7/1/11

VÌ SAO LẠC QUAN?



NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Việt Nam đứng đầu trong nhóm 10 nước có tinh thần lạc quan nhất thế giới, theo kết quả thăm dò của Viện BVA (Pháp) vừa công bố vào những ngày đầu năm 2011. Trong khi đó, ngày 15.8.2010, tờ Newsweek công bố Việt Nam là nước xếp vị trí thứ 81/100, xét về chất lượng sống. Câu hỏi đặt ra, vì sao chất lượng sống thấp mà chỉ số lạc quan của người dân lại cao như vậy?

Hãy nhìn vào bảng xếp hạng về nhóm các nước lạc quan nhất thế giới, theo điều tra của BVA, bên cạnh Việt Nam, còn có các nước mới nổi như Trung Quốc, các nước nghèo như Nigeria, các nước vừa thoát khỏi chiến tranh hoặc thậm chí chỉ mới giảm xung đột vũ trang như Afghanistan, Iraq, Pakistan. Điều này cho thấy, về cơ bản, có hai “điều kiện” để dẫn đến (tâm lý) lạc quan của người dân: đất nước vừa trải qua binh biến và đang nâng niu, tận hưởng nền hòa bình, an ninh trong đời sống; đất nước sống dưới sự lãnh đạo, bảo hộ bởi một chính phủ.

Xét điều kiện thứ nhất dẫn đến sự lạc quan, có thể cảm nhận, người Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh, thấm thía cảnh li tán, đổ máu, việc hiểu, trân trọng sự yên ổn, hòa bình từng giây từng phút là điều hiển nhiên. Thậm chí, quá nhức nhối với vết thương chiến tranh trong quá khứ để lại, nhiều người Việt hôm nay né tránh câu chuyện chính trị, họ xem chính trị là của “mấy ông bà ở trển”, của nhà nước, trong lúc đó, đồng thời đánh mất một trong những ý nghĩa quan trọng của chính trị đó là xác định điều kiện, vị trí, vai trò chỗ đứng của cá nhân trong xã hội mà anh ta đang sống.

Thực tế đó, đưa đẩy đến một tâm lý tiêu cực, đó là người dân tự đánh mất ý thức về tiếng nói, ngại ngần cống hiến trí lực của mình cho cộng đồng hay tham gia trực tiếp vào cỗ máy vận hành xã hội. Chính trị, họ giao cho nhà nước, còn đời sống khó khăn thì tự xoay xở, tùy cơ ứng biến. “Tự lo” là triết lý sống của nhiều người. Điều này cũng dẫn đến ý thức, hành xử công cộng ngày càng yếu.

Cái giá của hiện tại hòa bình đã trả bằng biết bao xương máu từ quá khứ chiến tranh. Nhưng cái giá của việc quá sợ mất hòa bình và sự yên ổn cá nhân đã dẫn đến sự cam phận, an phận thủ thường, ngại đụng chạm, phản ứng, thậm chí phớt lờ trước những bất công đang xảy ra trong cộng đồng, trước sự bê bối nhũng nhiễu đang diễn ra trước mắt, trước sự biểu hiện xói mòn những giá trị đạo đức xã hội.

Chưa bao giờ, hai từ “vô cảm” được báo chí nhắc đến nhiều như trong thời hiện tại. Phẩm chất xã hội nhân văn bị bào mòn, thay vào đó, những kỹ năng đối phó, tranh giành, ích kỷ được trang bị như những phản ứng mang tính bản năng sinh tồn.

Các con số báo cáo phát triển hàng năm từ chính phủ vẫn cho người dân sự an tâm và tin vào sự phát triển của đất nước mà họ dự phần xây dựng, thậm chí, mở ra những hy vọng tương lai tươi sáng. Song, những cải thiện cơ bản về chính sách an sinh xã hội – cái chìa khóa để thăng tiến con người mà ta vẫn gọi là chất lượng sống thì đang được mài giũa một cách chậm chạp suốt 35 năm hòa bình nhưng lại luôn trật khớp với tốc độ phát triển. Người dân có thể hài lòng vì đời sống kinh tế tốt lên, an ninh được đảm bảo cơ bản nhưng quên mất sự bươn trải đối phó tính toán căng thẳng trong từng ngày, từ chuyện giao thông đi lại, môi trường giáo dục con cái, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dịch vụ y tế thấp hay môi trường sống đang ngày càng nhiều đe dọa...

Thâu tóm tinh thần kết quả của đề tài nghiên cứu về mức sống và môi trường sống của người dân TP.HCM do Viện Nghiên cứu Phát triển TP .HCM công bố đầu năm 2010, Ths Lê Văn Thành, chủ nhiệm công trình, lý giải vì sao thu nhập đầu người tăng mà chất lượng sống lại giảm, rằng: “Nói về mức sống tính theo thu nhập thì nó cụ thể nhưng chất lượng sống - vừa mang tính vật chất vừa có khái niệm về tinh thần - lại không đơn thuần có nhiều tiền là có cuộc sống tốt. Chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM có thể nói là giảm.” (Tuổi trẻ, 25.1.2010)

Đúc kết đó cho thấy, bao giờ khái niệm tăng trưởng bền vững với các tiêu chí điều kiện môi trường, chất lượng sống của người dân, di sản giá trị tinh thần để lại cho thế hệ tương lai được đảm bảo hàng đầu mới là cái đích cần hướng đến của một quốc gia, chứ không đơn thuần dừng lại ở niềm tin và sự thỏa mãn tạm thời như một phép thắng lợi tinh thần căn cứ trên phép tính trung bình ở mỗi túi tiền của người dân.

Trong trường hợp Việt Nam, có thể hiểu, về mặt nào đó, lạc quan cũng là một phương cách, liệu pháp tinh thần giúp người ta tự hài lòng với hiện tại. Chỉ số chấp nhận sống chung với nghịch cảnh cao cộng với tâm lý hy vọng “chớ than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc còn chồi nẩy cây” luôn được phát huy hết mức. Đây có lẽ cũng là một nét đặc thù dân tộc tính của người Việt được hun đúc qua lịch sử triền miên bị đô hộ, triền miên ứng phó thiên tai. Lạc quan, dĩ hòa vi quý vừa là điều kiện tốt để chính quyền xây dựng một đời sống an ninh đảm bảo nhưng nó vừa là trở lực trong xây dựng những thể chế hiện đại hơn, hướng đến sự đột phá trong xây dựng mạng lưới an sinh, xã hội dân sự.

Chỉ số lạc quan cao trong điều kiện chất lượng đời sống người dân thấp, từ một góc nhìn khác, nó không hẳn đem lại sự… lạc quan, mà có thể xem là một tín hiệu đáng báo động!

Nguồn:
Vì sao lạc quan?



8 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 22:52 7 tháng 1, 2011 nói...

Nếu anh không nhầm, trong một báo cáo của WB có nói đại ý rằng trong những năm qua, thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên đáng kể, nhưng chất lượng sống thì lại không tăng lên tương xứng, thậm chí một số nơi còn giảm đi.
Anh không tin lắm. Giờ đọc cái nhận xét của Viện Nghiên cứu Phát triển TP .HCM mới thấy có lý.
Đáng suy nghĩ nhỉ?

LU on lúc 23:18 7 tháng 1, 2011 nói...

Giống như TQ phát triển trên kiềng ba chân. Báo cáo thì mức tiền nước ngoài đổ vào cao nhưng cuộc sống thì thấp lè tè. Việt Nam cũng thế, lạc quan nhưng cuộc sống người dân vẫn cực khổ thấp lè tè. Chính vì sự khó khăn của cuộc sống làm cho dân chúng ít quan tâm đến vấn đề cộng đồng hơn vì cơm nhà còn chưa đủ no. Và cũng tự đó sinh ra tính ích kỷ, mánh khóa, ít chịu thẳng thắn. Dân có giàu thì nước mới mạnh.

MC3 on lúc 01:50 8 tháng 1, 2011 nói...

Không lạc quan... tếu cũng không được, đi đâu sống bây giừ, sang Mỹ với LU hay LVU chắc? Đấu tranh à - tránh đâu!

doanh on lúc 07:08 8 tháng 1, 2011 nói...

kết luận quá chuẩn!

Nặc danh nói...

Em phát hãi cái chỉ số "vô cảm" này.
Chính chung ta cũng sống mệt mỏi, nói gì tới những nhóm có mức sống thấp hơn trong cộng đồng.

Em Chuồn

Titi on lúc 15:18 8 tháng 1, 2011 nói...

Môi trường xấu mới cần lạc quan, môi trường tốt ròi thì cần mấy nữa. Hic hic... nhưng theo em, dùng từ AQ với dân mình thì chính xác hơn. AQ tức là tự an ủi bằng lòng với cái xấu, cái tệ, cái tủi nhục của mình. Còn lạc quan thì phải là trạng thái phơi phới , sẵn sàng cho những hành động, chủ động thay đổi tình hình cơ. Hic

Unknown on lúc 20:18 8 tháng 1, 2011 nói...

Đọc bài này em lại nhớ hồi SV có bạn làm cái đề tài về đánh giá môi trường nhân văn (hay cái gì đó tương tự, em ko nhớ rõ - 10 năm rồi!) giữa 2 phường Tràng Tiền và Phường Phúc Tân. Kết luận cũng tương tự như cái kết luận của Viện NCPT HCM - mức sống (cụ thể là thu nhập) không đi đôi với mức độ hạnh phúc.

Nặc danh nói...

Mấy anh cứ đòi hỏi ? mấy anh tự nghĩ lại đã làm gì góp phần cho đất nước chưa,mấy anh có thích sống như triệu phú trong khi ngày nào cũng nghe tiếng bom nổ ngàoi đười không,mấy anh có thích mình có nhiều vàng bạc chau báu trong khi bạo loạn các đàng phái chính trị xảy ra thường xuyên không.Chúng ta đang có cái mà hơn 200 nưới kia ko có đ1o là sữ lạc quan ,sống trên đời mình tự trông vào mình là chính đừng có ỷ lại vào nhà nước và các phúc lợi,những người lười lao động cứ mong chờ phúc lợi trợ cấp như bên mỹ thì nước ta sẽ vẫn dậm chân tại chổ,thay vì kêu tại sao nhà nước ko giúp tôi thì hãy tự ứng lên trước còn hơn.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết