5/6/11

CON RƠI CỦA SẾP



Ông là tổng giám đốc của công ty mẹ nên thường xuống họp với các công ty con, trong đó có công ty do tôi làm giám đốc. Thường thì ông ngồi nghe ban giám đốc chúng tôi bàn bạc công việc từ đầu đến cuối, khi thấy thật cần, chỉ hỏi anh em tổng công ty có thể giúp đỡ được gì.

Khi biết được những cái cần, cái nào trong thẩm quyền cá nhân, ông giải quyết liền, cái nào phải bàn bạc với ban tổng giám đốc hay hội đồng quản trị, ông cũng không ngâm quá vài ngày.

Chưa bao giờ tôi nghe ông dùng từ “chỉ đạo”, “chỉ đạo quyết liệt” để chỉ đạo chúng tôi. Có lần ông tâm sự với tôi: “Cấp dưới họ có quyền trong phạm vi của họ thì cứ để họ tự chủ. Chỉ đạo là chỉ đường, họ có lạc đường đâu mà chỉ. Dùng từ ấy vừa trịch thượng, vừa thiếu niềm tin.

Tiếc rằng, bây giờ có quá nhiều người ưa “chỉ đạo” mà chỉ chỉ chung chung, rất chung chung, chẳng biết đường đâu mà lần, nặng phần hô khẩu hiệu để chứng tỏ quyền uy.

Cậu nhớ có lần tôi rầy cậu không? Trong cuộc họp với công ty cậu hôm ấy, tôi chỉ đưa ra định hướng công việc trong quý của tổng công ty, cậu lại “Vô cùng cám ơn sự chỉ đạo của tổng giám đốc, công ty chúng em xin lãnh hội đầy đủ sự chỉ đạo ấy”. Tôi rầy cậu vì tôi thấy mình bị tâng bốc đến phát ngượng”.

Tôi cho rằng cách dự họp với cấp dưới của sếp tổng như vậy là một trong những phẩm chất mà người lãnh đạo cần có.

Tôi nhớ mãi chuyện ông với công ty trúng thầu (bên B) xây dựng tòa nhà kinh doanh của tổng công ty. Trong quá trình bàn thảo hợp đồng, vị giám đốc bên B nói thẳng: “Chúng tôi sẽ chuyển vào tài khoản riêng của anh một tỷ rưỡi, không biết như vậy đã được chưa?”.

Tổng giám đốc tỉnh bơ: “Nếu được 2 tỷ thì càng tốt. Chúng tôi đang cần tiền”. Suy nghĩ một hồi, vị giám đốc bên B đồng ý. Tổng giám đốc nói: “Anh đã hứa thì cứ vậy mà thực hiện, nhưng thực hiện bằng cách trừ đi 2 tỷ đồng trong giá thành mà hai bên đã chấp nhận”.

Giám đốc bên B không có cách nào để lãng được số tiền ấy, nhưng sau khi công trình hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng cao, tổng công ty chúng tôi đã thưởng cho bên B nửa tỷ đồng.

Phải thừa nhận, sép tổng của chúng tôi là người giữ lời hứa tuyệt đối. Một hôm ông xuống công trường, thấy mũ bảo hộ của nhiều công nhân bị sứt sẹo, cong vênh, ông nói chiều sẽ có mũ mới.

Ông không chỉ thị cho chúng tôi mua mũ mà cử người của văn phòng tổng công ty mang đến. Thì ra số mũ ấy là hàng dự trữ trong kho, cùng với khá nhiều áo quần, găng tay bảo hộ, dụng cụ lao động để chi ngay khi cần.

Tôi cũng được chứng kiến cách ông giữ lời hứa với hai con gái, một lên 15, một lên 10. Chiều thứ 7 cuối năm, công ty tôi tổng kết, gọi điện thoại mời ông, ông nhận lời xuống đúng 2 tiếng đồng hồ (trong nội bộ tổng công ty, ông không cho dùng thư mời mà chỉ được gọi điện thoại, nhắn tin, e-mail, như ông nói, để tiết kiệm và bảo vệ môi trường).

Biết tính ông, chúng tôi tổng kết đúng một tiếng rưỡi để còn chút thời gian mời ông dùng cơm. Ông uống đúng một ly vang rồi xin phép về để đưa hai con đi chơi như đã hẹn.

Tôi nghiệm ra, giữ lời hứa cũng là cách làm việc khoa học, đúng giờ giấc.

Vậy mà vừa rồi, ông nhất khoát xin từ chức!

Theo tôi thì nguyên nhân từ chức của tổng giám đốc là “lãng xẹt”.

Hôm ấy ông tiếp hai vị quan chức khá to trong ngành xây dựng từ Hà Nội vào TP.HCM. Ăn cơm ở nhà hàng xong, hai vị khách ấy đòi đi “mát mẻ”. Đang có mấy công trình lớn “cần Hà Nội hỗ trợ”, ông không thể không đáp ứng yêu cầu ấy.

Thế là ông dẫn khách vào một quán bia kín bưng. Cô gái ngồi cùng nói với ông đã ly dị chồng dưới quê, quá khổ, phải bồng con lên Sài Gòn kiếm sống.

Ông chưa từng đi “bia kín”, chỉ nghe nói là phải cảnh giác với các cô phục vụ, nhưng cô gái này trông mặt hiền lành, phảng phất nét quê mùa của dân làm ruộng, thì có gì mà phải “cảnh giác”.

Đặc biệt cô gái còn nhờ ông kiếm cho một việc làm để thoát cảnh phải say tối ngày, phải chiều khách tối ngày. Thấy tội nghiệp, ông nghĩ có thể bố trí cho cô ta làm tạp vụ ngay trong tổng công ty của mình, nên cho địa chỉ.

Hai tháng sau, trong khi ông đang ở Úc thì cô gái ấy ẳm đứa con trai lên ba tìm đến nhà ông. Cô gái nói với vợ ông, đây là đứa con của hai người mà vì danh dự của ông, vì hạnh phúc gia đình ông bà mà cô đã bí mật nuôi nấng, bây giờ xin trả lại.

Vợ ông không sao liên lạc được với chồng, vì khi ra nước ngoài ông không bao giờ mang theo điện thoại (như ông nói, để tiết kiệm tiền cho tổng công ty), cần việc gấp thì ghé bưu điện gọi.

Bà bình tĩnh bảo cô gái ráng đợi ông về và cô ta nghe theo. Nhưng ngay tối ấy, cô ta trốn đi, để lại mấy chữ nói là nhờ bà chăm con cho mấy bữa để về Cà Mau thăm ba má.

Ông về, tất nhiên là rất ngạc nhiên với “đứa con trên trời rơi xuống”, nhưng nói gì bà cũng không nghe, cứ khăng khăng đó là con ông.

Bà biểu ông đem thằng bé đi thử ADN, ông nói không cần vì đó không phải là con ông và ông cũng chưa bao giờ chung đụng với ai ngoài vợ. Ông còn nói, danh dự là quan trọng nhất, bà không tin thì đó là quyền của bà.

Cô gái đi mất tăm. Có thể cô ta vì hoàn cảnh nào đó, phải dứt ruột giao con vào tay những người xa lạ.

Tin đồn sếp tổng lén “ăn phở” mà có con riêng lan truyền trong tổng công ty, trong ngành xây dựng, trong bà con nội ngoại. Kẻ ác ý còn nói bây giờ sếp tổng mới lộ mặt đạo đức giả. Ngoài vợ và hai con, ông không hề nói sự thật với ai.

Có lẽ tính cực đoan và lòng tự trọng thái quá đã ngăn ông. Và thế là ông quyết từ chức.

Thỉnh thoảng đến thăm, tôi thấy thằng bé đã trở thành thành viên trong gia đình ông, đặc biệt hai chị rất cưng chiều. Còn bà thì nói, không đẻ mà có thằng con trai cũng vui cửa vui nhà...

MINH ĐĂNG

Nguồn:
Sếp tổng của tôi
Entry liên quan:
CÓ NGƯỜI CON RƠI TÌM ÔNG...



6 comments:

Titi on lúc 21:04 5 tháng 6, 2011 nói...

Thời nay vẫn có oan Thị Kính nhỉ. Nhưng cái kết có hậu cho thấy xã hội ta đã khác òi. Bà vợ ông sếp thay đổi quan điểm ... hơi bị được! :-D

Nặc danh nói...

Tôi cũng tin vẫn còn đâu đó những người như thế(trong xh mình), dù hơi cực đoan.
CNC

LU on lúc 01:59 6 tháng 6, 2011 nói...

Em ghét nhất dư luận, cứ hay đồn thỗi đoán mò. Cần gì đi thử máu? nếu là bồ lẽ có con, thì ko bà nào điên đem giao con rồi bỏ trốn cả. Thông thường các bà lẽ có con thì càng giử chặt nó, lấy đó làm bằng chứng đòi chia chác của cải, quyền lợi với vợ lớn, nếu như vớ được ông nhà giàu.

Thuy Dam Minh on lúc 17:01 6 tháng 6, 2011 nói...

Câu chuyện thật cảm động. Bác này, thực sự làm tấm gương cho nhiều người, trong đó có anh!

Lana on lúc 17:36 6 tháng 6, 2011 nói...

Thôi đành tự đọc 'Tái ông mất ngựa'. Mất có khi là được, được có khi là mất.
Có điều Lana vẫn nghĩ niềm tin không phải là bổn phận vô điều kiện, ông đòi hỏi bà vợ tin nhưng ông cũng có trách nhiệm xây dựng nuôi dưỡng điều đó. Mất gì đâu nếu ông đồng ý với đề nghị của bà thử ADN? Em bé lúc đó mới 3 tuổi nên nếu ông bà giữ bí mật thì nó sẽ chẳng bị tổn thương gì. Nếu thật sự ông không có gì thì việc này sẽ chỉ được mà không mất.
Thế nên với riêng Lana, người đáng tôn vinh trong câu chuyện này duy có bà vợ sếp. Thật là bà ở hiền gặp lành.

baconsoc on lúc 15:41 9 tháng 6, 2011 nói...

Xin lỗi, nhưng xin được thắc mắc: : không nói với ai ngoài vợ và hai con sao tác giả lại biết ạ?

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết