24/6/10

TÔI ĐI CHẤM THI



Mấy năm đi dạy đại học, không phải đi chấm thi tập trung bao giờ. Những năm trước, việc tổ chức thi cử - chấm thi giao cho khoa, mà các thầy cô ở khoa biết rõ là các giảng viên thỉnh giảng bao giờ cũng bận rộn, nên thường linh động cho người cầm bài thi đã rọc phách đến tận cơ quan. Chấm xong, vào điểm, gọi một cú điện thoại là có người đến lấy bài trả lại cho khoa.

Nhưng từ năm nay, Phòng đào tạo của trường trực tiếp phụ trách thi cử, nên mọi chuyện đi vào quy lát. Sinh viên thi xong, tôi nhận được email thông báo thời gian, địa điểm chấm thi và người phụ trách việc này để có chuyện gì thì trực tiếp thương thảo lại. Ngày mà Phòng đào tạo hẹn lại đúng vào hôm tôi bận, nên phải gọi điện lại để thu xếp thời gian khác.

Người phụ nữ nghe điện trả lời giọng ngọt ngào: "Vâng, thưa thầy, thầy đến vào ngày hôm sau cũng được ạ".

Y hẹn, từ đầu giờ sáng tôi đã có mặt ở Phòng đào tạo tại tầng 6. Người phụ nữ mà tôi cần tìm ngồi ở một góc phòng. Chị đang bận rộn với các phong bì đựng bài thi khác nhau, mải miết phân loại và điền những form gì đó. Nghe tôi tự giới thiệu, chị tươi cười: "Vâng, mời thầy ra bàn kia ngồi uống nước, đợi em một lát".

Người phụ nữ cũng phải tầm U40, tức kém tôi vài tuổi. Chẳng có cớ gì mà chị phải gọi tôi bằng "thầy", xưng "em" như thế cả!

5 phút sau, chị xong công việc dở dang, lấy từ trong tủ ra hai phong bì to màu nâu chứa 97 bài thi mà tôi phải chấm. Chị gọi tôi: "Mời thầy ra ký nhận bài thi ạ". Tôi ký, chị trao bài thi và nói tiếp bằng giọng lễ phép y như vậy: "Mời thầy lên phòng 703 tầng 7 chấm bài. Các thầy cô khác đang chấm ở đó cả".

Phòng 703 đóng cửa im ỉm, nhưng bên trong sáng đèn. Biết có gõ cửa cũng không ai trả lời (vì là phòng chung và ai cũng đang bận chấm bài), nên tôi đẩy cửa bước vào. Hai chiếc bàn to kê giữa phòng, hai thầy và 5 cô nghe tiếng kẹt cửa đều quay ra nhìn. Tôi chào họ, mọi người cười chào lại, một thầy dẹp bớt các bài thi trên bàn và chỉ cho tôi chiếc ghế bên cạnh: "Anh vào đây!".

Không khí phòng chấm thi sặc mùi giấy. Ngoài tiếng sột soạt giở giấy, chỉ còn nghe tiếng quạt trần và máy điều hòa kêu vo vo. Phòng hơi mát quá so với cái nóng 36 độ bên ngoài. Thỉnh thoảng có tiếng húng hắng ho của ai đó. Nước chè được pha sẵn để ở một góc phòng. Thầy đối diện tôi thủ theo một chai La Vie. Cô giáo trẻ bên trái tôi thì uống "nóng trong người" của Dr. Thanh.

Mọi người im lặng, miệt mài làm việc. Thầy ngồi bên phải tôi (người đã dọn chỗ cho tôi ngồi) chấm môn Lịch sử triết học Ấn Độ. Ông vừa chấm vừa nhăn nhó rất khổ sở. Bài thi toàn điểm làng nhàng: 4; 4,5; 5; 5,5. Cứ chấm được mươi bài ông lại đứng dậy đi ra ngoài. Chắc để hút thuốc.

Tôi đọc liền mười bài để xác định một "giọng" chấm chung. Có cảm giác sinh viên đã không chú trọng những lời tôi dặn dò trên lớp. Chấm tiếp, tôi thấy buồn vì chất lượng bài thi của khóa này nhìn chung thấp hơn so với 3 khóa sinh viên tôi đã dạy. Nhiều em không hiểu rõ đề thi muốn gì, liệt kê kiến thức một cách thừa thãi và chẳng chịu động não phân tích một chút, hoặc quá lười lấy ví dụ minh họa. Khá nhiều bài thi cũng được điểm làng nhàng 5-6 như môn của ông thầy bên cạnh.

Đề thi ra 2 chọn 1, nhưng cũng phải có đến mươi em không hiểu vô tình hay hữu ý làm cả hai đề. Kết cục là chẳng đề nào được trình bày và đào xới tử tế, nên cũng chỉ đạt điểm trung bình.

... Chấm xong một phong bì, tôi bước ra khỏi phòng. Ở hành lang rộng bên ngoài, người ta đang sắp xếp bàn ăn theo kiểu buffet. Trường có cuộc liên hoan chiêu đãi gì đó vào buổi trưa.

Quay trở lại phòng, thấy một phụ nữ to béo mặt mũi phúc hậu tầm ngũ tuần, ngồi cạnh tôi thế chỗ của thầy lịch sử triết học Ấn Độ. Chị vừa lấy bài thi ra vừa nói: "Cái phòng đào tạo này nói bao lần vẫn thế. Chỉ đưa mỗi bài thi mà chẳng đưa đề thi thì biết chấm thế nào?". Tôi nói vui: "Đọc bài thi rồi suy ra đề chị ạ. Chắc họ nghĩ giảng viên phải đủ trình độ để suy luận ngược lại như thế!". Chị cười: "Vâng, thì cũng chỉ còn cách đó thôi".

Càng về trưa, thì mùi thức ăn ngoài hành lang lùa vào càng nức mũi mỗi khi có người ra vào. Hic, chấm thi trong bối cảnh này thật chẳng khác nào... tra tấn dạ dày. May mà có 2 bài thi điểm 10, 1 bài 9,5 điểm và ba bài 9 điểm. Coi như là niềm vui an ủi với người đi dạy, vì vẫn có một số sinh viên lĩnh hội được kiến thức của môn học và làm được điều mà thầy giáo mong muốn.

Mãi rồi cũng chấm xong và điền điểm vào bảng tổng hợp. Khi tôi đem đồ nghề bước ra hành lang, thì bàn ăn buffet đã bày biện xong, trang trí khá đẹp mắt. Chưa thấy khách đâu cả. Phải rảo bước cho thật nhanh...

Khi tôi quay lại Phòng đào tạo thì bàn của người phụ nữ trống không. Hỏi cô gái đang ngồi mải miết dán ảnh vào những phôi bằng tốt nghiệp, thì cô nói chị ấy đi họp. Tôi gọi di động, giọng người phụ nữ lại vang lên ngọt ngào: "Thầy ơi, thầy đợi em 5 phút, em về ngay đây ạ".

Chưa đầy 2 phút sau, chị đã quay lại. Chị đưa hai tay nhận bài thi, hỏi tôi lại một vài chi tiết cá nhân, điền vào một tờ giấy rồi đưa cho tôi: "Mời thầy xuống phòng tài vụ ở tầng 4 lĩnh thù lao chấm thi". Tôi cảm ơn và chào chị.

Phòng tài vụ có ba người. Tôi đưa giấy cho người đàn ông tầm 30 ngồi sát cửa ra vào. Anh chỉ tay sang người phụ nữ duy nhất trong phòng: "Mời thầy sang gặp chị kia". Tôi quay sang chỗ chị. Chị lặng lẽ đón lấy tờ giấy, viết lách gì đó rồi mời tôi ký. Tôi đọc tờ giấy: thù lao chấm 97 bài thi và ra 2 đề thi. Tổng cộng: 331 nghìn đồng.

Rồi tôi lại đem cái giấy ấy đến chỗ người đàn ông. Hóa ra anh là thủ quỹ. Ở đây cái gì cũng đặc biệt! Anh đếm đủ tiền và trao cho tôi bằng hai tay. Nói chung đi chấm thi khá dễ chịu vì được làm việc trong một môi trường có văn hóa với những hành vi ứng xử rất mô phạm.

Lâu nay đi dạy tôi chẳng chú ý đến thù lao. Dạy năm trước, năm sau người ta mới chuyển tiền đến. Số tiền chẳng đáng là bao. Đã xác định đi dạy là cho vui, nên chuyện tiền nong không còn quan trọng. Nhưng hôm nay trực tiếp nhận tiền cho việc ra đề, chấm thi mới thấy băn khoăn. Hóa ra chấm một bài thi hết môn của một sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 3 nghìn đồng/bài, ra đề thi hết môn cho sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 15 nghìn đồng/đề (*).

Tiền thù lao ít ỏi như thế thì làm sao có thể là chất xúc tác cho thầy cô dốc hết tâm huyết với nghề nhỉ?
_____

(*) Tính lại thì thấy thù lao ra một đề thi là 20.000 đ.

Ảnh: Trong một phòng chấm thi (ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết)




33 comments:

LU on lúc 20:43 24 tháng 6, 2010 nói...

Thầy à, được đứng trên bục giảng là một điều vinh hạnh to lớn rồi ạ. Thầy đừng nên để tiền công cho thầy cô quá bèo ảnh hưởng đến thiên chức "thầy giáo nhân dân" thầy hé. ;))

Em thấy cô ấy kém thầy có một xí tuổi, gọi bằng thầy xưng em là cũng tạm chấp nhận được ạ. Thầy biết ko? anh Thụy đấy, nhân viên của anh í mờ gọi anh bằng chú là ảnh bực bội lém đấy! ;))

VMC on lúc 20:59 24 tháng 6, 2010 nói...

@LU:
Băn khoăn là đương nhiên LU à, vì thù lao như thế là quá thấp. Anh băn khoăn cho các thầy cô chỉ làm mỗi công việc giảng dạy thì với mức thù lao như thế họ sống thế nào?
Còn anh thì nếu quan tâm tới chuyện tiền công, thì đã không đi dạy rồi, vì anh còn có công việc khác để tự nuôi sống bản thân rồi.

LU on lúc 21:10 24 tháng 6, 2010 nói...

Anh Cuong : hì hì...đùa thôi nên em mới gọi anh là "thầy giáo nhân dân", làm việc ko cần tiền lương.
Em cũng nghĩ là lương bổng thầy cô bên nhà bèo quá. Lúc em còn bên đó nhớ là ngày xưa lắm ấy, phải viết bằng phấn trắng lên bảng, lương thì đủ mua cháo thôi nên nhiều thầy cô yêu nghề thường mắc bệnh lao phổi.
Thật ra ko phải lương thầy cô thôi đâu, em thấy thu nhập xã hội vẫn chưa balance được. Phải chi tương lai bên nhà cũng có thuế thu nhập cho toàn dân như bên Mỹ. Người nào thu nhập cao thì phải đóng thuế đàng hoàng, ai thu nhập thấp thì được nhà nước bù tiền lại để đủ nuôi thân, bên Mỹ là thế!
Phải như vậy thì nhà nước mới dư tiền quỹ phúc lợi xã hội lo cho người già, trẻ em mồ côi, sinh viên nghèo, và xây dựng đường xá cho tốt.

NgocLan on lúc 21:44 24 tháng 6, 2010 nói...

em tưởng chấm bài thi hết khóa của học trò cũng là nhiệm vụ của người dạy luôn chứ, tức là không có chuyện tiền công chấm bài lẫn ra đề.
hồi ở VN, chỉ có khi đi chấm thi tú tài và đại học là có tiền.
sang bên này, thấy chuyện chấm bài hết môn, cuối khóa của thầy cô dạy ở college cũng là nhiệm vụ, không có trả tiền.

Thuy Dam Minh on lúc 22:23 24 tháng 6, 2010 nói...

1. Lần đầu tiên anh được nghe kể chi tiết về việc chấm thi đấy. Học hành bao nhiều năm, qua bao nhiều kỳ thi, toàn là với tư cách người đi thi, đã bao giờ được đi chấm thi đâu. Thật thú vị em ạ!

2. Thù lao đấy chẳng khác gì thu lao thời bao cấp. Rất rất là không ổn. Theo anh, ra đề thì nên tầm 100 ngàn, còn chấm thì nên 30 ngàn. Mức ấy có thể tạm coi là OK!

NTD on lúc 23:07 24 tháng 6, 2010 nói...

chấm 1 bài thi có mất đến 5 phút không ạ?

Đỗ on lúc 23:24 24 tháng 6, 2010 nói...

Chấm bài thi mà không có đề bài thi, vui nhỉ.

Nặc danh nói...

Ôi, thảm quá! Hik!
@"thù lao chấm 97 bài thi và ra 2 đề thi. Tổng cộng: 331 nghìn đồng"
@"chấm một bài thi hết môn của một sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 3 nghìn đồng/bài, ra đề thi hết môn cho sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 15 nghìn đồng/đề"
Hik! Nothing to display!!!

Vân Lam nói...

Điều anh băn khoăn rất là chí lí. Như với cương vị hiện tại và những gì anh đang có với tâm lý xác định đi dạy và chấm thi là sở thích, là niềm vui thì khác hẳn với những ai xem nghề dạy là kế sinh nhai. Câu kết của bài viết đã nêu ra một trong rất nhiều nguyên nhân nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong nghành GD nước ta rồi.

Em thích cách hành xử rất mô phạm của những người ở các phòng hành chính tại trường mà anh đến chấm thi kia. :)

Marcus Vu on lúc 02:35 25 tháng 6, 2010 nói...

Cảm ơn anh Cường rất nhiều về bài viết này.

L2C on lúc 06:57 25 tháng 6, 2010 nói...

Nhà e cũng có mấy gv ĐH. Giáo viên họ sống bằng nghề tay trái. Cơ hội đó đến nhờ cái danh giáo viên đại học mô phạm. Mấy ai sống bằng lương.

Gốc Gạo on lúc 07:36 25 tháng 6, 2010 nói...

@VMC : Thật ra chuyện đó rất bình thường mà, các thầy cô vẫn chấm, vẫn ra đề, nói như bạn NgocLan, đấy cũng là nhiệm vụ của người dạy nữa. Chứ tính như Bác Cả Thuỵ thì có mà chết người ! Số tiền VCM lĩnh được thành ra hơn 3 triệu ư ? GV cũng chưa bao giờ mơ ước điều không tưởng vậy đâu anh ơi, dạy thừa tiết được thanh toán 30 000 đ/tiết đã là được rồi đó ! Mách nhỏ VCM nhé, coi thi, chấm thi bao giờ cũng có thêm chữ kí nháy (hì hì, để kí cho nhanh mà)

doanh on lúc 08:11 25 tháng 6, 2010 nói...

bác băn khoăn là đúng roài, cái mức chi trả ấy là có tăng lên rồi đó ạ. Nhưng bác không kể vụ tìm chỗ đậu xe ở sân trường giờ giờ đã đầy xe 4 bánh. Chứng tỏ là người ta vẫn sống khỏe.

bài này em chứng thực anh C viết chính xác, mấy chị ở đó đều rất dễ thương.

VMC on lúc 08:54 25 tháng 6, 2010 nói...

@NgocLan:
Anh chỉ đến thỉnh giảng 1 môn, nên không rõ cơ chế thù lao như thế nào. Có lẽ phải để bạn Gauxx trả lời em câu hỏi này thì mới cụ tỉ (cụ thể, tỉ mỉ) được.

@A Thụy:
Em đề cử anh vào chức Bộ trưởng GD-ĐT luôn nhé.

VMC on lúc 08:56 25 tháng 6, 2010 nói...

@NTD:
Cũng tùy vào bài thi dài hay ngắn, viết xấu hay viết đẹp.

@Đỗ:
Phàn nàn thế cho vui không khí trong phòng chấm thôi bác ạ. Thể nào trong tập bài thi cũng có em chép đề vào bài làm, nên sớm muộn cũng đọc được đề.

VMC on lúc 08:57 25 tháng 6, 2010 nói...

@VânLam:
Em nói đúng đấy. Thầy giáo mà không đủ lương nuôi sống gia đình, nhấp nhổm đi kiếm thêm tiền thì không thể tập trung vào chất lượng giảng dạy được.

@Marcus:
Cảm ơn em đã cảm ơn anh. Hèhè!

VMC on lúc 08:59 25 tháng 6, 2010 nói...

@L2C:
Đúng, mấy giảng viên đại học nào sống bằng lương?

@Gốcgạo:
Số tiền tôi đã viết rõ trong entry. Sao lại nâng nó lên 10 lần thế?

VMC on lúc 09:00 25 tháng 6, 2010 nói...

@Gauxx:
Cảm ơn Gấu đã xác nhận, mặc dù không cần xác nhận, vì anh toàn viết đúng trở lên. Hì hì.
Tuy nhiên, nếu có bức xúc mà gặp mấy chị dễ thương như vậy thì đúng là hạ hỏa rất nhanh.

Thuy Dam Minh on lúc 09:01 25 tháng 6, 2010 nói...

VMC: Hì, anh nghĩ, cái mức thù lao đấy, đâu cần đến ông Bộ trưởng quyết. Tự các trường thôi. Cô giáo cũ của anh bảo, bây giờ, nguồn thu của Trường cũng khá. Không đến nỗi hẻo như ngày trước nữa. Để thu lao ra đề và chấm thi thế, người ta cười cho ấy chứ!

VMC on lúc 09:19 25 tháng 6, 2010 nói...

@A Thụy:
Bên FB, một bạn là giảng viên đại học dân lập comment cho biết ở trường bạn ấy chấm một bài là 4.000đ, còn ra đề thi là 50 nghìn.

Gốc Gạo on lúc 10:23 25 tháng 6, 2010 nói...

@VMC : Anh ơi, đọc GG chưa kĩ rồi, hi hi hi

Unknown on lúc 10:30 25 tháng 6, 2010 nói...

Âu cũng vì thầy xác định là thỉnh giảng cho vui, nên không lăn tăn mấy. Còn những thầy, cô sống với nghề giảng này thì ắt hẳn sẽ thấy rất thiệt thòi.

Ở SG thì em thấy mấy trường ĐH ở đây trả cao lắm, bạn em chỉ đi giảng không thôi mà sống khỏe ru.

Lana on lúc 10:44 25 tháng 6, 2010 nói...

Mình thấy chuyện VMC băn khoăn là hoàn toàn có lý. Trừ những người xác định dạy vì yêu thích, vì muốn truyền lại kiến thức, còn lại thì thù lao cho người giảng dạy trong các trường đại học mình quá thấp, với mức thù lao như thế khó mà đòi hỏi giáo viên hoàn toàn tâm huyết, kỹ càng, đầu tư thời gian công sức cho việc dạy và nghiên cứu.
Lật lại, mọi người có thể chỉ ra một loạt nguyên nhân hợp lý vì sao mức chi trả phải là như vậy (ví dụ như tăng tiền trả cho thày cô thì lại phải tăng học phí ..v..v.). Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể dựa vào giáo điều mà phủ nhận thực tế: Ý thức, đam mê thì cũng cần có sự khích lệ, trả công tương xứng để nuôi dưỡng. Vả lại, ai cũng cần tiền để lo cuộc sống và nuôi gia đình.

@Gấu: Chị nghĩ 'xe 4 bánh đậu ở sân trường' là 'người ta' mua bằng những nguồn thu nhập khác, không thể từ lương giáo viên/ hướng dẫn SV/ nghiên cứu khoa học/ ra đề chấm thi Gấu ạ.

@NgocLan: Mình không biết bạn đang nói 'sang bên này' là ở đâu. Nhưng mình tham gia dạy hợp đồng giờ thực hành ở khoa toán trường Monash Uni (Úc). Chấm thi cuối kỳ được trả 3-4 AU$/bài. Check lại được AU$1/bài(kiểm tra lại việc cộng các điểm lề, vào điểm, vào danh sách).
Cá nhân mình rất rất yêu nghề dạy học. Nhưng sự trả công đó khiến mình cảm thấy trách nhiệm hơn rất nhiều.

Mecghi on lúc 10:58 25 tháng 6, 2010 nói...

Nói chung, nghề nào cũng thế thôi, cứ cho tiền vào là tự dưng thấy bùi ngùi ngay... yêu cái việc chấm bài là chính thôi. Hồi xưa em cũng hay được nhờ chấm bài, nhưng chỉ là học sinh cấp 3 thôi. Vậy mà cũng cảm thấy vui thích. Em chấm say sưa chả quan tâm đến quà cảm ơn, hi hi.

NLVD nói...

- Em hỏi Nina, cũng thỉnh giảng ở Bách Khoa TP HCM thì bảo chấm bài là nghĩa vụ, chả được đồng nào, chắc tiền nó trả một cục theo giờ giảng rồi. Hết kỳ thì phòng đào tạo đưa bài mang về chấm để tiết kiệm thời gian, ngại nhất là dạy 3 lớp 400 bài mà 10 ngày phải trả điểm.

- Thiển ý của em có lẽ mọi người comment ở đây đều thu nhập cao cả, so sánh với mức chi trả theo thang bậc lương nhà nước thì 300k/ngày là vừa phải. Chứ có tâm huyết hay không cũng không biết thế nào, những người đi dạy cho vui thì không quan tâm lắm đến tiền, còn những người đi dạy thật thì tìm những chỗ khác kiếm nhiều tiền hơn, giống như những nghề khác trong xã hội.

- Mấy em được 10 chắc là fan của anh VMC đấy.

- Có một thầy có nghề chính là đi dạy bảo: từ "sinh viên" trong bất cứ một ngôn ngữ nào cũng có nghĩa( phụ) là một thằng chết đói. Buồn cười quá!

doanh on lúc 13:44 25 tháng 6, 2010 nói...

@Lana: vừng, đúng mừ, ý em chính là như thế đấy. Không chỉ bác C là thỉnh giảng, người giảng chuyên nghiệp giờ cũng phải quen với việc không thèm để ý đến thù lao chấm thi, thậm chí là cả thù lao giảng. Có nhiều mối bận tâm khác hơn. Nhưng thôi, nói ra làm gì cho dài.

VMC on lúc 14:09 25 tháng 6, 2010 nói...

@GG:
Đã đọc kỹ lại comment của bạn. Xin lỗi nhé.

@ĐHP:
Một số thầy cô dạy đại học công lập ở ngoài này thì đi dạy thêm ở các ĐHDL. Nghe nói cũng được.

VMC on lúc 14:12 25 tháng 6, 2010 nói...

@Lana:
Những chuyện Lana nêu ra cho thấy nền GD của chúng ta nếu muốn phấn đấu có trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì vẫn còn nhiều vấn đề nan giải lắm.

@Gấuxx:
Quả thực là trường dạo này bắt đầu nhiều xe rồi. Nhưng hôm qua anh đến thì vắng xe lắm. Gấu mà về thì thể nào chẳng sắm xe nhỉ?

VMC on lúc 14:14 25 tháng 6, 2010 nói...

@Mecghi:
Thỉnh thoảng chấm cho vui thì sẽ có cảm giác giống như em nói.

@NLVĐ:
Bài thi rọc phách rồi, nên không biết 2 điểm 10 đó là của em nào, có phải là fan hay không.

NLVD nói...

Oài, fan của thày thì chăm chú nghe thầy giảng, về nhà chịu khó học bài tìm tài liệu đúng hướng, đi thi được điểm cao mang về kết quả xứng đáng. Em có bẩu thầy thiên vị đâu ạ, bài thi nào mà chả rọc phách.
Ở còm trên em nói vui về sinh viên cũng không phải có ý tiêu cực rì mà ngược lại rất là tích cực. Sinh viên khó khăn nhiều bề, khi ra trường lại bị vênh giữa học và hành nên các thày hãy thông cảm với những em làng nhàng 5, 6 điểm, có khi các em ấy làm thực tế lại cực oách. Đề nghị các thày cho qua hết đừng đánh tượt em nào:D.
Nghĩ ngày xưa mình đi học cũng nủi nủi mà ôi thôi đi làm thì cực kỳ bí bét, hic hic.

Mẹ Cua và Bống on lúc 21:56 25 tháng 6, 2010 nói...

hic, trường em khi làm đề thi là phải làm theo cả đáp án. Khi chấm thi là phòng đào tạo phải giao cả đề cả đáp cho giáo viên chấm thi. Mà chấm bài thì được tính vào tiết giảng chứ không được lĩnh tiền thù lao như trường anh giảng đâu. Em tính ra 600 bài thi bọn em được tính 20 tiết, mà nếu kg vượt định mức thì coi như không có xu nào. Còn nếu vượt định mức thì được tính 24k/ tiết. Nghiã là 600 bài thi chỉ được 480k thôi í anh ạ.
Nhưng không chấm thì không được. Mà chấm xong chừng đó bài là tẩu hỏa nhập ma luôn.
Mà bọn em là khoa nào, bộ môn nào phải mang về khoa, bộ môn đó chấm chứ không chấm tập trung như trường anh, hihi

Mẹ Cua và Bống on lúc 22:02 25 tháng 6, 2010 nói...

Mà bọn em í, lương thì theo bậc giảng viên, nhưng lại tính theo định mức trung cấp, nên mỗi năm theo định mức em phải giảng 580 tiết. Ngoài số tiết đó mới được tính vượt giờ là 24k/ tiết đấy. hic.

Nặc danh nói...

Ui, những con số khá bất ngờ!

May có entry này em mới biết được đấy ạ! Mặc dù có rất nhiều bạn làm giáo viên, nhưng thi thoảng mọi ng chỉ chặc lưỡi kể 1 buổi được ?? nhiêu thôi, chứ không làm phép chia cho số bài!

Nói chung, em vẫn rất thích môn toán vì nó có nhiều con số thú vị! ví dụ: phép chia cho kết quả 15K/bài

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết