25/6/11

RỦI RO ĐẠO ĐỨC TỪ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG



Các cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng khiến cho doanh nghiệp phải gồng mình chịu đựng chi phi vốn cao chỉ là một mặt của bức tranh của thị trường tiền tệ hiện nay. Một vấn đề nhức nhối khác là những rủi ro đạo đức đang ngày một tăng trong một môi trường chính sách thiếu kiên quyết và nhất quán.

Sự thật mà ai cũng biết, báo chí cũng đề cập nhiều trong thời gian vừa qua, là việc các ngân hàng thương mại lách quy định trần lãi suất huy động của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tham gia vào cuộc chạy đua huy động có lúc đưa lãi suất tiền gửi lên tới 20 – 21%/năm đối với các khoản gửi ngắn hạn.

Khi phóng viên đặt câu hỏi này với NHNN, thường nhận được trả lời bằng một câu hỏi từ các cán bộ ngân hàng: “bằng chứng đâu?” Các ngân hàng dễ dàng lách quy định này bằng những hợp đồng tín dụng mà trên danh nghĩa là khoản gửi ở mức lãi suất 14%, nhưng cộng thêm những điều khoản khác bên ngoài khiến cho lãi suất thực nhận là trên mức trần rất nhiều.

Trên thực tế, trong vòng vài năm qua, hàng loạt quy định hành chính mà ngân hàng sử dụng làm công cụ điều tiết thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã không phát huy được tác dụng mong muốn, không được các ngân hàng áp dụng nghiêm minh, tạo ra tình trạng méo mó trong hoạt động của hệ thống. Quy định về trần lãi suất chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quy định hành chính khác không phát huy được hiệu quả.

Năm ngoái, NHNN đưa ra thông tư quy định về việc tăng vốn tối thiểu của các ngân hàng lên trên 3.000 tỉ vào cuối năm 2010, một quy định được cho là hết sức cần thiết để củng cố, làm mạnh hệ thống ngân hàng, tạo sức ép để các ngân hàng nhỏ, yếu kém sáp nhập với nhau. Nhưng ba tuần trước thời hạn thực hiện, NHNN đổi ý, giãn thời hạn thực hiện tới một năm sau. Các chuyên gia về ngân hàng cho rằng NHNN đã bỏ lỡ một cơ hội để củng cố hệ thống ngân hàng, tạo một tiền lệ không tốt cho thị trường.

Câu chuyện nóng trên thị trường trong thời gian hiện nay là tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng – liệu xấu đến mức nào? Điều có thể thấy trong hành xử của các ngân hàng hiện nay là sự chênh lệch giữa các ngân hàng: trong khi có những ngân hàng có dư thanh khoản và phải mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, thì lại vẫn có những ngân hàng bị thiếu thanh khoản cục bộ, mất thanh khoản tạm thời… và có giai đoạn phải chấp nhận vay nóng trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, có nhiều trường hợp phải chấp nhận lãi suất phạt (gấp rưỡi mức lãi suất đáng ra chỉ trả, tới mức 30%/ năm thay vì 20%/năm).

Một số ngân hàng thời gian qua huy động với lãi suất cao cũng chính là những ngân hàng đang phải đi vay nóng trên thị trường liên ngân hàng. Tại sao người gửi tiền vẫn bỏ tiền vào những ngân hàng này mà không e ngại rủi ro? Quy định về bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo đảm cho khoản tiền gửi tối đa 50 triệu đồng. Theo các chuyên gia, có một lý do mọi người đều ngầm hiểu là NHNN sẽ không để cho ngân hàng thương mại nào sụp đổ.

Nếu xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản, thì NHNN sẽ bơm tiền vào cứu. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với các hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng việc thiếu những quy định rõ ràng, các chuyên gia cho rằng đang tạo ra “rủi ro đạo đức” trên thị trường: mọi người đều biết là rủi ro nhưng vẫn tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nước ngoài lớn, đề nghị không nêu tên, còn bày tỏ lo ngại về những “rủi ro đạo đức” trong các cán bộ ngân hàng khi giao dịch với khách hàng. Vị giám đốc này cho biết, trong vòng hai năm qua chuẩn mực đạo đức của nhân viên trong các ngân hàng xuống rất thấp. Khi lãi suất cao, các khoản vay đến thời hạn đáo hạn, doanh nghiệp phải đáo nợ, phải tìm cách vay trong khi khả năng chi trả kém… những tình huống này đang tạo ra một làn nước đục cho các thoả thuận ăn chia, tỷ lệ lại quả… giữa doanh nghiệp đi vay và cán bộ tín dụng.

Vị giám đốc này nói: “Điều này đang tạo ra hệ luỵ lâu dài cho hệ thống ngân hàng”. Một trong những “làn nước đục” khác trong hệ thống ngân hàng là những khoản vay chính sách mà các ngân hàng lớn của Nhà nước áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước. Các khoản vay chính sách được cho là rất “tù mù” nhưng vẫn được duy trì.

Với chính sách ngân hàng quản lý ngân hàng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, khả năng sụp đổ của hệ thống ngân hàng là rất thấp hoặc không thể xảy ra, nhưng khả năng có một hệ thống ngân hàng mạnh khoẻ, giúp doanh nghiệp phát triển và có tính cạnh tranh là rất thấp. “Rủi ro đạo đức”, một thực trạng làm yếu kém hệ thống, dường như là điều ai cũng biết nhưng tránh đề cập đến.

LAN ANH

Nguồn:
Rủi ro đạo đức từ hệ thống ngân hàng



2 comments:

Titi on lúc 22:20 25 tháng 6, 2011 nói...

Đúng vậy, lĩnh vực tài chính phức tạp, cám dỗ... vậy mà không lành mạnh thì chỉ phục vụ cho những kẻ cơ hội và giỏi luồn lách thôi :-(

LU on lúc 00:09 26 tháng 6, 2011 nói...

Đọc bài này, em liên hệ vụ khủng hoảng tài chính của Mỹ. Khủng hoảng cũng chính vì giới banking bị dính vào tiền lời thả nổi nhà đất. Nhân viên tài chính làm giấy tờ giả cho người mua nhà ko đủ tiêu chuẩn, lương rất thấp thế mà giấy tờ chồng chéo vẫn mua được nhà cả triệu dollars.
Sau 5 năm dứt điểm tiền lời thả nổi thì bùng nổ khủng hoảng. Nhà cửa trả ko nổi, lời chất thêm lời, đã làm hàng lọat người mất nhà, nhân viên làm giấy tờ giả đi tù cả rổ.
Em có đứa bạn vì tham lam vụ này mà mất trắng một căn nhà trị giá $700,000. Nó vẫn khoe là may mắn buông ra được, vì chỉ mới bỏ tiền down và chăm sóc chút ít mất khoảng gần $200,000.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết