4/1/11

JULIAN ASSANGE - ÔNG LÀ AI? (2)


Năm 2006, dự án Wikileaks được khai trương và công dân các quốc gia khác nhau bắt đầu gửi “trăm thứ bà rằn” đến website. Assange tụ tập một nhóm những người đồng quan điểm, làm việc ngày đêm để dự án ra đời. Dốc toàn tâm toàn lực vào cuộc chơi mới, Assange làm việc quên ăn quên ngủ. Anh ngồi lỳ trước máy tính, hàng tháng liền không ra khỏi phòng.

Cần ghi nhận rằng những tài liệu đầu tiên mà Wikileaks đăng tải không hề hấp dẫn quảng đại quần chúng. Trong số đó có thông tin về Alpha Sigma Tau - hội sinh viên bí mật được thành lập tại một trường đại học của Mỹ, hiến chương của hội Tam điểm, điều lệ của giáo phái đa thê Mormon. Nhưng đến năm 2007 thì Wikileaks bắt đầu xuất hiện những văn bản đầu tiên gây chấn động, mà tiêu biểu là thông tin về những vụ biển thủ tài chính của ông Daniel Arap Moi – cựu Tổng thống Kenya. Và mãi đến năm 2010, “vinh quang thực sự” mới đến với Assange sau khi Wikileaks đăng tải những tài liệu phơi bày sự thật cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Tất nhiên, Assange đặc biệt quan tâm tới an ninh. Các file dữ liệu của Wikileaks được lưu trữ trên các máy chủ khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, đoạn video nổi tiếng quay cảnh binh sĩ Mỹ bắn các nhà báo của Reuters từ máy bay trực thăng được đưa lên mạng từ căn hộ mà Assange thuê ở Iceland. Bản thân người sáng lập ra Wikileaks cũng thường xuyên thay đổi chỗ ở, đi từ nước này sang nước khác để khó bị săn lùng. Nhưng rất có thể, đây chỉ là thói quen “du mục” có từ thời thời ấu của ông.

Cho đăng tải những tài liệu rò rỉ như vậy, đương nhiên Julian nhận được những lời đe dọa. Trả lời phỏng vấn chương trình phát thanh chính trị “Democracy Now” của Mỹ, Daniel Ellsberg – người năm 1971 cho đăng tải những tài liệu mật về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối đối với hoạt động của Assange: “Tôi lo ngại cho Manning (người lính Mỹ đã chuyển cho Wikileaks những tài liệu mật của chính phủ Mỹ) và Julian cũng giống như trước đây tôi đã lo ngại cho tính mạng của mình sau khi đăng tải những văn bản của Lầu Năm Góc. Tất nhiên, những ai chuyển tài liệu cho Wikileaks đều phải hiểu rằng họ tự đặt mình vào nguy cơ. Tôi cũng đã từng liều mình như thế gần 40 năm trước”.

Trong bối cảnh đó, những lời cáo buộc của Thụy Điển đối với Assange về tội cưỡng hiếp và quấy rối tình dục dễ khiến người ta nghĩ rằng đây chính là “đơn đặt hàng” từ những đối thủ của Assange.

Theo đuổi sự nghiệp phời bày những bí mật chính trị, ngoại giao..., bỏ sang một bên phong cách sống truyền thống, tự đặt mình và các đồng nghiệp vào vòng nguy hiểm, Assange tiếp tục đi theo những lý tưởng đặt ra từ thời trai trẻ tin tặc của mình. Rất khó để xác định xem ông nghiêm túc đến cỡ nào trong việc theo đuổi vinh quang, hay vinh quang tự tìm đến ông. Nhưng có điều rõ ràng là công việc của Assange đã thu hút sự chú ý của báo chí toàn thế giới.

Các bản tin của những hãng thông tấn lớn, những chương trình thời sự của các kênh truyền hình giờ đây đều nhất cử nhất động dõi theo từng bước đi của Assange và những người “cùng hội cùng thuyền” với ông, cũng như các đối thủ của ông. Trong một chừng mực nào đó, tác động từ sự phơi bày bí mật trên Wikileaks là hệ quả trực tiếp từ kết cấu của thế giới hiện đại, được liên kết bởi những mạng máy tính (mà nếu thiếu chúng thì không thể có hoạt động của hacker) với những ý tưởng được bồi đắp xung quanh về tự do ngôn luận và quyền được thông tin.

Có ý kiến cho rằng trong cái gọi là "nền văn minh máy tính", sớm hay muộn hacker sẽ trở thành ngôi sao number one. Vấn đề là hacker đó đem lại điều tốt đẹp hay tai ương cho nhân loại? Trong trường hợp của Julian Assange có hai luồng quan điểm trái ngược nhau. Thời gian sẽ trả lời câu hỏi: "Julian Assange là người như thế nào"? Mà cũng có thể thời gian sẽ không đưa ra được câu trả lời và sự nghiệp của Assange sẽ tồn tại với sự tranh luận bất phân thắng bại giữa chính quyền và người dân.

Entries liên quan:
"KẺ TỘI ĐỒ" WIKILEAKS
JULIAN ASSANGE - ÔNG LÀ AI? (1)




3 comments:

Lana on lúc 19:20 4 tháng 1, 2011 nói...

Qua được vụ lận đận này Assange hoàn toàn có thể trở thành tỉ phú nhờ viết hồi ký. Tuy nhiên trở thành tỉ phú chắc không phải lí tưởng của ông.
Cho dù đúng/ sai thế nào thì ông cũng đáng được khâm phục vì dám từ bỏ rất nhiều những hưởng thụ mà ông hoàn toàn có thể có được để đi theo lí tưởng của mình.

LU on lúc 23:28 4 tháng 1, 2011 nói...

Người đàn ông này có thể được gọi là tài năng rồi, như Bill Gate ko cần phải tốt nghiệp đại học vẫn có tài tạo ra được một Microsoft.
Tài của Bill Gate nằm trong nguồn máy quay chính của quy luật xã hội, tuân theo luật pháp, theo dạng mèo nhà. Tài năng của người đàn ông này theo kiểu anh hùng cá nhân, và là một con mèo hoang.
Với khả năng ông ta đang có, thì công ti nào cũng trọng dụng. Nhưng ông ta đã vượt qua cái quy luật đó, và muốn ôm trọn cả bầu trời.
Công nghệ thông tin sinh sau đẻ muộn nhưng nó lại bành trướng nhanh, và càng vào sâu thì thấy cái sự khủng của nó vì có thể control đến nhiều thứ.
Làm báo ai cũng mong mình tìm được những tin tức thật, nóng, càng bí mật càng tốt. Ông ta lợi dụng kết hợp sự thông minh của mình và nghề báo nên nguy hiểm hơn cả nhà báo bình thường.

Titi on lúc 23:33 4 tháng 1, 2011 nói...

Giữ ngần ấy bí mật không sớm muộn gì thì cũng phát điên. Hic... chi bằng giải phóng năng lượng tù túng ấy, vừa để cho lòng nhẹ nhàng hơn vừa khuynh đảo thế giới một phen cho ... sướng ...hê hê...

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết