28/5/06

Phụ nữ Iran đưa điện ảnh ra thế giới



Vai trò quan trọng của phụ nữ trong nền điện ảnh Iran hồi sinh đã làm ngạc nhiên những người vốn luôn tâm niệm rằng những quy định khắt khe của đạo Hồi ở nước này đã đè bẹp mọi biểu hiện bản ngã của phụ nữ.

Trong khi làm phim vẫn còn là một quá trình nhạy cảm và rất chính trị, thì các nhà làm phim nữ đã tạo ra được một loại bộ phim vô cùng ấn tượng và đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế quan trọng.

Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, hàng trăm rạp chiếu bóng đã bị đốt cháy do bị coi là công cụ tuyên truyền cho phương Tây. Trong những năm tháng sau đó, rất nhiều tác phẩm điện ảnh của Iran và nước ngoài đã bị cấm, một số khác bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt một cách tàn nhẫn.

Mặc dù vẫn phản đối nhiều hoạt động giải trí hiện đại cho thanh niên, chính phủ đương thời ở Iran lại coi điện ảnh là bộ môn nghệ thuật chủ yếu thu hút thanh niên và mang đến cho điện ảnh vai trò trung tâm trong đời sống văn hoá nước này. Giới làm phim ở đây cũng đã quá quen với chuyện một quan chức của chính phủ đi theo đoàn làm phim từ đầu đến cuối để bắt các diễn viên phải tuân thủ các quy định của đạo Hồi (ngay cả trong những cảnh không đưa lên phim). Đôi khi họ còn tham gia chọn cảnh và chọn góc máy quay.

Năm 1996, Bộ Văn hoá Iran đã ban hành một bản hướng dẫn chi tiết về việc phụ nữ và tình yêu được thể hiện ra sao trên màn ảnh. Chẳng hạn như không được chiếu bất cứ bộ phận nào của cơ thể phụ nữ ngoại trừ mặt và tay, không được có cảnh phụ nữ mặc quần áo bó hay quan hệ thể xác nam nữ. Âm nhạc cũng không được vui vẻ, nhạc phương Tây thì lại càng bị cấm.

Từ năm 1997, Iran đã nới lỏng nhiều điều kiện khắt khe trong khâu duyệt kịch bản. Phong trào cải cách lớn mạnh trong những năm gần đây đã khiến các nhà làm phim thấy rằng với những khuôn khổ hiện nay, họ không thể mô tả được hết bầu không khí sôi động về chính trị và văn hoá đang diễn ra trên khắp đất nước. Tuy nhiên, người ta cũng không phủ nhận rằng chính những nguyên tắc khắt khe trên đã tạo cho điện ảnh Iran phong cách ẩn dụ có một không hai trên thế giới, lập ra một trường phái điện ảnh được cả thế giới công nhận.

Phụ nữ đã đi đầu trong làn sóng điện ảnh mới ở Iran. Tiêu biểu nhất là Samira Makhmalbaf, người đạo diễn bộ phim đầu tiên (Quả táo) khi mới 17 tuổi. Là con gái của một nhà làm phim hàng đầu Iran - đạo diễn Mohsen Makhmalbaf, Samira đã nối nghiệp cha một cách xuất sắc. Tại LHP Cannes (Pháp) năm ngoái, cô đã giành giải thưởng của Ban Giám khảo cho bộ phim "Những tấm bảng đen" (Blackboards) kể về hai giáo viên lưu động, cõng bảng trên lưng đến dạy học cho trẻ em người Kurd ở vùng núi cao hẻo lánh. Mẹ của cô, bà Marzieh Mashkini, cũng giành được giải tại LHP Toronto (Canada) với tác phẩm "Ngày tôi trở thành đàn bà" (The Day I Became A Woman).

Bà Rakhshan Bani Etemad (ảnh) - nhân vật được coi là đại mệnh phụ của điện ảnh Iran là người nổi tiếng với những bộ phim tài liệu và phim tuyên truyền về đói nghèo, tội ác và nạn đa thê. Các tác phẩm như "Nargess" hay "Người đàn bà tháng năm" (Lady in May) đã giúp thế giới hiểu nhiều hơn về Iran.



Bộ phim "Quỹ đạo" (Circle) của Jafar Pahani là tác phẩm gây chấn động về những tù nhân nữ. Có thể nói đây là bộ phim dũng cảm nhất của điện ảnh Iran kể từ sau cách mạng, báo hiệu sự chuyển đổi từ phong cách tượng trưng và ẩn dụ giàu chất thơ sang một phong cách kể truyện trực tiếp hơn. Bộ phim đã giành giải Sư tử Vàng tại LHP Venice (Italia) năm 2000.

Các nhà làm phim nữ của Iran đã lập được kỳ tích và chính họ đã đưa điện ảnh Iran ra với thế giới thông qua sự mô tả về thái độ và mối quan hệ qua lại của người phụ nữ với đất nước và với cuộc Cách mạng Hồi giáo.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(40,4821)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết