13/9/10

KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA (3)



Bài 3: Chính sách đồng tiền yếu

Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse – Pháp)

Trong ba thập kỷ qua, TQ đã giữ chính sách đồng tiền yếu, và chính sách này đã góp phần làm cho hàng hóa TQ tràn ngập thế giới, còn hàng nhập khẩu cho tiêu dùng ở TQ thì ít, và thặng dư thương mại (trade surplus) của TQ lên đến 200-300 tỷ USD/năm.

Thông thường, các nước giàu thì có đồng tiền mạnh, còn các nước nghèo hay đang phát triển thì có đồng tiền yếu. Từ mạnh ở đây có nhiều nghĩa:

1) Ổn định, không bị mất giá nhanh hay lạm phát cao, thuận lợi cho việc dùng làm công cụ tích trữ tài sản.

2) Được nhiều người nước ngoài chấp nhận, có thể dễ dàng thanh toán bằng tiền này khi ở nước khác hoặc trên các thị trường quốc tế.

3) Giá hối đoái cao so với các đồng tiền khác, tính theo chỉ giá sinh hoạt. Ví dụ như 100 EUR ở Việt Nam thì sẽ mua được nhiều dịch vụ và hàng hóa nhu yếu phẩm hơn là 100 EUR ở châu Âu, và có nghĩa là EUR mạnh hơn VND theo nghĩa thứ 3).

Nước nào nghèo thì đồng tiền của nước đó sẽ yếu theo nghĩa 1) vì kinh tế chưa ổn định, dễ bị lạm phát cao; theo nghĩa 2) vì niềm tin của mọi người vào đồng tiền của nước đó thấp và theo nghĩa 3) vì nghèo thường gắn liền với lạc hậu về công nghệ và chỉ có nhiều lao động thô, nên các loại hàng hóa dịch vụ chỉ cần lao động thô thì rẻ còn các đồ công nghệ cao phải nhập khẩu thì đắt.

Hơn nữa, đồng tiền phải yếu (theo nghĩa thứ 3), thì mới có thể cạnh tranh về giá và xuất khẩu được (thường là những đồ công nghệ thấp) ra thị trường thế giới. Ngoài ra, đồng tiền yếu làm hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng (vì đồ ngoại đắt khiến ít người mua), góp phần làm giảm thâm hụt hoặc tăng thặng dư cán cân thương mại.

Trong ba thập kỷ qua, TQ đã giữ chính sách đồng tiền yếu, và chính sách này đã góp phần làm cho hàng hóa TQ tràn ngập thế giới, còn hàng nhập khẩu cho tiêu dùng ở TQ thì ít, và thặng dư thương mại (trade surplus) của TQ lên đến 200-300 tỷ USD/năm.

Vào thời điểm tháng 8/2010, tỷ giá USD/RMB (đồng nhân dân tệ, phiên âm tiếng Anh là Renmimbi) là 1USD = 6,77RMB, nhưng theo các phân tích kinh tế, tỷ giá này phải xuống thành 1USD = 3RMB hoặc thấp hơn nữa (tức là đồng RMB phải lên giá hơn nữa so với USD) thì Mỹ và các nước khác mới có thể cân bằng lại cán cân thương mại với TQ.

Đồng RMB của TQ khi mới xuất hiện vào năm 1948 được cố định tỷ giá là 2,46RMB = 1USD (1), và tỷ giá đó được giữ trong nhiều năm. Trong những năm 1970, thậm chí RMB còn lên giá so với USD thành quãng 1,5 RMB = 1 USD vào năm 1980. Nhưng cùng với sự mở cửa kinh tế, TQ đã phá giá dần RMB so với USD trong suốt nhiều năm để tăng khả năng cạnh tranh, và đến 1994 thì tỷ giá USD/RMB là 1USD = 8,62RMB. Sau đó TQ cố định lại tỷ giá 1USD = 8,27RMB trong giai đoạn 1997-2005.

Từ 2005, sau khi bị Mỹ thúc ép liên tục, TQ mới thả lỏng bớt đồng RMB, để cho nó lên giá một chút so với USD. Vào tháng 6/2010 Ngân hàng Trung ương TQ tuyên bố sẽ thả lỏng hơn đồng RMB. Nước nào có cán cân thương mại bị thâm hụt nhiều, nợ nước ngoài cao, thì các lực kinh tế đẩy đồng tiền phải yếu đi (theo nghĩa thứ 3) cho cân bằng lại. Ví dụ, sau một thời gian dài thâm thụt cán cân thương mại nặng với Nhật Bản, Mỹ đã ép Nhật Bản phải nâng tỷ giả đồng Yên lên 100% so với USD trong giai đoạn 1985-1988 (từ quãng 250 Yên = 1 USD lên thành 125 Yên = 1 USD (2).

Tình hình của TQ hiện tại cũng tương tự như Nhật Bản năm 1985, bởi vậy nhiều khả năng TQ sẽ bị áp lực làm tăng giá đồng RMB, dù rằng chính phủ TQ không thích chuyện này và tìm mọi cớ để “kháng cự”. Triển vọng tỷ giá hối đoái 1USD = 3RMB chắc còn xa, nhưng nhiều khả năng là RMB sẽ lên giá so với USD trong những năm tới.

Về lý thuyết, RMB vẫn đang là đồng tiền yếu theo nghĩa thứ 2, vì nó chưa được dùng phổ biến làm tiền dự trữ của các nước khác (trừ một số nước lân cận như Mông Cổ, Bắc Triều Tiên). Thế nhưng, RMB hiện đã là đồng tiền mạnh theo nghĩa thứ nhất (có khi còn ổn định hơn USD), và theo dự đoán thì trong tương lai không xa cũng sẽ mạnh theo nghĩa thứ 2.

Bản thân TQ hiện cũng không hài lòng về việc đồng USD được sử dụng làm tiền dự trữ trên thế giới lấn át các đồng tiền khác, và muốn thay thế USD bằng một rổ các đồng tiền mạnh (trong đó ắt hẳn sẽ có phần của RMB) để làm thành một “đồng tiền quốc tế”. (Ý muốn này của TQ là hoàn toàn đúng đắn về lý thuyết kinh tế, vì nó làm tăng ổn định cho dự trữ ngoại tệ).

Nếu so sánh giữa RMB và VND, ta có thể thấy rằng VND yếu hơn RMB theo nghĩa thứ nhất và thứ hai, nhưng có khi lại mạnh hơn RMB theo nghĩa thứ 3?! Lạm phát của VN ở mức khá cao (10-20%) trong những năm vừa qua trong khi tỷ giá hối đoái USD/VND (hay giữa các đồng tiền mạnh khác và VND) có tăng nhưng chậm hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là VND tăng giá so với các đồng tiền khác sau khi đã trừ đi lạm phát, hay nói cách khác, VND mạnh lên theo nghĩa thứ 3. Điều này không có vẻ có lợi cho cán cân thương mại của VN, và một phần giải thích vì sao VN cạnh tranh kém TQ?
------
(1) Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Renminbi
(2) Xem lịch sử tỷ giá Yên/USD tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Japanese_yen


Nguồn:
KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA (3) - TẠP CHÍ TIA SÁNG

Entries liên quan:
KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA (1)
KẺ KHỔNG LỒ BÊN CẠNH TA (2)
GIAN LẬN HỌC THUẬT Ở TRUNG QUỐC
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
BẠC HY LAI - ÔNG LÀ AI?
TRUNG QUỐC BỊ CHIA NHỎ VÀO 2050?


3 comments:

Thuy Dam Minh on lúc 21:48 13 tháng 9, 2010 nói...

Anh có nghe nói dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 810 tỉ USD, vượt qua cả Nhật, không biết có đúng không?

Titi on lúc 22:52 13 tháng 9, 2010 nói...

Em không bit nhiều về các mánh khóe tiền tệ nhưng mờ nên nhớ, TQ là một trong những nơi sử dụng tiền (hoặc các hình thức qui ước trao đổi y như tiền ngày nay) đầu tiên trên thế giới :-)

LU on lúc 05:19 14 tháng 9, 2010 nói...

Bài viết này thì em đọc thôi ko dám tám cái chi chi cả. Lí do, em chỉ rành về chứng khoán thôi còn về lĩnh vực tiền tệ thì ko có học business nên ko rành cho lắm.
Nhưng em 8 được cái này vừa xảy ra trong thực tế nè, sang Châu Âu thì đừng nên cầm tiền dollar theo, tốt nhất là mang theo 2 thẻ tín dụng loại security. Dân Châu Âu ko xài tiền dollar, đưa thẻ thì họ đồng í charge ngay. 20 dollars mua cafe ở sân bay Irish họ quy ra là 15.50 EUR.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết