phục. Nhưng sống giữa sự đủ đầy, công thức của những tiện nghi, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó, khó tả vô cùng.
Bâng khuâng mãi, tôi mới hiểu ra rằng, tôi thiếu một chút không gian Hà nội, một chút se lạnh, một chút sương mờ man mác của buổi sáng Hồ Guơm. Ấy là chưa kể sự cồn cào trong dạ khi nhớ đến những món ăn bình dân, quê kiểng của Hà nội, những gương mặt thân quen của người Hà nội.
Càng đi nhiều, tôi càng thấm thía rằng, trên trái đất này không một địa danh nào lại có thể sánh được Hà nội về cảnh quan, thời tiết và sản vật. Điều đó để giải thích rằng tại sao ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada… có bao người Việt cao tuổi, có nhà vườn mênh mông, có đủ tiện nghi vật chất, vẫn khắc khoải mong được về sống với Hà nội!
Riêng tôi, cứ mỗi một lần bay đến Matxcơva, khi máy bay lượn trên bầu trời, phía dưới là cao ốc, đô thị san sát, là trong lòng luôn mang một tâm trạng phấp phỏng lo âu về sinh kế, an ninh, về sự xa lạ và không ổn định như thiếu một nơi bấu víu.
Còn khi máy bay nghiêng cánh trên đồng bằng Bắc bộ, phía dưới là những cánh đồng xanh, mát dịu, lòng tôi lại ngập tràn một cảm giác bình yên, được che chở, được tin yêu.
Hà nội còn nhỏ bé, còn biết bao nhiêu vấn nạn về môi sinh, về nếp sống, về tầm vóc, nhưng có lẽ vì thế những tình cảm tự nhiên của người xa thủ đô lại song hành với những nghĩ suy về trách nhiệm.
Là người gắn bó với Thủ đô, đi nhiều ở Hà nội, đọc nhiều về Hà nội , nhưng đối với tôi Hà nội luôn vẫn mới, vẫn bí ẩn, lạ lùng, như nhà thơ Bằng Việt từng thổ lộ:
Như Hà nội mười năm tôi đã biết
Đến hôm nay , vẫn lạ nét ban đầu
Nguyễn Huy Hoàng
(TS Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov)
Bài xin từ blog Bac To
0 comments:
Đăng nhận xét