11/6/08

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT TỪ TRẦN



Hay tin ông bệnh nặng đã gần một tuần nay và hôm nay hay tin ông đã từ trần. Đối với tôi, ông là hình mẫu của một nhà lãnh đạo: thông minh, thao lược, bản lĩnh, quyết đoán. Ông là người vô cùng tâm huyết với đất nước và đến tận những ngày cuối cùng trước khi lâm bệnh vẫn còn đau đáu với những vấn đề vì một đất nước Việt Nam mới và phát triển.

Xin giới thiệu lại cùng mọi người một bài viết của nguyên Thủ tướng dành cho báo Lao Động ngày 24.9.2005.

Không chống tham nhũng một cách hình thức

Diễn đàn "Hiến kế chống tham nhũng" của Báo Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Mới đây, báo nhận được bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thường vụ Quốc hội đang bàn thảo, lấy ý kiến nhân dân để xây dựng Luật về Phòng và chống tham nhũng. Có thể nói, nếu luật này ra đời, cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, liệu có thể nhận định như đã có người viết lên báo: Cuộc đấu tranh này "là trận sau cùng", không thắng thì coi như thua đứt?

Chúng ta không thiếu luật

Tuy vậy, tôi không nghĩ Luật về Phòng và chống tham nhũng ra đời tự nó có hiệu lực như một phép màu. Chúng ta đã từng có Pháp lệnh về chống tham nhũng, có Ban chỉ đạo Chống tham nhũng; Đảng thì có "Ban chỉ đạo Trung ương 6-2"... nhưng diễn biến tình hình tham nhũng trong cả nước xem ra chưa suy giảm, mà có phần còn nghiêm trọng hơn.

Diễn biến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiều năm qua, cũng như nhiều tuyên bố kêu gọi từ cấp cao về chống tham nhũng, chống lãng phí chưa được như lòng dân mong đợi đúng là có phần thiếu luật, nhưng cũng chưa phải đó là nguyên nhân chủ yếu. Chắc không ai nghĩ rằng khi có luật thì nạn tham nhũng quan liêu được đẩy lùi ngay. Vấn đề chủ yếu là các biện pháp còn khập khiễng, chưa đồng bộ, không triệt để, còn né tránh, nể nang và đáng ngại hơn, trong chừng mực nào đó, ở một số nơi, có sự thoả hiệp trong lãnh đạo, điều hành ở các cấp.

Cần nhớ rằng, đối với cán bộ, đảng viên, trước khi có pháp lệnh, có luật thì Đảng đã có điều lệ như một thứ luật của Đảng mà mỗi đảng viên đã tuyên thệ tự giác chấp hành, khi tự nguyện đứng trong Đảng. Điều lệ Đảng ta xưa nay không có điều nào dung túng cho đảng viên tham ô, lãng phí của công. Rồi còn biết bao nhiêu nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Bác Hồ thường xuyên căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải "cần, kiệm, liêm, chính". Phải nói rằng, trong các lãnh tụ của Đảng ta, Bác Hồ là người đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm cách, đạo đức, xem đó là cái gốc của người cách mạng.

Trong hệ thống công quyền, cũng đã có quy định về kỷ luật hành chính đủ nghiêm, không khác mấy với kỷ luật trong Đảng. Thế nhưng, nhiều cấp có thẩm quyền đã không nghiêm chỉnh thực hiện và thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện những quy định nghiêm ngặt đó. Vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý cán bộ, nếu không mạnh dạn đổi mới, nhất là trong hệ thống công quyền, Đảng không giao hẳn thẩm quyền cho tập thể và cá nhân đứng đầu có quyền quyết định và chịu trách nhiệm theo pháp luật... hậu quả thế nào thì chúng ta đều biết.

Trong hệ thống quản lý nhà nước, không nhất thiết có ban chuyên trách phòng chống tham nhũng, lãng phí, cứ thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm từng cấp và các bộ, ngành chức năng của Chính phủ như Thủ tướng, bộ trưởng... Cùng với hệ thống công quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị của chúng ta cũng phải xử lý nghiêm tương ứng theo điều lệ của đoàn thể mình về trách nhiệm. Nhưng, trong thực tế, các quy định này mang nặng tính hình thức, không trở thành điểm tựa cho việc xem xét, nhận định về tư cách của thành viên đứng trong tổ chức chính trị xã hội đó, không tạo ra được sức mạnh cho hệ thống chính trị.

Vấn đề đặt ra là nhìn nhận lại một cách nghiêm chỉnh trách nhiệm sử dụng hết thẩm quyền đã được luật pháp, Điều lệ Đảng, điều lệ của các đoàn thể chính trị xã hội đã quy định rõ được thực hiện như thế nào.

Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu?

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là, toàn bộ hệ thống chính trị của chế độ chúng ta bao gồm từ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội cho đến Nhà nước, chưa bao giờ có số lượng thành viên đông đảo như hiện nay. Ơ cấp cơ sở xã phường, nếu tính từ tuổi thành niên đến 60 tuổi, thì có 80-90% số người tham gia các tổ chức thuộc hệ thống chính trị của chúng ta. Trong các cơ quan và các ngành thuộc hệ thống nhà nước thì tỉ lệ đó là 100%.

Nhưng, lại có một thực trạng là phần lớn các vụ tham nhũng lãng phí được xử lý đều do dân chúng và báo chí phát hiện. Đã như thế, sau khi vụ việc được xử lý, gần như chưa có các tổ chức Đảng, đoàn thể ngang cấp nào bị xử lý trách nhiệm đủ nghiêm về kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể. Chính vì thế, chẳng những trách nhiệm các tổ chức này không được nâng cao mà còn bị hạ thấp dần đến mức coi như đứng ngoài vụ việc, "né" đấu tranh chống tham nhũng lãng phí.

Tình trạng thiếu vắng trách nhiệm trước các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong mỗi ngành, mỗi cấp như vậy cần phải được chấn chỉnh bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể đứng đầu trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan.

Người đứng đầu, tập thể đứng đầu phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nảy sinh trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Nếu lãnh đạo quản lý sâu sát, có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời, thì chắc đã hạn chế được những vụ việc không để đến mức nghiêm trọng như đã xảy ra. Thí dụ, một thứ trưởng tham nhũng, suy thoái đạo đức, phẩm chất kéo dài, lẽ ra bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng rồi chính người có trách nhiệm cao nhất trong bộ lại coi như không biết. Câu hỏi cần đặt ra: Vậy bộ trưởng hằng ngày trực tiếp làm việc với ai? Rồi cấp uỷ đảng ở đó, ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên có trách nhiệm đến đâu và cụ thể như thế nào khi không phát hiện, đấu tranh, để tham nhũng, lãng phí tiêu cực tác oai tác quái trong cơ quan, đơn vị mình?

Rõ ràng là, không có một cá nhân đứng đầu, tập thể đứng đầu nào không phải chịu trách nhiệm về những gì diễn ra trong cơ quan, ngành, cấp của mình. Vì thế, không chỉ trị tội bằng hết những kẻ tham nhũng, mà cùng với việc đó, phải nghiêm khắc xử lý rốt ráo trách nhiệm của những người, những cấp uỷ đảng và đoàn thể trong hệ thống chính trị có liên quan. Trong lĩnh vực này, không nên e dè phải xử lý bao nhiêu, cũng không né tránh mức độ xử lý nào, cứ đúng theo điều lệ, kỷ luật hành chính và đúng luật pháp.
Thậm chí ở một cấp hay ngành nào, cấp uỷ, ban chấp hành đoàn thể hay cấp chính quyền làm ngơ để tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài, sẽ không ngần ngại nếu thấy cần thiết áp dụng đến hình thức giải tán cả cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể ở đó.

Trong kháng chiến đã từng có huyện uỷ bị giải tán, trong hoạt động bí mật của Đảng ở đô thị cũng có trường hợp giải tán chi bộ. Hiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động công khai, nhưng chúng ta chưa đủ kiên quyết, nghiêm khắc so với những điều kiện nghiệt ngã của thời kỳ kháng chiến và hoạt động bí mật trong vòng vây trùng điệp của kẻ thù, nhưng để bảo đảm tính chiến đấu của Đảng, chúng ta đã kiên quyết làm như vậy. Áp dụng biện pháp mạnh, rồi dựa vào dân, dựa vào quần chúng mà tổ chức lại. Làm như thế, hệ thống chính trị của chúng ta ở mỗi cấp, mỗi ngành chắc chắn không hề yếu đi mà càng nâng cao thêm lòng tin, càng được nhân dân tín nhiệm.

Đặt vấn đề về thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể đứng đầu cũng là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra đang là một tác phong phổ biến trong công tác quản lý hiện nay. Làm được như thế, không những hạn chế được mức độ thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra mà còn làm tăng hiệu lực của luật pháp, hiệu lực kỷ luật của Đảng, hiệu lực kỷ luật của các đoàn thể. Theo tôi, đó là mấu chốt quan trọng nhất để quyết định "trận sau cùng" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là thua hay thắng.

Đấu tranh chống tham nhũng như thế nào?
Theo tôi, nếu không thực hiện tới nơi tới chốn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tập thể đứng đầu thì tổ chức chuyên trách ấy nếu có, cũng chỉ có thể báo cáo trước Quốc hội, đã phá được bao nhiêu vụ tham nhũng, lãng phí lớn chứ không thể nào xác định nổi đã bài trừ, hạn chế tới đâu quốc nạn này. Không có bất cứ tổ chức nào có thể làm thay cho cá nhân, tập thể đứng đầu và cấp trên về trách nhiệm lãnh đạo và quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong khi đó, đã có sẵn một tổ chức đúng với vai trò, chức năng này, đó là "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2" của Bộ Chính trị, do một Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư trực tiếp điều hành, có các ban chức năng của Đảng và Bí thư các Ban cán sự Đảng có chức năng bảo vệ pháp luật giúp sức. Nếu "Ban chỉ đạo..." này tiến hành triệt để theo đúng kỷ luật Đảng, đúng luật pháp, không khoan nhượng né tránh, thì cơ cấu hiện có đã đủ thẩm quyền, đúng chức năng kiểm tra và đề xuất, xử lý cán bộ, thực hiện tốt yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện chức năng quyền lực của dân, cùng với "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6-2", lại rất cần có một tổ chức giám sát chuyên trách đối với đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đủ quyền lực và chức năng, đó là Quốc hội và hội đông nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Tổ chức giám sát này chịu trách nhiệm giám sát quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc lớn mà dân chúng, báo chí và các tổ chức chính trị, xã hội phát hiện. Đặc biệt là giám sát việc xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tập thể đứng đầu trong các vụ việc nổi cộm đó.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, nên chăng Quốc hội có một uỷ ban hoặc bộ phận chuyên trách công tác giám sát như vậy? Trước những vụ việc nghiêm trọng, cơ quan giám sát chuyên trách này có quyền yêu cầu cung cấp mọi thông tin liên quan đến quá trình giải quyết, xử lý vụ việc và thực thi quyền hạn của mình theo luật định. Một uỷ ban chuyên trách như vậy có thể do Chủ tịch hay một phó chủ tịch Quốc hội đứng đầu.

Ban hành luật kịp thời và hoàn chỉnh chưa đủ là một phương thuốc đặc hiệu. Nếu như chỉ "nâng cấp" pháp lệnh lên thành luật, mà đồng thời không có những biện pháp tích cực nhất, không thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống công quyền, thì cũng chỉ là đổi chiếc áo.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết