24/9/10

NGƯỜI HÀ NỘI SÁNG TẠO TỪ MỚI



Hoàng Ngọc Hiến

…Ở Đại học Harvard, theo lời mời của GS Huệ Tâm Hồ Tài, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Đông Á, tôi nói chuyện với các bạn đồng nghiệp và sinh viên về một số hiện tượng đáng chú ý trong văn học Việt và Tiếng Việt hiện đại. Một sự bất ngờ là điều được cử tọa chú ý và thảo luận sôi nổi là chuyện vui tôi kể về sự sáng tạo từ của người Hà Nội. Tôi nhận thấy cứ vài ba năm người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới hoặc một cách diễn đạt mới - bao giờ cũng độc đáo, hóm hỉnh và lan tràn rất nhanh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Nói về ưu điểm của mình, người Hà Nội nói là “hơi bị” ưu điểm. Người Hà Nội không nói: “Tôi nhảy giỏi” mà lại nói “Tôi nhảy hơi bị giỏi”. Người Hà Nội không nói: “Tôi giỏi tiếng Anh” mà lại nói: “Tôi hơi bị giỏi tiếng Anh”. Người Hà Nội không nói “Đôi giầy của tôi là giày xịn” mà nói: “Đôi giầy của tôi hơi bị xịn”…

Đã “hơi” lại còn “bị”, quả là hai lần khiêm tốn. Nói về ưu điểm của mình mà lại “hơi bị”, dường như có sắc thái hóm hỉnh, tự trào - “Tôi hơi bị nhảy cảm”, “Tôi tiếp thu hơi bị nhanh”, “Trí nhớ tôi hơi bị tốt”, “Tôi hơi bị khỏe”… Với cách diễn đạt này, cả Hà Nội đang trở nên khiêm tốn, mà cũng không hẳn là khiêm tốn.


Cũng thời gian gần đây, người Hà Nội nói gì cũng “vô tư”, cái gì cũng “vô tư”. Mời một người bạn đi uống bia và anh ta nhận lời: “Được, tôi đi ngay! Vô tư!” mà không nhận lời cũng “vô tư”! Khen hay chê đều “vô tư” cả. Bài này tốt, đăng “vô tư”! Bài này kém, không đăng được, “vô tư đi!”; Từ “vô tư” ở cửa miệng người Hà Nội mang nhiều sắc thái: Hóm hỉnh, hồn nhiên, cởi mở…

Dù là tranh thủ hay thách thức người đối thoại, bao giờ cũng vui vẻ, thân tình. Qua lời nói thân tình của người Hà Nội, “vô tư” từ một đạo đức cao xa đã trở nên gần gũi, thoải mái, thỏa đáng… Ai cũng có thể vô tư, cả Hà Nội trở nên vô tư… Một bước tiến thực sự về tinh thần do phép màu nhiệm của ngôn từ.

Buổi hôm ấy, cử tọa bắt mấy từ của người Hà Nội rất nhanh. Lúc ra về nói chuyện với một cháu Việt kiều, thấy cháu nói tiếng Việt không sõi, tôi hỏi: “Cháu có hiểu những điều tôi nói hôm nay không ?” cháu nhoẻn miệng cười và trả lời: “Cháu hơi bị hiểu. Chú nói chuyện vui lắm. Muốn nghe chú nói nữa.” “Vô tư đi!”


Mấy năm gần đây, người Hà Nội thích dùng từ “hoành tráng”. Cái gì cũng có thể “hoành tráng”. Hỏi người Hà Nội “Hoành tráng là gì?” chắc nhiều người lúng túng. Nhưng xem ra họ dùng từ này rất trúng. Bát phở thông thường giá hăm nhăm ngàn, nay có một bát phở giá một trăm năm mươi ngàn thì chẳng có cách nói nào tốt hơn gọi nó là một bát phở “hoành tráng”.

Mỗi người như gửi vào từ này một “sắc thái” riêng thể hiện ở ánh mắt, nụ cười khi nói, và chính “sắc thái” đó làm tăng sức thuyết phục cho ý nghĩa của từ được sáng tạo hồn nhiên. Đây cũng là một biểu hiện của cái vẫn được gọi là “tài hoa” của người Hà Nội.


Nguồn
Cứ vài ba năm, người Hà Nội lại sáng tạo ra một từ mới… - TẠP CHÍ TIA SÁNG



23 comments:

PTN on lúc 19:36 24 tháng 9, 2010 nói...

He he, bờ-nốc VMC hơi bị hoành tráng đấy !

LU on lúc 20:10 24 tháng 9, 2010 nói...

Today, I learn a new word => nhuc nhu con trung truc :))

Titi on lúc 20:33 24 tháng 9, 2010 nói...

hi hi...ngoài từ lóng hài hước mới như trên, người HN còn đảo những thành ngữ cổ lỗ xĩ ngày xưa trở nên rất hóm hỉnh, hiện đại :
Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó - Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó

Lệnh ông không bằng cồng bà, cồng bà không bằng ý muốn của thằng con

Ông ăn chả, bà ăn nem, con cái ăn beef steak

Phép vua thua lệ làng, lệ làng hàng thằng nghiện

Ác giả, ác fake ác mistake ( câu này không còn ý như câu cũ Ác giả ác báo mà chỉ những đứa giỏi bắt nạt kẻ yếu nhưng thực ra lại nhát như cáy)

Nhà mặt phố bố làm to - Nhà biệt thự bự chứng khoán
Song kiếm hợp bích - Song vốn hợp dự án

Ke ke ke...

lvu on lúc 20:54 24 tháng 9, 2010 nói...

Ngôn ngữ luôn thay đổi, ở đâu cũng thế thôi. Chính vì vậy nhiều khi thấy các cụ nhà mình cứ gào lên là lớp trẻ chúng làm hỏng ngôn ngữ. Hỏng là hỏng thế nào, các cụ không chịu mở mang đầu óc nên không hiểu được ngôn ngữ mới thì là lỗi tại các cụ.

MC3 on lúc 22:12 24 tháng 9, 2010 nói...

Còm của 2Ti hơi bị được!

Pig on lúc 23:03 24 tháng 9, 2010 nói...

bài viết hơi bị hay :-j

Vhlinh on lúc 23:23 24 tháng 9, 2010 nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Vhlinh on lúc 23:25 24 tháng 9, 2010 nói...

Hơi bị "ưu văn ái " người Hà Nội ! Ke ke.
Một số từ mới xuất hiện, một số từ cũ chết đi, ở đâu cũng thế thôi, không chỉ riêng Hà Nội. Đây là qui luật trong quá trình phát triển của ngôn ngữ nhân loại. Cái đáng đem ra khoe với bàn dân thiên hạ ở đây có lẽ là sắc thái tạo từ mới của người Hà Nội thì đúng hơn.
Bài viét "hơi bị hay".
Bờ nốc " hơi bị mát tay"
Suy ra là Chủ nhân bờ nốc "hơi bị hoành văn tráng" !!!

Nặc danh nói...

Chắc gì những từ này người Hà Nội sáng tạo ra (cách diễn đạt mới) nhỉ ?

Unknown on lúc 07:57 25 tháng 9, 2010 nói...

Hay dã man con ngan,

Thuy Dam Minh on lúc 08:27 25 tháng 9, 2010 nói...

Hình như từ hơi bị xuất phát từ giới trẻ em ạ! Sau đó mới lan ra các lứa tuổi. Từ này hay đấy chứ!

Titi on lúc 10:33 25 tháng 9, 2010 nói...

É chị Bí nhắc mới nhớ tới cái kiểu lồng chữ Văn và chữ Thị vào giữa một từ kép, chắc chắn kiểu lồng ghép nhại lại kiểu tên họ này chỉ có ở HN. He he...

NLVD nói...

- Khóc trên đống thóc
- Muốn nhanh thì phải từ từ
- Chuyện nhỏ như con thỏ đang ăn cỏ
- Văn thằng nghiện chuyện cave
- Vào, vơ, vét, về(câu này có ngữ cảnh đặc biệt tý)

(Không đúng mạch bài lắm nhưng thôi cứ comment he he)

NLVD nói...

À còn cao thủ trên cây đu đủ nữa chứ :)

Trang nói...

còn từ "chuối" nữa chứ. Từ này cũng hơi bị hay...

Nặc danh nói...

Nham, cha co' gi` hay ho ca .

MC3 on lúc 22:46 25 tháng 9, 2010 nói...

Titi hồn nhiên như cô tiên :))

Titi on lúc 08:08 26 tháng 9, 2010 nói...

@MC3: ANh Minh thật là tinh tướng ! Hé hé hé...

NLVD nói...

- Tinh tướng ăn khoai nướng.
Em không bảo anh M ăn khoai nướng đâu nhé, khoai nướng hơi bị ngon đấy.

MC3 on lúc 19:00 26 tháng 9, 2010 nói...

NLVD, 2T: Khoai anh Minh nướng hơi bị ngon!

NLVD nói...

a còng anh Minh: một phút dành cho quảng cáo!

VMC on lúc 19:37 26 tháng 9, 2010 nói...

Còn nữa này:
- Ngất trên cành quất
- Chuyện nhỏ như con thỏ

Dạo này người Hà Nội còn hay dùng cụm từ "cho nó lành".

VD: Thôi, chả chứng chiếc, cổ cánh gì nữa, em gửi tiền tiết kiệm cho nó lành.

Chú thích: chứng - chứng khoán; cổ cánh - cổ phiếu

MC3 on lúc 20:41 26 tháng 9, 2010 nói...

> VMC: còn XANH-ĐỎ nữa chứ, mới đủ mâm :))

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết