4/8/08

KHẢO DỊ "MƯỜI LẺ MỘT ĐÊM"



Đọc "Mười lẻ một đêm" của Hồ Anh Thái đã lâu và rất khoái lối viết châm biếm hài hước của bác này. Nhưng khi đọc đoạn bác ấy mô tả tật xấu của các giáo sư tiến sĩ đầu ngành thì đâm ra bán tín bán nghi. Không lẽ họ lại xấu xí như vậy? Hỏi nhà văn thực hư thế nào, thì anh đáp: "Thật hết, ta chỉ chép lại cuộc sống mà thôi".

Cách đây mươi hôm thì mục kích sở thị hiện tượng này.

Tôi đi dự hội nghị khoa học ở một nước Bắc Âu. Toàn những giáo sư tiến sĩ đầu ngành đến từ nhiều nước trên thế giới.

Có một vị được dân trong nghề coi là "đại tổ sư" của ngành. Ông làm hiệu trưởng một trường đại học đã 40 năm nay, là thầy của khá nhiều người thầy. Vì là "đại tổ sư" nên không có chuyện về hưu, ông vẫn ở lại trường và người ta phải nghĩ ra một chức vụ dành riêng cho ông: Chủ tịch trường.

Ông có bài phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ hội nghị do một vị nữ tiến sĩ-học trò của ông - chủ trì. Vì tiếng tăm của ông, nên phiên họp thu hút được khá đông cử toạ. Hình như biết rõ tính ông, nên cô xếp ông phát biểu thứ hai.

Phiên họp khai mạc lúc 14 giờ, nhưng chừng 20 phút sau, khi diễn giả đầu tiên đã thuyết trình được 2/3 bài phát biểu, vị "đại tổ sư" mới tới. Ông kéo ghế nặng nề ngồi xuống. Diễn giả số 1 ngừng nói, ra một cử chỉ kính cẩn chào ông.

Rồi diễn giả số 1 lại nói tiếp. Được vài phút thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Lảnh lót, trêu ngươi, khó chịu. Diễn giả đưa mắt đảo khắp khán phòng và thấy vị "đại tổ sư" lục tục thò tay vào túi áo complet, rút ra một cái Nokia to tướng, nhấn nút và bình thản "allo".

Diễn giả im lặng để vị "đại tổ sư" nói chuyện. Cử toạ nhớn nhác nhìn nhau. Chỉ khi ông gọi điện xong, diễn giả mới phát biểu tiếp.

Sau phần thảo luận bản báo cáo thứ nhất, đến lượt giáo sư khả kính diễn thuyết. Cô tiến sĩ-học trò rụt rè mời ông lên diễn đàn với thái độ trân trọng.

Nhưng ông không lên. Ông vẫn ngồi nguyên ở chỗ của mình và nói vọng lên. Khốn khổ cho cử toạ phải căng tai ra để nghe ông nói.

Phải thừa nhận đó là một bài báo cáo hay, có nhiều thông tin mới, với sự phân tích và nâng tầm vấn đề ở mức độ bậc thầy. Mọi người nghe ông và quên đi sự khó chịu về tiếng chuông điện thoại ban nãy.

Ông nói xong, cử toạ vỗ tay. Rồi người ta chất vấn ông, ông trả lời rành mạch từng câu một. Sau đó là giải lao.

Diễn giả thứ ba cũng phải chịu tiếng chuông điện thoại của ông vô tư vang lên. Tuyệt nhiên không một ai dám nhắc ông tắt điện thoại. Tuyệt nhiên không một ai dám đề nghị ông ra ngoài để đàm đạo. Ông cứ ung dung hưởng sự ưu tiên đặc biệt mà cử toạ dành cho.

Khi diễn giả thứ tư vừa bắt đầu bài diễn thuyết, thì ông kéo ghế lục tục đứng dậy. Ông đi ra ngoài. Chừng 5 phút sau quay trở lại. Không ít người nhận ra một mảng quần phía trước của ông bị ướt đẫm. Nhưng tất cả vờ như không nhìn thấy gì.

Liên tưởng đến "Mười lẻ một đêm" của Hồ Anh Thái, thì có vị giáo sư không kiềm chế được sự bài tiết của mình. Nhưng rất có thể vị "đại tổ sư" bị nước té vào trong lúc rửa tay thì sao???

Đem chuyện trên tám nhà văn: "Đọc truyện của bác đã khiếp. Nay tận mắt chứng kiến, mà lại là giáo sư Tây mới kinh. Hoá ra đây là hiện tượng toàn cầu à?". Nhà văn nói: "Ở đâu cũng vậy mà!". Rồi anh bổ sung: "Đến tuổi ấy thì nên nhốt mình ở nhà. Không nên hoang tưởng nghĩ rằng mình đẹp mình uyên bác. Thế đáng thương lắm".

Bìa sách "Mười lẻ một đêm"

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết