28/5/06

Nguyễn Tường Vân bị hành quyết tại Singapore: Sự phục thiện muộn màng



Đúng 9 giờ sáng (5 giờ sáng giờ VN), nhà thờ St. Patrick tại Melbourne (Australia) đã đánh 25 hồi chuông, thay vì 9 hồi như thường lệ. Những hồi chuông ấy vang lên để đưa tiễn linh hồn của chàng trai trẻ Nguyễn Tường Vân. Lúc ấy là 6 giờ ở Singapore và đó cũng là thời điểm Vân phải lên đoạn đầu đài.

Có lẽ khó có vụ hành quyết một tội phạm buôn lậu ma tuý nào lại trở thành vấn đề xáo trộn tâm can người dân Australia như vụ hành quyết Nguyễn Tường Vân. Xã hội đa sắc tộc và đa văn hoá của Australia dường như không còn những rào cản trong những ngày qua, khi cùng quan tâm đến cái chết của chàng trai gốc Việt này.

Dẫu việc phạm tội của Vân là không thể tranh cãi (chính Vân cũng đã thừa nhận tội lỗi của mình và sẵn sàng chấp nhận cái chết), nhưng quá khứ khá tốt đẹp không tiền án tiền sự của Vân, cũng như gương mặt non trẻ của Vân tràn ngập trên trang nhất các báo và màn ảnh truyền hình, khiến đa phần người Australia cho rằng anh ta không đáng phải chết.

Hành động buôn ma tuý bồng bột, xuất phát từ động cơ kiếm tiền trả nợ cho em trai được người Australia coi như một lý lẽ khả dĩ, đủ để người ta tha thứ và có cảm tình với Vân. Thế nên, nước mắt đã chảy trên gương mặt của những con chiên khác màu da tại nhà thờ St. Patrick.


Lúc đầu dư luận Australia không chấp nhận bản án tử hình đối với Tường Vân, đồng thời kịch liệt phê phán việc áp dụng hình phạt treo cổ của thế kỷ 19 trong thế kỷ 21. Khi bản án của Tường Vân trở thành thực tế không thể đảo ngược, thì dư luận Australia lại bùng lên giận dữ khi nguyện vọng của bà Nguyễn Kim được ôm con một lần cuối cùng không được phía Singapore đáp ứng. Ông John Perce - một nhà kinh doanh ở Melbourne - nhận xét: "Nguyện vọng của bà Kim là chính đáng, bà không phạm tội nên bà không đáng bị trừng phạt như vậy".

Đồng ý về tác hại khôn lường của ma tuý đối với xã hội, song ông Truong D. Nguyen - Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Australia - Việt Nam - cho hay, ông vẫn dành một phút im lặng trong ngày 2.12, "không phải để tưởng niệm Nguyễn Tường Vân, mà là dành cho những nỗi đau mà bà Kim phải trải qua".


Tường Vân đã trải qua những thời khắc cuối cùng trong tâm trạng bình tĩnh. Anh ta ý thức được rất rõ cái giá của lỗi lầm mà mình phải trả. Ông McMahon - luật sư của Tường Vân, sau khi đến thăm anh ta chiều 1.12 - phát biểu với báo chí: "Anh ta là chàng trai dễ thương. Anh ta đã hoàn toàn phục thiện, hoàn toàn biến cải và giờ đây chỉ lưu tâm đến những điều tốt lành". Ông McMahon ngậm ngùi vì bản án tử hình vẫn được thực thi khi tội phạm đã phục thiện.

Quả thực, Vân đã dành những ngày cuối cùng để sống một cách có ý nghĩa nhất: An ủi, động viên mẹ, em trai và những người bạn thân; trả lời tất cả những bức thư mà những người quen và không quen gửi đến. Nguyện vọng cuối cùng mà Vân thổ lộ với hai cô bạn thân - những người mở chiến dịch vận động "Reach Out" đòi xoá án tử hình cho Vân - là được "nghe lại" một số bản nhạc yêu thích trong đám tang của chính mình được cử hành tại Nhà thờ St. Patrick vào thứ tư tới. Vân cũng muốn lễ tang đó phải được tiến hành bằng cả tiếng Việt.


Cuối cùng Singapore cũng cho phép bà Kim được đưa hai tay qua cửa chuyển thức ăn cho tử tù để nắm tay và ôm đầu con trai chiều 1.12. Sự biến cải và phục thiện thực sự của Vân khiến những người coi ngục ở nhà tù Changi (Singapore) cảm động. Họ đã ôm Vân vĩnh biệt sáng sớm hôm qua.

Những thành viên của Ủy ban Chống án tử hình mới được thành lập ở Singapore đã thức suốt đêm thắp nến cầu nguyện bên ngoài nhà tù Changi. Trong một động thái được coi là bất thường, nhật báo hàng đầu của Singapore - tờ Straits Times đặt vấn đề xem xét lại án tử hình trong vài tháng tới.


Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động tại Canberra sáng 1.12, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Alexander Downer nói: "Đây là câu chuyện thật buồn. Vân là người gốc Việt, nhưng là công dân Australia. Tôi cảm thấy thật buồn. Hình phạt thích hợp nhất đối với Vân là án tù chung thân. Đã có hai người Australia gốc Việt bị kết án tử hình vì buôn lậu ma tuý tại Việt Nam, song họ đã được Việt Nam ân xá".
(Melbourne, 05.12.05) Nguồn: Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết