18/2/09

NHỚ BẠN CŨ



Học lên cấp 2, tôi chuyển sang một lớp mới toe. Tất cả các bạn lớp 4A của tôi đã chuyển sang học trường mới cho đúng tuyến.

Sang lớp mới, lạ nước lạ cái, tôi co người lại trước cái nhìn soi mói của những bạn mới. Chắc nhờ những lời phê không đến nỗi nào của các thầy cô giáo cũ trong học bạ, mà cô Trang - Giáo viên chủ nhiệm lớp, vẫn cử tôi vào nhóm 5 đội viên của lớp đi dự Đại hội Liên đội của trường.

Tôi nhớ cái đại hội đấy, bởi vì giữa chừng có một anh học lớp 7 (lớp cuối cấp 2 thời đó - năm 1977) bước lên bục xin hát một bài. Và anh ấy cất giọng ca vọng cổ. Đó là lần đầu tiên tôi nghe một người ca vọng cổ live, vì tôi sống ở tận Tuyên Quang - thị xã đèo heo hút gió, cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 200 km và cách miền nam - quê hương của vọng cổ - chặng đường dài gấp 10 lần thế, nên chỉ được nghe vọng cổ qua sóng của đài phát thanh.

Anh ca bài về nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng: "30 năm khổ sai quân thù tuyên án, trước mặt quân thù em vẫn... tươi cười!" (tôi không nhớ đích xác câu vọng cổ này). Ngày đó chúng tôi không biết phải vỗ tay khi người ca cải lương xuống xề, chỉ biết xuýt xoa: "Anh này hát hay quá!". Khi anh ca xong, thì cả hội trường vỗ tay rầm rĩ.

Lũ con gái thì thào hỏi nhau: "Anh này là anh nào?". Sau thì chúng nó cũng vỡ lẽ ra đó là anh Vũ, học lớp 7C, nổi tiếng vì đẹp giai và quậy. Anh được đi Đại hội Đội không phải vì học giỏi, mà là để đến góp vui vài bài...

Sau này còn nghe nhiều chuyện động trời mà Vũ gây ra ở trường. Đấy là so với những năm cuối của thập niên 1970, chứ những trò đó của Vũ mà bây giờ đem ra so sánh với những gì mà đám học sinh lớp 8 lớp 9 hiện nay làm thì chẳng thấm tháp vào đâu.

Tôi thực sự không hợp với lớp 5 mới, nên sang lớp 6, mẹ tôi xin cho tôi chuyển sang trường khác gần nhà hơn. Học đến kỳ 2 năm lớp 6 thì cuộc chiến tranh biên giới xảy ra... Trường tôi đón nhiều thầy cô giáo và học sinh từ biên giới sơ tán về.

Năm 1980, tôi thi đỗ lớp 8 (là lớp 10 ngày nay). Cả thị xã chỉ có một trường cấp 3 (trung học phổ thông), nên tất cả học sinh tốt nghiệp các trường cấp 2 đều phải đến đó học. Tôi được phân về lớp 8B. Ngày đầu tiên đến lớp, tôi không thể tin vào mắt mình: Trong lớp tôi có Vũ!

Thì ra anh ta đã một năm không thi được vào cấp 3, sau đó 1 năm lưu ban, nên mới chịu ngồi chung với bọn đàn em như tôi.

Vũ đầu têu đủ trò nghịch ở lớp tôi. Mà tôi thì lại là bí thư chi đoàn. Tôi phê bình Vũ nặng nề và kết cục là trong một lần tranh cãi ở sân trường Vũ đã thẳng tay thụi vào mặt tôi. Tôi không nói câu nào, nhìn trừng trừng vào mắt Vũ. Vũ cũng nhìn lại chòng chọc. Hai thằng đấu mắt nhau mấy phút đồng hồ.

Hình như sau vụ đó, Vũ hối hận và không cãi vã với tôi nữa. Chi đoàn lớp tôi thành lập đội văn nghệ, đương nhiên Vũ là nhân vật không thể thiếu. Anh nhận lời đóng vai chính trong vở kịch do tôi viết kịch bản. Mà nhân vật đó thì rất giống Vũ ngoài đời, tức là hành trình vươn lên của một học sinh cá biệt. Vở kịch thành công trong hội diễn 26.3 ở trường. Vũ có thêm nhiều fan nữ... Cô lớp phó học tập Thuý xinh đẹp, đóng vai em gái Vũ trong kịch, sau đó hình như phải lòng Vũ.

Tôi với Vũ trở thành bạn. Không phải bạn thân, mà là hai người hiểu nhau, tôn trọng nhau.

Học hết lớp 8, tôi chuyển về Hà Nội với gia đình và học tiếp cấp 3. Tôi vẫn giữ liên lạc qua thư từ với các bạn lớp 8B. Khi đó mặc dù chiến tranh biên giới đã chấm dứt, nhưng tình hình biên giới vẫn căng thẳng. Các bạn báo tin Vũ lên đường nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, anh được đưa lên cắm chốt ở một điểm nóng tại huyện vùng cao Thanh Thủy - Hà Giang.

Bẵng đi ít lâu, các bạn báo tin: Vũ đã hy sinh trong một lần tuần tra vì mảnh đạn pháo cối từ bên kia biên giới bắn sang. Tôi lặng người đi. Chàng trai ngang tàng có gương mặt trắng hồng đẹp như thiên thần của lớp tôi đã vĩnh viễn ra đi khi vừa bước qua tuổi 18.

Nghe nói, Vũ chết không trọn thây. Lễ truy điệu anh ở thị xã đầy những vòng hoa trắng. Tất cả con gái lớp tôi đều đội khăn tang.

Nhớ Vũ, nhớ những trò nghịch ngợm của Vũ, nhớ ánh mắt lúc nào cũng thách thức của Vũ và nhất là vẫn nhớ câu vọng cổ xuống xề không được vỗ tay của cậu bé miền rừng núi phía Bắc hát cải lương năm nào...

4 comments:

LU on lúc 22:21 17 tháng 2, 2010 nói...

bài này cũ nhưng hay và có tình cảm.

MC3 on lúc 01:29 18 tháng 2, 2010 nói...

Bởi chiến tranh k phải trò đùa.

Và mình vẫn thắc mắc, rất thắc mắc, tại sao nhiều nước quanh ta luôn tìm cách tránh được chiến tranh bằng mọi giá, và có lẽ họ đã thành công?

Mai nói...

Cúi đầu...

Lana on lúc 10:29 18 tháng 2, 2010 nói...

Bài này nhắc Lana nhớ đến những kỷ niệm đau lòng tương tự. Năm 1984, lana đang học năm cuối cấp 3, không hiểu sao có một thông tin (bất hành văn) rằng nếu ai nhập ngũ thì sau này sẽ được đặc cách tốt nghiệp PTTH. Ngày đó vẫn còn chiến tranh biên giới Việt - Trung (dù báo đài hoàn toàn không đưa, nhưng bây giờ thì có thể tra lại qua google), vì thế đang ở tình trạng tổng động viên đi bộ đội.
Ở trường năm Lana ngày đó có một số bạn nam xung phong đi, và họ được bổ xung liền lên biên giới phía Bắc. Chỉ vài tháng sau có tin báo 3 bạn hy sinh. Các bạn học cùng nhau đến nhà thắp hương, trong khi kỳ thi tốt nghiệp còn chưa đến...

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết