18/6/08

LƯỢM LẶT TỪ HỘI THẢO ĐÀO TẠO BÁO CHÍ (2)


Sáng nay tôi lại tiếp tục mài ghế tại Hội thảo đào tạo báo chí vì thấy trong chương trình có tham luận của Trung Quốc, Hồng Kông... để tiếp tục khám phá một vài điều mới mẻ (mà cũng có thể chẳng còn mới mẻ nữa) cho mình và cho cộng đồng blogger. Sau đây là một vài ghi nhận tiếp theo:

1. Trung Quốc chưa có Luật Báo chí. Tôi bị choáng khi nghe tin này. Luật Báo chí Việt Nam có từ cách đây gần 20 năm, thế mà một nước lớn sừng sững như Trung Quốc lại chưa có Luật Báo chí. Vị đại biểu Trung Quốc nói: "Tôi không biết nên nói gì về vấn đề này (luật pháp trong hoạt động báo chí) vì ở Trung Quốc không có Luật Báo chí. Thế mới biết Việt Nam chúng ta đã đi trước một bước.

2. Bà Vương Hiểu Hồng, Trưởng Bộ môn truyền hình và báo chí, Đại học Truyền thông Trung Quốc, khẳng định: "Đào tạo báo chí ở Trung Quốc trước nay chịu ảnh hưởng sâu sắc của chính trị và sự ảnh hưởng này hiện nay vẫn tồn tại".

3. Trung Quốc cũng không có quy định hay chính sách nào về định hướng thông tin cho cộng đồng Hoa kiều. "Họ quá đông và lại là công dân của hàng trăm nước khác nhau, nên chúng tôi không có cách để đáp ứng tất cả. Thông tin cho Hoa kiều là thông tin được chấp nhận trong nước và không vi phạm quy định luật pháp của nước mà họ đang sinh sống" - đại biểu Trung Quốc nói.

4. Bà Judith Clarke, ĐH Baptist Hồng Kông, nói: "Hồng Kông là thuộc địa của Anh, nhưng đào tạo báo chí theo kiểu Mỹ". Hiện tại HK có 7.603 nhà báo, tuổi đời trung bình 30 (Oái, sao trẻ thế nhỉ?). Tuyệt đại đa số phóng viên là phụ nữ trẻ, đàn ông già thì làm sếp. Điều hơi buồn là thu nhập của nhà báo ở HK hơi thấp, nên nhiều người bỏ việc chuyển sang làm PR. 90% nhà báo ở HK có bằng đại học. Làm sếp nhất thiết phải là thạc sĩ.

4. Cũng theo bà Clarke, ở HK rất thịnh hành loại hình internship, tức thực tập sinh. Các cử nhân báo chí đến luyện tay nghề trong các lò đào tạo của các báo. Ở đó họ được mài rũa tay nghề và nhiều người thích ứng rất nhanh. Thường thì ở nhiều nước, người ta không trả lương cho TTS, nhưng HK thì lại khác. Các TTS được trả lương và nhuận bút, họ có thu nhập không kém phóng viên chính là bao nếu làm việc tích cực. Có đội ngũ TTS làm hộ, các phóng viên đi nghỉ hè thoải mái...

6. Newsputer: Từ tiếng Anh mới này do Tiến sĩ Hakan Lindhoff (Thụy Điển) đưa ra. Đó là sự kết hợp giữa "news" (tin tức) và "computer" (máy vi tính) - một phương tiện tiếp nhận thông tin mới của con người trong tương lai gần. Viễn cảnh này bắt buộc các cơ quan báo chí phải chuyển thành đa phương tiện (multimedia), nếu không muốn bị diệt vong.

7. Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là điểm yếu của sinh viên báo chí Trung Quốc. Ở VN tình hình cũng như vậy. Điều này ngăn cản họ hành nghề kiểu "nhảy dù" giống phóng viên phương Tây. Ví dụ như trận động đất ở Tứ Xuyên vừa qua, phóng viên nước ngoài có thể "nhảy dù" vào hiện trường ngay ngày hôm sau. Đấy là để hành nghề, chưa nói đến chuyện đi học. Một lãnh đạo của Học viện than phiền riêng với tôi là khả năng ngoại ngữ của sinh viên ta quá kém. Học bổng đi học nước ngoài năm nào cũng có, nhưng rất ít người có đủ ngoại ngữ để đi.

8. Ông Quốc Uy, Tổng giám đốc TTXVN, nêu một ví dụ săn tin điển hình: Quốc vương nước nọ về đến sân bay viện cớ mệt, từ chối trả lời các nhà báo. Khi ông vừa ngồi vào xe và cảnh vệ chưa kịp đóng cửa, thì một nữ nhà báo phương Tây kêu thất thanh: "Quốc vương ơi, cứu tôi với!". Quốc vương nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu, lòng không đành, nên bước ra hỏi han xem nữ nhà báo này cần gì. Cô ta nói: "Xin Quốc vương cứu giúp, nếu Quốc vương không trả lời, tôi sẽ bị đuổi việc". Thế là Quốc vương phải trả lời.

Bonus: Câu tiếng Việt đầu tiên mà Tiến sĩ báo chí Đức Sven Engesser học được và nói chuẩn là "trăm phần trăm". Câu thứ hai mà ông dự định sẽ học là "Tôi yêu em". Một đại biểu từ Australia nhận xét: các đại biểu VN trong hội thảo hơi dè dặt, nhưng cởi mở hơn sau "trăm phần trăm"...

P/S: Trong entry trước, bạn Gauxauxi hỏi tại sao tôi không rì viu tham luận của các đại biểu VN. Xin trả lời bạn là chương trình hội thảo chỉ có 2 bản báo cáo của VN, mà lại toàn là những chuyện biết rồi. 8 bản báo cáo còn lại đều của các đại biểu nước ngoài. Mà báo cáo của họ có chất, cho nên tôi mới rì viu.

Ảnh: Các cử nhân báo chí trong lễ tốt nghiệp.
Nguồn: nghebao.com


0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết