28/5/06

Rừng Nga



"Hai ngày ở Minsk em thích làm gì? Đi trượt sóng ở hồ Naroch hay đi nướng thịt ở biển Minsk? Những thứ ấy ở Việt Nam cũng làm được đúng không? Thôi mình đi hái nấm nhé! Rừng Nga, em biết rồi đấy, có bao nhiêu điều thú vị. Để cô gọi thêm Sergei, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp của cô, đi cùng cho vui".

Cô Blai cứ líu ríu vừa hỏi rồi vừa tự quyết định như thế. Cô giáo dạy văn học Nga cho đám sinh viên Việt Nam tại Đại học Sư phạm Minsk từ cách đây 18 năm, nay tuy đã ngoài 50, nhưng vẫn còn rất đẹp. Nổi tiếng nghiêm khắc, nhưng cô cũng nổi tiếng vì dạy văn rất hay, bị liệt vào dạng "cứng đầu cứng cổ" trong con mắt của vị trưởng khoa có nguồn gốc KGB vì thường hay đứng về phía sinh viên.

12 năm nay không còn sinh viên Việt học tiếng Nga ở Minsk nữa, cô thất nghiệp mất vài năm và sau chuyển sang dạy tiếng Đức. Nhưng cứ mỗi lần hay tin sinh viên cũ của mình có dịp ghé qua Minsk, cô lại tíu tít như thế.

- "Cô không bao giờ nghĩ rằng cô bị chia cắt khỏi nước Nga. Thiên nhiên, con người, văn hoá... Tất thảy đều là của Nga. Nên em đừng ngạc nhiên, khi cô gọi rừng ở Minsk là rừng Nga!" - cô Blai giải thích.


Ba cô trò lên đường vào buổi sáng mùa hè. Không hiểu dậy từ lúc nào, mà cô Blai đã chuẩn bị đủ mọi đồ ăn thức uống và xếp gọn vào thùng chiếc xe hơi màu trắng của mình. Cô bắt tôi mặc bộ đồ thể thao với áo gió liền mũ: "Phải che kín toàn thân, thiếu gì thứ nguy hiểm trong rừng, em biết rồi đấy. Này cầm lấy cái còi. Nếu có lạc nhau thì chỉ cần thổi còi là biết hướng mà tìm".

Rừng Nga tháng bảy. Nắng chói chang ngoài xa lộ thế mà khi vào bên trong, thời tiết bỗng dịu hẳn đi như tiết đầu thu. Mùi đất, mùi cỏ trộn với nhựa cây hăng hắc tạo nên một hương vị lạ lẫm mà quyến rũ. Thảng hoặc lại có những đám hơi nước bốc lên tạo thành chuỗi ngọc li ti trên những cành thông nằm sát mặt đất.

"Em đừng cắt sát gốc nấm, chừa khoảng 1cm cách mặt đất để nó còn mọc lại. Hãy tránh xa những cái có màu sắc. Những thứ loè loẹt đều là nấm độc!" - cô Blai nói rổn rảng.


Tôi trở thành người xách giỏ cho cô, bởi tôi chẳng biết nấm ở đâu mà tìm. Hơn nữa hai cô trò đi cùng nhau để dễ trò chuyện. Sergei thì tách hẳn ra hướng khác. Hai cô trò ôn lại những chuyện xảy ra từ ngày xửa ngày xưa.

Chừng ba tiếng đi trong rừng mà chỉ hái được mươi cái nấm. Cô Blai thổi còi gọi Sergei và trải tấm nhựa xuống một thảm cỏ giữa rừng, nơi có những chùm ánh sáng chiếu qua những lỗ hổng trên tán lá xuống giống như sân khấu. Rồi cô bày bánh mì kẹp thịt, hoa quả, càphê nóng. Vừa ép chúng tôi ăn, cô vừa nói với cậu sinh viên người Nga:

- "Sergei, em biết không? Các anh chị sinh viên Việt Nam là tuổi trẻ của cô. Họ làm cho các cô bực mình không biết bao nhiêu lần vì bỏ tiết đi mua hàng, vì không thuộc bài, hay trốn khỏi Minsk đi chơi mà không có visa... Nhưng họ cũng giúp cô khám phá ra tâm hồn nồng hậu của một dân tộc. Họ đã để lại bao nhiêu dư vị ấm áp trong cô. Cách họ vượt khó khăn để vừa học tập không đến nỗi nào, chuyện họ vừa mua được cái gì đó về giúp gia đình đã khiến cô cảm động. Sau này vào những năm 1990 đầy khó khăn, cô đã nghĩ đến họ để bao giờ cũng đứng thẳng và không lùi bước".

Nhưng cô Blai đâu có biết rằng chính hình ảnh tuyệt diệu của cô khi giảng dạy những áng văn chương Nga bất hủ đã khiến chúng tôi đến lớp sau những giờ xếp hàng dài mệt mỏi tại các cửa hàng.

Không hái được nhiều nấm lắm. "Phải chờ đến mùa thu sau khi trời mưa. Em cũng biết là rừng không có nấm, nhưng em vẫn đi để gặp một cựu sinh viên Việt Nam xem những ấn tượng mà cô Blai kể về các anh các chị có đúng không" - Sergei cười hiền lành.

Rừng Nga tháng 7 không có nấm
.


Nguồn: Lao Động 3.11.2002

1 comments:

CKhaiCa nói...

Hôm nay mình củng vừa đi dạo rừng Odenwald của miềm trung nước Đức cả buổi chiều ,tháng 3 có nắng đẹp nhưng củng chưa có nắm ,về đọc được bài viết nầy thật là dể thương ,xoa diệu được một phần nào nổi buồn thời sự cả thế giới đang tiến diễn ,cảm ơn anh VMC nhiều .
KhảiCa

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết