Hôm nay là lễ Giáng sinh.
Đọc câu này, chắc sẽ có người hỏi: "Giáng sinh nào? Giáng sinh đã qua từ hơn 10 ngày trước rồi còn gì?"
Nhưng hôm nay đúng là Giáng sinh. Giáng sinh của những người theo đạo Slavơ Chính thống ở các nước như Nga, Ukraina, Belarus, Serbia...
Sáng mở email, thấy thư của cô giáo người Belarus dạy văn học hồi năm thứ ba ở Minsk. Mạn phép cô xin chép ra đây chia sẻ cùng mọi người:
"Chào em,
Thời gian mới đã đến ngoài sân.
Năm qua là một năm tồi tệ và nặng nề đối với cô. Em đừng nghĩ là em có lỗi gì đó khiến cô không viết cho em trong suốt năm qua. Cô vẫn nhớ em và vẫn yêu quý em như trước đây.
Người ta đã cho cô nghỉ hưu. Và cô không làm sao giảng hòa được với thực tế đó.
Mỗi người có một nguồn tài nguyên sống, và cô vẫn chưa khai thác hết nguồn tài nguyên ấy, thế mà người ta nỡ xử sự với cô như vậy.
Cô không tài nào trấn tĩnh được, và từ đó xuất phát bệnh tật, những nỗi thất vọng, không còn muốn gặp ai để người ta khỏi phải thông cảm và thương hại.
Chưa kể những điều tồi tệ khác trong thế giới này.
Em hiểu điều đó chứ? Chắc chắn là em hiểu rồi.
Cô lập tức trở thành già cả, không còn cần thiết nữa, không một tiếng chuông điện thoại từ trường đại học.
Số phận thật khủng khiếp.
Bây giờ thì cô hiểu rằng con người ta sống bằng nguồn năng lượng của chính mình, nguồn năng lượng mà mẹ và thiên nhiên ban tặng. Ta tiêu năng lượng đó cho ta, cho những người khác, thế mà có người lợi dụng cơ hội khi mà năng lượng đó đang cạn dần để vội vã loại bỏ ta ra khỏi cuộc sống chung.
Nhưng ta vẫn còn sống. Và không chỉ có thế, ta vẫn còn nguồn năng lượng dự trữ, để sống và thực hiện những trách nhiệm của mình, thế mà có ai đó từ chối ta và tước đoạt quyền công dân đầu tiên của ta – quyền được lao động.
Thật kinh khủng.
Cho cô than thở với em một chút như thế nhé.
Em nhất định phải viết cho cô, công việc của em thế nào, em đang suy nghĩ gì, em có thay đổi gì không?
Em cần phải biết một điều là cô chỉ chúc em những điều tốt đẹp nhất.
Đừng đánh mất chính mình.
Cô giáo của em".
Cảm ơn cô. Vẫn còn chưa trấn tĩnh lại sau cú sốc về hưu sớm, nhưng cô không quên nhắc nhở em: "Đừng đánh mất chính mình".
Em thành tâm chúc cô một Giáng sinh an lành, mong sao những điều tồi tệ sẽ sớm qua và 2011 sẽ đem đến cho cô những niềm vui mới, nghị lực mới, để cô lại thấy mình là người cần thiết, nếu không cần thiết được với nhiều người, thì với một số ít người thôi cũng được, trong đó có em. Cô nhé?
Ảnh trong entry chỉ có tính chất minh họa.
Entry liên quan:
Rừng Nga
20 comments:
Thương sâu sắc. Tâm trạng của những người yêu công việc bỗng dưng bị cảm thấy mình thừa.
Sẽ mất một thời gian để cô lấy lại thăng bằng và tìm được những việc khiến cô yêu thích, miễn là cô trở lại tích cực và chủ động tìm. (Như ba mẹ Lana ấy).
Ôi! Lời than vãn của cô giáo thật đáng yêu và hơi ngộ nghĩnh chút xíu!
Chúc cô giáo của VMC sớm cân bằng trở lại!
Hay nhỉ. Cô ấy đủ tuổi hưu chưa anh? Phản ứng như thế này cũng dễ hiểu, và còn dễ thương lắm. Em biết có người còn phản ứng ác liệt hơn nhiều cơ, mà anh cũng biết người đó đó ;-)
bức thư của cô giáo làm em nghĩ là mình nên chuẩn bị cho việc ấy từ bây giờ. 15 năm chắc được, hì hì
Em nghĩ mỗi người nên chuẩn bị tình thế này cho mình. Tuổi hưu là nghỉ ngơi, nhưng hong có nghĩa là hong nhúc nhích gì. Lúc này chính là lúc các thú vui, niềm đam mê ngoài nghề nghiệp có dịp tung hoành :-D
Thật dễ dàng khi chia sẻ niềm vui với những người thân quen nhưng nỗi buồn thì chỉ có một số rất ít mà thôi. Anh quả là học trò đặc biệt và ít có của một cô giáo.
Hì hì, cô giáo đang dỗi nên viết thơ phàn nàn :))
Đúng là thật tệ khi tước đoạt đi niềm vui của những người workaholic, quyền được lao động. Em cũng là một workaholic nên em cũng sẽ tự ái, và giận dỗi nếu như ai đó bảo em ở nhà ngồi không nhìn trời nhìn đất không cần làm gì cả, vì lúc đó em có cảm giác mình thừa.
Thèng ku Ấn Độ quản gia của em, cũng là một workaholic. Mỗi lần bắt nó nghỉ phép ở nhà, vì giờ phép của nó đã quá hạn, thì nó đau khổ lắm. Nó bảo rằng chỉ nghỉ khi có việc cần thôi, chứ ở nhà ko làm gì thì nó chịu ko nổi.
Ban đêm nó đi ngủ sớm từ 8 giờ tối, sáng 5 giờ bật dậy đi tới công ti là 6 giờ. Khi nó được làm việc thì nó như một con chim sung sức hót líu lo. Em thì ngược lại, mặc dù cũng workaholic, nhưng em ngủ đến mặt trời lên chói chang, đủng đình đến công ti cũng 9 giờ 30 mỗi ngày.
Nghĩ lại, em thấy em cũng kì nhưng ko thể ko làm thế. Đó là lần em đề nghị ông chú Việt Nam đã 70 tuổi nên về hưu, chú ấy buồn vì cảm thấy mình ko còn cần thiết nữa. Nhưng em đề nghị thế vì chú ấy đã có vài lần làm mệt tim trong lúc làm việc. Em chỉ sợ sức khỏe có gì thôi.
Cô giáo anh có thể đi dạy học tự nguyện hay còn gọi là thiện nguyện cho vui. Ở Mỹ, khi được retire thì nhiều người sẽ quay lại đi học đó anh. Họ học những gì ngày trẻ họ ko có cơ hội làm được.
Có năm em học bên Engineering, một sinh viên đã làm lễ tốt nghiệp nhận bằng kỹ sư ở tuổi 67, họ học cho vui và để giải tỏa đi cái tính workaholic.
Ai cũng thế đấy em ạ! Kể cả những người về hưu đúng tuổi. Sốc lắm! Anh quen một bác làm Thứ trưởng, anh em cũng khá khá thân nhau. Rồi bác ấy về hưu. Phải cả nửa năm sau bác ấy vẫn còn thẫn thờ.
Cách tốt nhất là lúc đó, người ta nên có một việc gì đó để làm, tham gia một hoạt động xã hội nào đó.
A nghĩ, em nên viết thư cho cô giáo, khuyên cô tham gia một hội nào đó em ạ!
Và em nên mail cho cô thường xuyên. Những ngày này, cô giáo cần bè bạn lắm đấy!
@Lana:
Cô chỉ có một mình, nên việc tự tìm lại cân bằng có lẽ cần nhiều thời gian hơn, cũng như cần nhiều nỗ lực hơn.
@NX Diện:
Rất ít khi được Diện comment. Cảm ơn Diện đã gửi lời chúc tới cô.
@Gấuxx:
Chưa nói chuyện này với người đó bao giờ, Gấu nói mới biết. Chắc chắn là rất gay gắt rồi. Người đó còn dồi dào năng lượng và nhiệt huyết lắm.
@PTN, Titi
Đúng thế. Nhưng khủng hoảng khi nghỉ hưu là khó tránh khỏi, ngay cả những người chủ động có sự chuẩn bị.
@NLVĐ:
Cảm ơn em.
@LU:
Cô đã mở một tổ chức thiện nguyện từ cách đây 8 năm. Nhưng có lẽ cái cảm giác đi giảng dạy ở một trường đại học lớn, được tôn trọng, được lắng nghe không còn nữa, khiến cô hụt hẫng.
@A Thụy:
Em vẫn thường xuyên viết email cho cô đấy chứ. Nhưng cả năm vừa rồi cô không hề nói rằng cô đã nghỉ hưu, mãi bây giờ mới kể. Hy vọng, cuộc sống của cô sẽ sớm trở lại bình thường.
anh Cuong : Em hơi ngạc nhiên, ở Mỹ, các công ti thông thường có luật đào thải người già và đưa những người trẻ, còn hăng hái nhiệt tình, lên làm nắm công việc.
Tuy nhiên, ở trường học đại học Mỹ, giáo viên đa số là lớn tuổi rồi, nhưng họ vẫn được ở lại dạy và rất có uy trong trường. Các giáo sư trẻ ko hất nổi họ đi đâu, vì họ càng lớn càng có kinh nghiệm giảng dạy và trả lời những thắc mắc của sinh viên. Giáo viên càng trẻ ở trường thì chỉ được làm phụ giáo cho professor lớn tuổi thôi à.
Đây là tâm lý chung của đa số người mới về hưu. Mẹ em hồi trước cũng vậy, lúc nào cũng nghĩ đến việc tự buôn bán nho nhỏ gì đó hoặc kiếm việc gì khác làm thêm cho đỡ cảm giác mình là người thừa. Mất 1-2 năm mới quen để cân bằng trở lại. Nhất là khi có cháu rồi thì chả còn phút nào thừa nữa.
Nhưng em về sau chắc chắn sẽ không như vậy. Chỉ sợ tuổi già nhăn nheo xấu xí và bệnh tật, chứ em rất thích được làm cụ hưu trí hưởng thụ cuộc sông thong dong, không bon chen đố kỵ. Sáng ra nhìn mấy cụ già đi tập thể dục rồi ngồi đánh tam cúc với nhau dưới sân nhà như con nit, vui lắm.
Cô giáo của anh hay nhỉ, tâm sự với học sinh vào thật. Sao trường không xếp cho cô việc gì nhẹ nhàng và giảm dần khối lượng cho cô khỏi sốc nhỉ.
Bố em về hưu nhưng vẫn đi làm, kiểu "sếp rởm" ấy, rồi giảm dần cho đến khi cụ quen hẳn thì mới nghỉ 100% ở nhà.
Chỗ em có bà lưng còng, đi không ra một đường thẳng, thế mà bay sang đây làm việc mùa hè, ngộ lắm.
Em có đọc cả bài Rừng Nga của anh, là cô Blai đây ạ?! Nếu vậy thì cô cũng gần 60 tuổi rồi, nhưng đúng như anh nói: "có lẽ cái cảm giác đi giảng dạy ở một trường đại học lớn, được tôn trọng, được lắng nghe không còn nữa, khiến cô hụt hẫng".
Có lẽ là cô giáo dạy văn học, lại là văn học Nga, là con người nước Nga, nên dù đang trong tâm trạng "khủng khiếp" nhưng lời của cô nghe vẫn rất "dễ thương" (kiểu như vậy nhưng e ko chọn đc từ gì, hihi).
Các anh là tuổi trẻ của cô, em biết là các anh sẽ động viên an ủi cô được. Em cũng Chúc cho cô những điều tốt đẹp nhất!
@LU:
Ở Mỹ thì thế, các nước khác thì không như vậy.
@Anh:
Thế thì em nên về hưu sớm. Ở Pháp, ngoài 40 tuổi là nhiều người chuyển sang làm 30 giờ/tuần.
@L2C:
Anh cũng không rõ tại sao nhà trường không làm theo cách em nói. Cô giáo anh rất thẳng tính, có thể vì lý do đó mà cô không được lãnh đạo thích chăng?
@Thắng Trịnh:
Đúng là cô Blai đấy. Cảm ơn Thắng đã chia sẻ.
L2C : Mẹ nó đang làm cho công ti Mỹ thì phải, vì Lu nghe nói có bà sang làm việc mùa hè. Ở Mỹ, tuổi retire làm cho chính phủ là 55, làm cho tư nhân là 65. Nhưng thực sự nhiều người vượt qua tuổi đó vẫn đi làm bình thường nếu chủ thấy họ còn khả năng và có đầy đủ sức khỏe. Thèng ku kỹ sư người Cam-pu-chia của team em năm nay đã 63 rồi. Nhưng nó rất giỏi và còn minh mẫn lắm nên nó vẫn còn tiếp tục làm đến ngày nào nó chán làm thì thôi. Kỹ sư trẻ mới ra trường ko hất nổi nó đi đâu nếu như ko giỏi bằng nó. Thầy cô trong trường cũng có nhiều người vượt qua tuổi hưu nhưng họ vẫn ngồi tồn tại đó lên lớp. Chấm bài có TA phụ tá, họ chỉ giảng bài và sọan giáo án thôi. Ở Mỹ, còn có luật nếu mình làm liên tục thâm niên ở duy nhất 1 công ti hay nhà nước thì mình sẽ được retire non khi đủ thâm niên làm việc 20 năm. Chính phủ ra luật này ko phải đưa mình vào thế kẹt mà là ưu tiên cho mình, vì mình có thể lĩnh package lương hưu hậu hĩ, mỗi tháng sẽ được ăn tiền hưu trí đều đặn, và đồng thời mình cũng sẽ được công ti của mình thuê lại làm việc với kiểu cách làm hợp đồng ko chính thức. Có nghĩa là mỗi tháng minh sẽ được lĩnh 2 nguồn lương mà benefit bảo hiểm y tế được chu cấp đầy đủ. Lí do này mà ở Mỹ ít ai thích đổi việc lung tung.
Thôi, em phải chuẩn bị thôi. Khi về hưu em sẽ mở cửa hàng bán bim bim, dưa cà để có thể thu hút được trẻ con và các bà nội trợ đưa đẩy đỡ buồn.
Em tính chuyện sẽ quảng cáo trên blog mình từ bây giờ.
Hay là nếu khi đó còn blog thì em sẽ đăng quảng cáo nhận làm thư ký blog vậy. Em chuẩn bị ôn kỹ tiếng Nga, bổ sung tiếng Anh rồi tiếp Ả rập cho chắc ăn anh nhỉ.
P/S: em chỉ mong đến khi về hưu vẫn còn sức khoẻ để triển khai vài mơ ước nho nhỏ mà vì cơm áo gạo tiền nên giờ em chưa làm được.
Đăng nhận xét