8/1/11

THƯ TUYỆT MỆNH CỦA BILL ZELLER (1)



Bill Zeller, 27 tuổi (ảnh), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ) đã tự kết thúc đời mình hôm 6.1.2011, sau khi công bố một bức thư dài 4000 chữ giải thích tại sao anh tự tử. Bức thư tuyệt mệnh vén bức màn bí mật về một tuổi thơ bị lạm dụng tình dục, trở thành nỗi ám ảnh đeo đuổi anh, khiến anh không thể có một cuộc sống bình thường.

Dưới đây là phần 1 của bức thư:

Tôi khát khao tuyên bố sự tỉnh táo của tôi và bào chữa cho những hành động của tôi, nhưng tôi ngờ rằng tôi sẽ không bao giờ có khả năng thuyết phục được bất cứ ai rằng đây là quyết định đúng đắn. Có lẽ đúng là bất cứ ai làm điều này cũng là mất trí , xét trên danh nghĩa, nhưng ít ra tôi có thể giải thích rõ nguyên nhân của mình. Tôi đã định không viết bất cứ gì về điều này bởi nó thật là riêng tư, nhưng tôi muốn siết chặt những mối nổi lỏng lẻo và không muốn người ta phải đặt câu hỏi tại sao tôi lại làm như vậy. Vì tôi chưa bao giờ nói cho bất cứ ai về những điều đã xảy ra với tôi, nên người ta chắc sẽ đưa ra những kết luận sai lầm.

Những ký ức đầu tiên về tuổi thơ của tôi là bị cưỡng hiếp, nhiều lần. Điều này đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời tôi. Hắc ám, đó là cách duy nhất mà tôi có thể mô tả nó, đi theo tôi như màn sương và thỉnh thoảng được kích động bởi tình huống bản năng lại đặc quánh lại và bủa vây tôi. Hồi đi nhà trẻ, tôi đã không thể sử dụng được nhà vệ sinh và cứ phải đứng chết điếng người mỗi khi có nhu cầu. Đó là sự khởi đầu cho xu hướng có thái độ hành xử vụng về và khó lý giải. Thiệt hại mà cơ thể tôi phải hứng chịu vẫn tiếp tục ngăn cản tôi sử dụng nhà vệ sinh một cách bình thường, nhưng giờ đây nó trở thành sự nhắc nhở hàng ngày về những gì đã xảy ra với tôi hơn là sự cản trở về mặt thể xác.

Hắc ám đi theo tôi khi tôi lớn lên. Tôi vẫn còn nhớ tôi ngồi nhiều giờ chơi trò lego, thế giới của tôi chỉ là tôi và cái hộp đựng những mẩu nhựa lạnh lùng. Để chờ đợi mọi thứ chấm dứt. Đó cũng chính là điều mà tôi đang làm, nhưng thay vì những viên lego là lướt web, đọc hoặc nghe tường thuật bóng chày. Phần lớn cuộc đời tôi trải qua cảm giác chết chóc trong lòng, chờ đợi cơ thể tôi đuổi kịp.

Có những thời điểm trong quá trình trưởng thành, tôi cảm thấy cơn cuồng nộ không sao kìm nén được, nhưng tôi không bao giờ liên kết được với những gì đã xảy ra cho đến tận khi tôi dậy thì. Tôi có thể nhốt hắc ám vài ba giờ trong khi làm những việc đòi hỏi sự tập trung cao, nhưng nó luôn quay lại. Lập trình hấp dẫn tôi vì lẽ đó. Tôi chưa bao giờ yêu thích máy tính hay có năng khiếu về toán, nhưng cái khoảng lặng tạm thời mà nó có thể đem đến giống như một thứ ma túy. Nhưng hắc ám luôn quay lại và tích tụ thành một thứ giống như sự chịu đựng, bởi lập trình càng ngày càng càng không còn là chốn dung thân.

Hắc ám ở bên cạnh tôi hầu như tất cả mọi lần tôi tỉnh giấc. Tôi cảm thấy như rác rưởi bao bọc lấy tôi. Tôi cảm thấy như mình đang bị mắc kẹt trong một cơ thể ô uế mà không một lượng chất tẩy rửa nào có thể làm sạch được. Cứ khi nào tôi nghĩ về những điều đã xảy ra, tôi lại cảm thấy rối loạn và ngứa ngáy, và tôi không thể tập trung vào cái gì khác. Nó xuất hiện vào những giờ ăn hoặc có lần ở lỳ vài ngày liền, hoặc ngủ một mạch 16 giờ đồng hồ, hoặc cả tuần lập trình cho những cuộc chè chén, hoặc liên tục đi tập gym. Tôi kiệt sức vì cảm giác đó hàng ngày hàng giờ.

Ba đến bốn đêm mỗi tuần tôi lại gặp ác mộng về những gì đã xảy ra. Tôi cố tránh ngủ và triền miên mệt mỏi bởi giấc ngủ với ác mộng giờ nọ tiếp giờ kia không phải là nghỉ ngơi. Tôi tỉnh dậy giận dữ, mồ hôi ướt đầm như tắm. Sáng nào tôi cũng được nhắc nhở về những gì đã xảy ra với tôi và sự chế ngự của nó đối với cuộc đời tôi.

Bill Zeller khi còn bé bên cạnh người cha George Zeller.

Tôi chưa bao giờ thôi không nghĩ về những điều đã xảy ra với tôi và điều đó cản trở những mối giao tiếp xã hội của tôi. Tôi có thể giận dữ và mất phương hướng trong suy nghĩ … khi có ai đó nói “Xin chào” hay ướm lời nói chuyện. Tôi không hiểu được tại sao tôi lại có vẻ lạnh lùng và xa cách. Tôi đi loanh quanh, nhìn ngắm thế giới bên ngoài từ một ô cửa e dè ẩn náu đằng sau mắt tôi, không thể thực hiện những điều tế nhị bình thường của con người. Tôi tự hỏi sẽ là thế nào nếu như tôi tiếp xúc với mọi người mà không có những điều diễn ra thường xuyên trong đầu óc tôi, và tôi tự hỏi liệu những người khác có những trải nghiệm như tôi nhưng chẳng qua họ che giấu tốt hơn mà thôi không?

Rượu cũng là một thứ giúp tôi trốn chạy khỏi hắc ám. Mặc dù sau đó nó luôn tìm được tôi. Nó luôn tức giận vì tôi định chạy trốn và nó bắt tôi phải trả giá. Rất nhiều những điều tác trách mà tôi đã làm là hậu quả của hắc ám. Đương nhiên, tôi phải chịu trách nhiệm đối với mỗi quyết định và hành động, kể cả quyết định này, nhưng có những nguyên nhân lý giải tại sao sự việc lại diễn tiến theo cách thức của chúng.

Rượu và những thứ ma túy khác đã cho tôi cách thức để phớt lờ những thực tế của hoàn cảnh. Thật dễ dàng để uống thâu đêm và quên đi rằng tôi không có tương lai để mong chờ. Tôi không bao giờ thích những điều mà rượu đã làm với tôi, nhưng như thế còn tốt hơn là phải đối mặt sự tồn tại của tôi một cách thành thật. Tôi đã không động đến rượu và ma túy trong vòng 7 tháng (không có ma túy hay rượu liên quan đến việc tôi đang làm) và điều đó buộc tôi phải đánh giá đời tôi một cách trung thực và rõ ràng. Tôi không có tương lai ở đây. Hắc ám sẽ luôn sống chung với tôi.

Tôi đã từng nghĩ rằng nếu tôi tháo gỡ được một số vấn đề và đạt được một số mục tiêu thì có lẽ nó sẽ ra đi. Thật an ủi khi xác định được những vấn đề thực tế là nguồn cơn cho những vấn đề của tôi thay vì điều tôi không bao giờ có khả năng thay đổi. Tôi đã nghĩ rằng nếu tôi thi được vào một trường đại học tốt, hay vào một khóa nghiên cứu sinh tốt, hay giảm được cân, hay đi tập gym hầu như hàng ngày trong một năm, hay tạo ra được những chương trình mà hàng triệu người sử dụng, hay đi nghỉ hè ở California hay New York, hay in được những báo cáo khoa học khiến tôi tự hào, thì có thể tôi sẽ có được đôi chút bình yên, không còn triền miên bị ám ảnh và bất hạnh nữa. Nhưng những nỗ lực của tôi không đưa tôi thoát khỏi sự trầm cảm mỗi ngày và không có cách nào thực hiện những điều đó cả. Tôi không hiểu tại sao lại có lúc tôi nghĩ điều đó có thể làm thay đổi mọi thứ.

Tôi đã không hình dung được nó có ảnh hưởng sâu rộng thế nào đến tôi và cuộc đời tôi cho đến tận khi tôi có cuộc tình đầu tiên. Tôi đã ngu ngốc nghĩ rằng dù hắc ám có ảnh hưởng tới cá nhân tôi như thế nào, thì cuộc tình lãng mạn của tôi sẽ bằng cách này hay cách khác được tách rời và được bảo vệ. Trong quá trình lớn lên, tôi coi những cuộc tình trong tương lai là cách có thể chạy trốn khỏi những điều ám ảnh tôi mỗi ngày, nhưng tôi bắt đầu phát hiện ra nó đã quá gắn kết với mỗi khía cạnh của đời tôi và rằng nó sẽ không bao giờ buông tha tôi. Thay vì được giải thoát, các cuộc tình hay tiếp xúc lãng mạn với những người khác chỉ làm đậm đặc hơn mọi điều về nó khiến tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi sẽ không bao giờ có thể có một cuộc tình mà trong đó nó không phải là trọng tâm chi phối mọi ngóc ngách tương tác lãng mạn của tôi.

VMC dịch

(còn nữa)


Tham khảo:
Truly sad - Vu Pundit's Blog
Trang tưởng niệm Bill Zeller
THƯ TUYỆT MỆNH CỦA BILL ZELLER (2)



7 comments:

LU on lúc 22:21 8 tháng 1, 2011 nói...

Chứng bệnh của người này thường thấy xuất hiện ở phương tây. Em đọc ở đâu đó trên thư viện, quên mất quyển sách rồi tên gì rồi, có nói về vấn đề những người có bề ngoài nhìn bình thường nhưng...thật sự não của họ yếu ớt và mong mang dễ vở như một đứa bé.
Sức chịu đựng của họ rất dở khi va chạm một cú sốc nào đó, họ dễ dàng tìm đến rượu ma túy và dấu mình trong nổi ám ảnh đó. Thể xác họ vẫn lớn nhưng óc của họ luôn luôn ở vào lứa tuổi bé thơ. Đặc biệt, xứ người tụi tây sức chịu nhin của họ rất kém.

Khi lái xe ngoài đường, chỉ cần có gì ko hài lòng thì có đứa nó bấm còi giận dữ inh õi, có đứa dơ ra ngón tay giữa, có đứa nhún vai tỏ vẻ thất vọng. Trong khi đó, người Châu Á lại dễ dàng xí xóa cười cho qua.
Em đã chứng kiến một đứa Mỹ trắng trong giờ lái xe đi làm việc mỗi sáng nổi cơn điên. Nó tức giận một người ở trước mặt nó đã nhường cho một xe khác lách vào dòng, nên nó mở cửa xe bước ra dùng cây sắt to đập nát cửa kiếng xe của người nhường đường.

Có lần, trong công ti em, một bà nhân viên Mỹ trắng bị chảy máu vì đứt tay người ta gọi xe cứu thương đến mang bà ấy đi, cho đúng thủ tục bảo vệ tính mạng nhân viên. Bà ấy đã la khóc và rên rỉ rằng bà sẽ chết mất, và vẻ mặt tỏ ra rất khủng hoảng chứ ko có sự bình tĩnh của người chỉ bị đứt tay.

Một lần khác, bến xe bus ở đầu thư viện đã xãy ra chuyện um sùm, khiến police phải kéo đến những 3 chiếc xe để giải quyết. Đó là, một bà homeless từ thư viện vác một đống giỏ xách lên xe bus, bao gồm cả lon ve chai. Tài xế bảo bà ấy lần sau đừng làm thế choáng chỗ của người khác. Bà ấy nghe thế thì lăn đùng ra khóc và nằm vạ rên rỉ kêu to rằng, bác tài đã xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của bà ấy. Cuối cùng, police phải tới an ủi và giàn xếp vấn đề cho bác tài thoát nạn.

Ở sân trường, thỉnh thoảng em nhìn thấy một người đàn ông da trắng mang kính trắng lịch sự, tay ôm quyển sách và đứng giữa đường giảng một mình thao thao bất tuyệt. Lúc đầu em dừng lại quan sát và nghe xem ông ta đang nói gì, nhưng sau đó có vài người bảo em, ông ấy là sinh viên cũ của trường và hình như sau này có chuyện gì sốc nhẹ tình cảm, nên có vấn đề đã từng đi bệnh viện.

Em ko chắc mình có đúng ko? nhưng xã hội quá đầy đủ và có cuộc sống cá nhân được tôn trọng cao, đôi khi có sự bất lợi cho những người có thần kinh yếu ớt.
Họ rất mong manh dễ vở, cứ như một chiếc lá rơi người ta cũng có thể mơ màng, thì với họ chỉ cần một chút thất vọng họ sẽ ko thoát ra được tình huống.
Họ thường sống với nó vì cho rằng đời họ đã bị đóng đinh với nó. Để giải thoát bức xúc họ lại tìm đến rượu và ma túy, những thứ này càng làm í chí của họ đã mỏng càng mỏng thêm...cuối cùng, khuynh hướng đi tìm cái chết thường xảy ra nhiều ở phương tây là đây.

Người này, theo em đoán thôi, thì có lẽ giới tính không rõ ràng và bị nhấn chìm mãi vào vòng lẫn quẫn đó nên sinh ra bế tắc vì ko ai hiểu mình mà quyên sinh. Em đọc thấy nói rằng anh ta đã cố đi gym, uống rượu tìm quên, ma túy tìm quên, nhưng mỗi lần vào nhà vệ sinh thì e sợ. Điều này cho em đoán ra giới tính anh ta bị lạm dụng là cùng phái tính, và anh ta như ghiện ma túy với nó nên ko dứt ra được, cứ tiếp diễn mãi đến ngày anh ta cần quan hệ bình thường với phụ nữ thì...bị bế tắc. Đây chỉ là suy đoán của em thôi nhe.

Thái Anh on lúc 23:07 8 tháng 1, 2011 nói...

Tội nghiệp anh này,,,

Thuy Dam Minh on lúc 23:15 8 tháng 1, 2011 nói...

Đọc xong thương quá em ạ! Tại sao một người học hành đến thế, đang làm luận án tiến sĩ hẳn hoi mà làm sao lại phải xử sự thế em nhỉ?

Titi on lúc 10:13 9 tháng 1, 2011 nói...

Cậu bé trông như một thiên thần, vậy mà người ta đã nhuộm thiên thần ấy bằng lạm dụng và bỏ mặc cậu ấy với những ám ảnh nặng nề.
Đọc những lí giải về thái độ sống kỳ quặc của cậu bé này, em chợt nhớ thấy đúng là chúng ta đôi khi kỳ thị những người có những ứng xử không hay, biết đâu rằng ẩn chứa trong những dấu hiệu tệ hại ấy là một tâm hồn bị tổn thương và đang cần chữa chạy vô cùng.
Một điều đáng suy ngẫm nữa là, chúng ta có chắc chắn mình và người thân sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng này không?

An Thảo on lúc 19:01 9 tháng 1, 2011 nói...

Tiếc quá anh ạ.

Em tiếc cho một phận người đáng nhẽ được hưởng đầy đủ những buồn vui vừa đủ cho một kiếp đi qua nhân gian. Người ấy đã cố gắng, rất cố gắng để chiến thắng sự tổn thương. Giá như có ai đó chia sẻ được cùng cậu ta. Giá như cậu ấy có một cơ hội để được tung ra cái bí mật kinh hoàng ấy. Chỉ một chút xíu ban đầu để gỡ đám chỉ rối...

Titi nói đúng, chả có gì đảm bảo rằng một con người không vô tình có những khởi đầu của con đường ngõ cụt ấy. Làm gì để những người thân của chúng ta sẽ không rơi sâu đến thế vào vực thẳm những đứt gãy mạng lưới xã hội xung quanh đến mức không còn thiết sống như thế???

Hình như ở ta nghề công tác xã hội cũng bắt đầu khởi sắc, nhưng tới bao giờ thì đạt tới khả năng cứu giúp thật nhiều những con người không may như vậy. Một nước có nghề công tác xã hội phát triển như nước Mỹ mà còn để một trí thức tinh hoa phải chịu đựng điều đó. Quả là khó ghê.

Thôi, chi bằng trước mắt cứ chăm đọc blog của nhau để chia sẻ kịp thời :)

Hanhfm on lúc 22:42 14 tháng 1, 2011 nói...

Dạo gần đây tôi có rút ra cho bản thân 1 điều đó là: hãy yêu bản thân mình nhất và hãy sống vì mọi người. Có vẻ như cả 2 điều trên là điều anh ấy không có. Đọc lá thư tuyệt mệch này có cảm giác không trách quyết định này của anh ấy. Vì đơn giản không chỉ 1 lần anh ấy đã đấu tranh với bản thân về việc tự tử. Chỉ là lần này đã vượt quá giới hạn chịu đựng của anh áy.
Tôi rất thích đoạn anh ấy viết rằng: "Người ta nói tự sát là hành động ích kỷ. Tôi nghĩ rằng thật ích kỷ nếu yêu cầu người ta tiếp tục sống cuộc sống đau đớn và khốn khổ, cũng giống như ta không thấy buồn trong vòng một hai tuần. Tự sát có thể là giải pháp lâu dài cho một vấn đề tạm thời, nhưng đó cũng là giải pháp lâu dài cho một vấn đề kéo dài đã 23 năm và cứ mỗi ngày lại trở nên khắc nghiệt hơn, áp đảo hơn."

Và đoạn này:
"Người ta không quan tâm đến lời nói của mình hay những gì mà họ đã hứa, họ cứ làm bất cứ những thứ chết tiệt nào mà họ muốn rồi thanh minh sau. Cái cảm giác cô đơn ấy thật không thể tả nổi khi ta vỡ lẽ ra rằng ta không bao giờ có thể chia sẻ với một ai đó và có điều ấy chỉ giữa hai người. Tôi không trách một ai đó cụ thể, tôi cho rằng là người ai cũng thế. Ngay cả nếu tôi cảm thấy rằng đó là điều tôi có thể chia sẻ, thì tôi cũng không có ý định trở thành một phần của cái tình bạn hay cuộc tình mà người khác nhìn tôi như một kẻ đã bị hủy hoại và ô uế như chính con người tôi. Cho nên ngay cả nếu tôi có thể tin tưởng ai đó, thì có lẽ tôi cũng sẽ không nói cho họ biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Còn giờ thì tôi không còn quan tâm xem ai biết nữa."

Tôi sẽ chỉ copy phần comment này trên blog của VMC, vì phần cuối anh ấy có yêu cầu nếu đăng xin hãy đăng toàn bộ. Và tôi có link nội dung của lá thư này. Cảm ơn VMC đã dịch.

Tuy nhiên có 1 điều là tôi có kể cho chồng tôi đang ngồi cạnh về sự tự sát này và có đọc 1 vài đoạn mà tôi thích cho chồng tôi nghe. Rồi tôi hỏi: Không biết lá thư này có khiến nhiều người muốn làm như vậy không? Tôi hỏi mà không dám trả lời cho câu hỏi này nữa. Bởi tôi sợ là sẽ có những người yếu đuối họ làm như vậy. Còn bản thân tôi khi tôi vẫn còn niềm tin yêu với cuộc đời tôi có đủ tỉnh táo để đọc lá thư này và cho mình 1 bài học rằng mình thật hạnh phúc khi mình biết yêu chính bản thân mình, có người thân bên cạnh để vì họ mà mình sống. Dù nhiều lúc mình cũng buồn, cô đơn nhưng đó chỉ là điều chứng minh rằng mình vẫn còn mẫn cảm với cuộc sống này. Chỉ đừng nên để những trạng thái cảm xúc ấy quá dài, chỉ là 1 chút để trân trọng hơn những khoảnh khắc tươi vui của cuộc sống.
Và tôi mong mỗi người luôn có ai đó để vì người ấy mà họ sống. Và có thể bạn không có người ấy thì tôi mong bạn hãy biết yêu chính bản thân mình - dù rằng điều này đôi khi không đơn giản chút nào.

guy8th on lúc 13:34 6 tháng 4, 2011 nói...

Cám ơn Hanhfm, chị thật sự là một người vợ tuyệt vời. Nói riêng về cảm giác của người đàn ông, tôi nghĩ chồng chị sẽ rất hạnh phúc.

Chúc anh chị mãi hạnh phúc.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết