7/9/07

HÀ NỘI... NHÀ QUÊ???


Tác giả: Shrek

Khi entry trước của tôi bắt đầu được post lên, nhiều bạn đã có ý kiến. Đồng tình có (đa số) và cũng có không đồng tình (bình thường thôi, tôi rất trân trọng), thậm chí chửi bới (không sao cả, đó là quyền của họ, dù là thứ quyền không được văn hóa cho lắm trên các diễn đàn).

Tuy nhiên, tất cả điều đó không ảnh hưởng đến cái entry mà tôi đang viết sau đây.

Entry này bắt đầu từ ý kiến của một bạn đang sống ở nước ngoài có nick là today20. Bạn này viết comment có đoạn: "Hà Nội hoàn toàn không có dáng vẻ /đời sống của một "metropolis". Ở Việt Nam, có lẽ chỉ có Sài Gòn mới bắt đầu có cái dáng vẻ này. Chính vì thế, có thể nói Hà Nội vẫn có cuộc sống/ dáng vẻ /tinh thần hết sức thôn quê và làng xã :-D"

Quá lịch sự và văn hóa để diễn đạt một thông điệp mà vô số người trong chúng ta đều cảm nhận được, đó là: Hà Nội mình còn... quê lắm!

Cái quê của Hà Nội bắt đầu từ đâu nhỉ?

Có lẽ bắt đầu từ chính dấu vết còn lưu lại ở khu phố cổ. Các bác nhớ giúp rằng Hà Nội còn có một cái tên mà chúng ta không muốn nhắc đến, đó là Kẻ Chợ. Lúc đó, công thức của chúng ta chỉ có thành + chợ. Bên cạnh thành quách có một cái chợ rất to, đó là tiền thân của Hà Nội ngày nay.

Ai biết về Hà Nội đều thấy đến tận thế kỷ 19, Hà Nội còn có chưa có phố, chỉ có các đường đi trong chợ, từ khu này sang khu kia có cổng, tối đến khóa lại.

Sau này, được biết là người Pháp đã có một giải pháp rất thông minh khi cần mở rộng đường phố. Đó là họ không cần giải tỏa, đền bù, song quản lý rất chặt về xây dựng. Ai muốn xây, phải thụt vào vài mét để nới rộng đường và có vỉa hè. Trên nhiều đoạn phố, các chỗ thò thụt này còn nguyên!

Khi tiếp quản, chúng ta đã gần như sổ toẹt những thành tựu về quản lý đô thị nên không bắt ai khi xây phải thụt nữa. Trước kia, những người già kể trước kia, nếu tiểu bậy ven đường là bị bắt giam, sau đó chuyện này khá thoải mái v v...

Hà Nội trở nên nhốn nháo cũng từ đó.

Nay, hãy nhìn xem:

Thành phố của chúng ta quá nhiều xe máy! Một nét quê đặc, vì xe máy chỉ để dùng ở các vùng nông thôn thưa người. Khi tôi đến Trùng Khánh, "thủ phủ của xe máy" Trung Quốc, ở đó 4 ngày, chỉ đếm được khoảng 20 cái xe máy, hầu hết đã cũ và có vẻ sắp bỏ đi. Vậy mà Hà Nội và các thành phố của ta ngập ngụa xe máy!

Nhà ống cũng là một di sản quá độ từ quê lên phố. Tiếc rằng sản phẩm vô duyên và quái dị đó tiếp tục được duy trì đến nay, thậm chí nhân rộng các nơi và trong các khu đô thị mới của Hà Nội cũng tiếp tục có nhà ống.

Cái xấu xí, vô duyên của loại nhà này tôi không muốn nói nữa vì đã có quá nhiều người nói đến.

Sinh hoạt ven đường, nào ăn uống, giặt giũ, giết gà, vịt... có ở khắp nơi và đáng tiếc cũng có ở các khu đô thị mới do người ta không thiết kế các khu chuyên dụng và không tính đến đủ các công năng.

Trên các đường phố của chúng ta nhan nhản hàng rong. Vấn nạn này có vẻ đang biến thành nhiều hình thái như đeo bên mình vỉ hàng rong, dùng xe đẩy, quang gánh... và tràn ra tất cả các nơi chứ không hề bị thu hẹp lại.

Chợ còn khá phổ biến.

Nhiều ngõ phố bị cắm ngay cái cọc ở đầu đường, giống việc cấm xe vào làng.

Để thông tin, bất chấp việc báo chí, truyền hình đã phát triển mạnh, người ta vẫn đang mắc thêm loa. Nhà bạn có thể đang yên, song một ngày đẹp giời, đang ngái ngủ, bạn có thể thấy oang oang một quả loa chĩa ngay vào tai để đọc một bài về việc vì sao nên thắt ống dẫn tinh chẳng hạn. Hết chỗ nói!

Nhìn chung, đây chỉ là một vài thí dụ có tính điểm xuyết và cho chủ đề thêm cụ thể sinh động (kẻo lại bị mắng là nhà báo... nói khống!). Song cảm nhận chung là trong quá khứ chúng ta đã có nhiều sai lầm khi bình dân hóa đô thị, kể cả Hà Nội; đáng tiếc đến nay chuyện này chưa được sửa chữa.

Đội ngũ quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị của chúng ta mới hình thành, song nếu với những con người như hiện nay thì...

Khi trao đổi với kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, anh có nói một chuyện rất hay, đó là kiến trúc sư trưởng của các thành phố đều là người rất giỏi về chuyên môn và đồng lòng được giới kiến trúc sư của thành phố tôn vinh.

Chính quyền rất tôn trọng người này nên tất cả thành phố trong giai đoạn đó đều xây theo tư tưởng và chủ trương của người này. Chính vì cách làm như vậy nên kiến trúc, quy hoạch của các thành phố đó rất đồng bộ và mang một phong thái rõ ràng. Phong thái này góp phần quan trọng tạo nên hình dáng đặc trưng và hồn đô thị đó.

Các kiến trúc sư trưởng lương cực kỳ cao, làm việc rất quang minh, chính đại và luôn chấp nhận dư luận báo chí, luôn bảo vệ danh dự của mình đến cùng.

Cách bổ nhiệm kiến trúc sư trưởng của chúng ta lại khác, có lẽ đó chính là nguồn cơn đầu tiên của những lộn xộn làm quê hóa Hà Nội như hiện nay.

Bạn tôi, tác giả bài viết này, cho hay đây chỉ là những suy nghĩ và cảm nhận mang tính cá nhân. Nói về những điểm yếu của Hà Nội, thành phố được chúng ta yêu mắn, quả là việc làm nhạy cảm và chắc chắn sẽ có người không đồng ý với anh. Các bạn hãy chia sẻ quan điểm của mình, tuy nhiên, rất mong những ai bức xúc không nên dùng những lời lẽ cay nghiệt, có thể xúc phạm tới tác giả, trong comment của mình. Xin chân thành cảm ơn.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết