20/8/08

CÓ NGƯỜI CON RƠI TÌM ÔNG...



Thế là tôi đã tìm được cha của cô gái mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam. Năm nay cô 22 tuổi và suốt 19 năm qua ngóng chờ tin từ người đàn ông ruột thịt nhất của mình.

Một lần tình cờ vào website của chương trình tìm người thân và đoàn tụ gia đình của nước ngoài, vào mục tìm người ở Việt Nam tôi đọc được những dòng chữ sau đây: "Tên tôi là S.I , năm nay tôi 15 tuổi. Tôi muốn tìm cha tôi, một người Việt Nam, tên là (...) . Cha mẹ tôi quen nhau khi ông học nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm khoa học (...). Năm 1989, khi tôi 3 tuổi, ông làm xong luận án tiến sĩ chuyên ngành (...) và trở về nước. Ông trao đổi thư từ với mẹ tôi một thời gian, sau đó thì bặt tin. Mẹ viết thư về địa chỉ cũ, nhưng thư đều quay lại. Chắc cha tôi đã chuyển đi nơi khác. Nay mẹ tôi không còn nữa, tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này. Trước khi qua đời, mẹ tôi nói ông sống ở Hà Nội. Tôi rất muốn tìm lại cha tôi, các anh chị em của tôi ở Việt Nam".

Tên của người đàn ông khá đặc biệt, chỉ có hai chữ. Cạnh tin nhắn trên là hai bức ảnh: Một bức chụp người đàn ông ngoài 30 tuổi, đẹp trai, mái tóc lòa xòa rủ xuống trán ôm một đứa con gái nhỏ có đôi mắt tròn giống hệt bố. Bức kia chụp người đàn ông đó cười rạng rỡ bên cạnh một phụ nữ tóc vàng. Trông họ thật hạnh phúc.

Ngày tin nhắn được post lên website là 19.9.2002. Như vậy là đã gần 7 năm trôi qua.

Bẵng đi một hôm, cái tên đặc biệt của người đàn ông ấy bỗng hiện lên trước mắt tôi. Không ở đâu xa lạ, chính trên trang báo nhà! Nhờ có chức danh và học hàm ghi ngay dưới tên tác giả mà tôi biết ông là một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam.

Tôi vội vã quay trở lại trang web để kiểm tra lại thông tin: 80% người cha mà cô gái đi tìm chính là ông. Tôi liên lạc với người trưởng ban đã biên tập bài này. Người đó khẳng định ông là người khả kính, uyên bác, đẹp trai, đào hoa, và chuyện ông để lại một người con ở nước ngoài không hề là chuyện khó tin.

Tôi in lại những tin nhắn tìm cha của cô con gái và nhờ anh chuyển tới tận tay ông.

Hôm nay, sau hơn nửa năm, ông đến gõ cửa phòng tôi. Đó là người đàn ông gần 60 tuổi, gương mặt mệt mỏi, phong trần, nụ cười gượng gạo. Ông giới thiệu: "Tôi là (...) đây. Hồi trước anh có chuyển cho tôi tin nhắn tìm cha của một cô gái từ trang web nước ngoài. Tôi vừa đi công tác dài ngày ở Mỹ về. Hôm nay đến hỏi anh để biết thêm thông tin".

Tôi mời ông ngồi, mở lại trang web, tìm đến tin nhắn mà cô con gái để lại từ 7 năm nay. Người đàn ông không thể hiện cảm xúc đặc biệt nào. Không run rẩy, mắt cũng không nhòa lệ, như tôi vẫn hình dung. Ông nói: "Đúng đấy, anh ạ!". Tôi buột miệng: "Tức đây đúng là cô con gái của anh ạ?"

Người đàn ông không trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông nói: "Chắc anh cũng biết, chuyện không đơn giản. Sau khi về VN, tôi đã quay trở lại đó một lần, đã đến thăm hai mẹ con. Nhưng cuộc sống có những phức tạp riêng của nó... Tôi không chối bỏ cháu, nhưng tôi muốn giải quyết mọi chuyện một cách êm đẹp, không ồn ào".

Tôi giảng giải cho ông hay, website này là của một kênh truyền hình. Mục đích của họ là đưa bằng được những cuộc đoàn tụ lên sóng. Cho nên chừng nào con gái ông chưa tìm được ông, thì thông tin cô tìm cha cùng với hình ảnh của ông vẫn lưu giữ trên Internet.

- Anh còn nói được tiếng (...) chứ? - ông hỏi.

- Vâng, em có thể giao tiếp được anh ạ.

- Thế hôm nào tìm lại được số điện thoại cũ, tôi sẽ nhờ anh nói chuyện với cháu nhé. Tôi quên sạch thứ ngôn ngữ đó rồi, chỉ đọc sách chứ không nói được. Tôi muốn nói với cháu rằng tôi rất yêu cháu và muốn gửi cho cháu một ít tiền...

Tôi im lặng. Không biết phải nói sao về phương án mà ông đưa ra. Ông kể tiếp rằng ông có 2 người con, một cô con gái và một cậu con trai. Cả hai đều đã lớn, đã đi làm.

- Anh này, sao anh không nói với chị? Bao nhiêu năm đã qua rồi. Em nghĩ chị ấy sẽ tha thứ. Hơn nữa, cô bé chỉ còn lại có một mình. Biết đâu, chị ấy động lòng. Dù sao thì cũng là con của chồng mình...

- Không đơn giản thế đâu em. - Ông chuyển cách xưng hô. - Để anh suy nghĩ thêm nhé. Anh không muốn làm chuyện này ồn ào.

Lần thứ hai ông nhắc lại là không muốn làm chuyện này ồn ào. Nhưng tin nhắn cùng ảnh của ông thì vẫn ở trên website. Ông có tính đến chuyện một ngày nào đó vợ con ông tình cờ phát hiện ra không?

Tôi không rõ điều gì có thể cản trở ông vào giây phút này? Người vợ ghen tuông (có thể như vậy), hay chiếc ghế (mặc dù không còn ngồi lâu được nữa) đang níu giữ ông làm tròn cái bổn phận thiêng liêng mà ông đã tự gột bỏ suốt 19 năm qua?

Có thể cô gái kia cũng chẳng cần gì, ngoài gọi một tiếng "cha"!

Không rõ cô sẽ phải chờ thêm bao nhiêu lâu nữa để được nói từ ấy???


Ông chào tôi, bắt tay ra về. Một bàn tay nhỏ đến bất ngờ so với cái dáng cao to của ông. Nó mềm oặt như không có sinh khí.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.


5 comments:

Nặc danh nói...

buồn

Nặc danh nói...

...sau khi tranh luận gay cấn tại tòa án không có kết quả, thẩm phán chủ tọa phiên tòa nổi cáu đập bàn: "Thằng bé nó giống anh như lột thế kia mà anh còn cãi chày cãi cối à?" (cháu bé bốn tuổi được người mẹ dẫn đến phiên tòa, hy vọng cha nhìn thấy, thương mà nhận con). Bị đơn chẳng chịu thua (ông ta cũng làm quan), chỉ thẳng vào chủ tọa, lớn tiếng: "Ông bảo nó giống tôi như lột, nhưng tôi thì tôi lại thấy nó giống ông như lột đấy!".

http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2009/Pages/Phap-luat-bo-tay.aspx

Nếu so với "cái này" thì nhà khoa học nào đó mà bạn VMC viết trên, còn dễ hiểu hơn.

Mai nói...

Kết câu kết, bàn tay bộc lộ tính cách.

Nặc danh nói...

người đàn ông này quá TỒI

Nặc danh nói...

Người đàn ông này không xứng đáng làm cha, tôi nghiệp cho một sinh linh nhỏ bé trên cõi đời này đã phải ra đời với một người cha như thế

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết