ĐẶNG VIỆT ĐỨC
Cho đến thời điểm này, nguyên nhân chung nhất để giải thích việc hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ đổ sập là do lún. Tôi đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia có chuyên môn và uy tín trong ngành xây dựng cầu Việt Nam và nhận ra rằng cái sự lún đó là kết quả của một chuỗi phản ứng dây chuyền, gây ra bởi rất nhiều vấn đề đang tồn tại không chỉ ở riêng công tác thiết kế và thi công cầu Cần Thơ.
Phương án thi công được sử dụng để xây dựng hai nhịp cầu dẫn đã bị đổ sập là "đổ bê tông tại chỗ trên hệ dàn giáo cố định", một trong những giải pháp sơ khai nhất trong xây dựng cầu bê tông. Trước khi bắt tay thực hiện bất cứ dự án xây dựng cầu nào, người chủ đầu tư phải dựa vào điều kiện địa chất tự nhiên cũng như loại hình kết cấu để lựa chọn phương án thi công phù hợp nhất.
Ở trường hợp cầu Cần Thơ, như tất cả đã thấy, hai nhịp bị đổ sập đã tiến rất gần phần trụ chính của cầu dây văng nên cao độ thi công so với mặt đất là khá lớn. Ở độ cao này, rõ ràng phương án "đổ bê tông tại chỗ trên hệ dàn giáo cố định" không còn hợp lý vì đơn vị thi công phải huy động một lượng sắt thép rất lớn để dựng dàn giáo (từ mặt đất lên tới nhịp cầu).
Chiều cao của hệ dàn giáo cũng đồng thời tỉ lệ thuận với trọng lượng của nó. Một khi nền đất phù sa yếu đặc trưng (lại càng yếu hơn vào mùa mưa như thời điểm hiện nay) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể gánh nổi toàn bộ tải trọng đó thì lún là hiện tượng tất yếu phải xảy ra.
Trong khi hệ dàn giáo dần lún xuống đất làm suy giảm khả năng chống đỡ phần dầm cầu mà bê tông mới đổ vẫn chưa đạt tới cường độ cần thiết, lại xuất hiện thêm một số lượng công nhân lớn bất thường đã khiến hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc ngoài dự tính.
Đây cũng chính là khái niệm Perfect Storm (trận bão hoàn hảo) mà thế giới đã đưa ra để cảnh báo về vấn đề an toàn nói chung, khi rất nhiều những sự cố cùng đồng thời xảy ra, gây nên những hậu quả không thể lường trước được.
Chúng ta có thể tránh được thảm họa ngày 26.9 không? Câu trả lời là có. Nếu đơn vị thi công thực hiện tốt những biện pháp khảo sát, gia cố và nhất là nếu chủ đầu tư chọn được phương án thi công phù hợp hơn với thực tế cầu Cần Thơ.
Tôi xin đưa ra một phương án được coi là thích hợp nhất, đó là phương pháp "đổ bê tông tại chỗ trên hệ đà giáo di động". Phương pháp này thiết lập hệ dầm cứng kê lên hai trụ, trên hệ dầm này có bố trí hệ thống ván khuôn để đổ bê tông nhịp.
Đặc thù của phương pháp này là không cần phải dựng một hệ dàn giáo đỡ từ dưới đất nên có thể thi công với mọi loại hình địa chất và nhất là không cần đến hàng trăm công nhân để vận hành hệ thống như ở phương pháp "dàn giáo cố định".
Vậy tại sao phương pháp này không được áp dụng? Vấn đề về phương pháp thi công cầu bê tông theo công nghệ "đà giáo di động" đã được một Viện Nghiên cứu của Bộ GTVT đặt ra từ rất sớm. Tuy nhiên quá trình biến ý tưởng này thành một đề tài khoa học cấp bộ lại vấp phải nhiều trở ngại.
Khi đề tài được nghiên cứu thành công, các kết quả của nó cũng không thể đến được với thực tiễn, trong đó phải kể đến sự dè dặt của Bộ GTVT và cái lắc đầu của chủ đầu tư nước ngoài ở công trình cầu Nam Ô. Sau này, khi được áp dụng thành công ở cầu Thanh Trì (HN) thì công nghệ “đà giáo di động" mới được nhìn nhận tích cực hơn, tuy nhiên vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi.
Qua đó có thể thấy tư tưởng ngại ngùng và lưỡng lự khi phải đương đầu với thử thách và sự thay đổi vẫn còn, không những gây lãng phí ngân sách, mà còn đi ngược lại quyết tâm phát triển khoa học, công nghệ của nhà nước.
Rõ ràng chúng ta không thể bám mãi vào một số ít ỏi những công nghệ đang có sẵn. Hậu quả ở cầu Cần Thơ là minh chứng hùng hồn nhất cho sự bảo thủ đó. Trách nhiệm của chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hậu quả đáng tiếc. Đã đến lúc phải thể hiện sự dũng cảm và lòng quyết tâm. Chắc chắn không ai muốn chịu đựng thêm bất cứ một thảm họa nào như vậy nữa.
* Tác giả tốt nghiệp ngành cầu hầm Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện đang theo học thạc sĩ tính toán kết cấu công trình tại Đại học Ruhr Bochum – CHLB Đức. Tác giả giữ bản quyền bài viết này.
0 comments:
Đăng nhận xét