18/1/11

NHỮNG TỪ THỜI THƯỢNG



GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN

Xã hội luôn luôn vận động, xuất hiện những khái niệm mới, nổi lên những vấn đề mới là trung tâm chú ý của dư luận. Theo đó, hàng loạt từ mới xuất hiện, có những từ mang hơi thở của thời cuộc.

Tâm lý chuộng lạ và khuynh hướng làm sang

Ngôn ngữ là một phương tiện thể hiện phẩm chất trí tuệ con người. Muốn khẳng định mình qua ngôn từ, không ít người thích dùng những từ mới lạ. Bởi vậy không tránh khỏi những khuynh hướng lạm dụng từ ngữ mới. Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “chưng diện” từ này trong lời nói và bài viết. Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.

Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, trên các phương tiện truyền thông ở Liên Xô đầy rẫy từ “perestrojka” (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất hiện rất nhiều. Chứng cứ cho điều này là trong quyển Từ điển tiếng Nga nổi tiếng, bản in năm 1982, của S.I. Ozhegov hoặc trong Từ điển cấu tạo từ tiếng Nga, xuất bản năm 1978 của A.N. Tikhonov đều chưa có danh từ “pljuralism”.

Sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất hiện cụm từ “làm chủ tập thể”. Từng có lúc, trên các trang báo nhan nhản những “làm chủ tập thể”. Sau Đại hội VI, “làm chủ tập thể” được dùng ít dần đi; thay vào đó là “đổi mới tư duy” và “những việc cần làm ngay”. Ở thập kỷ 1970, nếu trong bài viết hoặc đăng đàn diễn giảng ai mà không nói “làm chủ tập thể” là “trình độ lý luận còn thấp”. Nửa cuối thập kỷ 1980, ở đâu cũng “đổi mới tư duy”. Không nhắc tới cụm từ này là người ta chưa yên tâm, chưa chứng tỏ mình nhạy bén và có năng lực.

Nhiều kết hợp lạ là những đặc sản xã hội, gây bất ngờ trong nhận thức và nhanh chóng thành cụm từ mới lạ. Chẳng hạn, từ “khiêm tốn” biểu thị thái độ con người. Có ai đó dùng nó để biểu thị thuộc tính. NQT viết trên báo PN: “Tôi là một người có chiều cao hơi khiêm tốn”. Thấy một kết hợp lạ hay hay, ấy thế là thành ra cái mốt “khiêm tốn”: “đồng lương khiêm tốn”, “bộ quần áo khiêm tốn”, “ngôi nhà khiêm tốn”… Trong chuyện thường ngày trên TT, ngày 24.9.1998 Bút Bi viết: “Nhớ hồi quận 3 bắt đầu dọn dẹp bia ôm, con đường kề bên uỷ ban quận này chỉ có một “nhà hàng đặc sản”. Bây giờ con đường này có vô số nhà hàng đặc sản karaoke máy lạnh, tha hồ cho các đấng mày râu đến dự thi… “bàn tay vàng”. Đọc đến đoạn này, sinh viên trường V cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ đó là ngày sinh chính thức trên báo chí của “bàn tay vàng” (ai biết nó sinh sớm hơn xin chỉ giùm!)

Xã hội luôn luôn có khuynh hướng vay mượn từ nước ngoài, mặc dù vẫn có những từ ngữ đồng nghĩa. Vay mượn phần vì chuộng lạ, có yếu tố kích thích, bắt mắt, nhưng còn vì những từ ngữ vay mượn này phản ánh được những sắc thái mới. Trong tiếng Nga đã có từ “korennoj” (thuộc về gốc rễ, nền tảng) nhưng tiếng Nga vẫn nhập từ “radical” của tiếng Anh và Pháp để thành tính từ “radical’nyj” đồng nghĩa với “korennoj”. Và “radical’nyj” còn thêm nghĩa cấp tiến.

Người Việt cũng vậy. Báo chí TP.HCM thời nay dẫn đầu cả nước khuynh hướng “Anh hoá” nhiều từ vay mượn đã được phiên âm. Chúng ta đã từng phiên âm an-bom; chạy sô, sô diễn, sôlô; đăng-xinh; xì-tốp… nhưng hiện nay người ta thích dùng nguyên ngữ album; solo, show, live show; stop; dancing. Thậm chí, “Anh hoá” cả các từ vay mượn đã được Việt hoá: Nói bán xôn, bán xon (mượn tiếng Pháp solde) xưa rồi, phải là sale, on sale, sale off mới sang và sành điệu!

Sáo ngữ: những lối mòn


Cái gì lạm dụng rồi cũng thành bình thường, nhiều quá hoá nhàm, và kết quả là lượng thông tin của từ bị giảm đi, nghĩa bị mòn đi. Những từ mới lạ trở thành sáo ngữ. Khi trung tâm chú ý của xã hội thay đổi thì sáo ngữ cũng nhanh chóng thay đổi. Rồi những từ ngữ mới khác lại xuất hiện.

Cùng thời với “đổi mới tư duy”, trong đường lối hoạch định chính sách rộ lên những từ kinh tế vĩ mô, vi mô; hộp đen; đầu vào, đầu ra… Không hiểu bản chất của một khái niệm nhưng thấy thiên hạ dùng nhiều thì cũng cố mà dùng cho có vẻ “trình độ”, “thức thời”. “Nói như lời ông Trần Đình Hoan là […] không còn quy hoạch cán bộ theo kiểu “chiếc hộp đen” như trước nữa mà thay bằng “sân chơi bình đẳng...” (TTCN, 1.6.2003). GS Hoàng Tuỵ đã phê phán sự lạm dụng từ ngữ này. Từ “hộp đen” trên báo chí ít hẳn đi, nó được trả lại đúng vị trí trong những bài viết về lý thuyết thông tin.

Lớp từ thời thượng sau Đại hội VII là kinh tế thị trường, kinh tế trang trại, cổ phần hoá… rồi những phần mềm, internet, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức… Những từ này nay trở thành bình thường. Mặc dầu từ “điện tử” đã xuất hiện từ lâu, nhưng từ năm 2002, mới nở rộ lên những “Chính phủ điện tử”, “bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn điện tử”, “công dân điện tử”, “cử tri điện tử” rồi “nghị viện điện tử cho toàn cầu”, “Quốc hội điện tử”...

Mấy từ thời thượng hiện thời

Hiện nay buôn bán phát triển nên “thương hiệu” trở thành mốt, bị lạm dụng, lan sang nhiều ngành mà ở đó không có chuyện kinh doanh buôn bán gì cả: “Bà đã giúp làm tăng thương hiệu Sarkozy”; ông đã làm nên một “thương hiệu Putin”. Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia có buôn bán gì đâu mà thương hiệu? Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Người ta quyết tâm “xây dựng thương hiệu khoa báo chí và truyền thông”, “xây dựng thương hiệu trường chuyên X”... Nhà trường, sao phải xây dựng “thương hiệu” mà không là xây dựng “học hiệu”? Không rõ thiên hạ có dùng thương hiệu Harvard, Oxford, Cambridge không?

Gần đây nhất là những từ “tầm nhìn”, “tái cơ cấu”... Người ta hoạch định những đề án, những công trình, những chiến lược với tầm nhìn 30 năm, 40 năm… Phải có tầm nhìn 50 năm để làm đường sắt cao tốc. Rồi sách “Việt Nam tầm nhìn 2050”. Tầm nhìn nào cho khu đô thị Trung Yên Hà Nội mới xây hiện đại kiểu Pháp, sau trận mưa lớn (2008) đã biến thành sông hồ? Tầm nhìn nào cho những công trình giao thông vừa bàn giao đã xuất hiện nhiều chục “hố tử thần”?

Chúng ta đang tái cơ cấu Vinashin. Nay mai liệu có “tái cơ cấu EVN” khi tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đứng ở “chân tường” (TT, 11.1.2011)? Và còn tái cơ cấu những gì nữa?

Nguồn:
Những từ thời thượng


14 comments:

LU on lúc 00:05 19 tháng 1, 2011 nói...

Em, là một đứa học tiếng Việt rất chi là tiến bộ. Mặc dù học theo khuynh hướng của anh thì không có cái vụ bẻ cong chử nghĩa.

Nhưng, em là một đứa lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình sành điệu, sành sỏi, và sành đời, nên em luôn "đổi mới tư duy".

Hồi xưa í, em mới viết blog Việt thì em nói ngọng cho nó "dễ xương". Bi giờ, em nhớn rồi em ko còn ngọng nữa. Mờ em biến từ ngữ theo í của em, cho nó có "thương hiệu", còn gọi là "Lu franchise".

Thí dụ, muốn nói một chút thì em sẽ dùng "một xí". Chú í, từ này cho chính em tạo ra chứ ko đi cốp nhặt nhe.
Rồi em lại "thay đổi tư duy" thêm lần nữa. Em thấy viết văn ko lấp láy, lấp lánh, thì lời văn sẽ ko còn bay bổng nữa.
Thế là thay vì nói "buồn tủi" em sẽ viết thành "buồn ơi là tủi", "rầu rĩ" sẽ là "rầu ơi là rĩ", "xinh xắn" sẽ trở thành "xinh ơiii...là xắn". Đấy, bi giờ thì em đã viết tiếng Việt có cả vần điệu ngân nga của âm nhạc vào rồi nhé.

Mỗi ngày trôi qua em lại "thay đổi tư duy", em cố gắng "chơi chử" nhiều hơn một chút. Để rồi, một ngày nào đó khi em nhìn lại thì...em ko biết em đang viết cái giống gì? và nó có phải là chử nghĩa tiếng Việt hay là ko? he he =))

doanh on lúc 06:22 19 tháng 1, 2011 nói...

Bác í đặt vấn đề hay nhưng bác viết hơi bị hiền lành quá. Viết thế này đám trẻ sẽ nghĩ các cụ khốt hay bàn lùi.

- Về phương diện diễn ngôn, những diễn ngôn chính trị luôn có ảnh hưởng trong đời sống xã hội, điều này khỏi cần chứng minh, nhất là những thể chế chính trị như ở VN: nói đúng đường lối. Nếu so sánh thì dân Bắc nói chính trị nhiều hơn dân Nam rõ. Những chữ như "tình hình", "quyết sách", "thực hiện chủ trương", "tầm nhìn", "chiến lược" abcd vô cùng lắm.

- Về phương diện văn hóa, thì sự sùng bái chính trị và quyền lực ở VN, từ thời phong kiến đến giờ nó còn bộc lộ rõ, "miệng nhà quan có gang có thép", nhiều người muốn lời nói của mình cũng có trọng lượng như thế, hiện nay ta gọi là nổ, với chém gió đới.

- Cũng về phương diện văn hóa, người VN thích xài từ đao to búa lớn, cái này có thể ảnh hưởng của TQ, thích nói bóng bẩy, hình tượng, nhất là dân Bắc mình, cho nên mới có các diễn ngôn kêu oang oang như là "con đường" "chặng đường" "ra biển lớn", "tầm vóc" "thời đại" "tự hào dân tộc" etc - thực ra nó thể hiện sự yếm thế của một dân tộc nhỏ, và phi thực tế, nên mới có vụ xếp hạng 1 về lạc quan.

- Về phương diện xã hội, thì giới bình dân luôn có xu hướng nhái lại, giễu cợt những diễn ngôn của giới quyền lực, với hàm í hài hước, mỉa mai. Nó thể hiện sự đối kháng giai tầng ở phương diện tạo nghĩa bằng ngôn ngữ.

- Một phần quan trọng của bài viết là nói về ngôn ngữ báo chí: nó vừa có tính lịch sử, cũng vừa có tính thời sự. Vì báo chí là nhất thời, nên sự xuất hiện thường xuyên của những từ ngữ thời thượng phản ánh định hướng giá trị hiện tại của xã hội, cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, đúng như tác giả nói, sự lạm dụng quá đáng từ ngữ loại này còn cho thấy sự lười biếng và dốt nát của nhiều người viết báo hiện nay. Những công thức như là: "không có chuyện" acbd, "kinh hoàng" abcd, hay anh Phú mới vạch trần cái chữ "vạch trần" abcd; ngoài ra là một loạt những giới bị định danh một cách đầy mỉa mai bằng việc xây dựng hình ảnh méo mó, tiêu cực như "đai gia", "chân dài", "nữ sinh"... Một nền báo chí mà kém cỏi và nhất là thiếu trách nhiệm thì còn tai hại hơn nhiều chính những cái tệ nạn xã hội mà nó đang (làm ra vẻ) lên án.

Nặc danh nói...

Anh có được những bài viết hay thật nhưng trình của em chưa tới nên không biết comt như thế nào, chỉ biết đọc thôi :-)

Titi on lúc 09:15 19 tháng 1, 2011 nói...

Vote cho comt của Gấu. Bài trên đề cập đến ngôn ngữ thời thượng trong truyền thông chính thống của ta hơi bị nhẹ tay. Chắc tác giả cũng ở trong ngành báo chí nên vữn còn nể nang, hoặc bài bị biên tập, cắt xén.

Em thấy, ngôn ngữ truyền thông ở ta không những a dua, lười biếng mà còn nghèo nàn, thường xuyên làm màu bằng những khẩu hiệu sáo rỗng, nhàn nhạt... và hiện tượng này có từ lâu ròi, từ hồi có báo mạng thì tăng mạnh hơn thôi.
Điều này dễ hiểu vì hầu hết người ta đều bảo nhau gìn giữ tiếng VIệt chứ có mấy ai ủng hộ phát triển tiếng Việt đâu hơ hơ...sự phát triển nào cũng có hai mặt, ở ta mặt xấu của phát triển tiếng VIệt hiện đại bị thổi phồng quá mức. Nếu nhìn sang ngôn ngữ của các nước phát triển khác mà xem, họ không chỉ có ngôn ngữ viết và nói mà còn các loại hệ thống ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ nội trợ, ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ âm nhạc ...phát triển một cách có hệ thống và rất rõ phong cách.
Phát triển tiếng Việt vẫn đang tồn tại nhưng bị thụ động và căn bản không có gốc, tức chính những người sử dụng tiếng Việt không thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ. ak ak..

An Thảo on lúc 10:44 19 tháng 1, 2011 nói...

@ Bạn Lu: Bạn và toàn thể xứ Huế gặp nhau về tư tưởng nhớn rồi. Ở Huế, cụm từ "một xí" được dùng y chang bạn dùng từ nhiều chục năm nay (từ khi tớ nghe thấy, chưa kể trước đó).

@ Bạn Gấu: Giá cmt của bạn gọn như một cụm từ thì tớ sẽ dùng thường xuyên vì nó rất hấp dẫn và ngoạn mục. Boong! Boong!

@ Bạn 2Ti: Thì đang là thời "cách mạng" của báo chí chứ seo.

@ Anh Cường: Thiếu òi. Một số từ đang nóng trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay là blog và blogger ạ.

LU on lúc 11:43 19 tháng 1, 2011 nói...

An Thảo : thế à? vậy là cún chết 3 năm đã quay đầu dìa núi rồi. Nghe nói bà mẹ Lu người Huế đấy, và ai cũng bẩu Lu giống người Huế cả. Bi giờ, sau khi bị Mỹ cà tưng nhồi sọ, Lu đã trở thành đầu gà đít zịt giữa đa đa =))

doanh on lúc 12:36 19 tháng 1, 2011 nói...

@Titi: em cũng vote cho quả vote của chị, hè hè. Em vô link anh C đặt, tác giả là một bác GS, nên em nghĩ bác giừ, nên mới có câu mở đầu như rứa đới, bác í hem phải nhà báo mô.

@AT: e chưa khớ đến mức nói ngắn í nhìu, mụ lười quá, có dùng dùng trọn gói chứ còn mặc cả. Mụ giả nhời từng ngừi như là chủ nhà á :-P nhưng em khoái kiểu đó, hè hè

Titi on lúc 13:49 19 tháng 1, 2011 nói...

@AT: tuyệt cú mèo, chị trúng tuyển thư ký của anh VMC từ bao giờ đới? Thư ký này mà trả lời thì anh em bloggers sướng rơn ròi. Vừa được bàn tán vừa được rót nước trà mời bánh nhé :-D

VMC on lúc 15:33 19 tháng 1, 2011 nói...

@LU:
Chắc phải gợi ý cho em sinh viên nào đó viết khóa luận tốt nghiệp theo đề tài "Chuyển biến trong sử dụng ngôn ngữ trên blog LU". Đảm bảo đề tài không đụng hàng.

@Hạnh phúc lang thang:
Anh cũng "lang thang" đọc trên mạng, thấy cái gì hay thì copy về đây cho bạn bè đọc chơi.

VMC on lúc 15:37 19 tháng 1, 2011 nói...

@Gauxx:
Vấn đề ngôn ngữ báo chí, chắc để cho NCS về báo chí đề cập thì mới đúng và trúng.

@Titi:
Ngành nghiên cứu ngôn ngữ của ta có vẻ còn yếu và thụ động. Các BTV, MC nói sai đầy trên màn ảnh TV mà không thấy có ai sửa. Hôm nọ anh kiếm được quyển sách của Nga có nhan đề "Tiếng Nga từ màn ảnh truyền hình", mô tả, phân tích rất rõ những điểm hay dở của tiếng Nga hiện đại qua miệng của các PV, BTV, MC... Có sách là có công cụ để làm cho ngôn ngữ trong sáng và phong phú hơn.

LU on lúc 15:39 19 tháng 1, 2011 nói...

Quên nói thêm cái nì để bà con đừng có mờ hiểu nhầm nhọt là Lu nhái tiếng vùng miền nhe. Lu đang nói tiếng "mẹ đẻ" đấy :))

-Ba Lu người nam rặt nên Lu hay dùng tiếng "dìa", "mình ên".

-Mẹ Lu người huế nên thỉnh thoảng Lu pha tiếng huế vào, cũng là cái máu nó có sẵn roàiiii. ;))

-Còn Lu nói câu "is it clear?" thì có nghĩa là lại lẫn sang máu Mỹ, đa văn hóa thì nó thía mờ :)))

VMC on lúc 15:41 19 tháng 1, 2011 nói...

@An Thảo + LU:
- Đúng là người Huế sử dụng "một xí" lâu rồi.
- Bên cạnh blog và bloger còn có "mạng xã hội" nữa.

@Titi:
Ô, có chuyện AT làm thư ký cho anh à?

LU on lúc 15:44 19 tháng 1, 2011 nói...

anh Cường : bi giờ em vào công ti thì em nói tiếng bắc, bà chị người bắc muốn té ghế, bẩu là..."nó lại nói cả tiếng bắc" :))

doanh on lúc 17:27 19 tháng 1, 2011 nói...

@Anh C: mấy cái vụ này, chưa cần phải dùng đến NCS, ai đọc cũng thấy cả, ví dụ như anh cũng đọc sách kia mà. Bác cứ giả nhời vô í còm hoặc không cũng được rồi. Giống như em vẫn nêu í kiến mà không cần care tác giả bài viết là GS vậy đó.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết