10/12/11

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM - LẠC QUAN HAY BI QUAN?



Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh gửi gắm đôi lời tâm sự về nền điện ảnh nước nhà trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 sắp diễn ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Tháng 9/2011, tại làng văn hóa Đồng Mô, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn có chủ trì một cuộc hội thảo để bàn về việc chấn hưng điện ảnh nước nhà. Tôi đi vắng nên không có mặt trong cuộc hội thảo đó, chỉ theo dõi qua báo chí với những câu trả lời phỏng vấn, những lời phát biểu hùng hồn của các nhà làm phim trước ống kính truyền hình.

Nói chung giới điện ảnh tỏ ra hết sức bức xúc trước thực trạng ngành điện ảnh mà ai cũng cho là nguy kịch, bi thảm, đến đáy rồi... Vụ thất thoát 38 tỷ đồng tại Cục điện ảnh như một giọt nước làm tràn ly. Nhưng cũng có người cho rằng điện ảnh có gì mà phải bi quan? Bi quan là ở khu vực điện ảnh nhà nước thôi, còn phim do tư nhân sản xuất nghe đâu có phim chỉ sau hai tuần ra rạp đã thu về 40 tỷ đồng thì sao lại bi quan?

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên thì mỗi người một ý. Người đổ cho thiếu sự quan tâm của nhà nước, nhìn sang truyền hình thấy nhà nước ưu ái hơn, được cấp nhiều tiền hơn. Người thì đề nghị nhà nước cấp sổ đỏ cho Hãng phim truyện đầu đàn ở số 4 Thụy Khuê (sổ đỏ cũng là tiền, là tài sản). Người thì nói thẳng ra rằng vì đội ngũ những người làm điện ảnh bất tài...

Vậy biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì? Đa số kêu gọi Nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến điện ảnh. Có người còn đề nghị cho điện ảnh quay lại thời bao cấp (mỗi năm nhà nước bỏ ra chừng 25 tỷ đồng là có thể nuôi điện ảnh đàng hoàng). Có người yêu cầu nhà nước phải có chiến lược tổng thể đối với điện ảnh...

Tóm lại nói nôm na là nhà nước phải rót thêm tiền cho điện ảnh. Sự quan tâm gì cũng thể hiện ở chỗ đó, chiến lược gì cũng thể hiện ở chỗ đó. Cũng có ý kiến ngược lại cho rằng nên xóa sổ điện ảnh nhà nước, hãy để cho tư nhân làm phim, tự điều chỉnh lấy nội dung, tự điều tiết theo cơ chế thị trường. Thậm chí có ý kiến nên bỏ hẳn kiểm duyệt. Nhà nước chỉ có trách nhiệm phân loại xem phim nào cấm trẻ em dưới 17 tuổi, phim nào cấm trẻ em dưới 15 tuổi.

Đối với tôi bức tranh của điện ảnh VN ngày nay đã quá rõ ràng. Một khu vực điện ảnh tư nhân ngày càng lớn mạnh tạo nên một thị trường kinh doanh điện ảnh sôi động. Kinh doanh trên các phim nhập ngoại không hạn chế số lượng và thời lượng chiếu, kinh doanh trên các phim sản xuất trong nước mà số lượng ngày càng tăng. Đã là kinh doanh ắt phải lấy lợi nhuận làm mục tiêu, lấy đồng tiền làm mục đích.

Đồng tiền đã, đang và sẽ dẫn dắt khu vực này chẳng cần ai định hướng, mà cũng không có ai định hướng được. Một khi đồng tiền chi phối thì đừng bàn đến tính tư tưởng. Ở đây chỉ có tính thương mại. Một đại gia dầy dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này từng nói: “Chúng tôi kinh doanh là chính. Làm những phim nhảm nhí mới có lãi!“. Quả thật cái gì luật pháp không cấm thì đều được phép làm. Trong luật điện ảnh không có điều khoản nào cấm làm phim nhảm nhí.

Vậy nhà nước chỉ có thể quản lý khu vực này theo cách quản lý thị trường, như quản lý bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác theo đúng luật. Nhà nước giám sát để không ai trốn thuế, kiểm soát không để những sản phẩm độc hại ảnh hưởng đến người tiêu dùng, giống như quản lý thực phẩm bầy bán ở chợ hay trong các siêu thị. Còn khu vực điện ảnh nhà nước thì sao?

Nếu nhà nước muốn có những phim mà mình thấy cần thì vẫn phải bỏ ra những khoản tiền nhất định để sản xuất những phim đó. Đó là những phim giáo dục truyền thống, những phim chiếu trong những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc… Vấn đề nhà nước cần suy nghĩ là hiệu quả của đồng tiền bỏ ra để làm sao có được những bộ phim có nội dung sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao (chứ không phải là những phim nhạt nhẽo làm ra cốt để “cúng cụ” cho xong rồi cất kho).

Nhà nước cũng cần làm PR cho các sản phẩm của mình. Lĩnh vực này nhà nước nên học các nhà sản xuất phim tư nhân, phim dở mấy mà PR giỏi họ vẫn hốt bạc. Dầu sao thì phim của nhà nước cầm chắc là lỗ vì mục đích của nhà nước làm phim không phải để kinh doanh. Nhà nước không thể bán vé xem phim đắt như ở các rạp của tư nhân được vì đối tượng phục vụ của nhà nước không phải là những khán giả con cái nhà giàu mà còn đông đảo những người thu nhập thấp ở thành thị lẫn nông thôn...

Tôi từng chứng kiến công cuộc chấn hưng điện ảnh cách đây hơn 10 năm. Lần ấy nhà nước bỏ ra cho chương trình này 208,8 tỷ đồng (xin nhớ 208 tỷ ngày đó tương đương với hơn 400 tỷ bây giờ). Cũng nhờ có số tiền đó mà các hãng phim nhà nước được trang bị thêm một số máy quay, thiết bị chiếu sáng, thu thanh, xây dựng Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phục hồi lại được phần nào hệ thống các rạp chiếu phim nhựa (một thời bị biến thành những phòng chiếu phim video, nhà hàng...), trang bị máy phóng cho màng lưới chiếu phim video ở miền núi...

Số tiền nhà nước ngày ấy bỏ ra cho điện ảnh không phải nhỏ, nhưng sự lãng phí trong điện ảnh cũng không ít. Cả một cơ ngơi in tráng, làm hậu kỳ hiện đại nằm đắp chiếu ở Trung tâm kỹ thuật điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (nay cho công ty AVG thuê làm trụ sở) vì tất cả các phim truyện của VN bây giờ đều đem sang Bangkok làm hậu kỳ, vừa rẻ lại vừa tốt.

Ba bộ máy làm kỹ xảo cực kỳ đắt tiền cũng nằm mốc meo tại ba nơi không có người sử dụng. Trường quay Cổ Loa đang xây dựng tôi e rồi cũng sẽ cùng chung số phận. Cuộc chấn hưng điện ảnh lần ấy đã qua hơn 10 năm mà chưa hề có một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm nào. Bởi vậy lần này lại nghe nói đến hai chữ “chấn hưng”, tôi bỗng giật mình. Ngay sau hội thảo ở Đồng Mô (mà báo chí gọi là Hội nghị Diên hồng của điện ảnh), một tờ báo điện tử có làm cuộc thăm dò ý kiến độc giả. Tính đến ngày 30/9/2011 kết quả có 68% độc giả cho rằng không hy vọng gì vào những nhân tố mới, khó thay đổi bộ mặt của điện ảnh. 25% tin rằng sẽ xuất hiện những nhân tố mới vực điện ảnh đứng dậy. 7% độc giả có những ý kiến khác.

Có lẽ tôi nằm trong số 7% những người có những ý kiến khác trong cuộc thăm dò trên. Ý kiến đó là, nếu Nhà nước muốn duy trì một khu vực điện ảnh của mình, thì việc trước tiên cần làm là phải thay đổi lại quy chế đầu tư và đặt hàng trong điện ảnh. Quy chế hiện hành biến những người nhận đặt hàng của nhà nước (không phải những người nghệ sĩ) thành những ông chủ, coi người nghệ sĩ như những người làm công với mối quan hệ xin cho.

Quy chế hiện hành tạo ra vô số kẽ hở để những kẻ trung gian xà xẻo, rút ruột. Nhà nước cần tôn trọng người nghệ sĩ, trả công thích đáng cho họ (để đừng hổ thẹn với khu vực tư nhân). Về phương diện quản lý, Nhà nước cần sửa đổi lại luật điện ảnh (5 năm qua cho thấy luật này có rất nhiều điều bất ổn), cần cải tiến lại chính sách thuế trong điện ảnh để vừa khuyến khích sản xuất, vừa đảm bảo nhà nước không bị thiệt thòi.

Còn khu vực điện ảnh tư nhân thì hãy để nó tự phát triển và tồn tại theo nguyên tắc cái gì pháp luật không cấm thì cứ việc làm. Nhưng nghĩ cho cùng điều khán giả cần ở điện ảnh Việt Nam là những bộ phim hay, bất kể của nhà nước hay tư nhân, những phim không nhảm nhí vô duyên mà cũng không khô khan nhạt nhẽo. Tôi không bi quan mà cũng không lạc quan. Nhưng tôi hy vọng… một niềm hy vọng giống như đối với bóng đá Việt Nam cho dù chúng ta vừa vỡ mộng ở Sea Games 26.

ĐẠO DIỄN, NSND ĐẶNG NHẬT MINH

Nguồn:
Đến nơi mình là số không



6/12/11

HÀNH TRÌNH VỀ GA SỐ KHÔNG



Một người bạn tôi tâm sự: “Trong cuộc đời mình, cái mình sợ nhất là mất đi niềm đam mê”. Thấy tôi cười nhếch mép vì câu nói nghe rất quen tai, bạn hùng hồn giải thích thêm.

Hình dung giống như bạn đang nghiện chơi game điện tử, mất nhiều tháng để chinh phục từng cung đường khó khăn, nhiều thử thách, rồi một ngày kia bạn đến đích, nhận được thông tin chúc mừng là đã chinh phục hoàn toàn trò chơi này.

Lần sau lại vào game đó bạn bỗng nhận ra bao nhiêu háo hức chinh phục lâu nay biến đâu mất hết. Bạn rời khỏi game với nỗi buồn mình đã mất đi một niềm đam mê. Ra vậy!

Bạn tôi là dân kinh doanh. Dĩ nhiên, kinh doanh là một con đường dài với thiên hình vạn trạng cảm xúc, chứ không đơn giản như game điện tử. Nhờ sự nhạy cảm thiên phú, dù không làm ăn quy mô lớn, chỉ vài cái phòng trà ở thành phố du lịch ven biển, nhưng chị quả thật có tay kinh doanh, khách đến phòng trà nghe nhạc ngày một đông.

Những ngày đầu, khi thấy khách trầm trồ khen ngợi cách trang trí phòng trà, say sưa ngắm nghía mấy bức tranh sơn dầu trên tường, đắm đuối những giỏ hoa tươi ngoài sân vườn, suýt xoa chương trình nhạc hay quá thì chị vui sướng lắm, hào hứng tâm sự rằng chị đã dành bao tâm sức, cố gắng thẩm thấu văn hóa để tạo dựng một không gian đẹp như vậy.

Rồi một hôm, không hiểu sao chị lại thuê người quản lý. Tiền vào vẫn nhiều, ngày càng nhiều, nhưng chị bảo, mỗi lần đến phòng trà tự nhiên chị thấy mệt mỏi vì... nhàm chán. Vẫn những bản nhạc ấy, ca sĩ ấy, vẫn những người khách vừa nghe nhạc vừa nói chuyện nhưng lại khiến chị cau mày.

Chị dừng lại ở con số ba phòng trà, không khuếch trương thành chuỗi như dự định. Lý do: hết đam mê rồi. Trả lời gọn hơ vậy, nhưng tôi thấy chị lại hừng hực khí thế và không ngừng kể về lĩnh vực mới khiến chị quan tâm: công nghệ nuôi dưỡng tế bào gốc để áp dụng vào việc điều trị làn da cho mọi lứa tuổi.

Chị đi học, tham gia các lớp đào tạo kiến thức, mua sắm trang thiết bị, tuyển nhân viên kỹ thuật để lao vào công việc kinh doanh mới. Gặp chị, thấy chị gầy rộc do thức khuya để nghiên cứu tài liệu, dậy sớm để hối thúc nhân viên, đi gặp gỡ bạn bè, khách hàng và giải quyết những món nợ đáo hạn ngân hàng. Rồi chị tiếp tục thành công khi hai cơ sở spa dần có tên tuổi, có khách đều đặn.

Cũng như kinh doanh phòng trà, kế hoạch của chị luôn là tạo chuỗi các cơ sở kinh doanh cùng thương hiệu. Công việc vất vả mà từ chị vẫn toát ra rất nhiều năng lượng tiềm ẩn.

Hai năm trôi qua, những cơ sở kinh doanh của chị đi vào giai đoạn hái quả với lượng khách ổn định. Gặp nhau, chị kể qua loa về những thành quả mà ai cũng mơ ước, và tôi nhận thấy hình như chị lại bắt đầu hoang mang. Căn bệnh cũ nổi lên. Chị đã hết đam mê công việc đang làm. Chị cần thay đổi.

Để lại công việc đã hoàn hảo cho gia đình quản lý, chị như người chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Tôi gọi đó là hành trình chị đi tìm “ga số không”. Ở ga số không, mọi con tàu, mọi người đều đang chuẩn bị khởi hành.

Ở đó, trong lĩnh vực kinh doanh mới, chị sẽ quay về con số không với một trận địa trống trải không kinh nghiệm, không khách hàng. Chị cười giải thích: “Mình sắp bước vào một hành trình mới, lại đi học, lại nghiên cứu những kỹ thuật mới đây”.

Người phụ nữ này làm tôi nhớ đến nhiều người nổi tiếng cũng muốn nhận diện bản thân ở nơi họ là con số không như thế. Ngôi sao Hollywood Angelina Jolie chẳng hạn. Ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, những vai diễn sáng giá nhất đều dành cho cô.

Thế nhưng, người hâm mộ cô bàng hoàng khi biết tin bộ phim mới Trên mảnh đất máu và mật ngọt do cô viết kịch bản, sản xuất và đã hoàn thành trong năm 2011 động chạm đến đề tài “khó gặm” là cuộc chiến tranh ở Bosnia.

Những người hâm mộ Angelina rất lo lắng vì sợ cô mất sạch uy tín khi lao vào một dự án chẳng có gì đảm bảo thành công trong vai trò nhà làm phim và viết kịch bản. Nhưng phim cũng đã làm xong, và những tin tức đầu tiên đang hé mở khả năng bộ phim của cô có thể đoạt giải Oscar 2012.

Vậy nên, có thể nói, nhu cầu tìm kiếm bản thân ở những địa hạt mình là con số không có thể xuất hiện với bất cứ ai, đặc biệt là người từng có ít nhiều thành công.

Đôi khi người đời gọi họ là những kẻ mau chán, nhưng thực tế không phải thế, họ cần tìm những đỉnh cao mới để giải phóng năng lượng và có dịp lao động cật lực để gìn giữ niềm đam mê, một nhu cầu có ý nghĩa, một điều kiện tối thiểu để sống những năm tháng thú vị trong đời.

KHẢI LY

Nguồn:
Điện ảnh Việt Nam - lạc quan hay bi quan?



4/12/11

CHÙA VÂN SƠN Ở CÔN ĐẢO




Chùa Vân Sơn được các bậc tiền bối Phật giáo và đồng bào Phật tử trong đất liền phối hợp với nhân dân Côn Đảo xây dựng trên Núi Một (Côn Sơn - Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)từ năm 1964, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và phục vụ các ngư dân đến Côn Đảo tránh bão; đồng thời cũng là nơi mà người dân địa phương cầu chúc cho các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong các trại giam khét tiếng ở đây. Trong một thời gian dài, chùa Vân Sơn không có người chăm nom, hương khói nên theo thời gian đã bị hư hại.

Với sự quan tâm của Giáo hội PGVN và tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP HCM) cũng như việc thành tâm cúng dàng của các Phật tử và việc góp sức của toàn thể nhân dân, ngôi chùa Vân Sơn – Núi Một đã được khởi công xây dựng lại cuối tháng 7 năm ngoái.

Chùa Vân Sơn mới đã được khánh thành tối 3.12 vừa qua.

Chùa trông thẳng ra biển với phong cảnh rất ngoạn mục.


Lầu trống

Lầu chuông




Đường lên chùa trải qua 200 bậc thang.




Ban thờ Phật.





1/12/11

BỐ VỢ CỨU CON RỂ



Một anh chồng trẻ, có văn hóa, có nghề nghiệp ổn định, để vợ ở nhà chăm hai đứa con. Không phải cô kém cỏi hay thất học. Họ theo hình mẫu phương Tây?

Phụ nữ tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng ở nhà chăm con tốt hơn. Hai người đi làm mà để con nay ốm mai đau sẽ hại về lâu dài, đồng tiền chẳng đáng. Anh chồng nghĩ mình cố gắng chút cũng bù đắp được “đồng lương còm” của vợ. Thế là ổn.

Cô vợ chăm con, rồi con lớn dần, nỗi mệt nhọc của việc chăm em bé dần thay bằng những tháng ngày dậy sớm, dỗ cho chúng chịu dậy, đánh răng, ăn sáng rồi đến trường đã là một kỳ công.

Con đến trường học rồi, coi như mẹ được đền bù chút nghỉ ngơi, tự thưởng cho mình. Cứ quần quật cắm đầu nuôi con, ngửng đầu dậy thì sắp bốn mươi tới nơi, tuổi xuân đã qua mất.

Đây mới là lúc có thời gian cho bản thân: mua sắm, tập yoga, đến các trung tâm thể thao bơi lội, chú ý đến mỹ phẩm, dưỡng da. Có thời gian lên mạng…

Nếu chuyện đời chỉ có thế thì ổn quá. Nhưng không, mọi rắc rối là do “tự nhiên” cô thấy đời đơn điệu quá. Anh chồng cứ chúi mũi đi làm, được ngày nghỉ chở vợ con về hai bên nội ngoại, nghe con la hét, cho con đi học bơi, đi mua sách, mua đồ chơi, xong rồi cũng mệt lử.

Thế là chẳng ai biết ai nghĩ gì. Dần dần đời sống cá nhân cứ dần thu hẹp lại.

Một hôm, chồng thấy vợ cứ điện thoại, nhắn tin vào lúc đêm khuya. Sáng mai khi cô đang ở nhà tắm, anh vô tình cầm máy điện thoại của vợ và sững sờ với các tin nhắn. Một đôi tình nhân trò chuyện, nhung nhớ…

Anh choáng váng, bất ngờ. Cứ tưởng mình nai lưng ra đi làm nuôi cả nhà, là điều hiển nhiên phải được thương mến, tôn trọng. Nào ngờ cô vợ nhàn cư…

Chuyện tiếp theo là đau đớn, oán giận, tra hỏi. Vợ thú nhận rằng mối quan hệ này là… trên tình bạn, dù hai người chỉ qua chat rồi thành thân mật, nhắn tin như một món ăn tinh thần. Hai bên đều kêu buồn, phê phán cuộc đời chán ngắt, tả cảnh mây gió.

Cô vợ còn tra cứu, sưu tầm văn chương thơ phú, lịch sử, lời các doanh nhân. Họ nghiệm những tin nhắn, tâm sự, trổ tài và trao đổi những suy nghĩ hay ho về cuộc sống nội tâm của nhau…

Có gì đâu! Cuộc trò chuyện ảo, của hai người có gia đình, đang tìm thêm chút phong phú cho tinh thần…

Cô vợ bắt đầu phản công: “Sao anh kiểm tra tư liệu cá nhân? Sao anh thiếu tôn trọng sự riêng tư?...”. Anh chồng vừa đau đớn vừa giận dữ, không muốn rơi vào thế của anh đàn ông ghen tuông, nhưng chưa biết cách nào.

Có người nói: “Sao anh không tìm xem cái thằng mất dạy kia là thằng nào để cho nó một trận, chừa thói vụng trộm lừa dối vợ con để gửi hồn ở bên ngoài, tán tỉnh vợ người ta”.

Nhưng anh chồng nói rằng anh không là loại người phải đi tấn công ngăn chặn đám mất dạy ngoài đường, mà đau ở chỗ người nhà mình ngu dại, lố lăng.

Cô vợ vẫn không thấy mình có lỗi, mà đổ lỗi cho chồng: Tại đời sống hôn nhân buồn tẻ quá, tại chồng không chia sẻ, tại chồng chỉ chăm về nhà mẹ đẻ… Làm như việc chồng mình quan tâm đến cha mẹ là một lỗi lớn.

Cô giận dỗi, đối phó bằng cách không quanh quẩn ở nhà cơm nước chu toàn nữa, mặc kệ cho chồng về thấy cảnh “vườn không nhà trống”.

Có lúc cô còn cao giọng rằng cô chẳng có lỗi gì, cô đã gặp người kia bao giờ đâu, chỉ là viết thư, sống bằng những lời ngọt ngào của người xa lạ, không thể thiếu những tin nhắn.

Trong một lúc tranh cãi, cô còn đập tan tành cái điện thoại, anh chồng lẳng lặng nhặt lấy cái sim. Nghĩ thương tình vợ ở nhà bế tắc, mình không quan tâm chia sẻ là cũng có lỗi, anh chồng mua chiếc điện thoại mới tặng vợ.

Cô càng được thể, từ đó kiếm cách khóa các tin nhắn để chồng không vào xem được (mọi ngày cô đâu rành kỹ thuật này, chắc chắn đã chia sẻ và “thằng cha kia” đã bày cách cho cô đối phó).

Anh chồng tử tế buồn lo lắm, cứ cảm thấy mình có lỗi vì đã “lục soát kiểm tra sự riêng tư”. Nhưng nếu không làm thế, sao biết được người nhà mình lấn sâu vào chuyện gì…

Đang lấn cấn về lối ứng xử tôn trọng của giới có học, thì may thay, ông bố vợ bình dân xuất hiện. Nghe chuyện, ông gọi con gái lại “bạt tai” cho một cái tỉnh đòn. Lý sự của ông khác hẳn chàng rể trí thức.

Ông quát: “Riêng tư cái con khỉ! Tôn trọng cái riêng tư tử tế chứ không ai tôn trọng cái lũ mất dạy! Chúng bay giấu giếm lừa dối gia đình, phải vạch mặt chỉ tên ra. Chỉ có ngu mới tôn trọng sự mất dạy”.

Rồi ông truy cô con gái đang sợ xanh mắt: “Thằng khốn nạn kia là thằng nào, đưa địa chỉ nó đây tao đến cho nó mấy cái đạp, chứ tôn trọng gì ở chuyện này. Từ nay tao cấm. Nghe chưa? Có chồng có con đàng hoàng không biết gìn giữ. Đồ mất nết, làm xấu hổ cả cha mẹ…”.

Lời “lỗ mãng” mà đúng vấn đề, đã kìm cô gái lại. Cô đã biết sợ cái lỗi vớ vẩn của chính mình… Ông bố vợ có bài thuốc hay hơn chàng rể. Thân lừa ưa nặng!

QUẢNG YÊN

Nguồn:
Bài thuốc nặng ký của ông bố vợ…



29/11/11

MỘT HÀNH ĐỘNG, HAI THÁI ĐỘ



Nguyên Hải

Ông Gary Locke, tân Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, đã tạo ra cơn sốt trong dư luận đất nước có 1,3 tỷ dân này ngay từ hôm ông tới sân bay Bắc Kinh về cách hành xử của ông. Họ ngạc nhiên rồi chân thành ca ngợi ông hết lời, và nhân dịp này họ so sánh ông với các quan chức nước mình khiến ông ngạc nhiên và giới quan chức Trung Quốc khó chịu.

Vì sao có chuyện như vậy?

Hôm 13/8, Gary Locke, một người gốc Hoa 100% đem theo vợ con đến Bắc Kinh nhậm chức. Trang mạng Chính Nghĩa hôm ấy đưa tin: Khi ông ra khỏi sân bay, người ta thấy vợ chồng ông cùng 3 người con, trừ cô út 6 tuổi ra, tất cả đều khệ nệ tay xách nách mang hành lý, chẳng thấy nhân viên nào xách giúp. Tới bãi đỗ xe, ông dẫn cả nhà lên chiếc xe 7 chỗ, chứ không lên chiếc xe con có cắm cờ Mỹ dành riêng cho Đại sứ.

Dăm ngày sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đến thăm Trung Quốc. Trưa hôm 18/8, sau khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc xong, ông Biden cùng cô cháu gái được Đại sứ Gary Locke dẫn đến ăn trưa tại một cửa hàng ngoài phố. Ông Biden từ chối lời mời vào phòng ăn riêng mà ngồi lẫn với các thực khách Trung Quốc tại phòng lớn. 5 vị khách Mỹ gọi 5 bát mỳ (45 Nhân dân tệ, 1 NDT đổi hơn 0,15 USD hoặc hơn 3.000 VNĐ), 10 bánh bao (10 NDT), một đĩa dưa chuột (6 NDT), 1 đĩa sơn dược trộn đường (8 NDT), 1 đĩa khoai tây chiên (6 NDT) và 2 chai Coca-cola (4 NDT), tất cả hết 79 NDT.

Họ vừa ăn vừa thoải mái trò chuyện với các thực khách người Trung Quốc ngồi gần. Ăn xong, ông Biden rút ví lấy tờ 100 NDT (300.000 VNĐ) trả ông chủ, và không lấy tiền thừa, coi đó là tiền thưởng theo thói quen của người Mỹ. Ông còn xin lỗi các thực khách Trung Quốc và xin lỗi chủ cửa hàng là đã làm phiền họ (vì khiến nhiều người qua đường tò mò xúm vào xem).

Một số người Trung Quốc đã lấy điện thoại di động ra chụp ảnh cảnh bữa ăn và tung ảnh kèm thực đơn lên mạng. Lập tức hàng chục nghìn người truy cập tin này và tiếp tay truyền đi. Người ta đua nhau bình luận và không quên liên hệ với thói quan dạng, kênh kiệu, xa hoa lãng phí của các quan chức nước mình.

Phản ứng của giới chức Trung Quốc

Sự việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia dàn hợp xướng ca ngợi tác phong “giản dị, liêm khiết, gần dân” của vị Đại sứ Mỹ, đồng thời chê trách giới quan chức bản xứ đã làm cho không ít vị khó chịu tới giận dữ. Và khi không chịu được nữa, giới quan chức đã lên tiếng trên hai tờ báo lớn.

Ba ngày sau khi Gary Locke đến Bắc Kinh, bản điện tử Quang Minh Nhật Báo (báo lớn thứ hai ở nước này) hôm 16/8 đăng bài Cảnh giác với chủ nghĩa thực dân mới do Gary Locke đem lại. Bài báo gọi tác phong thanh liêm của Locke là “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ”, và tỏ ý e ngại quan chức Mỹ sẽ “cướp mất” lòng dân Trung Quốc, lên án Mỹ có dụng ý bỉ ổi “lấy người Hoa trị người Hoa”, kích động sự rối loạn chính trị ở Trung Quốc. Nhưng cuối cùng bài báo lại than thở: “Nếu Đảng CSTQ không thể chủ động tự giác diệt trừ vi-rút quan liêu để giữ cho mình khỏe mạnh, thế thì chẳng khác gì để Gary Locke cướp mất lòng dân ta!”

Thời báo Hoàn Cầu (phụ trương của Nhân dân Nhật báo) ngày 22/9 đăng xã luận dưới tít Mong Gary Locke làm tốt (nhiệm vụ) Đại sứ ở Trung Quốc, cảnh cáo không chút khách sáo: “Sự quan tâm mà Gary Locke nhận được (từ dư luận Trung Quốc) đã vượt xa vai trò một Đại sứ nên có”, chỉ trích ông dùng cách trình diễn bộ mặt liêm khiết để can thiệp dư luận Trung Quốc, làm tăng sự hiểu lầm và nghi ngờ giữa hai nước.

Tác giả nhắc nhở: cái giá bảo đảm an ninh cho Phó Tổng thống Mỹ Biden ăn bữa mỳ ở một quán ăn đầu đường xó chợ Bắc Kinh còn cao hơn nhiều lần khi ông chén các món sơn hào hải vị trong nhà khách chính phủ. Bài báo còn răn dạy các cơ quan truyền thông Trung Quốc “nên có thái độ tự trọng” khi đưa tin về sự liêm khiết của Gary Locke.

Dư luận xã hội

Có điều không ngờ là hai bài báo trên đã gây phản tác dụng tai hại. Dư luận nước này nhao nhao hỏi: Vì sao tác phong của quan chức Mỹ lại “chạm thần kinh” quan chức Trung Quốc?

Một nhà báo viết: Phó Tổng thống cùng Đại sứ người ta cả đoàn 5 người ăn bữa trưa hết có 79 NDT, trong lúc mấy vị “đày tớ dân” cỡ tép riu của Hội Hồng Thập Tự chúng ta nhậu một bữa trưa hết hơn chục nghìn NDT thì được coi là chuyện bình thường. Thử hỏi ai sai ai đúng mà Thời báo Hoàn Cầu đổi trắng thay đen viết bài như vậy? Khó lắm mới có một vị Đại sứ huyết thống Trung Quốc đến nước ta, lại có tác phong liêm khiết như thế, điều đó đáng quý lắm chứ, cớ sao chúng tôi không xúc động?

Một luật sư Bắc Kinh nói bài xã luận ấy phản ánh lối tư duy của quan trường Trung Quốc. Tác phong bình dân của Gary Locke vốn dĩ là chuyện cực kỳ bình thường ở nước Mỹ, nhưng ở Trung Quốc lại trở thành lạc loài (ling lei). “Quan chức chính phủ Mỹ hoặc Trung Quốc đều sống bằng tiền đóng thuế của dân, lẽ ra phải gần dân, phải bình dân hóa chứ” – ông này nói. Trong cuộc họp báo hôm 13/9 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (họp ở Đại Liên, Trung Quốc), Gary Locke cũng nói đi máy bay hạng ghế phổ thông là quy chế chung từ năm 2010 của quan chức Mỹ, kể cả thành viên chính phủ.

Trước sức ép dư luận, bài viết trên mạng Quang Minh Nhật Báo đăng được vài hôm đã phải gỡ xuống.

Nhân dịp này truyền thông Trung Quốc moi móc ra lắm chuyện kỳ quặc về tác phong của quan chức nước này.

Tạp chí Tân Thế kỷ đưa tin một huyện nghèo ở tỉnh Hồ Bắc bỏ ra 800.000 NDT (120.000 USD hoặc 2,4 tỷ VNĐ) để thết đãi mấy quan chức cấp tỉnh về huyện làm việc 20 ngày. Một người kể: một quan chức cấp Sở tỉnh Tứ Xuyên đến thăm nơi xảy động đất ở huyện Vấn Xuyên, trước khi đến cảnh sát phải dọn sạch hiện trường!

Mạng Đông Phương cho biết mới đây Cục Kiểm toán thành phố Hải Môn cử 24 cán bộ tiếp 15 quan chức Tứ Xuyên đến công tác 2 ngày 2 đêm, thời gian làm việc hết có 4 tiếng đồng hồ, còn lại là ăn nhậu, chơi bời, quà cáp, tốn hơn 100.000 NDT (300 triệu VNĐ).

Báo chí nước ngoài cũng lấy làm lạ trước phản ứng của dân Trung Quốc đối với tác phong sinh hoạt của Gary Locke. Báo The Christian Science Monitor đăng bài dưới tít Vì sao người Trung Quốc say mê Đại sứ Mỹ Gary Locke như vậy? (Why China seems so fascinated by US Ambassador Gary Locke?) Bài báo cho biết Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đưa tin ông Gary Locke cùng gia đình xếp hàng như mọi người khác, chờ hơn 1 giờ để lên xe cáp treo thăm Vạn Lý Trường Thành mà không đòi hỏi ưu đãi nào.

Và nhà bình luận của báo này nói công chúng Trung Quốc say sưa bàn chuyện ấy chủ yếu vì vị Đại sứ này tuy có khuôn mặt người Trung Quốc nhưng cách hành xử lại rất “không Trung Quốc”. Bài báo viết: Tại Trung Quốc, nơi dân chúng bức xúc vì “quan chức tham nhũng thành bệnh kinh niên”, hành vi khiêm nhường giống hệt một người bình thường của Gary Locke như làn gió mát giúp ông khi vừa tới Bắc Kinh đã được công chúng khen ngợi.

Dù ai nói gì đi nữa, Gary Locke với diện mạo một người Hoa chính cống, da vàng, tóc đen, mắt đen đã trở thành vị Đại sứ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc. Hình ảnh Gary Locke vai đeo ba lô, tay xách túi laptop, điện thoại di động giắt ngoài quần, dùng phiếu mua hàng giảm giá xếp hàng mua cà phê đã làm dân Trung Quốc hả hê khoái chí ca ngợi, tạo ra cơn sốt dư luận chưa từng thấy.

Nguồn:
Tân Đại sứ Mỹ “chạm thần kinh” quan chức TQ



28/11/11

MẸ CỦA MÌNH VÀ MẸ CỦA PAX THIÊN



1. Đang lướt web thì chị bỗng dưng nhớ đến mẹ và bật khóc tu tu giữa đêm khiến chồng chị lo lắng, còn các con thì trố mắt nhìn mẹ như nhìn một người xa lạ.

Lần đầu tiên cả nhà thấy chị khóc.

Đúng là đồ... đàn bà! Chồng chị bật cười sau khi biết nguyên nhân. Số là chị đang lướt web đến đoạn Pax Thiên không về thăm nhà. Nhà của cậu là Trung tâm Tam Bình ở đâu đó trong Nam mà giờ đây có lẽ cả thế giới đều biết vì nó là nơi nuôi dưỡng cậu bé bị bỏ rơi may mắn nhất hành tinh. Tất nhiên, chị không ghen tị với cậu. Chị nghĩ bất cứ đứa trẻ bất hạnh nào như cậu đều xứng đáng được bù đắp như thế.

Nhưng việc cậu về nước mà không về thăm nơi đã nuôi dưỡng cậu thì không được, nhiều người bảo thế. Mà cũng tại cái bà mẹ nuôi vô tâm của cậu ấy kia, chứ cậu ấy mới có tí tuổi, chưa bằng thằng lớn nhà mình, thì đã biết nghĩ gì đâu? Đã thế báo Tây lại đăng tin vịt là cậu được hội ngộ với bà ngoại. Điều này trên mạng, bị “còm”(comment) nhiều lắm. Mà sao không ai nói đến chuyện cho cậu được gặp mẹ đẻ nhỉ? Mẹ cậu vẫn sống sờ sờ ra đó cơ mà. Mẹ cậu lúc khó khăn đã phải gửi cậu vào nhà tình thương, nhưng là người mang nặng đẻ đau ra cậu, chắc mẹ cậu cũng nhớ cậu lắm. Mẹ cậu cũng là người biết nghĩ và biết mình có lỗi với cậu nhiều, nên chẳng thấy lên tiếng đòi hỏi điều gì.

Lẽ ra Pax Thiên phải được về thăm mẹ, chị kết luận.

2. Thế thì có gì chị phải khóc tu tu lên? Ấy là vì, chị chợt nhớ ra, đã cuối tháng 11 dương rồi, nghĩa là đã suýt soát 1 năm, từ Tết, chính chị cũng không về thăm mẹ lần nào, dù quê chị chỉ cách có bảy tám chục cây số.

Chị lại sực nhớ ra là một lần gần đây nhất, nhận được điện thoại của mẹ, ít nhất cũng phải nửa tháng rồi, đúng lúc đang họp, nên chị không nghe máy. Và khi thấy cái số điện thoại ở quê cứ gọi nhằng nhẵng, chị phải thưa máy, nhưng chỉ nói gọn lỏn một câu với mẹ: Chờ con gọi lại.

Tất nhiên, mẹ chị không chờ, bởi không thể chờ máy đến cả nửa tháng.

Trong cơn xúc động vì chuyện Pax Thiên không được về thăm mẹ, chị bỗng thấy nghẹn ngào nhớ mẹ mình, nhớ quê. Đúng là lâu lắm chị không về, cũng không hỏi han gì đến mẹ - người mẹ ruột thịt đã đẻ ra mình, đã không bỏ rơi mình ngày nào cho đến khi mình trưởng thành và tự bỏ rơi mẹ.

Công việc của chị bận thật, nhưng bận gì thì bận, nếu muốn về, giữa đêm chị cũng có thể về được. Lái xe về quê chị bây giờ chỉ mất có 2 tiếng. Nhưng chị đã không về.

Nhớ hồi mới “bỏ mẹ” xuống thành phố lập nghiệp, chị chỉ ao ước ở nhà có điện thoại, để tối tối chị được ôm máy tỉ tê với mẹ. Rồi khi điện thoại tràn lan, internet rẻ như bèo, chị lại nghĩ hôm nào lắp internet, cài thêm mấy cái webcam ở nhà, cả trong phòng khách lẫn trong bếp, để ngồi ở đâu chị cũng có thể truy nhập vào đó quan sát căn nhà thân yêu của mình ở quê và có thể nhìn thấy mẹ đang lụi cụi nấu nướng hay xem tivi.

Nhưng rốt cuộc, đến một cú điện thoại của mẹ, chị cũng không kịp trả lời. Rất nhiều khi đêm khuya, giở máy ra thấy mấy cuộc gọi nhỡ từ quê, chị cũng không gọi lại. Chị tặc lưỡi nghĩ, chắc ở quê đã ngủ.

3. Sau khi đã sụt sịt một hồi, chị ôm máy vào phòng, đóng cửa lại để gọi về quê. Đầu dây bên kia, mẹ chị nghe máy. Sau một hồi hỏi thăm, chị thấy yên lòng khi ở nhà mẹ vẫn bình an, chẳng ai đau yếu. Chị hứa tuần tới sẽ về.

Nhưng đầu dây bên kia, mẹ chị cứ một mực bảo phải về ngay. “Con bận lắm, mẹ phải thông cảm cho con chứ” - chị dằn dỗi, gác máy.

Ai cũng có mẹ để về thăm. Vậy mình đã về thăm chưa, mà lại bàn tán chuyện về thăm mẹ của cậu bé Pax Thiên?

Trần Vũ

Nguồn:
Mẹ của mình và mẹ của Pax Thiên



16/9/11

TÔI RA ĐÂY CÓ PHẢI XƯNG DANH KHÔNG NHỈ?



1. Cái danh con người trong cuộc sống quan trọng lắm. Nguyễn Công Trứ từng viết “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Khổng Tử cũng đã nói: “Danh chính ngôn thuận”. Đúng là làm gì cũng phải có cái danh.

Đến thằng hề trong chèo cũng phải xưng danh nữa là. Nhiều tích chèo, cứ ra đến sân khấu là anh hề lại phải dùng tiếng đế “danh”. Lời đế có nhiều loại, nhưng loại dùng nhiều nhất, cho nhiều tình huống, hoạt cảnh nhất là: “Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Liền ngay đó có tiếng đế lại “Không xưng danh thì ai biết là ai”. Nhiều đến nỗi tiếng đế này trở thành câu cửa miệng của các anh hề.

Quả thực tiếng đế danh ấy có vai trò quan trọng lắm, nó khiến cho nhân vật anh hề được giao lưu với người xem. Ngược lại người xem được tham gia cả vào diễn xuất qua câu trả lời. Tóm lại, nó làm cho chú hề chèo và người xem có một sự đồng cảm đặc biệt. Trong sự đồng cảm ấy, người xem không còn là người thưởng thức thụ động, mà họ từng lúc tham gia vào trò diễn với tư cách là người chứng kiến sự việc đang diễn ra trên sân khấu.

Có lẽ giữa chiếu chèo, tiếng trống, mõ, thanh la, não bạt, chũm choẹ... chưa đủ gây không khí nên người ta phải đế thêm như thế thì nó mới đủ xôm tụ. Để ai chưa biết buổi diễn bắt đầu hãy đến mà xem. Hơn nữa, tiếng đế ấy cũng làm cho người xem tỉnh táo, phân tích từng vấn đề được dựng lên trên sàn diễn với thái độ thích hợp. Bởi người xem đã biết người diễn ấy là ai.

2. Nhưng danh ấy được dùng đúng lúc, đúng chỗ, còn mấy ngày nay dư luận lại sôi sục chuyện danh của một số “ông quan”. Có ông chức danh “Phó Ban chỉ đạo TP.Cần Thơ về Phòng chống tham nhũng” được in chỗm chệ lên thiệp mời đám cưới con mình. Có ông quan mượn tiền cấp dưới cả tỷ bạc, dù ấy là “giao dịch cá nhân”, nhưng cá nhân ấy đang khoác trên mình một cái danh to tướng.

Ranh giới giữa công - tư vốn mong manh. Tổ chức Minh bạch Thế giới có đưa ra một định nghĩa ngắn gọn mà triết lý: “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao phó cho tư lợi”, cụ thể đó là khi quan chức sử dụng quyền lực công cho lợi ích tư. Chưa biết vô tình hay hữu ý thế nào, nhưng qua những việc thế này, hình ảnh những vị quan đáng kính, vốn được coi là “công bộc” của dân sẽ được nhìn với thái độ như thế nào.

Luật pháp Việt Nam đã quy định cấm sử dụng tài sản công vào những việc riêng tư như không dùng xe công để đi chơi, thăm viếng, lễ lạt; không dùng nhà công để kinh doanh; không đủ tiêu chuẩn thì không lạm chiếm nhà công sau khi công vụ đã kết thúc... Có lẽ giờ phải thêm, “không được mượn danh “công”.

Đạo lý tự xưa: “Việc công làm trọng niềm riêng sá gì”. Vậy nên, làm quan mà không công tư rạch ròi, dùng công để vun vén tư thì nên từ chức cho dân nhờ, kẻo nếu không, dễ biến phường mang danh mưu cầu giá áo túi cơm, có hơn một cái danh anh hề.

NGUYỄN GIA

Nguồn:
Phải chăng cây có tính người?



10/9/11

CÂY CÓ TÍNH NGƯỜI



Có hai loại cây nhà và cây rừng khó tính bà chằn.

1.
Đó là cây mít và cây dâu da. Trước đây nhà anh tôi có cây mít to. Vào mùa, quả ra chiu chịt từ gốc lên ngọn có đến dăm bảy chục trái. Những năm ấy nông thôn hiếm tiền, quả mít to bằng cái rổ đại, đem bán chẳng mua nổi nửa đấu gạo. Người ta cần cơm no chứ chưa cần hoa quả ăn chơi. Cho nên ăn không hết thì có cho xung quanh trong xóm.

Rồi thời gian sau, anh tôi đi cày về, tiện tay buộc chạc trâu vào gốc mít. Trước đây trâu thường được cho vào chuồng. Anh bảo để trâu nằm gốc mít cho thoáng mát. Có một cành la, anh chặt đi để ngoắc chạc trâu cho tiện. Buổi chiều trâu thả chăn thì cái cành thành chỗ phơi chiếu, quần áo, tã lót. Từ đấy dưới gốc trâu hay cọ mình làm bong tróc từng mảng vỏ, chưa kể nó còn phóng uế nhoe nhoét, khai nồng. Trẻ con mất chỗ chơi. Năm sau cây mít thưa quả dần và ba năm sau thì tịt hẳn. Anh tôi chẳng hiểu tại sao.

Một bữa có khách xa đến chơi, thấy cây mít đại thụ mà không quả. Ông lẳng lặng nhìn gốc cây ông khẽ lắc đầu. Câu chuyện loanh quanh thế nào lại lan sang gốc mít, ông khách nói ngay: Nhìn cái tôi biết ngay sao cây mít tắt quả. Mít là loài cây thiêng, gỗ chỉ được dùng đóng đồ thờ hoặc tạc tượng. Anh buộc trâu để nó phóng uế bừa bãi rồi lại còn phơi đồ bẩn lên, nó không chịu đâu.

Anh tôi chợt hiểu, cho dọn dẹp sạch sẽ gốc cây. Từ đấy không buộc trâu dưới gốc mít nữa. Năm sau mít lại ra quả. Ba bốn năm sau lại chiu chịt từ gốc đến ngọn. Thật không sao hiểu nổi!

2. Hàng xóm sau nhà anh tôi có cây dâu da mọc ngay bên chái nhà. Vùng tôi người dân có thói quen là không nhổ bỏ bất kì loài cây ăn quả nào nếu nó mọc lên quanh nhà quanh vườn. Người ta coi nó là lộc trời cho không được tùy tiện ngắt bỏ đi. Nhưng cũng có lẽ là do vườn tược rộng rãi nữa! Nên các loại cây ăn quả như táo, ổi, na, xoài, chanh, bưởi chen nhau như răng mọc lẫy.

Cây dâu da thì cũng vậy. Nó là giống ở rừng tự mọc lên ở đó từ lúc nào, chủ nhà cũng để mặc. Dâu da cạnh hơi người lên tốt xum xuê. Gần mười năm thôi mà gốc bạnh ra như cổ thụ. Nhưng lạ là cứ tàn hoa là rụng ráo. Năm sáu năm trời như vậy, cuối cùng cây ăn quả trở thành cây che bóng mát. Có người nói hay là giống dâu da điếc.

Không biết ai bảo, vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 giết sâu bọ thì hai đứa con nhà ấy dậy sớm tinh mơ. Thằng em nhẹ người leo tót lên cây biến vào chùm lá rậm. Con chị thì tất tả ra góc chuồng lợn vác cái vồ gỗ to hơn người. Nó rướn mình quai vồ, miệng lầm bẩm: “dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không tao đánh chết!”. Nói rồi nó táng ba nhát vồ vào gốc. Thằng em trên cành cao giả vờ kêu thét: “Con lậy van bà/ bà đừng đánh nữa/ rồi quả sẽ ra”... Xong việc thằng em tuột xuống gốc cười toét. Cả hai đứa kì vọng vào mùa hoa sang năm.

Năm sau vào tháng ba, những chùm hoa buông dải chi chít như dây lộc vừng. Kì diệu thay mùa hoa này kết trái. Những chùm dâu da treo lúc lỉu như đèn lồng. Mùa sau tiếp mùa, năm nào gốc dâu da bên trái nhà hàng xóm đều cho hàng tạ quả...

Lạ thế, mít là giống cây vườn thì khó tính và khái tính đến lạ kì. Dâu da, giống cây rừng thì lại phải thuần hóa mới chịu cho quả. Phải chăng cây cũng có tính người?

Bài và tranh minh họa: ĐỖ ĐỨC

Nguồn:
Phải chăng cây có tính người?



7/9/11

MINSK - NHÌN TỪ TRÊN CAO


Minsk - thủ đô Belarus. Thành phố bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và được xây dựng lại sau chiến tranh. Minsk do vậy là thành phố trẻ. Thời Liên Xô, đây là một trong những thành phố đẹp nhất, hiện đại nhất và sạch sẽ nhất. Giờ đây, Minsk vẫn sạch vẫn đẹp như thế và hầu như không có sự xô bồ giống như các thành phố khác của Nga. Minsk được mệnh danh là "thành phố cấm".

Ảnh 1. Tháp cạnh Bộ Quốc phòng Belarus.


2. Khu vực tháp truyền hình.

3. Đảo Nước mắt (kỷ niệm những chiến sĩ chết trong chiến tranh Afghanistan)
trên sông Svisloch.


4. Cung thể thao và Sân trượt băng trong nhà.

5. Nhìn từ đỉnh ngôi nhà cao nhất Minsk.

6.Quảng trường trung tâm.

7. Trên nóc tòa nhà cạnh ga đường sắt.

8.9.10.11. Quang cảnh khu vực Nemiga.




12. Công viên Chiến thắng. Hồ Komsomolskoe.

13. Quảng trường Chiến thắng.

14. Thư viện Quốc gia Belarus.

15. Tháp đồng hồ trên đại lộ chính của Minsk.

16. Trụ sở chính phủ Belarus.

17. Dưới Quảng trường Độc lập là trung tâm thương mại ngầm "Thủ đô".

18. Nhà thờ Thánh Simeon và Elena.

19. Sân vận động Dinamo.

20. Trước Nhà hát Ballet và Opera Quốc gia.



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết