10/9/07

KHEN!



Khen, nhiều khi, còn nặng nề hơn cả một lời chê tồi tệ nhất.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên mình đã khen một cách vô duyên như thế nào.

18 tuổi, sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi quyết định mình phải tìm hiểu một điều gì đó thực sự có ích. Thế là tháng một lần, lọ mọ đạp xe từ Cầu Giấy lên Tràng Tiền, vào các phòng tranh và triển lãm mỹ thuật ở khu vực này để xem tranh.

Một lần lọt vào triển lãm cá nhân của một hoạ sĩ thuộc loại cây đa cây đề của Việt Nam.

Tranh của ông thật đẹp. Có thể nói ông bị ảnh hưởng của phong cách hội hoạ Nga thế kỷ 19 rất rõ rệt. Đặc biệt tôi thích một bức phong cảnh ông vẽ thời ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh ấy gợi tôi nhớ đến những tác phẩm phong cảnh Nga của Levitan. Tất nhiên, đó chỉ là ảnh hưởng, chứ bức tranh Việt Bắc này của ông Việt Nam lắm.

Hoạ sĩ cũng có mặt ở phòng tranh, ông đang trò chuyện với một phụ nữ khoảng ngoài 30. Hình như, chị là nhà báo thì phải.

Một lúc sau họ đi ngang qua chỗ tôi đứng. Tôi rụt rè nói: "Bác ơi, cháu rất thích tranh của bác".

Ông hoạ sĩ cười rạng rỡ, nheo nheo mắt hỏi tôi: "Thế à? Cháu thích bức phong cảnh Việt Bắc này à? Vì sao cháu thích?".

Dường như ông muốn kéo dài thêm khoảnh khắc sung sướng khi được một cậu bé hâm mộ.

Tôi đáp thành thật: "Cháu thích vì bức ấy giống tranh của Levitan, bác ạ".

Ông già thoắt sa sầm mặt. Ông nhìn tôi cau có: "Levitan là ai? Tôi không biết ông ta". Rồi ông tức giận quay ngoắt đi, bước nhanh khỏi chỗ tôi đứng.

Tôi ngỡ ngàng nhìn theo, rồi quay lại nhìn chị phụ nữ. Chị khẽ khàng bảo: "Em vừa xúc phạm bác ấy".

Tôi hoảng hốt phân bua: "Sao lại xúc phạm ạ? Em thấy tranh bác ấy đẹp thì em khen. Em không biết là bác ấy không biết Levitan".

Chị cười: "Levitan là ai bác ấy biết chứ. Nhưng em nói thế có nghĩa là bác ấy bắt chước Levitan, mặc dù chính chị cũng thấy bác ấy bị ảnh hưởng. Lần sau em đừng khen như thế nhé!".

Tôi cúi đầu ngượng ngập. Chị đã dạy tôi bài học đầu tiên trong đời về việc làm sao phải biết nói khéo léo để không làm mếch lòng người khác.

Sau này tôi hiểu ra, rất có thể bác hoạ sĩ kia đã phải rất lao tâm khổ tứ mới vẽ ra được bức tranh Việt Bắc ấy, và khi sáng tác nó trong thập niên 1940, ông chưa hề biết Levitan là ai.

Cách đây không lâu, tôi viết chuyện Oshin. Đầu tiên chỉ định viết ngăn ngắn thôi. Sau được bà con trên mạng hưởng ứng, nên vừa viết vừa nghe ngóng, cố tình kéo dài chuyện để câu dầm. Hôm nay viết đến đoạn này, xem bà con comment, nếu thấy ai đoán ra cái kết cục mình định viết, thì lại phải cố tình nặn óc ra tình tiết khác. Xem ra, bà con cũng khoái cách này.

Nhưng rồi đến một hôm chat với một người quen. Cậu ta hồn nhiên nhận xét: "Cái chuyện Oshin trên blog của anh hấp dẫn phết nhỉ? Anh lấy ở đâu ra đấy?"

Ô, tôi thật choáng. Tại sao cậu ta lại có thể nghĩ là tôi LẤY ở đâu ra nhỉ? Sao cậu lại coi thường tôi thế? Đến lúc đó tôi mới hiểu cái cảm giác bị KHEN nó như thế nào.

Tôi hỏi lại: "Chẳng nhẽ tôi không viết được như thế à?". Cậu ta chột dạ: "Tại anh không ghi chú là anh viết nên em phải hỏi".

Ô hay, blog là của tôi, chẳng nhẽ viết gì, tôi cũng phải ghi chú ở dưới là "BÀI NÀY DO TÔI VIẾT" à? Chán chả buồn nói!

Tôi không trách lời khen vô tình của anh bạn nọ. Nhưng từ đó tôi bị cụt hứng viết tiếp Oshin. Mong bà con thông cảm.

Chú thích: Một bức tranh phong cảnh của Levitan.

Ghi chú: BÀI NÀY LÀ DO TÔI VIẾT!

1 comments:

Nặc danh nói...

Dù sao em cũng vẫn mong mình sẽ tiếp tục được đọc " Oshin" ạ. Thật sự câu chuyện đó rất hay ạ. Đọc chuyện đó, em rút ra được kinh nghiệm khi truyện ngắn, đặc biệt là cách dùng từ sao cho hấy dẫn, phù hợp với nhân vật trong truyện. Thầy có thể lấy lại cảm hứng và viết lại không ạ. HUhu.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết