28/9/07

KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT



Vui hạnh phúc bên người chồng vỏn vẹn 19 ngày, cô dâu trẻ giờ trở thành góa phụ ở tuổi 21

TRƯỜNG NHÂN, PV BÁO LAO ĐỘNG TẠI CẦN THƠ

Sáng 27.9 mình đã tới xóm Chùa Bồ Đề, cái xóm nằm ngay cạnh chân cầu Cần Thơ, cũng là cái xóm có nhiều người tử nạn nhất trong cái ngày định mệnh 26.9. Cái xóm mà ngày 26.9 năm sau sẽ có hàng mấy chục gia đình cùng tổ chức đám giỗ đầu tiên cho những người thân của họ đã rủ nhau ra đi ngày hôm qua, ngày hôm nay và không biết còn những ngày sau nữa hay không?


Ngôi nhà đầu tiên mình ghé thăm đang tổ chức tang lễ cho anh con trai út mới 23 tuổi. Trước linh cữu là tấm ảnh của một thanh niên còn rất trẻ với gương mặt hiền lành. Người cha già ngồi đó, không vui, không buồn mà cũng không khóc. Cô vợ trẻ, rất trẻ, đầu chít khăn tang, ngôi bất động và cũng không vui, không buồn, không khóc. Người mẹ ngồi bên, cố che chở cô con dâu bé nhỏ. Cũng không vui, không buồn, không khóc. Mẹ chồng, nàng dâu nương tựa vào nhau...

Đúng là "ngày vui ngắn chẳng tày gang", ông trời quả thật biết trêu ngươi. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau vỏn vẹn đúng 19 ngày, cô dâu mới, có lẽ, vẫn còn chưa kịp thạo việc gia đình bên chồng, giờ đã trở thành góa phụ ở tuổi 21, đúng vào lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời người con gái...

Với anh, ngày 26.9 đúng là một ngày định mệnh. Anh vốn làm việc ở bộ phận khác của công trình từ hơn 1 năm nay. Nhưng, trong cái buổi sáng định mệnh đó, vì không đủ người làm tại cái vị trí oan nghiệt kia, anh vừa được điều động để tăng cường. Vừa vào vị trí chỉ chừng 10 phút thì...

Tre già phải khóc măng non. Cuộc sống luôn có những oái oăm như vậy. Người cha già vẫn ngồi đó. Bất động. Có lẽ, ông không còn khóc được nữa. Người con trai nằm trong quan tài kia, người con rể đã được chuyển về BV Chợ Rẫy, hiện vẫn còn trong cơn nguy kịch, và một người cháu hiện vẫn còn trong cái đống đổ nát, vẫn chưa 1 chút tin tức...

Trong lúc tột cùng đau khổ, bỗng dưng mình chợt rùng mình khi nghe ông nói: "Hôm qua vậy là may lắm rồi!". May? Phải, cái "may" của ông là nếu cái đoạn cầu oan nghiệt kia nó sập trễ hơn chừng nửa tiếng nữa thôi thì số người bị nạn không phải là những con số như mấy ngày nay, mà không chừng, nó sẽ còn gấp đôi, gấp 3. Vì vào giờ cao điểm, ở cái đoạn ấy thường có đến gần 400 người làm việc, chứ không chỉ ngoài 200 như cái buổi sáng tang thương...

Quả thật mình bắt đầu có cảm giác sợ trước cái gọi là "may" từ người thân của những người xấu số. Cái "may" của họ là số người thoát nạn nhiều hơn, dù không phải người thân của mình. Cái "may" của họ là nhà kia có người thân bị nạn nhưng đã qua được cơn thập tử nhất sinh. Thậm chí, cái "may" của họ còn là đã tìm được xác người thân của mình để thà đau 1 lần nhưng còn được nhìn mặt lần cuối, hơn là cứ ngồi chờ vô vọng từ cái đống đổ nát, hoang tàn...

Từ sáng đến trưa trời vẫn mưa tầm tả. Phải xắn quần, xách dép lội bùn trên con đường đất đi xuyên xóm Chùa Bồ Đề. Những đám tang mà mình đến viếng đều khá đìu hiu. Cái không khí hoàn toàn trái ngược với truyền thống đùm bọc và chia sẻ vốn tồn tại từ bao đời nay của người dân quê ở vùng sông nước này. Cũng phải thôi, chỉ ở cái xóm nhỏ này, đã có đến hơn 30 gia đình đều lo tang lễ cho người thân của mình thì còn ai để mà giúp ai nữa chứ!

Đến 1 giờ trưa, ở chân cầu, vẫn còn rất nhiều người ngồi đó, mắt không rời nhìn về nơi có những người xấu số vẫn còn chưa tìm thấy. Dù đã không còn hy vọng gì nữa nhưng họ vẫn cứ trông chờ. Những người mẹ chờ con, vợ chờ chồng, con chờ cha,... Họ cùng nương tựa vào nhau để chờ. Có người ngồi chờ từ sáng qua đến giờ vẫn không ăn, không uống, mắt vẫn không rời khỏi những người công binh, những người cứu hộ với một chút hy vọng mong manh.

Khác với hôm qua, không khí hôm nay ở hiện trường yên ắng hơn. Không còn cảnh chen lấn, gào khóc. Tất cả ngồi chờ trong im lặng. Một sự im lặng rất đáng sợ: Họ cứ ngồi đó với nét mặt không lộ một chút vui buồn, không kêu khóc, không đau khổ và có lẽ cũng không còn hy vọng...

Blog của Trường Nhân
Free statistics

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết