31/5/07

RẠO RỰC MỘT NGÀY



Chị gần 40, mọi thứ đều có: một công việc ổn định tại một cơ quan danh tiếng, thu nhập không cao chót vót nhưng đều đặn, cô con gái xinh xắn học cấp 1, người chồng đẹp trai và yêu thương vợ con. Phụ nữ thế là đẹp. Mong gì hơn thế!

Sáng đầu tuần họp giao ban, sếp thông báo cơ quan đang chuẩn bị thành lập bộ phận mới và kêu gọi những người có khả năng, đầu óc tổ chức và tinh thần năng động sáng tạo chuyển sang làm việc tại đó trước khi "tổ chức buộc phải phân công".

Cái bộ phận này trước cơ quan chị đã có, nhưng giao vào tay một người bà con của sếp cũ, lớ ngớ lóng ngóng, chẳng biết làm gì, nên nó hoạt động như bà già sắp thở hắt ra. Chẳng ai muốn dính với bà già sắp chết ấy.

Nhưng sếp cũ đã nghỉ, sếp mới lên thay muốn dựng lại bộ phận này. Âu cũng là một quyết định hợp lý. Đã có đôi lần chị nghĩ, giá mà chị nắm cái phòng ấy thì nó đã rất khác.

Bây giờ thì cái cơ hội ấy đang đến. "Cái giá mà" ấy có thể rơi vào tay chị đây.

Đột nhiên, chị cảm thấy hưng phấn kỳ lạ. Ồ, sẽ ra sao nếu mình bắt tay vào làm công việc ấy nhỉ? Nó rất sáng tạo đây, nó sẽ đẩy mình ra khỏi cái lối suy nghĩ trì trệ kéo dài 10 năm kể từ hồi mang thai và sinh con tới giờ.

Chị phác thảo viễn cảnh mà chị sẽ làm việc ở cái phòng mới ấy. Chị sẽ tổ chức công việc thật khoa học, đào tạo đội ngũ nhân viên cẩn thận, quan hệ với các đối tác thật trơn tru. Chị hình dung mọi chuyện sẽ chạy rất ngon lành dưới bàn tay của chị.

Đã bao lâu rồi nhỉ chị mới lại có cái cảm giác được đối mặt với thử thách và tính toán mọi việc để vượt qua thử thách như thế này? Có lẽ đã 20 năm, kể từ cái ngày chị sang nước ngoài du học.

Chị đem chuyện nói với một anh bạn đồng nghiệp thân trong cơ quan. Người bạn nói: "Công việc sẽ rất thú vị, nhưng cũng sẽ vất vả đấy. Em nên bàn với chồng xem thế nào, vì nếu em nhận việc này thì việc chăm lo gia đình của em sẽ bị ảnh hưởng".

Chị thừa nhận người bạn nói đúng. Tối đấy về nhà, cơm nước xong xuôi, lúc ngồi xem tivi, chị kể lại với chồng. Tất nhiên là chồng chị không đồng ý: "Em đã 40 tuổi rồi. Nên ổn định công việc thì tốt hơn. Nhỡ công việc mới không thành thì sao? Lúc đó em sẽ là người thất bại. Trong khi ở chỗ cũ em vẫn làm tốt và có uy tín!"

Anh nói cũng đúng. Nhưng phải thừa nhận đằng sau đó có một chút ít cá nhân. Anh sợ chị sẽ sao nhãng việc gia đình.

Sáng hôm sau trước khi đến cơ quan, chị tranh thủ rẽ qua chỗ bà thầy bói quen. Vẫn biết bà ấy nhảm nhí thôi, nhưng chị cứ qua. Bà thầy lật giở những quân bài tú-lơ-khơ và đưa chị lên mây xanh với những thông tin tốt đẹp. Chỉ mất có năm chục nghìn mà nghe được những điều ấy từ sáng sớm thì cũng không thấy tiếc. Nhưng bà thầy cũng phán: "Cô không nên sốt ruột, mọi việc đều sẽ được giải quyết tốt đẹp".

Không nên sốt ruột, tức là đừng có động đậy, hãy ngồi nguyên chỗ cũ! Chị tự giải lời phán như thế.

Chị phóng đến cơ quan. Bật máy tính lên. Nhưng không làm được gì cả.

Chị đứng dậy xuống nhà, đi sang công viên bên kia đường, ngồi xuống chiếc ghế đá dưới gốc cây và ôm mặt khóc nức nở.

Khóc như vừa bị tước đoạt một giấc mơ đẹp đẽ!

Khóc vì sự bất lực trước những chân lý quá đúng đắn của cuộc sống!

Khóc vì từ nay cuộc đời có thể sẽ không còn ngã rẽ nào nữa. Chị sẽ mãi mãi phải bay như thế trong cái quỹ đạo tưởng như vô cùng rộng mở, nhưng lại được lập trình sẵn từ nơi nảo nơi nào.

Khóc xong, chị cảm thấy nhẹ nhõm. Một ngày rạo rực đã trôi qua!

Free web counters

30/5/07

NHỤC NHÃ VÌ ĐI CHÙA THẦY


Hồi ức buồn của một cựu sinh viên.

Hôm nay đọc một bài về Sv đi chùa thầy, thấy tự dưng ấm ức, mặc dù cũng không còn là sv nữa.

Cách đây 2 năm, khi tớ còn là SV năm 3, phơi phới yêu đời, nhìn đâu cũng thấy hồng rực cả lên. Chẳng bao giờ tớ tin, có chuyện “đi thầy”, lại càng không thể tin có chuyện thầy cô “gợi ý” cho sv. Mọi thứ đều lung linh, và tớ vẫn cực kỳ ghét cái bọn không chịu học, đến kỳ thi là nhốn nháo cả lên.

Nói dài dòng thế thôi, muốn kể một câu chuyên rất thật, coi như một lời thú tội, một lời sám hối, mặc dù tớ biết “không phải sự sám hối nào cũng được tha thứ” (Trích “Lê Vân, yêu và sống )

Hồi ấy, lớp tớ học một môn chính trị rất khó học thuộc, và lại rất dài. Nhưng tớ chả ngán, đã qua được bao nhiêu môn có tệ đâu, tận cùng là thi lại, cũng chả sao! (Trường NEU của tớ năm ấy có quy chế nếu thi lại từ 3 môn trở lên, thì ko đc bảo vệ luận văn nữa. Nhưng đối với tớ, chả vấn đề gì cả, vẫn an toàn chán) Nhưng mọi thứ ko như tớ nghĩ!

Thầy dạy tớ là ông G (chưa bao giờ, tớ và những ng bạn xung quanh gọi ông là thầy cả!) Buổi đầu tiên vào lớp, sau màn chào hỏi là một hành động hơi kỳ cục: Viết địa chỉ, cụ thể đên từng ngõ ngách, và số điện thoại nhà. Mấy đứa trong lớp nháy mắt với nhau, tớ ngơ ngác: “có gì lạ đâu, thỉnh thoảng đến nhà thầy chơi thôi mà, gần KTX”

Cái cách ông ấy dạy thì… Biết nói thế nào nhỉ ? Đấy là đọc - chép theo đúng nghĩa của nó. Cái này tớ cũng chả ngán, vì tớ viết rất nhanh. Chưa bao giờ gặp vấn đề về chép bài cả! Nhưng vấn đề ở chỗ, ông í chỉ biết đọc và đọc, cứ 3 tiết của ông ấy xong xuôi, có khi tớ ghi kín 4 tờ giấy, trông như bài luận vậy (vậy là 8 trang, mà chữ tớ là siêu nhỏ, so với bọn bạn trong lớp rồi đấy). Giáo án của ông, có lần ra chơi, tò mò, tớ lên bục giảng xem, thì là một quyển sổ tay dày cộm, cũ mèm. (Lúc ấy nghĩ khôn nghĩ dại, hay là tớ ăn trộm về phô tô, rùi trả lại cho ông í, khỏi phải ghi chép, nhưng vốn non gan, tớ chả dám! )

Không hỏi, không thắc mắc…. Đấy là phương châm của ông. Trước khi thi, ông ấy cũng cho câu hỏi ôn tập, mà giới hạn của nó, chắc chỉ trừ 2 cái…bìa vở… Tớ xác định, môn này coi như thi lại, cho biết “mùi” vậy!

Đến buổi phụ đạo, màn kịch mới bắt đầu!

Đầu tiên, ông í lại ghi lại địa chỉ, và số đt, cụ thể, rõ ràng. Cứ như ý bảo “Đấy, đã cụ thể thế rồi, có gì, ko chịu trách nhiệm đâu đấy”. Lúc này, đến đứa đầu bã đậu như tớ cũng hiểu ra vấn đề! Thầy còn bảo “Nếu trong quá trình ôn thi, có gì ko hiểu, các em có thể đến nhà thầy ”. Cuối buổi phụ đạo, thầy còn repeat một lần nữa! Gớm, cả năm, sao ko nhiệt tình thế . Tớ ấm ức mấy lần tớ hỏi bài trên lớp, bị ông í mắng cho, và ko hề trả lời! Trong đầu vẫn còn suy nghĩ, thôi, thi lại vậy!

Nhưng, nghĩ kỹ thì… Với cái kiểu như thế, thi lại có tránh đc ông í ko? Năm 3 rồi, trục trặc, mà học lại nữa, lại ko qua nữa thì chuyện giữ bằng ko phải là quá xa vời!

Thế là tớ quyết định “đi thầy”. Cụ thể, tớ cùng 2 đứa nữa mỗi đứa 200k, cho vô phong bì, bỏ vào túi trái cây, rồi rủ một bà chị nữa (bà chị này nổi tiếg mềm mỏng, khéo léo).

Tớ vác cái mặt dày đến nhà ông í, thú thật, kèm theo thái độ coi thường lộ rõ trên mặt! May mắn, ông í ko có nhà! (Tớ biết, nếu ông í có nhà thì tớ rất nguy, tớ chỉ tài giấu tình cảm yêu thương, ko dấu đc cảm xúc bực bội.) Tớ im thin thít, quan sát ngôi nhà ông í. Khá giàu, hơn đứt nhà tớ ở quê ! Và chắc chắn, hơn nhiều nhà SV nữa! Bà chị nói dăm câu ba lời, với cô con dâu, rồi cả hai về.

Hôm sau đến lớp, thống kê được có khoảng 4-5 “anh hùng”, ko đến nhà ông í.

Kết quả, thật ngẫu nhiên làm sao, mấy người ấy đều…trượt! Tớ được 8, như bao nhiêu SV khác.

Kể chuyện này, cũng ko ám chỉ gì ai cả, vì tớ viết cả tên thật cái ng mà tớ kể rồi.

Các thầy cô Đh của tớ nhìn chung là những con người rất tuyệt, và tớ biết ơn họ, vì tất cả. Thầy Tuấn, cô Vân, thầy Trung, thầy Hưng, thầy Khâm, thầy Quang…. Ôi, nhiều người mà tớ yêu quý lắm!

(Lấy từ blog của Nhoc)
Ghi chú: Tôi đã viết tắt tên nhân vật mà tác giả nêu.

SINH VIÊN ĐI... CHÙA THẦY



Câu chuyện dưới đây là của Khuê, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội:

Ca thứ nhất

- Cô ơi em muốn đến nhà cô thưa một câu chuyện!

- Qua điện thoại khó nói! Em có thể đến được không? Chuyện quan trọng!

Nhà cô:

- Cô ơi! Em muốn nhờ cô giúp! Môn của cô, em đã học lại năm nay, nếu không qua thì em không lấy đựoc bằng đại học... Nhà em hoàn cảnh, bố mất khi còn nhỏ, mẹ một mình nuôi hai chị em ăn học, khó khăn, hiện nay mẹ em đang bị ung thư. Cô giúp em!(oà khóc nức nở)

Trời, dù có nhờ thì cũng đừng lôi bố mẹ vào đây chứ! Hồi xưa bên Nga chả có chuyện lưu học sinh VN khi không thi được đều viện cớ với các thầy cô là bố/mẹ/ông/bà...chết/tai nạn... Đến mức lần sau gặp lại thầy giáo phải hỏi thế nhà em còn ai chưa chết nữa không thì lôi ra hết đi?

Ca thứ hai

Điện thoại cố định:

- Cô ơi, em là xxx, em có chuyện muốn nhờ cô giúp. Bài thi vừa rồi của em chỉ thiếu 0,5 là được 5. Nếu là 4,5 thì em sẽ không được làm luận văn... Cô giúp em, không em chết mất cô ơi, huhu. (mình chả mong càng ít học sinh làm luận văn càng tốt ý chứ!)

- Em làm đơn xem lại bài rồi, cô xem hộ em với, cô ơiiiii cứu em vớiiiii (tiếng kêu tuyệt vọng của 1 cô gái xinh đẹp)

Lát sau điện thoại di động:

- Cô ơi, em xxx đây, cô làm ơn, giúp em, nếu không em chết. Chú em đã gọi điện cho cô chưa ạ?

- ????

- Chú em là thầy yyy bên khoa zzz!

- Cô ơi giúp em với, cô ơi! Huhuhuhu.

- Cô ơi....

Lát sau: tin nhắn bay chíu chít: cô ơi, cô à...huhuhu

- Alô, em là K à? Anh là yyy bên khoa zzz đây....

Ca thứ ba

Điện thoại:

- Cô ơi, em là abc. Cô có thể giúp được ko? Em ko ngờ điểm luận văn của em ko cao lắm. Nếu điểm môn của cô mà lên một chút thì em sẽ được bằng giỏi. Cô có thể giúp em đựoc ko ạ?

- Cô có thể giúp em không, nhà em mọi nguời hy vọng quá nhưng ko ngờ lại thế.

- Em muốn làm giáo viên nên cần bằng giỏi cô ạ, cô có thể...

Hồi xưa đi học điểm toàn 5,6, cao thì được 7,8 là vênh lắm, tổng kết học kỳ 6,5-7,0 là đã thấy may lắm rồi. Thế mà bây giờ 8,5 luận văn còn bị các em chê là thấp!

Ôi! Chán! Tiên sư bố cái bệnh thành tích, tiên sư áp lực của các ông bố bà mẹ (xin lỗi) khi muốn con thành rồng thành phượng trong khi tố chất của con chỉ là giun đất gà nhà thôi. Tiên sư ngành giáo dục đã đào tạo ra những thế hệ học sinh/sinh viên kém nhân cách!

Tiên sư cái môn mình dạy, học kỳ vừa rồi thi lại đến nửa dù đề ra toàn kiến thức căn bản chưa cao siêu gì (chỉ có một câu chiếm 1/10 điểm là có chút động não), mà học sinh rụng nửa khối.

Tiên sư cả mình nữa!

Vĩ thanh: Em 4,5 thì may mắn vì sau đó chấm lại toàn bộ vì khoa sốc trước tỷ lệ trượt. Và mỗi em được lên 1 điểm. Nên em 4,5 thoát.

Hai em còn lại thì ko may mắn. Em thi lại điểm quá kém! Có cứu cũng chả cứu nổi, mà có biết số phách và chữ đâu mà cứu :)).

Em luận văn thì học rất khá nhưng chịu, cô bó tay.com!


Blog counters

29/5/07

ĐỂ TANG CON MÈO!



"Thưa ông/bà,

Tôi xin gửi kèm trong email này đơn xin việc và CV của tôi. Tôi nghĩ tôi là ứng cử viên hoàn hảo cho vị trí mà công ty của ông/bà đang tuyển dụng. Nếu được chọn, tôi sẽ nỗ lực hết sức để đem lại lợi ích cho công ty.

Tuy nhiên, xin lưu ý ông/bà là tôi sẽ chỉ có thể đi làm được từ tháng 8.2007. Lý do là con mèo yêu quý của tôi vừa qua đời và tôi phải để tang trong vòng ba tháng.

Xin trân trọng cảm ơn"

Đây là nội dung một email của người tìm việc gửi đến cho anh bạn tôi làm nghề môi giới lao động. Những hồ sơ xin việc mà anh nhận được có những chi tiết cười ra nước mắt.

- Một cô gái đã attach nhầm bức thư gửi cho mẹ cô thay vì CV;

- Một ứng viên khác viết rất chân thành: "Em không có nhiều thời gian để làm việc, vì thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật là ba ngày em bận... nhậu!";

- Một ứng viên thổ lộ trong mục năng lực, sở trường rằng anh ta chỉ làm việc hữu hiệu khi trên người không mặc gì;

- Một ứng viên khai trong mục "tiền án, tiền sự": " Em đã có lần bị tạm giam, vì ăn trộm một con lợn. Nhưng con lợn ấy rất nhỏ ạ". Hỏi kỹ ra thì đó là con lợn tiết kiệm đầy nhóc tiền bên trong;

- Một anh chàng ngứa tay vẽ thêm chiếc xe hơi trong CV và nêu rõ lý do: "Tuyển em, sau thời gian ngắn anh (chị) sẽ đủ tiền mua con xe mới";

Còn những điều gì thú vị như vậy trong đơn xin việc nữa không?

Free web counters

28/5/07

TRÁNH ĐÂU CHO THOÁT... KHÂM THIÊN???



Tác giả: Joe.

Nhà mình rất gần Kim Liên (Hà Nội), vậy nên khi nghe tin sẽ có một đường mới nối Kim Liên với Ô Chợ Dừa, trái tim đã phấn khởi lên nhiều.
Dù cái tên "Đường vành đai I" không hấp dẫn mấy, nhưng mình vẫn nuôi một hy vọng rất lớn về nó, mơ đến một ngày đẹp trời mà mình không cần đấu tranh với đường Khâm Thiên nữa, một tương lai vô cùng yên bình và đổi mới.

Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên của mình khi con đường đó được thực hiện xong có lẽ không tốt lắm. Hôm trước mình đọc một bài báo mang tên Con đường đắt nhất hành tinh biến thành "lẩu thập cẩm" - bài báo gọi con đường này là một "tuyến phố lộn xộn" - và mình hoàn toàn đồng ý với sự so sánh đó.

Nếu không thay đổi tư duy về việc phát triển đường, gắn với chỉnh trang, xây dựng tuyến phố [tác giả của bài nói] không biết đến bao giờ Hà Nội mới có được những tuyến phố văn minh, hiện đại xứng đáng với tầm vóc Thủ đô.

"Nhất trí thôi!", mình nói cho con mèo nghe, "con đường này không xứng đáng với Hà Nội đâu. Hà Nội nên có những con đường "quyến rũ thuần túy" (phố cổ), hoặc "hiện đại thuần túy" (phố Lý Thường Kiệt), chứ không phải là nửa thẳng băng nửa ngoằn ngoèo như ông Vành Đai vĩ đại đâu.

Nhưng những ngày gần đây mình đã thay đổi quan điểm một chút.

Nhìn một cách khác, đường vành đai I là sụ phản chiếu rất đẹp của cuộc đời con người. Đoạn đầu (Kim Liên) rất yêu đời, mở rộng, đầy tiềm năng và nguyện vọng. Đoạn ở giữa đi qua rất là nhanh: khi mình thực sự hiểu về giá trị của nó thì đã gần hết đường rồi. Đoạn cuối (Ô Chợ Dừa) lại lẩm cẩm rồi: mọi thứ đều rất lung tung, lôm côm, lôgíc đã bay mất, lại bị ảnh hưởng mạnh bởi những "di tích" của một thời vàng son đã qua.

Như vậy thì đường vành đai I chẳng có gì để chê cả. Trái lại, đường ấy có thể dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng. Đừng mơ quá nhiều về một tương lai sáng bóng và thỏa mãn về nó. Nếu bạn đang đi trên "đoạn ngon" (tức đoạn ở giữa đường Kim Liên và Ô Chợ Dừa mà có mặt cắt 50m với 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ...) thì cứ nhẩn nha mà đi. Đoạn "ngon" ấy chính là vui nhất, thoáng nhất, tự do nhất, mát nhất - tội gì mà không thưởng thức!

Nhưng đường "ngon" thì tay lái lụa thường phóng nhanh. Thật là "ngày vui ngắn chẳng tầy gang"!

(Trong ảnh là đầu đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa hồi chưa khởi công xây dựng).

Bài đăng trên Lao Động cuối tuần số tuần vừa rồi.

Free website counter

27/5/07

MỘT NĂM BLOGGING



Đúng ngày này năm ngoái, vào một chiều mưa tầm tã ở SG, không có việc gì làm và cũng không biết nên làm gì, sực nhớ ra cậu cháu trai LG yêu quý khoe mới làm một cái personal web để trưng ảnh ngừi iu, nên mở ra xem. Thấy hay hay, nên cũng thử làm một cái xem mình có còn "đú" được với thanh niên 20 tuổi nữa không.

Cho nội dung gì vào entry đầu tiên bây giờ? Chẳng có ý tưởng, tâm sự gì đặc biệt. Với lại, lúc đó cũng chẳng ý thức được rằng làm blog tức là mở một cánh cửa giao tiếp nữa, có thêm bạn bè, mà chỉ nghĩ rằng đây có thể là một chỗ lưu trữ những bài viết đã đăng trên báo từ trước đến nay.

Đúng lúc đó thì chợt nhớ đến nhà thơ Ngô Mai Phong, tác giả thống trị mảng thơ báo Tết năm ngoái với bài "Thư pháp cá". E hè, tôi cũng thích bài thơ này. Thế là lục tục quay sang website báo nhà, tìm bài thơ đó, copy lại rồi paste nó vào entry đầu tiên. Thế là blog của VMC được khai sinh. Còn Ngô Mai Phòng trở thành cái tên được dân blog bàn tán và tìm kiếm.

Riêng cái buổi chiều 27.5.2006, sáu bài đã được post lên blog. Tất cả đều là những bài đã đăng tải trong mục "Văn hoá nước ngoài" trên LĐ cuối tuần trong những năm gần đây. Bài thì viết về điện ảnh, bài thì viết về kiến trúc, bài thì viết về nhạc cổ điển. Hơi thập cẩm một tí! Lúc đó trong friend list cũng chẳng có ai, nên những bài này đến nay cũng rất ít người đọc.

Tôi chỉ bắt đầu blogging thực thụ khi "mãn hạn" công tác ở SG và quay trở lại Hà Nội cuối tháng 7.2006. Ngày 25.7 nhân nhận được tập thơ của một người bạn già là bác Hoàng Liễn, lên blog viết đôi ba dòng giới thiệu bác í. Không ngờ lại nhận được những comment đầu tiên.


Blogger "anh_yêu", đồng nghiệp bên VTV viết thế này: "Uâ`y, lâ`n đâ`u tiên thâ'y bác Blog đâ'y. Em thích cách nhâ.n xét cu?a bác vê` bác Liê~n: "Trong thơ của bác có sự hào sảng trai tráng, sự trải nghiệm đau đớn và tình yêu cuộc sống vô bờ bến. Một người đàn ông ngoài 50 mà vẫn trong sáng. Kể cũng lạ." Hè hè. Cảm ơn "anh-yêu" nhé. Đây là cú hích đầu tiên đẩy mình vào con đường blogging chuyên nghiệp.

Một năm đã qua, friend list của mình đã chật cứng cơ số 300 và không thể bổ sung thêm ai được nữa. Nhờ có blog mà mình đã quen được rất nhiều người bạn thú vị mà có lẽ sẽ phải tốn rất nhiều công sức và thời gian (cả hai thứ mà mình đều thiếu hiện nay) mới có thể có được.

Người đầu tiên không thể không kể đến là bác ViedBi. Bác thực sự là "của hiếm" trong thời buổi hôm nay. Bộc trực, thẳng thắn, nóng tính, nhưng đó thực sự là người anh, người bạn mà vào những lúc khó khăn ta có thể cậy nhờ.

Người thứ hai là Trần Tuyên. Nếu không có blog làm sao chúng ta biết được một con người quả cảm và chan chứa tình yêu thương như thế. Cám ơn 360 độ đã giúp tôi và nhiều người khác được làm bạn với em dẫu chỉ trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi, nhưng đã kịp học được rất nhiều điều về tình yêu cuộc sống. You were a real hero for all of us!

Nhờ blog mà mình "tuyển mộ" thêm được nhiều cộng tác viên: Cô giáo Hồ Như Khuê, chàng sinh viên Lê Thắng, hai nghiên cứu sinh ở Đức Đặng Trần ViệtDuy Anh, chàng bartender từ Congo xa xôi Lê Quốc Minh, cô em gái từng thực tập ở LĐ nay đang học thạc sĩ tại Pháp tên Linh, cậu sinh viên ĐH Kiến trúc Nguyễn Hữu Tuấn v.v... Và đặc biệt là Joe, anh chàng Canada viết blog bằng tiếng Việt. Cậu ấy đã đứng vững và toả sáng như một collumnist thành danh trên Lao Động cuối tuần.

Blog đã giúp mình giàu có thêm về bạn bè. Không thể kể được hết tên của mọi người, đơn giản vì các bạn đều nằm trong friend list của blog này. Chỉ muốn nói rằng các bạn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của tôi. Xin cám ơn mọi người.


Nhưng thế giới blog cũng nghiệt ngã như cuộc sống thật. Blogger dù ảo, thì vẫn là một con người thực nào đó, tồn tại ở đâu đó với đầy đủ những phức tạp của thế giới con người. Một đôi lần tôi buộc phải đóng cửa blog vì không muốn nó bị vấy bẩn bới những lời thoá mạ. Rất may, thế giới ảo cũng như thế giới thật vẫn còn rất nhiều người tốt. Và nhờ họ, vì họ, mà tôi đã quay trở lại.


Một năm đã trôi qua thật nhanh, hành trình khám phá thế giới blog thật thú vị và cũng thật gian nan. Mong rằng cộng đồng blogger của chúng ta tiếp tục bên nhau và chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống.

Tin mới nhận: Chiều nay tại SG cũng xảy ra một trận mưa lớn chưa từng thấy. Hic, chẳng nhẽ cứ chiều 27.5 là ở SG trời lại mưa to hay sao?

Blog counter

26/5/07

ĐẠI MINH TINH CŨNG LÀ CÁI... ĐINH!



Hôm qua tôi đến nói chuyện với sinh viên năm thứ Ba Khoa báo chí ĐHKHXHNV Hà Nội về cách thức "tổ chức họp báo". Cuối giờ giảng một em nữ có ý kiến:

- Thưa thầy, em đã đi dự một cuộc họp báo thật sự của Cty điện thoại di động HT. Ngay sau khi chủ tọa phát biểu có một nhà báo giơ tay. Ông ấy phát biểu tràng giang đại hải, chẳng ăn nhập gì, đại khái khen ngợi logo của cty đẹp, cty xuất hiện đúng lúc, giá cả phải chăng... Rồi sau đó ông ta quay sang chuyện cổ phiếu của cty và cuối cùng kết luận là tôi muốn mua cổ phiếu của cty thì phải làm gì? Cả chủ tọa lẫn người điều khiển đều không dám cắt ngang. Trong khi cuộc họp chỉ kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ mà ông ấy đã chiếm nửa thời gian của các nhà báo khác... Theo thầy trong trường hợp đó phải làm gì?


Ái chà, căn bệnh kinh niên của một số nhà báo xứ ta đây! Trước kia, ít ai được học báo chí, làm báo đa phần đều tay ngang, nên kỹ năng nghề nghiệp thiếu. Câu chuyện mà em nữ sinh viên kể có thể thấy như cơm bữa.

Còn nhớ hồi đầu thập niên 1990, đại minh tinh màn bạc Pháp Catherine Deneuve sang Hà Nội tổ chức họp báo nhân ra mắt bộ phim "Đông Dương" (L'Indochine) do bà thủ vai chính. Họp báo diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trang trọng lắm, thu hút đông đảo báo giới Hà Nội tới dự. Chẳng gì thì đây cũng là lần đầu tiên được tiếp xúc với một ngôi sao bằng xương bằng thịt.

Họp báo được chừng mươi phút thì một kịch tác gia khá nổi tiếng (làm việc cho một tờ báo nghệ thuật) đứng lên. Rồi vị ấy bắt đầu bài diễn thuyết về bộ phim từ góc độ của... nhà phê bình. Deneuve sửng sốt nhìn vị diễn giả khả kính. Chừng 5 phút, bà chủ động nói vào micro: "La question, s'il vous plait!" (Mời ông ra câu hỏi).

Diễn giả chau mày. Ơ, sao bà này minh tinh của Pháp mà bất lịch sự thế? Người ta đang nói cơ mà! Ông phớt lờ, tiếp tục bài diễn thuyết của mình. Nào là phim quay đẹp, diễn xuất tốt. Đặc biệt vai diễn chủ đồn điền cao su của bà đánh công nhân khiến tôi căm thù (!!!). Tới đây thì minh tinh gần như mất hết kiên nhẫn. Bà nói vào micro, giọng vẫn nhẹ nhàng, nhưng đanh lại: "La question, s'il vous plait".

Diễn giả vẫn không thèm đếm xỉa tới câu nói của bà. Họp báo đang diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhé. Tôi sẽ vẫn tiếp tục nói. Lần này thì ông chuyển sang phê phán cái kết của phim. Không thể có chuyện đứa con trai bỏ người mẹ ruột Việt Nam (Linh Đan đóng) để đi theo người đàn bà Pháp chủ đồn điền và nhận bà ta làm mẹ được.

Catherine Deneuve không thèm chấp. Bà khoanh tay trước ngực. Tựa lưng vào thành ghế và ngước mắt ngắm nhìn những hoa văn trên trần phòng gương của Nhà hát. Bà tự tìm cách thoát khỏi vị diễn giả bất đắc dĩ kia.
- "Kết thúc như vậy là vô lý! Không hợp với đạo lý của người Việt!" - diễn giả kết thúc.
- Et la question, s'il vous plait! - nữ minh tinh nhắc lại.
- Tôi không có câu hỏi. Tôi chỉ có đôi điều muốn chia sẻ với bà như vậy. - Diễn giả nói và ngồi xuống.
Nữ minh tinh nhún vai lịch sự: "Je vous remercie" (Cám ơn ông).

Cả phòng họp báo lặng đi trong vài giây.

Được biết sau khi tan họp, nữ minh tinh thốt lên một câu: "C'est terrible!" (Thật kinh khủng).

Diễn giả nọ đã nhầm họp báo với hội thảo. Ông và không ít nhà báo coi họp báo là chỗ bày tỏ trình độ, kiến thức, chứ không phải là nơi thi thố trình độ nghiệp vụ để khai thác thông tin một cách hiệu quả nhất.

Từ "Đông Dương" đến HT Mobile mười mấy năm đã trôi qua, thế mà các cuộc họp báo vẫn như vậy. Giờ đây các sinh viên báo chí đã được học hành một cách có hệ thống. Nhưng sinh viên của tôi cho hay kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng đặt câu hỏi tại họp báo vẫn chưa được dạy một cách kỹ càng.

Bao giờ mới hết cảnh họp báo không phải là chỗ để hỏi nhỉ?

25/5/07

CHỈ ĐOÀN KẾT KHI... NHẬU


VÌ SAO NHÂN VIÊN VIỆT NAM THIẾU TINH THẦN HỢP TÁC?

Lâm Minh Chánh
Saga Communications (www.saga.vn)

Tôi viết bài này tham gia bàn tròn thảo luận tại sao nhân viên Việt Nam thiếu tinh thần hợp tác trên thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tháng 11-2005. Các bạn đọc và góp ý nhé.

Theo tôi, có bốn lý do sau đây:

Thứ nhất, người Việt Nam đã đưa môi trường làm việc, bạn đồng nghiệp vào trong cuộc sống riêng tư của mình quá nhiều. Hầu hết chúng ta xem đồng nghiệp là những người bạn thân thiết.

Ở các nước phương Tây, cả các nước tiên tiến trong khu vực, họ tách bạch rất rõ giữa đồng nghiệp và bạn bè, xem đó là hai thế giới khác nhau. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy một người bạn Úc tổ chức đám cưới, mời khoảng 200 người dự tiệc nhưng trong đó chỉ có 2 người làm cùng công ty.

Trong khi đó, chúng ta làm việc chung, chơi chung, nhậu chung. Gắn bó nhiều, “thương” nhiều, thì cũng “ghét” nhau, “ganh tức” nhau nhiều. Những tình cảm “hỷ, nộ, ái, ố” vì thế len lỏi vào trong môi trường làm việc - một môi trường đúng ra chỉ nên có sự tôn trọng nhau, quý mến nhau như những đồng nghiệp.

Thứ hai, người Việt Nam chúng ta còn thiếu một chút chuyên nghiệp trong làm việc. Ở một số nơi, người ta có thể thảo luận, phê bình nhau chan chát, để tìm ra ý hay cho công ty phát triển.

Khi họp hành, họ phê bình, săm soi ý tưởng, chứ không “tấn công” con người. Có những cuộc họp, họ sẵn sàng thảo luận hàng tiếng đồng hồ, tuy có đỏ mặt tía tai... nhưng sau khi đã đạt được ý tốt nhất là gần như họ không còn để ý đến những tranh luận vừa xảy ra.

Trong khi đó người Việt Nam chúng ta hay tự ái và hay đưa danh dự cá nhân vào những ý tưởng của mình. Ý tưởng mà bị thảo luận, phê bình thì cũng gần như cá nhân bị “tấn công”.

Điều đó thường dẫn đến hai thái cực. Một là thương nhau, “dĩ hòa vi quý”, cố gắng không có ý kiến trái ngược và điều đó hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của tổ chức. Hai là ngược lại, “dập” không thương tiếc ý kiến của những người “phe khác”. Ý kiến càng khác nhau, thì mâu thuẫn cá nhân và phe nhóm càng cao.

Thứ ba, một số nhân viên tạo ra những phe cánh mâu thuẫn với nhau và đôi khi đối đầu với cả cấp quản lý trực tiếp. Ngay cả ở một số công ty lớn của nước ngoài tại Việt Nam, dù đã có hệ thống làm việc chuyên nghiệp trong tuyển dụng và đánh giá nhân viên, nhưng cũng không tránh được việc cư xử cảm tính của một số “sếp” người nước ngoài hay người Việt Nam.

Chẳng hạn đôi khi cũng có những trường hợp thăng tiến gây ngạc nhiên cho mọi người. Và vì thế theo lẽ thường, một số người sẽ “tranh thủ” sếp, tạo phe cánh để có thể “bay xa bay nhanh” hơn bình thường.

Riêng ở các công ty, cơ quan nhà nước thì có thêm tình trạng nhiều nhân viên là người nhà, là “đàn em” của anh Hai, anh Ba... do đó cấp quản lý trực tiếp không dám “đụng” đến.

Còn ở các công ty tư nhân, công ty cổ phần, đôi khi nhân viên là người nhà của giám đốc hay của thành viên hội đồng quản trị… các “nhân vật” này thường tạo ra những chuyện làm nội bộ xáo trộn. Cấp quản lý dù có giỏi đến đâu cũng bị “bó tay” và rất khó làm việc.

Thứ tư, một số người hay đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của tập thể. Trong trường hợp hai quyền lợi mâu thuẫn nhau, một số người, bất chấp tất cả, sẵn sàng theo đuổi quyền lợi cá nhân.

Để hạn chế được điều này thì chính sách quyền lợi phải hết sức thực tế, công bằng cho cả cá nhân và tổ chức, và quan trọng hơn là các cá nhân phải được đào tạo để hành xử hết sức chuyên nghiệp.

Ý KIẾN CỦA BẠN THÌ SAO?

PHẢN BIỆN TỪ BLOG CỦA HANA:

Mình không thấy thuyết phục lắm.

-Thứ nhất, đúng là người Việt không có thái độ tách biệt giữa công việc và tình cảm, nhưng có trời mới biết họ có thực sự coi đồng nghiệp là bạn bè thân thiết hay không, hay đó chỉ là thói quen đưa vấn đề riêng tư vào công việc.

Mình nhớ ông thầy người Úc từng nói làm gì có tình bạn ở công sở, chỉ có sự cạnh tranh. Mình thấy điều đó đúng với mọi môi trường làm việc và văn hoá. Con người ở đâu thì vẫn là con người, ai mà không mang đầy đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Đố kỵ là tính cách cơ bản nhất của con người. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ người ta kiềm chế được nó đến đâu, xử lý nó thế nào.

Cộng tác là một mặt khác của mối quan hệ đồng nghiệp. Tây mạnh về mặt này nhưng người Việt lại yếu ở mặt này là do đâu, sẽ nói ở phần dưới.

-Ai mà không tự ái cá nhân khi bị phê phán trong công việc? Đã là con người ai là không quan tâm đến thể diện (trừ người bệnh đã mất khả năng nhận thức). Quan trọng là phê phán thế nào để đạt được hiệu quả, người Việt yếu vì người Việt không có văn hoá phê phán, cũng sẽ nói tiếp ở dưới.

-Chia rẽ, bè phái là hệ quả của tính không đoàn kết, không phải là nguyên nhân.

-Nếu nói về tính cộng đồng và tính cá thể thì Tây có khi có tính cá thể cao hơn Việt, nhưng vì sao trong công việc họ lại biết đặt lợi ích tập thể lên trên, điều đó không thể chỉ giải thích bằng văn hoá, sẽ nói kỹ dưới đây.

Mình nghĩ để giải thích cho tính mất đoàn kết của người Việt một mặt phải nhìn vào văn hoá vì văn hoá sẽ chi phối tư duy và cách hành xử. Nhưng văn hoá là lớp cắt sâu, và nó không đủ để giải thích, vì thế phải nhìn cả vào điều kiện kinh tế xã hội - là lớp cắt ngang - nữa (mà thực ra 2 mặt này quan hệ qua lại, khó tách biệt).

Văn hoá VN là văn hoá tiểu nông, tính tư hữu cao. Chính ông ngoại quốc tên là Mác cũng thấy rằng người nông dân giống như củ khoai, dốc ra khỏi bao tải thì mỗi củ lăn đi một nơi. Trong khi một nền văn hoá kém tính ổn định hơn như văn hoá du mục phương Tây, thì các thành viên trong cộng đồng buộc phải có tính cộng tác cao hơn do điều kiện sống luôn phải di chuyển theo bầy đàn (mặc dù điều này ko có nghĩa là họ ko có tính cá thể cao).

Nói về điều kiện kinh tế- xã hội, những xã hội công nghiệp hoá cao thì tính đoàn kết, cộng tác phải cao hơn vì tất cả phải theo dây chuyền (có lẽ do đặc trưng văn hoá nên các xã hội phương Tây có điều kiện công nghiệp hoá dễ hơn mình).

Còn trong một xã hội lộn xộn như VN, mạnh ai nấy sống thì chẳng ai thấy sự cần thiết của cộng tác và đoàn kết. Đó là chưa nói ở nơi đâu mà điều kiện sống càng khắc nghiệt thì càng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh (mọi người có thấy bẩn tính nhất thế giới là người Ấn, người Việt và người Tàu không?). Thể chế pháp luật không đủ mạnh để kiềm chế thì cái sự chia rẽ nội bộ, gây bè kết cánh, đố kỵ hãm hại nhau, đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích tập thể nó càng hoành hành.

Tất cả những cái này có thể học được không, tư duy phê phán, văn hoá phê phán, văn hoá cộng tác? Câu trả lời hiển nhiên là có. Không ai tự nhiên sinh ra đã có sẵn những thói quen và cách hành xử tốt, kể cả Tây. Nhưng có ai để ý dạy những cái này cho trẻ con từ bé không? Câu trả lời nhường cho các bạn.


free hit counters
free hit counters

24/5/07

NÓNG, NÓNG, NÓNG!



Hà Nội bắt đầu bước vào cao điểm nắng nóng.

Hôm qua hôm nay nhiệt độ mới chỉ 35-36 độ C thôi, những cũng lãnh đủ rồi.

Cái máy điều hoà trong phòng làm việc, mọi hôm toàn phải chĩa flap ngang nóc tủ, hôm qua chúc hẳn xuống bàn làm việc, hạ nhiệt độ xuống còn 18 độ C mà trong phòng vẫn oi bức và ngột ngạt.

Một vài bạn phóng viên chạy tin về đến cơ quan nằm vật xuống vì say nắng. Toàn thanh niên trai tráng cả, chứ có già nua gì đâu. Thế mới biết thời tiết khủng khiếp thật.

Tối qua 10h mới về đến nhà. May quá vừa mất điện và về đến nhà thì có điện.

Bây giờ lại thấy thèm mưa phùn gió bấc của mùa đông rồi.

Free blog counter

23/5/07

AMERICAN IDOL - HÁT HAY THÌ CHIẾN THẮNG



Năm nay ít có thời gian để xem American Idol nên cũng không biết nhiều lắm về diễn biến cuộc thi này.

Sáng nay (23.4) bật máy tính lên và thấy xuất hiện dòng tít rất ấn tượng: "Ai chiến thắng - nữ ca sĩ hay nghệ sĩ giải trí?". Tò mò thử vào xem thế nào.


Tóm lại là American Idol đã đi đến trận quyết đấu cuối cùng. Trụ lại đến giờ phút này là Jordin Sparks (nữ) và Blake Lewis (nam). Đương nhiên Jordin là "nữ ca sĩ", còn Blake là "nghệ sĩ giải trí".

Jordin 17 tuổi, đến từ Glendale (bang Arizona). Cô gái da màu này có gương mặt đẹp như thiên thần, mặc dù thân hình hơi phốp pháp so với tuổi (ảnh).

Cô có giọng hát thật đẹp, loại giọng mà khi cất lên người ta thường nói là "có quyền năng" (powerful voice). Tuy nhiên, cô lại không hề khoe giọng, mà biết điều tiết khiến cho giọng hát trở nên rất truyền cảm.

Cùng với sự biểu hiện gương mặt rất sinh động theo từng câu hát, cô chinh phục được người nghe hầu như ở bất cứ bài nào cô ứng thí trong khuôn khổ American Idol.

Ít ai có thể ngờ rằng một cô gái mới 17 tuổi lại có thể hát "ra" được những bài rất khó như "Broken Wings". Thêm vào đó thái độ lắng nghe đầy thiện chí của cô khi các giám khảo góp ý cùng với những giọt nước mắt sung sướng sau khi nghe lời khen của họ đã khiến cho nước Mỹ cảm động và dành nhiều thiện cảm cho cô.

Blake 25 tuổi, đến từ Bothell (bang Washington), có khả năng biến hoá ngoại hình đa dạng theo trào lưu metrosexual của David Beckham. Hãy xem những tấm hình mà anh ta chụp qua từng show diễn ở website của American Idol, bạn sẽ thấy điều này.

Sở hữu một giọng ca thường thường bậc trung (kiểu của các thành viên boy-band), nhưng Blake lại có cách xử lý bài hát rất độc đáo. Chàng trai này dám qua mặt những người đi trước, xử lý lại bài hát theo cách của mình để tạo một bản cover mới mang hơi thở thời đại và phong cách riêng của Blake, mang đến một hiệu quả sân khấu rất mạnh.

Cách mà Blake cover một bài hát của Bon Jovi đã khiến vị giám khảo khó tính Simon cũng phải thốt lên: "You're brave young man!".

Xem Jordin, tức là thưởng thức một giọng hát tuyệt hảo. Xem Blake tức là thưởng thức sự trình diễn sống động và khám phá khả năng sáng tạo của một nghệ sĩ.

Jordin và Blake ai sẽ chiến thắng?

Ai thắng cũng xứng đáng và ai thua cũng thấy tiếc.



Update 24.5:
American Idol cuối cùng đã tìm ra người chiến thắng. Đó là Jordin. Cô là người trẻ nhất giành danh hiệu "Thần tượng âm nhạc Mỹ" trong 6 năm qua. Đa số khán giả Mỹ tham gia bình chọn đã bỏ phiếu cho cô. Một chiến thắng xứng đáng. Nếu chuyện tương tự xảy ra ở Việt Nam, thì đương nhiên thí sinh nam với lối trình diễn sinh động sẽ chiến thắng. Vì đa số khán giả nhắn tin bình chọn là những phụ nữ tuổi teen. Họ thường ưu ái thí sinh nam mà không cần chú ý lắm đến giọng hát.

Free hit counter

22/5/07

ĐÀN ÔNG PHẢI CỞI... Ở NỘI BÀI



Sáng nay 4h30 đã phải lóp ngóp dậy để đi lên Nội Bài đáp chuyến máy bay 6h30 đi Đà Nẵng.

Đến nơi là 5h30. Sớm hẳn một tiếng. Đang định xếp hàng check-in thì một em áo dài xanh tuơi tắn hỏi: "Anh có hành lý ký gửi không ạ". Mình bảo không có, thế là em ấy chỉ ra một quầy ở sát chỗ kiểm tra an ninh: "Thế anh ra quầy kia check-in cho nhanh ạ".

Gớm hôm nay là ngày gì mà sáng ra đã may thế.

Hai em check-in hành khách không có đồ ký gửi cũng rất tươi cười. Còn cho mình một chỗ ở phía trên khá tốt.

Đến khâu kiểm tra an ninh, quen như mọi lần, chỉ cho túi, ví, điện thoại, chìa khóa, tiền xu vào máy soi. Nhưng không ngờ lần này anh an ninh nói mặt rất nghiêm trọng: "Anh cởi thắt lưng ra!".

Nghe mà giật mình. Đây là sân bay chứ có phải phòng khám tuyển nghĩa vụ quân sự đâu nhỉ?

Thấy mình đần mặt, anh ta giải thích cặn kẽ hơn: "Cái thắt lưng của anh có khóa sắt, anh tháo ra cho vào cái giỏ nhựa này. Trong người anh còn cái gì là kim loại thì bỏ ra nốt!".

Mình y lệnh, tháo thắt lưng, cho vào giỏ nhựa, rồi bước qua máy soi kim loại. May quá, chẳng thấy kêu leng keng gì. Người mình không có kim loại bên trong. Hì hì.

Quay lại lấy thắt lưng mới để ý thì hóa ra cứ phàm là đàn ông đều bị yêu cầu cởi thắt lưng cả. Có một bác Đài Loan to béo, mặc quần rộng, bỏ thắt lưng ra, phải giữ chặt quần cho khỏi tụt, rón rén bước qua máy soi, trông rất tội nghiệp.

Qua công đoạn này, cả lũ đàn ông đứng lại để thắt lại dây lưng trước mặt bàn dân thiên hạ. Nhìn thật thảm hại, chẳng anh nào còn tí hùng dũng cho ra hồn người.

Cái sân bay này nếu bắt người ta cởi dây lưng vì lý do an toàn, thì cũng nên dựng lên mấy cái vách ngăn di động cho anh em đứng vào đấy thắt lại dây lưng nhỉ. Chứ như thế này trông chẳng văn minh lịch sự tí nào!

Free website counter

21/5/07

SINH VIÊN BÁO CHÍ MÙ THỜI SỰ



Chiều nay đi dạy cho các em sinh viên Khoa báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Thử làm một cái test nhỏ về sự quan tâm của sinh viên báo chí đối với thời sự, nên đặt câu hỏi: Hôm nay ở Việt Nam có sự kiện đối ngoại quan trọng nào? Một em nam giơ tay: "Thưa thầy, Tổng Giám đốc Microsoft đến thăm VN ạ". Đúng vậy, nhưng đó là sự kiện kinh doanh chứ không phải đối ngoại.


Hỏi thêm một vài người
, nhưng không ai biết Tổng thống Đức - đất nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu đến thăm Việt Nam.

Có nhiều em không biết Đức có chức vụ tổng thống. Đa số chỉ biết lãnh đạo Đức là bà Angela Merkel, thậm chí biết sâu hơn một chút rằng bà là người Đông Đức.

Lại hỏi các em có biết Thủ tướng ta hồi cuối năm 2005 đi thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên đã có những hoạt động nào không? Cũng không biết. Có ai đó nhớ là Thủ tướng có đến thăm Microsoft.

Lại hỏi thế năm ngoái Thủ tướng ta đi Nhật Bản có hoạt động gì đặc biệt đáng ghi nhớ. Chẳng ai nói gì. Đành phải chỉ định một vài em, thì các em nói thành thật: "Thưa thầy, em không biết ạ!".

Vẫn biết là thanh niên thường không mấy quan tâm đến thời sự, đặc biệt là thời sự chính trị. Nhưng sinh viên báo chí thì nên biết thời sự! Ngay từ bây giờ hãy tạo cho mình mối quan tâm thường xuyên, để biết một cách khái quát những sự kiện lớn.

Thực ra trong lớp có rất nhiều em thông minh, có khả năng tư duy và phân tích nhạy bén. Nhưng đó chỉ là bản năng. Và nếu chỉ bằng bản năng thì e rằng sẽ khó cạnh tranh trong môi trường báo chí như hiện nay. Trong khi chính các em lại đang rất lo lắng là khó tìm được việc làm vì bị sinh viên luật, sinh viên ngữ văn, kinh tế... cạnh tranh.

Một số sinh viên của tôi thích làm thơ và viết truyện ngắn gửi đăng báo và coi đó là niềm tự hào. Nhưng các em lại không biết rằng sáng tác và làm báo là hai công việc rất khác nhau. Ở giai đoạn này, nếu muốn học kỹ năng viết báo, thì không nên chăm chú làm thơ.

Một lời khuyên nhỏ dành cho những bạn sinh viên báo chí thực sự muốn theo đuổi nghề này: Hãy tạm gác việc làm thơ viết truyện sang một bên đã. Nếu sa đà vào chuyện làm thơ thì sau này sẽ khó làm báo đấy.

Free counter

20/5/07

CÂU CHUYỆN VỀ SỰ BẤT TỬ



BÀI TỪ BLOG CỦA PIN

Cuối tuần, lòng thấy rỗng tuếch, đợi đến giờ đi uống bia. Chợt nhớ lại câu chuyện người Thuyền trưởng mình đã viết trong vụ tai nạn tại Lotus Port, lòng nhói lên. Bất giác giật mình: Có nhiều cách để đi qua cõi sống, để được bất tử!

Thằng hắn không quan tâm và không muốn bận tâm lý do của người Thuyền trưởng Trương Quang Thiều không nhảy ra ngòai, mà quay lại khoang tàu. Thằng hắn chỉ cần biết, Thuyền trưởng đã chọn cách nằm lại với 7 thuyền viên của mình, như cách của những Thuyền trưởng dũng cảm trước đó đã lựa chọn khi tàu gặp nạn.

“Cháu đã cố chộp tay, kéo cậu nhảy ra khỏi cabin, nhưng không được! Cậu không chịu nhảy ra mà lao ngược vào khoang tàu, nơi các anh em đang nằm…” - Nguyễn Văn Thành, SN 1986, thợ máy của tàu Hoàng Đạt 36, kể lại giây phút cuối cùng của thuyền trưởng Trương Quang Thiền.

Dựa vào lời của những người trong cuộc, thằng hắn tin chắc một điều, Thuyền trưởng đã có cơ hội thóat chết, nhưng ông đã không lựa chọn cách nhảy ra khỏi tàu khi còn thời gian, mà chạy ngược xuống khoang tàu, nơi những thủy thủ của ông đang ở đấy, để chịu cùng số phận – nằm lại với con tàu Hòang Đạt 36.

13h40’ ngày 15/5, thời khắc kinh hòang nhất của con tàu Hòang Đạt 36, cũng là thời điểm bắt đầu những giờ phút tang thương trên cầu cảng Lotus, khi chiếc tàu Gas Shanghai đâm thẳng vào thân tàu Hòang Đạt 36, nhấn chìm 8 mạng người cùng hơn 2.000 tấn thép xuống lòng sông Sài Gòn.

Khi thằng hắn kể lại câu chuyện trên cầu cảng Lotus, mà hắn đã được “mắt thấy, tai nghe”, thì 8 thi thể thuyền viên trên tàu Hoàng Đạt 36 đã được tìm thấy. Trong đó, có những thi thể không còn nguyên vẹn vì ngâm mình quá lâu và quá sâu dưới nước. Thậm chí như xác của Thuyền trưởng, được tìm thấy cách nơi xảy ra tai nạn hơn 10km.

Ít thấy nước mắt đổ xuống trên cầu cảng Lotus, dường như đã được nuốt vào trong, những cặp mắt đau đáu, cứ trân trân như vô hồn nhìn ra phía luồng sông, nơi những cây sắt (ngọn anten của tàu Hòang Đạt 36) chọc lên khỏi mặt nước, chờ đợi…

Câu chuyện lúc tàu Hòang Đạt gặp nạn được kể đi kể lại nhiều lần trên cầu cảng Lotus, lúc là người chứng kiến, lúc thì người thóat nạn trở về, và được truyền từ tai người này qua người nọ… khiến cảnh tượng tai nạn càng trở nên hãi hùng. Ngoài kia, giữa luồng sông Sài Gòn, nơi con tàu đang nằm im ỉm dưới đáy sông, những canô, xuồng máy và người nhái vẫn miệt mài tìm kiếm…

Chẳng ai ngờ, tai họa lại ập đến với Hoàng Đạt 36 khi chỉ còn cách bờ vài chục mét và đã bắt được dây neo. Chuyến đi dài gần 4 tháng trời lênh đênh trên biển của con tàu, những tưởng sẽ kết thúc an tòan, thủy thủ được xum vầy bên gia đình, người thân lại kết thúc bi đát đến vậy.

Nhưng trong câu chuyện đối mặt với cái chết của 16 con người trên tàu Hoàng Đạt 36, lại xuất hiện câu chuyện bi tráng của những con người dũng cảm, khiến cho người ở lại như được an ủi một phần trong nỗi đau khôn nguôi.

“Cháu đang dưới khoang máy, chuẩn bị cho tàu cập cảng, bất ngờ nghe một tiếng va chạm lớn, tụi cháu ở dưới bị hất ngã. Theo cảm tính, cháu vùng dậy, chạy tiên phong lên trên để xem chuyện gì xảy ra. Khi lên tới boong, phát hiện tàu bị đâm, nước bắn và tràn mạnh vào, tàu chìm dần. Trong lúc hỏang hốt, cháu chạy về phía cabin, chộp cánh tay cậu, vừa kéo ra vừa thét: Chạy đi cậu ơi, không kịp rồi!

Nhưng cậu vẫn không theo, cứ cố chạy ngược xuống khoang tàu, nơi các anh em đang nằm. Bất ngờ, nước đổ ập vào, mạnh đến nỗi cuốn phăng cháu, dứt khỏi tay cậu, cháu bị hất ra và cuốn theo dòng xóay, sau đó nổi lên và được cứu...” - Thợ máy 21 tuổi Nguyễn Văn Thành, kể lại phút cuối cùng của thuyền trưởng, rồi nghẹn lời.

Vậy là thuyền trưởng mất tích và gần như mất hết hy vọng về sự sống, để lại hai đứa con trai đang là sinh viên Đại học Hàng hải TP.HCM và người vợ ở tận Nam Định đang mõi mòn chờ chồng về.

Bên cạnh, hai cậu con trai của thuyền trưởng đứng như “trời trồng”, mắt vẫn cứ đăm đăm về vùng sáng giữa lòng sông Sài Gòn. Vỗ vai Trương Quang Thắng, như một cách để chia sẻ với nỗi đau mất cha, nhưng như sợ cậu sẽ đổ gục, tôi ôm vai cậu. Giọng thều thào trong cổ họng, như người không còn sức, Thắng nói như thở:

“Em rất tự hào về cha mình! Một năm, cha con chỉ gặp nhau được 2 lần, thời gian còn lại, cha dành hết cho tàu, cho biển. Cha em yêu nghề lắm, nên hướng hai anh em cùng theo, vào học Đại học Hàng hải. Hôm nay, hai anh em đợi cha vào bờ để được gặp mặt, nhưng…” , Thắng nghẹn lời.

Còn Trương Quốc Khánh, với ánh mắt cương nghị sau cặp kính cận, nhưng không giấu được vẻ đau đớn. Khánh vẫn tất bật với chiếc điện thoại, chuẩn bị thuê xe đông lạnh, để lo hậu sự cho cha mình. Đôi lúc, chàng trai dường như không đứng vững trên đôi chân mình, khi nhìn ra phía con tàu đang nằm dưới đáy sông, nơi đó, có thể cha Khánh, người thuyền trưởng dũng cảm đang nằm ở đó, đầu gối Khánh như khụy xuống.

“Một đời đi biển, qua bao sóng to gió lớn, không ngờ, cha em lại gặp nạn ngay khi cách bờ chỉ còn vài chục mét” - Khánh cố gắng thốt ra.

Đã qua 2h ngày hôm sau của vụ tai nạn (16/5), hai anh em Thắng, Khánh vẫn ngồi đó, trên cầu cảng, chăm chú nhìn ra phía các thợ lặn đang miệt mài tìm kiếm. Mỗi chuyến ca-nô tấp vào bờ, cả hai lại nhào ra. Thỉnh thỏang, vài thuyền viên, thợ máy thóat nạn và người quen đến chia sẻ với hai anh em. Vẫn tỏ ra bình tỉnh, hai cậu lại vỗ vai họ, như một cách để trấn an và tự chia sẻ với mình.

Ít ra, Thuyền trưởng đã bất tử trong lòng của Thắng và Khánh!

Ảnh: Thắng và Khánh, đứng giữa, áo sơmi trắng caro và T-shirt xám đang ngóng thi thể của cha, Thuyền trưởng Trương Quang Thiền.

Free counter
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết