28/5/06

Hoài niệm 11.9 ở Washington



Nếu không có các vụ khủng bố, có lẽ 11.9 mãi là ngày yên bình nhất trong mùa thu xanh trong ở thủ đô nước Mỹ. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng rực rỡ và gió thổi lồng lộng dọc triền sông Potomac. Tôi, một người Việt thả bộ theo đại lộ Độc lập (Independent Avenue) đi về phía Tượng đài Chiến tranh Việt Nam, mong tận mắt chứng kiến hội chứng cuộc chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong lòng nước Mỹ, không biết được rằng đám cháy bên kia sông là hậu quả của một tội ác...

Người cựu binh không quen

Ra khỏi ga tàu điện ngầm Smithonian lúc gần 10 giờ sáng, tôi đã nghe thấy tiếng xe cứu hoả báo động rầm trời, rồi những cỗ xe màu đỏ rực nối đuôi nhau hối hả lao về một nơi nào đó. Cũng giống như tôi, những người Mỹ khác có mặt ngoài đường vào thời điểm ấy, đoán chắc lại có một vụ cháy vớ vẩn thôi. Cẩn thận, nên khi đến bên mép nước của Tidal Basin (vịnh nhỏ của sông Potomac), tôi vẫn chụp vài kiểu ảnh cuộn khói đen cuồn cuộn bốc lên từ phía bờ Arlington của con sông.

Khi tôi đặt chân đến tượng đài "Chiến tranh Việt Nam" thì cũng là lúc cảnh sát Washington bắt đầu phong toả khu vực này. Tượng đài là một bức tường bằng đá đen hình chữ V đi sâu xuống lòng đất. Có người nói rằng nó ngụ ý nỗi đau về cuộc chiến tranh ở Việt Nam hằn sâu vào lòng nước Mỹ. Trên bức tường khắc tên hàng vạn lính Mỹ theo trình tự thời gian mà họ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Bức tường như một tấm gương và người sống khi đi tìm người chết có thể nhìn thấy chính mình.


Có bóng một người đàn ông chạy vụt đến. Ông lần tìm tên ai đó, đặt bông hoa đỏ xuống vị trí hàng chục cái tên ở sát mặt đất và cúi đầu. Một cảnh sát da đen hối hả chạy đến, sẵng giọng: "Ra khỏi đây ngay, ra ngay!". Người đàn ông ngẩng mặt lên, mắt rưng rưng: "Hãy cho tôi ở lại thêm một phút nữa". Viên cảnh sát quát như hét: "Không, ra ngay!". Người đàn ông gầm lên: "Họ đã chết, cả một đại đội đã bỏ mạng, anh có biết không? Chúng tôi đã đổ máu khi anh còn chưa đẻ, thằng nhóc!". Viên cảnh sát da đen dịu giọng: "Tôi cũng đang tránh cho ông bị đổ máu đấy. Thôi, ông hãy ngồi thêm một chút rồi ra ngay. Các tượng đài vào thời điểm này nguy hiểm lắm".

Người đàn ông ấy là một cựu chiến binh Mỹ đã từng có mặt tại miền Nam Việt Nam cuối những năm 1960. Đưa vợ từ Ohio qua Washington làm vài chuyện kinh doanh, anh ghé vào đây thăm lại những người bạn mãi còn ở tuổi ngoài 20 một chút của mình. Lát sau, khi đã ra ngoài vòng phong toả của cảnh sát và được vợ lau nước mắt, người đàn ông mới bình tĩnh lại và kể về cuộc chiến khốc liệt ở Đắc Tô cách đây hơn 30 năm. Tiếng còi cứu hoả vẫn tiếp tục rú lên, và cảnh sát dồn đến khu vực này mỗi lúc một đông thêm. Chúng tôi đều thấy cần phải rời khỏi đây.

Người đàn ông nói: "Tôi chưa trở lại Việt Nam. Nhưng tôi muốn trở lại đó và tôi sẽ trở lại. Tôi là nhà kinh doanh. Hai nước sắp phê chuẩn Hiệp định Thương mại song phương. Tôi sẽ đến VN làm ăn. Tôi muốn đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước các bạn".

Những cảm giác

Quá Ngọ, tôi mới lách được qua những dãy phố gần Nhà Trắng bị phong toả để trở về Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ. Mặc dù một ngày trước đó, chúng tôi (các nhà báo ASEAN là khách mời theo chương trình viết báo mùa thu của Bộ Ngoại giao Mỹ) vừa được long trọng đón tiếp tại đây, song đến lúc này nhân viên an ninh không cho tôi vào bên trong. Những người khác có thẻ ra vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Đợi mãi mới gọi được nhân viên phụ trách đoàn bảo lãnh để tôi vào. Ngay ở sảnh, hàng trăm người đang dán mắt vào hơn hai chục màn hình tivi của các kênh truyền hình khác nhau hoặc quay đi quay lại cảnh vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Pentagon (Lầu Năm góc), hoặc truyền hình trực tiếp cảnh hỗn loạn từ hai nơi đó.

Tất cả người Mỹ đều lặng đi. Họ không bình luận gì cả. Đàn ông đăm chiêu. Phụ nữ mắt mở to đẫm lệ, nhiều người lấy tay bịt miệng cho khỏi khóc thành tiếng. Mãi đến sau này tôi mới biết rằng không một kênh truyền hình Mỹ nào phát cảnh những nạn nhân nhảy ra khỏi cửa sổ và rơi tự do xuống bên dưới. Nhiều người khách đến thủ đô Mỹ đã bị đói trong ngày 11.9. Mọi cửa hàng, hiệu ăn đều đóng cửa. Tôi không bị đói, nhưng lần đầu tiên tôi được chứng kiến thế nào là một thành phố không có sinh khí.

Washington vắng hoe hoắt. Những con phố rộng, thẳng thớm, cắt nhau vuông vức như rộng hơn, khi không còn một bóng người. Không một chiếc xe hơi nào chạy qua. Gió cuốn những chiếc lá vàng thưa thớt và một vài mẩu báo hoặc giấy tờ gì đó mà người ta trót đánh rơi xuống đường trong lúc vội vã rời khỏi nội đô. Không gian tĩnh mịch đến rợn người và đột nhiên ta có cảm giác tiếng rú inh ỏi của xe cứu hoả cũng còn khiến ta thấy an tâm hơn là sự im ắng này.


Khách sạn tôi ở cách khá xa trung tâm Washington và cách ga Pentagon đúng một bến. May mà tàu điện ngầm đến buổi chiều mở lại, nếu không tôi chỉ còn cách đi bộ về khách sạn, bởi ngay cả các hãng taxi cũng cho nhân viên nghỉ việc. Đến sát ga của tôi, người ta đã giải thích chi tiết qua hệ thống loa phóng thanh rằng, ga Pentagon đã bị đóng cửa, những ai muốn đến đó tìm thân nhân, xin hãy liên lạc với trung tâm cứu hộ, số điện thoại...; những ai ở gần Pentagon, xin hãy xuống ga này, hoặc ga sau nữa là Pentagon City.

Số hành khách không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để thấy nỗi e ngại của họ khi vẫn phải có mặt ở nơi công cộng vào thời điểm này. Họ ra khỏi tàu rất nhanh và lao như chạy lên các cầu thang máy cuốn: Cần phải ra khỏi nơi này, cần phải ra khỏi nơi này thật nhanh, thật nhanh! Nhưng đâu sẽ là nơi ẩn náu an toàn? Không ai đặt ra câu hỏi ấy, bởi nó chẳng có câu trả lời.


Tôi bước lên mặt phố và gió lạnh thổi khiến tôi rùng mình. Một ngày đẹp trời của nước Mỹ đã trôi qua trong tấn thảm kịch thuộc loại tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Nếu đó không phải là một ngày đẹp trời. Nếu đó không phải là đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Nếu đó không phải là nơi mà người ta cảm thấy an toàn nhất. Nếu người dân ở đó không quá tự tin. Còn biết bao chữ "nếu" nữa ta có thể đưa ra để biện bạch cho thảm hoạ đừng xảy ra. Nhưng nó đã đến, vào đúng lúc mà mọi sự đang ung dung ngự trị ở những tầng nấc huy hoàng. Một thực tế đau lòng minh chứng tính đúng đắn trong lời căn dặn của nhà cách mạng người Czech J.Fucik.

Tôi đến nước Mỹ vào ngày 10.9. Có thể nói tôi chẳng kịp biết gì về đất nước này. Ngày hôm sau, chuyện đó xảy ra. Hai tuần tiếp theo là những ngày người dân Mỹ hoảng loạn nhất, hoang mang nhất. Cứ tạm gọi đó là sự đau đớn trước sinh linh của khoảng 3.000 người thiệt mạng, là niềm kiêu hãnh bị tổn thương, là nỗi sợ hãi khi ngôi nhà mình vẫn tưởng là pháo đài đột ngột trở nên bất an hơn bao giờ hết. Do không biết nước Mỹ trước đó, nên tôi không biết những sự gọi tên vừa rồi có chính xác không? Cũng giống như không thể nói gì về người phụ nữ không quen vừa bất ngờ lâm vào cơn bạo bệnh. Không có kinh nghiệm để so sánh! Nhưng lúc ấy tôi đoán chắc rằng từ nay nước Mỹ sẽ thay đổi.

Nguồn: Lao Động 9.2.2002

1 comments:

Pig on lúc 18:38 11 tháng 9, 2009 nói...

a viết nhiều bài hay qá

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết