10/5/10

CẬU BÉ "GIỜ THỨ 38"



Dạo này có duyên được tặng thơ. Tuần trước, gặp cô giáo Hải Phòng Phạm Thúy Nga. Cô tặng tập thơ “Sân người” mà tôi đã giới thiệu trong một entry trước. Cách đây mấy hôm đi hội thảo về truyền thông chống thuốc lá, tình cờ gặp một đồng nghiệp từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị là mẹ của cậu bé làm thơ Đặng Chân Nhân, có thơ từ năm 8 tuổi.

Hỏi thăm về Nhân, chị nói cậu bé năm nay đã 17 tuổi, đang theo học phổ thông tại Anh, vẫn làm thơ và đã xuất bản tập thơ thứ hai (song ngữ) có nhan đề “Giờ thứ 38”.

Nhân đã gây xôn xao văn đàn cách đây vài năm khi những bài thơ quá già dặn so với tuổi của cậu xuất hiện trên báo chí. Người ta nói đến một thần đồng thơ thứ hai, sau Trần Đăng Khoa.

Quả thật, tôi không khoái từ “thần đồng”. Từ đó khiến tôi nghĩ đến một tuổi thơ bị đánh cắp, về những đứa bé bị tách biệt với cuộc sống đúng với lứa tuổi để làm những điều phi thường. Chúng phải trả giá cho sự nổi tiếng quá sớm.

Đem mối lo lắng đó hỏi chị đồng nghiệp, chị vui vẻ cho biết Nhân hoàn toàn là một cậu bé bình thường, hiếu động, hóm hỉnh và có giao tiếp rộng. Cậu không ru rú ngồi trong 4 bức tường để nặn ra những vần thơ triết lý. Chúng đến rất tự nhiên trong quá trình khám phá thế giới của một đứa trẻ. Các ông bố bà mẹ nhiều khi ngạc nhiên trước những câu hỏi của trẻ con. Trẻ con thường đưa những phát kiến đặc biệt về thế giới, gây ngạc nhiên phút chốc cho cha mẹ rồi quên. Còn Nhân, những phát kiến ấy được ghi lại bằng thơ và làm sửng sốt chúng ta – những người lớn không liên quan đến cậu.

Thơ của Nhân càng lớn thì càng dung dị hơn, chuyển từ khám phá thế giới sang khám phá chính nội tâm của mình.

Giới thiệu cùng mọi người một vài bài thơ của Chân Nhân mà tôi cảm thấy hay.

SỢ HÃI


Nó bám theo bạn; lúc nào cũng ở trước mặt
hét lên trong đau đớn; nhưng bạn không thể chạy
ám ảnh bạn đến chết; nó không để bạn yêu
cố gắng nhắm mắt; nhưng nó không đi
nó như một con ma; bạn của quỷ
nó vào trong đầu bạn; và chào bạn
làm bạn lạnh, trắng bệch, và đông cứng.


ĐƯỜNG TẮT

Luôn luôn có một con đường ở trước bạn.
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích.
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó.
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn.
Nó không dài, nó không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.

Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ.
Nó không có những công việc khó khăn.
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào.
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn.
Nó không làm cho bạn tốt hơn.
Và nó luôn là con đường sai.

Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy.
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu.
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công.
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc.

Chúng trở nên thành công với những ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại ?

Đặng Chân Nhân
Sinh năm 1993
Bắt đầu làm thơ từ 2001
Tác phẩm đã xuất bản : Hình dung (2008), Giờ thứ 38 (2009)



28 comments:

lvu on lúc 23:18 10 tháng 5, 2010 nói...

Ụp, thơ già và trăn trở thế :))

Vân Lam on lúc 01:25 11 tháng 5, 2010 nói...

Em thích đoạn anh viết về việc không thích hai từ "thần đồng". Quả là thơ cậu này "trăn trở" nhiều hơn tuổi. Bài "Đường tắt" vượt quá xa lứa tuổi của cậu. Nhưng nếu cậu vẫn sống hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, thì em thấy cũng có sự diệu kì, nhỉ? :D

Hy vọng tài năng của cậu sẽ ngày càng phát huy, không bị "tịt" giữa chừng như bác Tờ-Đờ-Ka (phát âm tắt). :P

Đỗ on lúc 08:21 11 tháng 5, 2010 nói...

Tôi đọc thấy khô khô cứng cứng sao ấy, hay là tại mình ếch thơ.

L2C on lúc 08:38 11 tháng 5, 2010 nói...

Khọm quá, cháu ơi. Sợ rằng cháu hay phải nghe bố mẹ bàn chuyện thế sự hàng ngày nhiều hơn là nghịch đất cát.

Ở cơ quan em cũng có một chị, giọng rất Lê Thị Liên Hoan, có hai đứa con giọng kiểu "Cậu thử bàn kỹ xem tối này mình có nên bày tỏ cho sếp bố và sếp mẹ xem món cá này hơi đậm đà không?"

Vhlinh on lúc 08:43 11 tháng 5, 2010 nói...

Sinh năm 93 mà suy tư già dặn ghê. Với cách tư duy già dặn này, hy vọng bạn Nhân sẽ thành công nếu biết tiết chế những trăn trở để chúng đừng vượt quá xa mức cần thiết. Nói thì dễ nhưng tiết chế đâu có dễ bởi tâm hồn thi sĩ thì chỉ có trời biết nó mênh mông như thế nào.

Tuy vậy, mình thấy khó có thể gọi đây là thơ hay bởi vì ý tứ bộc lộ rõ quá. Hoặc mình cũng giống Đỗ, ếch thơ.

Thuy Dam Minh on lúc 08:52 11 tháng 5, 2010 nói...

Đọc mấy bài thơ, thấy chàng trai này quá già dặn so với lứa tuổi của cậu ấy và so với lứa tuổi của lớp thanh niên 17 bây giờ. Mừng, nhưng cũng có đôi chút lo lắng vu vơ.

NOO on lúc 09:12 11 tháng 5, 2010 nói...

Bác Tờ-Đờ-Ka cũng phát triển í chứ, bác nhỉ, nhưng không trèo qua được hạt gạo thôi...
Khi trẻ em trở thành người nổi tiếng, ít ai sẽ được hạnh phúc hay sống bình thường với hào quang. Thơ cháu Nhân song ngữ, chắc bản tiếng Anh đọc hay hơn. Cách nhìn nhận cuộc sống rất người lớn.

VMC on lúc 09:22 11 tháng 5, 2010 nói...

@Vân Lam:
Nếu em định nói tới bác đó, thì bác ấy đã phát triển theo hướng khác. Cũng thành công lắm và giờ vẫn là một người nổi tiếng.

@Đỗ:
Thơ mới mà anh, không mượt mà du dương như thơ của thế hệ tác giả mà chúng ta được học trước kia.

VMC on lúc 09:24 11 tháng 5, 2010 nói...

@Like2chat:
Anh đã gặp mẹ của nhà thơ trẻ này và thấy chị là một người thông minh, quảng giao, có cảm giác rất tốt về sự chừng mực. Chị ấy biết tôn trọng bản năng và bản ngã của con trẻ và không gò ép chúng vào một khuôn mẫu nào đó.

VMC on lúc 09:27 11 tháng 5, 2010 nói...

@Vhlinh:
Rất đồng ý với Bí: "Tâm hồn thi sĩ thì chỉ có trời biết nó mênh mông như thế nào".

@A Thụy:
Mừng thì cứ mừng, lo thì cứ lo, anh ạ. Đó là hai mặt tất yếu của cuộc sống (nghe hơi giống quảng cáo trên tv, hehe).

VMC on lúc 09:28 11 tháng 5, 2010 nói...

@NOO:
Bây giờ cậu bé đã ở một môi trường khác, không có ánh hào quang bủa vây. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp với cậu ấy.

Titi on lúc 09:38 11 tháng 5, 2010 nói...

Hay ! Em thấy khá hay! Là kiểu thơ của một tâm hồn trẻ, thẳng thắn, không màu mè nhưng quan sát tốt, đúc kết tốt. Hơi thiếu sự bay bổng của thi ca nhưng đòi hỏi sự bay bổng ở tuổi đó hơi khó :-D
Thực ra, đứa trẻ nào cũng có thể làm thơ như vầy. Chỉ có điều, trong gia đình VN, cha mẹ không khoái cho con nghĩ ngợi già dặn quá, nhiều gia đình còn coi thơ ca là xướng ca vô loài...nên chỉ bằng vài cái bĩu môi, vài từ bóng gió là đã dập tắt cảm hứng viết của con từ trong trứng nước.
Em thấy tư duy như này chẳng có gì già quá lứa tuổi đâu. Nhất là khi từ bé đã được đọc những cuốn sách thuộc dạng khủng như triết, văn cổ, hồi ký, tuyển tập... Tại vì ta cứ mặc định trẻ con là nghĩ thế nài, nói thế nọ...thực ra khả năng của chúng là rất lớn. Và vì thế, việc viét được như thế này là bình thường :-)

Chỉ có điều, em chắc chắn, như tất cả những đứa trẻ ham hiểu biết và được cha mẹ bao bọc khác, bé này cũng mong manh dễ vỡ lắm. Cho nên, "tài năng" đấy nhưng cũng dễ "hết tài" sớm nếu như bố mẹ không có thái độ đúng đắn với tài năng của con.

Unknown on lúc 10:09 11 tháng 5, 2010 nói...

Tài năng thì em công nhận là tài năng, cảm quan và suy nghĩ chín chắn đến không ngời. Nhưng thơ (mấy bài ở trên) thì em không thích lắm, nói thế nào nhỉ vì hình như nó hơi thiếu thiếu chất...thơ.

Lana on lúc 10:13 11 tháng 5, 2010 nói...

Đọc đoạn đầu entry, Lana cũng lo ngại cho sự phát triển tâm lý của cậu bé. Đọc SỢ HÃI cũng cho cảm giác vậy (những đứa trẻ cũng có nỗi sợ hãi, nhưng thường qua nhanh chứ ít hiển hiện rõ vào câu chữ như vậy).
Thấy nhẹ lòng hơn nhiều khi đến câu "Thơ của Nhân càng lớn thì càng dung dị hơn". Cũng thích "ĐƯỜNG TẮT" hơn. Có vẻ như một khám phá già dặn nhưng vẫn là thơ trẻ em - đơn giản và trực diện.

LU on lúc 10:22 11 tháng 5, 2010 nói...

Thơ của cậu bé này ảnh hưởng theo thể loại như nói của tiếng anh rồi. Đọc bằng tiếng Việt thì thấy khô khan, nhưng dịch qua English thì sẽ ổn. Mới 17 thôi mà, nếu được học bên đó từ phổ thông thì sau này sức học sẽ khá lắm.
Môi trường sống ở nước ngoài sẽ giúp cậu bé phát hiện thêm nhiều khả năng nữa của cậu ấy. Có thể sau này thơ ca chỉ là món ăn giải trí tinh thần lúc rảnh rỗi thôi.
Nếu ở VN thì sợ sẽ bị hào quang làm tắt tịt tài năng, nhưng sống và làm việc ở nước ngoài thì ko lo đâu. Vì xã hội cậu bé sống có cả trăm cả ngàn người cũng giỏi thế, và họ ko xem cái hào quang nhất thời là cái để lòe. Họ vẫn tiếp tục đi tới để chinh phục thêm nhiều lĩnh vực khác, ko phí phạm khả năng của mình.
Em tin bà mẹ đã hiểu rõ con mình. Biết đâu sau này cậu bé lại là một nhà khoa học thì sao? Có tài năng lại được đào luyện trong môi trường tốt thì em tin chắc cậu bé này thành công.

doanh on lúc 11:39 11 tháng 5, 2010 nói...

15 tuổi mới viết thơ thế này thì tệ hơn em ngày xưa nhiều :-D. Lúc đó em toàn viết thơ tình không à, kà kà

Vote cho còm của Titi, trừ đoạn cuối, em cũng thấy là bình thường, nên chưa gọi gì là tài cả, nhưng quan trọng là cậu ấy đã 'viết thơ' - riêng hành động đó thôi cũng okie rồi. Ngoài ra, người lớn chả nên soi xét quá. Cứ để cho cậu í thả phanh đi, có thể thành nhà thơ hay nhà gì miễn là thích. Nên, nói vụ tiết chế sớm quá Bí ui :-D

Nặc danh nói...

Cậu bé này được gia đình ủng hộ cho sở thích làm thơ là một điều hay. Nếu được định hướng đúng kèm thêm khả năng thiên phú thì việc được ghi nhận tích cực trên thi đàn là hoàn toàn có thể xảy ra. Riêng cá nhân em thì thích thơ nào phải bay bổng, nửa kín nửa hở tí, em thích tính lãng mạn của thơ ca.
Em nhớ khi mình 9-14 tuổi, em hay viết văn và làm thơ lắm, đặc biệt là thơ về tình iu (ngoài tình iu gia đình, có cả tình iu nam nữ nữa) Cô giáo cứ tấm tắc khen hay nhưng không bao giờ cho điểm cao vì cô nói em nhờ bố mẹ hay anh chị làm dùm. Bạn trong lớp thì bảo em đạo văn đạo thơ, ôi ức lắm. Cứ mấy lần như thế, cô chủ nhiệm mời má lên họp để phản ánh việc làm bài hộ con. Gia đình em biết chuyện thì cật lực phản đối, không phải là phản đối cô giáo mà cấm không cho em thơ thẩn iêu đương nữa, dẹp ngay. Trời ơi, khóc sưng cả mắt. Đến đầu năm cấp 3, theo lời đề nghị của gia đình, em thi vào trường nữ sinh do các Soeur điều hành, lớp chỉ toàn con gái. Ở đó em lại càng thi thơ mãnh liệt hơn; mà thơ iu thì được đăng lên cả báo tường của lớp. Gia đình em chẳng ai ủng hộ cái vụ thơ này của em cả. Như chị Titi nói, gia đình em cho thơ ca là xướng ca vô loài. Hết năm cấp 3, bà ngoại mời thầy xem tử vi cho em, có một chi tiết rất hài hước, tử vi khẳng định năm em 70 tuổi thì em sẽ rất ´´hot´´ vì ba cái vụ thơ thẩn của mình. Thế là bao nhiêu thơ sáng tác em ´´ém´´ hết, chờ thổi nến sinh nhựt lần thứ 70 mới lụm khụm lôi thơ của mình ra khoe để xem có hot được không. Anh Cường ráng chờ thêm vài thập niên nữa, để ủng hộ cho thơ của lão bà này nhé.

Lana on lúc 13:24 11 tháng 5, 2010 nói...

Titi ơi bố mẹ đã cho cậu bé sang Anh học tức là cậu tự lập rất nhiều, không nhiều 'bao bọc' đâu, trừ chuyện lo chi phí sống và học thì hầu hết mọi đứa trẻ nào ở tuổi ấy cũng đều còn dựa bố mẹ.

Môi trường học ở các nước tiên tiến không gò ép theo khuôn như ở VN, sẽ rất tốt cho Chân Nhân. Mình cảm thấy bố mẹ của Chân Nhân đã rất quan tâm và có tri thức trong việc hướng cho con lớn khôn. Chúc anh chị và Chân Nhân thật nhiều may mắn.

VMC on lúc 14:14 11 tháng 5, 2010 nói...

@Titi:
Rất chia sẻ với ý kiến của Titi, phần cuối trong comment của Titi thì Lana đã có ý kiến ở dưới.

@Phú:
Đối với thế hệ của chúng ta thì thơ nhất định phải là thơ, phải có vần có điệu. Nhưng thế hệ 9X thì làm thơ kiểu này đó Phú.

VMC on lúc 14:16 11 tháng 5, 2010 nói...

@LU:
Anh cũng nghĩ đây chỉ là bước khởi đầu. Nghe mẹ Chân Nhân nói là cậu bé có những sở thích và đam mê giống hệt những teenager khác. Việc Nhân có trở thành nhà thơ hay không không quan trọng, mà là Nhân có lối suy nghĩ độc lập ngay từ bé.

@Gấuxx:
Nhất trí với Gấu.

VMC on lúc 14:18 11 tháng 5, 2010 nói...

@HPLT:
Đợi đến bao giờ mới tới lúc HPLT "hot" để đọc thơ tình của bà lão 70 đây??? Chưa biết chừng có khi đoạt giải Nobel Văn học ấy chứ!

VMC on lúc 14:20 11 tháng 5, 2010 nói...

@Lana:
Anh cũng thấy ở môi trường giáo dục của Anh, Chân Nhân sẽ có cơ hội phát triển khả năng của mình (thơ và những thứ khác) một cách hài hòa hơn.

Vhlinh on lúc 14:39 11 tháng 5, 2010 nói...

@Gấu @ VMC: Vẫn cần tiết chế đó các bạn ui. Người thông minh sắc sảo thường gắng đi đến cùng của hiện tượng, lại thêm tâm hồn nghệ sĩ mênh mông nữa thì bản thân dễ bị dẫn dắt đến một nơi mà sự nhạy cảm dường như thiếu chỗ để trú ngụ. Và rồi"bùm" !!! Có thể sự thành công sẽ bị giảm thiểu đó.

Titi on lúc 14:41 11 tháng 5, 2010 nói...

Ok, cả nhà hãy chúc mừng cho em Nhân vì đã thoát được phương pháp giáo dục kiểu bao bọc :-P

Titi on lúc 14:42 11 tháng 5, 2010 nói...

@Chị Bí: chữ bùm của chị rất hay, rất tốt cho tâm hồn nghệ sĩ đóa :-)

Titi on lúc 14:51 11 tháng 5, 2010 nói...

@Gấu: nóng sớm quớ! Thế mà đọc chữ nguội là nguội ngay được. Tài ghê ha :-D

Vân Lam on lúc 18:09 11 tháng 5, 2010 nói...

À, em cũng biết là bác ấy thành công, nhưng giá như ngày xưa người ta đừng dùng từ "thần đồng" cho bác ấy, thì việc bác ấy thành công ở một lĩnh vực mình không từng là "thần đồng" cũng không làm ai cảm thấy tiếc..Thế nên việc anh không dùng từ "thần đồng" ở đây em rất tán thành. :D

Đọc cmt của các anh chị, em cứ thấy tuổi 15 của mình ngày xưa ngu quá là ngu, vì chả nghĩ được những điều "bình thường" như cậu này đã viết. :D Hy vọng con em nó khá hơn.

LU on lúc 20:43 11 tháng 5, 2010 nói...

Anh Cường : yes, có lối suy nghĩ độc lập cộng môi trường sống tự lập sẽ dễ dẫn đến thành công. Khi qua phổ thông (high school) để vào đại học, em tin cậu ấy sẽ có vô số hướng đi và nghành nghề để chọn, cha mẹ ko ép buộc được con mình phải học gì làm gì bên nước ngoài đâu. Những đứa trẻ tự quyết định nó thích gì, và bạn bè chung quanh cũng thông minh giỏi giang như thế, sẽ giúp cậu bé sống bình thường không nghĩ mình là "sao". Bên VN chỉ cần có chút ít gì gì đó thì dễ làm cho người ta ảo tưởng bản thân sinh ra hư hỏng, nhưng môi trường nước ngoài thì nhân tài nhiều lắm nên ko lo đâu.
Sinh ra con ko bị si khờ và mừng rồi, nếu nó lại thông minh có tài năng thì càng là cái phúc của gia đình.
Tất cả chỉ mới là khởi đầu, tuy nhiên, người có khả năng thiên phú thì bước tiến sẽ tốt hơn người ko có, thế thôi!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết