4/2/09

KHI CHẤT VIỆT TRONG NGƯỜI KHÔNG CHẾT



Chương Trần

Cái chất Việt trong tôi đã không chết như mình tưởng, nó chỉ ngủ yên để chờ cơ hội được đánh thức. Chuyến trở về Việt Nam đến với tôi thật bất ngờ.

Năm 1992, tôi trở lại Việt Nam sau gần 20 năm rời quê hương định cư ở Mỹ theo đề nghị của người bạn thân đang quá tâm huyết và cần sự hỗ trợ của bạn bè cho một dự án trợ giúp người khuyết tật trong nước. Không ngờ, chuyến đi đó là khởi đầu cho một bước ngoặt mới, buộc tôi “làm quen” với Việt Nam.

Chuyến trở về Việt Nam đến với tôi thật bất ngờ. Trước đó tôi có đóng góp vào các tổ chức từ thiện xã hội ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thật sự hoạt động trực tiếp. Câu chuyện của anh Trần Văn Ca - Chủ tịch Hội Hỗ trợ người khuyết tật VN- bạn tôi, về hoàn cảnh khó khăn của những người khuyết tật trong nước đã thuyết phục tôi đi cùng anh trong một chuyến khảo sát 3-4 ngày tại TPHCM và Cần thơ. Thật sự, quyết định đi phần lớn là vì anh Ca, hơn là để về thăm quê hương, du lịch, hoặc để làm được cái gì đó, vì lúc đó tôi cũng không biết Việt Nam ra sao, cần gì, mình làm được gì.

Lần đầu về Việt Nam, tôi về với tâm trạng của một người đi làm việc, thực hiện lời hứa với một người bạn thân. Tôi ngủ suốt chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam. Máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất tôi mới thức dậy, đi thẳng về khách sạn, không có mấy cảm xúc, chỉ muốn đi cho xong để về sớm lo công việc còn bề bộn bên nhà. Nhà ở đây tức là Mỹ.

Ngày hôm sau trên đường về Cần Thơ tôi mới bắt đầu nhận dạng được một số hình ảnh quen thuộc, nhưng khi đến Trung tâm chỉnh hình Cần Thơ thì tôi mới thật sự bị sốc trước cái cảnh hàng trăm người đang đợi đoàn chúng tôi để được nhận nhưng cặp chân giả. Ba ngày làm việc tại Cần Thơ đã thuyết phục tôi ít nhất là ở đây còn nhiều việc xã hội cần phải làm.

Sau vài tháng tôi lại có cơ hội trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc khảo sát kinh tế cho Ngân hàng Thế giới. Lần này tôi có dịp đi khảo sát trên 20 tỉnh thành cả nước. Dần dà tôi bắt đầu thấy cái đẹp của luỹ tre làng, của cánh đồng lúa, của những cổng làng xưa cổ. Cái chất Việt trong tôi đã không chết như mình tưởng, nó chỉ ngủ yên để chờ cơ hội được đánh thức. Và khi đã sống lại thì rõ ràng mình không thể chối cãi được mình là ai.

Lớn lên ở Nha Trang với nhiều kỷ niệm tuổi thơ, tôi vẫn thường nghĩ về bãi biển, về thành phố hiền hoà này, nơi tôi còn nhiều người bạn thân của thời niên thiếu. Nhưng chỉ nghĩ đến thôi, chứ chẳng hề có hy vọng ngày nào đó lại được trở về. Ngày trở lại Nha Trang tôi thật sự như người trong mơ. Quá nhiều cái mình tưởng đã mất vĩnh viễn này lại hiện ra trước mắt. Nhìn xuống mặt biển lung linh khi máy bay sắp đáp, tôi lập tức nhớ lại cái cảm giác của gió biển, của hàng cây xanh, của cát biển Nha Trang và cái nắng dễ chịu ngay cả trong những ngày hè. Nha Trang của tôi đây rồi! Đây là nơi tôi cảm thấy thật sự dễ chịu với thiên nhiên và con người, và cứ nghĩ nó đương nhiên là của mình, chỉ vì mình yêu nó.

Công việc cũng cho tôi có dịp biết thêm nhiều vùng đất khác của đất nước. Mấy tháng lặn lội vùng sâu vùng xa tìm hiểu cuộc sống của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long thật sự làm tôi ngỡ ngàng. Nhưng anh Ba Sung, dì Bảy, chú Tư Hiền sống tận trong trong rẫy của miền Tây, những người nông dân nghèo (có thu nhập dưới mức độ nghèo theo tiêu chuẩn 1USD/ngày của LHQ), nhưng rộng rãi, thẳng tính, chân chất, tốt bụng đến độ bất ngờ cho một người mới đến.

Mỗi khi nhớ đến họ, tôi nghĩ đến một tiềm năng cực kỳ to lớn của miền Tây, từ tài nguyên thiên nhiên màu mỡ, dồi dào, phong phú, đến con người, những con người chịu cực chịu khó, cầu thị, đáng yêu. Nếu được tiếp sức đầy đủ với một hạ tầng cơ sở vật chất và xã hội tốt hơn, con người của miền Tây sẽ còn được phát huy tiến xa hơn nữa, góp phần cực lớn vào sự phồn vinh của đất nước.

Chưa được biết đất Bắc lúc mới về nước, nhưng sáu năm sống và công tác đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm về con người và văn hoá của nơi đó. Lớn lên với những giai phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh..., tôi đã “thấy” mưa phùn của tiết đông, của “mùa thu Hà Nội...”, những buổi chiều bên Hồ Gươm trong trí tưởng tượng của mình.

Cho nên đối với tôi, Hà Nội đã không cho tôi một cảm giác xa lạ mà như là một cuộc tái ngộ thú vị. Những ngôi chùa cổ, mùa lễ hội của làng quê là những nét văn hoá của đất nước trước đây hoàn toàn mới lạ với tôi. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã biết nó và nghĩ về nó như là một phần của cái vốn văn hoá mình.

Về mặt công việc, Việt Nam đã cho tôi nhiều thách thức cũng như thành quả có thể tự hào. Nhưng công việc thì ở đâu có thể có được. Cái gắn bó với một đất nước, một con người không phải từ đó, mà thật sự là những cái mà tôi đã cảm được và xem nó như là một phần đời của mình.

Đó là những cái đã có sẵn trong “máu” của mình. Đó là những cái giúp mình nhận dạng được mình là ai và mình thuộc về đâu. Đó là những cái có thể cho là của mình mà không ai tước đoạt được. Đó là những cái không thuộc về phạm trù quyền công dân, mà là cái hạnh phúc của người con dân có được cái may mắn về nhà, tìm lại quê hương.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết