17/6/08

LƯỢM LẶT Ở HỘI THẢO ĐÀO TẠO BÁO CHÍ (1)



Sáng nay ở Học viện Báo chí Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo về đào tạo báo chí trong quá trình hội nhập. Sau đây là vài điều lượm lặt tại hội thảo.

1. Kỷ yếu dày "kinh hoàng": 560 trang. Số lượng in: 150 bản. Một vài người đến muộn không nhận được kỷ yếu vì một số học viên cao học của Học viện đã nhanh tay xin trước. Khá nhiều tham luận có giá trị thực tiễn. Chỉ cần lấy tư liệu trong đó cũng làm được hàng chục cái luận văn cao học được điểm cao ngất ngưởng.

2. Chân dung một nhà báo Đức theo mô tả của ông Sven Engesser, giảng dạy báo chí tại Đại học Tổng hợp Munich: Nam, 41 tuổi, có ít nhất một bằng đại học, độc thân (hoặc có vợ, partner, nhưng không có con); lương 3.550 USD/tháng.

3. Tình hình báo chí ở Đức (cũng theo ông Engesser): Lâm vào cuộc khủng hoảng từ đầu thiên niên kỷ. Năm 1992 Đức có 54.318 nhà báo, nhưng đến năm 1005 chỉ còn 48.380 người. Số toà soạn năm 1992 là 2.366, nhưng đến năm 2005 lại tăng lên 2.800. Số sinh viên báo chí ở Đức đến năm 2005 giảm 15% so với năm 1992.

4. Bà Wendy Bacon, ĐH Công nghệ Australia, cho biết: Báo in đang phải đối mặt với sự sụt giảm quảng cáo. Một số tờ báo Australia đã đẩy mạnh rao vặt, đặc biệt là trên ấn phẩm cuối tuần. Và điều này đã giúp họ tăng doanh thu từ 30-40%.

5. Cũng theo bà Bacon, không nên đào tạo chuyên môn hoá một loại hình báo chí, một sinh viên báo chí cần phải biết hết các kỹ năng của báo viết, phát thanh, truyền hình và công nghệ mới. Báo điện tử sẽ chiếm ưu thế trong tương lai và sẽ tích hợp tất cả các loại hình báo chí truyền thống.

6. Ông Hakan Lindhoff, ĐH Tổng hợp Stockholm (Thuỵ Điển), người tự hào về thành tích hơn 30 năm đào tạo báo chí, cho biết ở Thuỵ Điển hiện có khoảng 20 nghìn nhà báo và không phải ai cũng có bằng báo chí. Theo ông, thì báo chí càng ngày càng trở thành lĩnh vực của phụ nữ. 65% sinh viên báo chí của nước này là nữ. Theo bà Bacon, thì tỉ lệ nam nữ theo học báo chí ở Úc khá cân bằng: 45/55%.

7. Bà Judith Clarke, Đại học Baptist Hồng Kông, đưa ra công thức học tập "3L" cho nhà báo là "life long learning" (học suốt đời).

8. Ông Chris Nash, Đại học Monash (Australia), thông báo: Cần có một bằng đại học trước khi học báo chí. 50% sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí ở Australia không làm việc đúng nghề. Ông Engesser bổ sung: Ở Đức phần lớn nhà báo đều có một bằng đại học chuyên ngành, sau đó mới học để có thêm bằng báo chí.

9. Ông Lindhoff cảnh báo về xu hướng tháp ngà hoá trong đội ngũ viết báo (ở Thuỵ Điển). Các phóng viên ít đi thực tế, họ ngồi bàn luận tranh cãi với nhau, đưa ra các phân tích, nhận định rồi cứ thế viết lên báo. Các nhà báo đang quá kiêu ngạo và áp đặt suy nghĩ và ý kiến của họ lên xã hội.

10. Bà Nguyễn Thị Minh Thái, ĐH KHXHNV Hà Nội, nói rằng muốn học nghề báo phải có năng khiếu. Do vậy phải kiểm tra năng khiếu khi thi đầu vào. Bà cũng đưa ra quan điểm: có thể học làm báo, nhưng không thể dạy làm báo. Chỉ có thể truyền nghề mà thôi. Muốn truyền nghề được thì đội ngũ giảng viên phải đã hoặc đang làm báo. Ở Việt Nam không đến 10% giảng viên báo chí đã từng làm báo. Muốn truyền nghề diễn chèo, thì người truyền nghề phải đã từng hát chèo rất hay và diễn chèo rất tuyệt, có thế thì mới đào tạo được người kế nghiệp được mình.

Bonus: Ông Engesser quan niệm blog cũng là một loại hình báo chí, đang cạnh tranh mạnh với các loại hình báo chí khác. Một vị GSTS của ta hỏi luôn: "Có thể đào tạo đội ngũ viết blogger được không?". Ông kia trả lời: "Không thể đào tạo được, biết người ta ở đâu mà đào tạo?". Tôi đánh giá đây là câu hỏi "hay" nhất hội thảo!

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết