28/5/10

20 ĐIỀU THẦY CÔ CẦN GHI NHỚ



1. Hãy vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của chúng.

2. Bạn là người rất gần gũi với học trò, hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.

3. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.

4. Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.

5. Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.

6. Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm bắt đầu.

7. Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập.

8. Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng cúa chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên.

9. Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.

10. Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này.

11. Mỗi bài giảng của bạn phải là một bước tiến, dù là rất nhỏ, về phía trước trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp.

12. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ, bạn cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.

13. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng.

14. Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm.

15. Hãy nhớ rằng trên lớp học sinh cần phải cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới làm các em tập trung chú ý được.

16. Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, bạn cần nhớ rằng đối với họ đứa con là quí giá nhất trên đời. Vì thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.

17. Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai.Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.

18. Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.

19. Đừng dạy học sinh quá tự tin- sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè- chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lờ i- chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc - chúng sẽ bị khước từ.

20. Một lần nữa xin nhắc lại: Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.

(sưu tầm)

KIỂM ĐIỂM BẢN THÂN:

1. Đã và đang làm.
2. Đã và đang làm.
3. Đã làm.
4. Đã, đang và sẽ làm.
5. Sẽ làm.
6. Đã và đang làm.
7. Chưa từng làm và sẽ không làm, vì dạy đại học không có họp phụ huynh.
8. Có cười, nhưng không thể nhìn vào mắt từng em, vì sĩ số quá đông: hơn 100 sinh viên.
9. Đúng là như thế. Cố gắng đổ đầy thì mệt lắm.
10. Rất ít khi cho điểm kém, phần vì sinh viên không đến nỗi dốt. Nhưng đôi khi vẫn phải buộc lòng cho điểm kém, vì chất lượng bài thi quá tồi.
11. Đã, đang và sẽ làm.
12. Đúng như vậy.
13. Hoàn toàn nhất trí. Đã, đang và sẽ làm.
14. Cố gắng công bằng, nhưng có những sinh viên đặc biệt không thể không cảm mến. Chuyện bình thường!
15. Vẫn nhìn thấy trong lớp những sinh viên ngủ. Họ mệt. Không nên đánh thức họ.
16. Không bao giờ có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh.
17. Đã làm.
18. Khó làm vì không có nhiều thời gian với sinh viên.
19. Điều này mới biết. Sẽ áp dụng.
20. Đúng thế. Đã, đang và sẽ làm.

38 comments:

LU on lúc 21:41 28 tháng 5, 2010 nói...

Những năm em đi học thì em rút ra được câu này, nếu học sinh hay sinh viên có thể biến nó trở thành slogan cho lý do mình tới trường, thì em tin chắc họ sẽ học và nhớ hết, cũng như biết cách ứng dụng tốt những gì đã học.

"I want to be there not I have to be there"

Sơn Nguyễn nói...

Cảm ơn Thầy vì những việc Thầy đã, đang, sẽ và cả không bao giờ làm cho học trò của mình.
Em thích nhất điều 12. Và thực tế em đã cảm nhận được điều đó. Chỉ khi coi học tập là một công cuộc lao động thực sự thì khi đó ta mới học hỏi được nhiều điều và mới cảm nhận được hết ý nghĩa của nó.
Em xin được làm nhân chứng cho những điều thuộc phần kiểm nghiệm bản thân của Thầy ạ!
Còn nếu Thầy muốn tiếp xúc với phụ huynh học sinh thì nếu sv nào hư quá. Không đáng được cho Thi thì Thầy cứ làm theo đúng quy định và mới phụ huynh đến gặp là sẽ có cơ hội thôi ạ. Hic

Polka Dots on lúc 00:18 29 tháng 5, 2010 nói...

Điều thứ 3 anh làm được em thấy rất hay, chứng tỏ anh rất tự tin.

Camly on lúc 02:48 29 tháng 5, 2010 nói...

@ Trina đồng ý với 20 điều trên ,ngẫm lại trong quá khứ ,mình đã hết lòng với nghề , đôi khi khó tránh :" Nhất qủi nhì ma thứ ba học trò " anh VMC à !
Cũng may lúc xưa chưa có di động Nokia ,Samsung ,hay Youtube ..để tải lên mạng hay blog như thời @ .các em 8x,9x,...giờ sướng bằng tiên ấy!ihic hic..
Giờ chỉ dạy wk cho đám trò nhỏ biết đọc ,viết đúng chính tả là vui lắm rồi thầy VMC ạ !

L2C on lúc 08:21 29 tháng 5, 2010 nói...

Cái số 11 và 12 hơi giống cái Zone of Proximal Development và Effective Uncertainty của Lev Vygotsky mà họ khuyên áp dụng cho cả con em

LU on lúc 09:16 29 tháng 5, 2010 nói...

nghề giáo bên Mỹ là nghề vừa cao quý vừa có giá, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thầy cô đi tới đâu cũng được người ta nễ vì, vì bà con nghĩ rằng dạy được bác sĩ, kỹ sư, tức là người có trình cao. Và lương nhà giáo thì lại cao nữa.

Thuy Dam Minh on lúc 09:25 29 tháng 5, 2010 nói...

Anh thì thích nhất là mục số 6. Nghĩ lại bài văn mẫu mà khiếp cách dạy văn hiện nay. A chưa bao giờ dạy học cả nhưng đi nói chuyện thì có. Nói chuyện mà chuẩn muực quá, khuôn mẫu quá, người nghe toàn ngáp thôi em ạ!

HungQ nói...

Nghề giáo được xem trọng ở nhiều nơi, không riêng ở Mỹ. Bản thân tôi hoạt động trong nghành sư phạm gần 30 năm nên tôi có thể chia sẻ như thế này.Ở các nước phát triển, người thầy đi truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho hs, sv 60% họ là những nhân vật đang hoạt động trong lãnh vực mà họ được mời để đứng lớp. Tại sao? Vì xu hướng giáo dục của người ta mang tính thực tiễn nhiều hơn là lý thuyết. Thử tưởng tượng một người thầy phụ trách môn kinh tế học mà không làm trong môi trường kinh tế thì kinh nghiệm ở đâu ra để mà truyền đạt cho sv học nghành kt? Nói như blogger LU là nói ngược, đâu phải thầy nào cũng có thể đi dạy kỹ sư và bác sỹ v..v. để được xem trọng hơn. Hiện nay anh kỹ sư giỏi, cô bác sỹ hay, họ vừa hoạt động theo nghành nghề của họ, ngoài ra còn đứng lớp để truyền lại kinh nghiệm cho sv và ngay cả đồng nghiệp của họ nữa.
Nói nghề giáo ở Mỹ lương cao thì chẳng biết gì về lương bổng của nghề giáo xứ ấy rồi. Giáo viên, giảng viên theo dạng biên chế, ăn lương chính phủ là chính. Lương thì có barem, đâu phải cứ cung cấp thông tin trên trời dưới đất là được. Ngoại trừ giảng viên hoạt động độc lập, muốn lương cao thì họ phải tự tìm show, tìm trường, hoặc phải thật nổi trội ở một lãnh vực nào đó thì mới được biết đến để được mời đứng lớp. Số lượng giảng viên ở Mỹ hiện nay còn phải sang các nước âu á phát triển khác để làm giáo viên nhận được thù lao cao hơn nước sở tại, thậm chí họ còn được trọng dụng và có chế độ đãi ngộ cao hơn.
ĐỌC COMT cua blogger LU xong tôi giật mình vì cái tin lương nhà giáo ở Mỹ cao, sao tôi không biết để nhanh chóng khăn gói trở về mà ăn lương cao.

VMC on lúc 11:40 29 tháng 5, 2010 nói...

@Sơn Nguyễn:
Cám ơn những lời tâm sự chân thành của em. Những sinh viên như em luôn là động lực để các thầy cô giáo yêu nghề.

@Polka Dots:
Đơn giản là có rất nhiều điều mình không biết. SV hỏi mà trả lời bậy thì còn nguy hiểm hơn là một lời thú nhận rằng thầy chưa biết. Đi dạy học được ở SV nhiều lắm.

VMC on lúc 11:44 29 tháng 5, 2010 nói...

@Trina:
Dạy học đối với nhiều người như là một hobby, nơi mà ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và nhiều điều thú vị khác. Cho nên đi dạy là vì người, nhưng cũng là vì mình, cho mình.

@L2C:
Đối với những người như em, thì bên cạnh việc làm mẹ còn cần là một nhà sư phạm.

VMC on lúc 11:46 29 tháng 5, 2010 nói...

@LU:
Nghề giáo thì ở đâu cũng được coi trọng rồi.

@A Thụy:
Cái vụ văn mẫu thật quá khủng khiếp. Không thể hiểu sao người ta có thể dạy trẻ con mặc đồng phục trong tư duy. Em đi dạy luôn khuyến khích sinh viên sáng tạo và tạo dấu ấn riêng của mình.

VMC on lúc 11:48 29 tháng 5, 2010 nói...

@HungQ:
Cám ơn những chia sẻ của anh. Tôi không biết hiện thực ở Mỹ nên không thể bình luận gì thêm. Hy vọng anh năng lui tới blog này.

LU on lúc 13:00 29 tháng 5, 2010 nói...

@ HungQ : Lu ko biết bạn dạy trình độ lớp nào? nhưng theo thông tin Lu biết từ những người thầy đại học của Lu, đa số họ là PhD và lương của họ không dưới 60,000 dollars một năm. Đó là chưa kể benefit. Nhưng muốn làm giảng viên đại học của Mỹ ko đơn giản đâu, đa số họ đã có thành tích làm ở những công ti tư nhân rồi. Như thầy dạy lớp hardward bên engineering cho Lu trước đây thì ông ta đang vừa là giảng viên đại học ban đêm, vừa là kỹ sư một hảng điện tử khác. Ngày làm lab sinh viên cần giúp đã tới thẳng công ti ông ta và demo tại đó. Cũng như thầy dạy Interior Design của Lu là một designer ở một công ti thiết kế trên San Francisco, và ông ta cũng kiêm luôn lớp về nội thất của trường, tốt nghiệp Master. Theo Lu biết thì nhà trường cho cơ hội để giảng viên thực tập trong vài mùa, nếu có thể thu hút được sinh viên thì trường giử lại hẵn, ngoài ra họ sẽ ko nhận cho dạy nữa. Chuyện giảng viên ko vào được đại học đi xứ khác để tìm job thì là chuyện thường ngày của huyện ở Mỹ rồi, vì ko dễ dàng mà lọt đựơc vào làm giảng viên đại học ở Mỹ đâu. Lu đã học ở trường cũng gần 10 năm, tiếp xúc rất nhiều thầy cô Mỹ, Nhật, Hoa, nên Lu hiểu được chế độ xin được vào giảng đường bên Mỹ. Bây giờ, kinh tế khó khăn, ngành nào cũng có nhiều người bị mất việc. Di chuyển để sinh tồn là chuyện bình thường thôi, vì lúc này Lu nghe nói chính phủ đã cut off rất nhiều giáo viên của các trường, cũng như tiền trợ cấp cho sinh viên nghèo cũng đã bị giảm. Kinh tế up lên thì job tốt lại thôi mà, ko có gì phải bức xúc cả, ngành điện tử cũng thế thôi bạn à.

Titi on lúc 14:16 29 tháng 5, 2010 nói...

Những kinh nghiệm rất tuyệt vời với những người làm nghề giáo và cả những bậc phụ huynh, chăm sóc trẻ nữa.

Nghề giáo bên mình thừa tự tôn nhưng thiếu khoa học. Tức là cả xã hội đều thừa nhận sự cao quí của nghề nhưng chính những người làm nghề vì sự thiếu hiểu biết, lại đánh mất nó ở trong chính bản thân họ.

Em những mong nước mình đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa, cả chính phủ và từng gia đình. Sao cho các em, chủ nhân tương lai của đất nước lớn lên với lòng tự tin, tự trọng, hứng khởi và kiên định về những giá trị thực sự của cuộc sống chứ không phải học một đống kiến thức giời ơi đến quên cả ăn, quên cả ông bà cha mẹ... ròi ra đời vẫn ngơ ngác đến tội nghiệp :-(
Anh để bài này lâu lâu trên blog một chút nhé. Rất có ích với mọi đối tượng đó anh :-)

HungQ nói...

Tôi và đồng nghiệp rất thích blog của bạn VMC, nhiều thông tin bổ ích. Tôi hoạt động trong nghành y, không cùng nghành truyền thông với bạn nhưng thi thoảng vẫn ghé sang đọc blog này vì thông tin vẫn phong phú và đa dạng hơn blog về y khoa. Cám ơn VMC vì những entry bổ ích.

@Lu
Tôi không hiểu cách mà bạn trình bày vấn đề. Bản thân tôi đang là giảng viên đại học ở Mỹ, cứ mỗi 6 tháng chúng tôi thực hiện duty của mình là sang Châu âu trao đổi, học hỏi knghiệm với nước bạn (Lu đừng tưởng thành tựu khoa học nào cũng được sinh ra ở Mỹ) Còn chuyện làm được giảng viên trong đh ở Mỹ khó thì ở các nước tiên tiến khác cũng thế thôi, họ đâu có điên mà trả lương cao, offer chế độ đãi ngộ tuyệt vời cho một giảng viên không vô được đh ở Mỹ về để làm giảng viên đại học xứ họ bao giờ. Khi mời họ phải xem CV và thẩm định tính chính xác của CV chứ. Ngoại trừ ba cái trung tâm vớ vẩn dạy anh ngữ không chất lượng ở các nước đang phát triển thì ai mắt xanh mũi lõ nói tiếng Anh là các trung tâm phong cho làm thầy hết. Cái này thì khác, lương không cao thì làm gì gọi là có chế độ đãi ngộ tốt được.

Cuối cùng thì xin lỗi, tôi chẳng hiểu ý Lu muốn nói gì. Lu có vẻ ít nắm được thông tin về việc này nên lập luận của Lu không rõ ràng và chính xác.

VMC on lúc 14:48 29 tháng 5, 2010 nói...

@HungQ:
Cảm ơn anh vì những nhận xét về blog của tôi.

Tôi đọc lại các comment của LU, thì thấy bạn ấy chỉ muốn nói rằng nghề giáo ở Mỹ là một nghề được xã hội tôn trọng và có thể có lương cao.

Lu cũng thống nhất với anh ở một điểm là để được đứng trên bục giảng đại học Mỹ, giảng viên phải có bằng cấp và kinh nghiệm thực tế.

Còn việc giảng viên ở Mỹ đi nước ngoài kiếm việc thì tôi không rành.

Tôi biết một người Việt trước giảng Vật lý ở Pháp, cách đây 15 năm chuyển qua Mỹ dạy ở ĐH ở San Jose. Thấy anh ấy nói để vô dạy ĐH ở Mỹ phải trải qua những vòng kiểm tra rất ngặt nghèo.

LU on lúc 15:07 29 tháng 5, 2010 nói...

HungQ : hì hì, relax...Lu chỉ nói về những điều thật sự Lu biết ở trường của Lu, một trường đại học bình thường ở Cali, San Jose thôi, San Jose States University. Nói chung là Lu biết rõ mức lương của giáo viên dạy tiểu học (từ lớp 1 trở đi) bên Mỹ là bao nhiêu vì có đứa bạn đã ra trường và xin được công việc đó cách đây cũng...4 năm rồi. Lu cũng biết cả lương giáo viên ở College là bi nhiêu, và Lu cũng hiểu luôn như thế nào là giáo viên dạng TA (teacher assitant) và thế nào là dạng professor được nhà trường giử lại là giảng viên permanent.
Có một lần Lu được dự giờ của giáo sư Bình Tài Danh, là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đã được giải cao của Mỹ và có tác phẫm được viện bảo tàng Santa Clara thu nhận làm collection, đó là người thầy Việt Nam duy nhất Lu được học thôi. Đa số thầy cô của Lu là Mỹ trắng, nhưng tất cả họ tuy có bằng PhD nhưng vẫn chỉ là những giảng viên ở một đại học bình thường, Lu đã nghĩ học hơn 1 năm nhưng vẫn lui tới trường nên vẫn gặp họ. Những thông tin Lu biết thì thực tế là do họ nói. Còn việc được mời sang nước ngòai giảng dạy thì Lu ko nghĩ họ đủ trình độ được mời đi đâu. Lu cũng chỉ biết thế nên nói thế thôi à.

LU on lúc 15:20 29 tháng 5, 2010 nói...

anh Cường : bạn anh nói đúng rồi. Chị bạn làm trong công ti em có anh chồng là giáo sư dạy toán bên VN, qua Mỹ đi học lại nghề giáo. Cách đây 1 năm anh ấy được trường của em San Jose States đồng ý cho thử việc trong 2 mùa. Chị ấy mừng lắm vào công ti khoe tưng lên rằng công lao anh học hành cũng có lúc thành công. Nhưng qua 2 mùa thì nhà trường ko nhận nữa, lí do sinh viên Mỹ ko thích cách giảng bài của anh ấy, và sinh viên thì chúng nó vào tới lớp là hỏi đủ thứ trên trời dưới đất, trả lời ko xong thì chúng nó lại mau chán, và có quyền lựa lớp thầy khác mà học. Mỗi cuối mùa học tụi em được nhà trường phát cho tờ ghi nhận về giảng viên. Mấy đứa Mỹ trắng thì ko thích là phê thẳng vào chứ ko nương tay như đám Châu Á. Nhà trường thấy phê ko OK thì lại ko nhận cho dạy nữa. Chồng chị ấy bi giờ đi làm hảng điện tử như vợ luôn, các trường trung học, đại học bi giờ còn cắt giảm cả giáo viên người bản xứ mà. Kinh tế có lúc khủng hoảng nên nghành nào cũng thế cả.

HB nói...

Em chào anh! Em vẫn lén vào blog của anh đọc nhưng hôm nay mới comment vì em cũng làm nghề giáo. Những điều anh rút ra cũng là những điều em quan tâm, cố gắng đạt được. Có điều, em thấy em luôn làm được theo điều 13 nhưng điều 10 thì nhiều khi không khắc phục được dù đã rất cố gắng và rất thương SV.

Vì đúng nghề nên em cũng xin phép anh bày tỏ về cái com của chị Titi "Nghề giáo bên mình thừa tự tôn nhưng thiếu khoa học. Tức là cả xã hội đều thừa nhận sự cao quí của nghề nhưng chính những người làm nghề vì sự thiếu hiểu biết, lại đánh mất nó ở trong chính bản thân họ." Không biết em có hiểu sai ý chị không nhưng em thấy buồn và ấm ức với nhận định này của chị, em nghĩ trong xã hội dù là nghề nào đi nữa thì cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", câu này của chị có vẻ quy chụp quá, vẫn còn những người thầy, người cô hiểu biết, đạo đức, luôn hết mình vì học sinh, SV mà chị!
Em cảm ơn anh VMC rất nhiều!

VMC on lúc 19:58 29 tháng 5, 2010 nói...

@HB:
Chào em, từ nay cứ vào công khai, đọc thoải mái, không phải "lén" đâu em ạ.
Nếu vấp phải một bài tập, hay bài thi quá kém, thì cũng phải hạ bút cho điểm thấp thôi em. Không có cách nào khác.
Titi có thói quen nói thẳng, bạn ấy không có ý định xúc phạm tất cả các nhà giáo đâu.

Vân Lam on lúc 19:59 29 tháng 5, 2010 nói...

Em đồng ý với chị Ti là anh nên để cái entry này lâu chút.:D

Titi on lúc 20:11 29 tháng 5, 2010 nói...

@HB: hì, sorry em chị viết tắt. Chị không có ý nói tất cả người làm nghề giáo bên mình đâu. Bạn chị ít nhất có 2 ngừi làm nghề này một cách pờ rồ mờ :-D Nhưng ai đã làm giáo viên tốt thì cũng không nên chạnh lòng khi đọc những dòng nhận xét về ngành mình. Vì quả thật là nghề giáo ở VN có vấn đề thật đấy :

1. Chưa yêu nghề thực sự nên chưa hết lòng học hỏi để có kiến thức tốt nhất cho học sinh.
2. Tốt nghiệp sư phạm ra đi dạy thì thường ngủ quên trên bục giảng, chẳng đi làm gì hơn để có kiến thức thực tế. Có khi hàng chục năm vẫn mài giáo án cũ rích cho học sinh mà không biết ngượng.
3. Rất nhiều người sống bằng quà cáp, biếu xén của học trò. Chị trực tiếp nghe giáo viên khoe với nhau gặt được những gì từ phụ huynh học sinh đóa.
4. Nhiều người coi thường học sinh , nhất là học sinh nghèo.
5. Không thích học sinh suy nghĩ khác mình, ghét học sinh hơn mình, trù dập học sinh nào không nghe lời mình. ặc ặc...

Chị biết sẽ có nhiều người phản đối nhưng đó là sự thật chị đã trải qua và vẫn đang chứng kiến hàng ngày nè. Ức ức...

Titi on lúc 20:15 29 tháng 5, 2010 nói...

Úi, còm xong mới thấy anh Cường đang bênh em và VL thì ủng hộ . Em cảm ơn 2 người đã hiểu ý em hú hú...

VMC on lúc 20:26 29 tháng 5, 2010 nói...

@Titi và VL:
Entry còn mãi trên blog này thôi, không bị xóa đâu, hai em à.

HB nói...

Dạ, em cũng hiểu thực trạng GD ở VN, ở trong ngành mà nhiều lúc em cũng thấy ngán ngẩm, rồi cuối cùng lại tự AQ không chỉ GD mà cả hệ thống xã hội của mình vậy, và để thay đổi nó là việc mà em nghĩ sẽ không thể một sớm làm được.
Nhưng em vẫn muốn trao đổi thêm cùng chị. Mới đây thôi chủ đề "tham nhũng "vặt" trong GD" như hiện trạng chị nêu cũng được nói đến nhiều và lỗi không thể đổ hết do một phía người thầy, mà còn do cách cư xử, hành vi, văn hoá hay thói quen của chính các bậc phụ huynh, họ cũng góp phần làm hư GV. Em nói điều này chắc nhiều bậc phụ huynh sẽ phản đối và lý giải nếu không "quà cáp" thì con mình bị trù dập, bị o bế...thì đấy chính là lỗi của các bậc phụ huynh, trù dập thế nào? cho điểm kém ạ? Em có đọc blog của anh Đàm Hà Phú nữa và em rất thích và khâm phục cách anh hướng cho con gái, anh khuyến khích bé Hà Thi viết văn theo cảm xúc của bé chứ không phải của cô dù có được điểm kém.
Còn chưa kể đến lý do muôn thủa mà ai cũng biết nhưng chả biết đến khi nào mới thay đổi đó là thu nhập của GV, cơm áo gạo tiền làm họ không thế dành hết tâm huyết cho nghề dù có yêu nó đến đâu chị ạ.
Và việc không cập nhật kiến thức, giáo án cũ thì theo em ko hẳn vậy, nhiều kiến thức có thể cập nhật liên tục nhưng bản thân em dạy môn tự nhiên, những môn thuộc dạng kinh điển rồi thì phải chấp nhận "nhai lại". Nhưng không hẳn nhàm chán chị ạ, bởi vì kiến thức cũ nhưng đối tượng là mới, sự nhận thức khác nhau nên cách truyền đạt cũng phải khác, còn với HS, SV thì chắc chắn là mới rồi ạ.
Cảm ơn chị đã comment, cảm ơn anh VMC!

Camly on lúc 21:34 29 tháng 5, 2010 nói...

@ Entry của anh VMC bao giờ cũng cực hot , thu hút mọi blogger lẫn khách đọc ,cảm ơn anh VMC,trina đọc say mê còm của LU & anh HùngQ. của Titi lý luận sắc bén ,thú vị .
trina có người nhà cũng là nhà giáo dạy trung học nên biết ,đồng ý với LU lẫn anh HùngQ
Đúng là nghề giáo - ngành giáo dục ở nước ta có.. "nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng "..- mượn thơ cụ Nguyễn Du ..
Lúc xưa trina đi dạy cũng bất mãn lắm ,trò dốt ,lườ tầm cỡ ..nhưng chỉ vì con cưng Bí thư xyz mà ông hiệu trưởng yêu cầu mọi giáo viên sửa học bạ điểm yêu thành khá ,để trò đi thi TNPT & đại họ,botạycom
Nhưng bù lại cũng có bao thấy cô yêu nghề và xứng đáng với danh hiệu nhà giáo - Kỹ sư tâm hồn ý mà ..

Titi on lúc 21:48 29 tháng 5, 2010 nói...

HB: thứ nhất, em phải nghiên cứu cách giảng dạy của nước ngoài, em mới thấy giáo viên của mình lười như thế nào. Cũng kiến thức cơ bản cũ nhưng người ta đã biết làm thế nào để trẻ tiếp thu tốt nhất và hứng thú khám phá hơn cả bài gốc. Kiên trì như thế trong tất cả các cấp học. Mà để gây hứng thú cho cấp học nào cũng vậy, phải thực sự hiểu biết sâu sắc về nghề đó. Ví như giảng về tự nhiên thì phải là một chuyên gia tường tận về tự nhiên chứ không chỉ tự nhiên trên sách vở.
Thứ hai, phụ huynh có nhã ý góp thêm thu nhập cho cô thày không có nghĩa là họ chấp nhận sự đối xử không công bằng, con họ phải hơn đứa khác mà nguyện vọng của phụ huynh là thầy cô sẽ ổn định kinh tế ròi yên tâm truyền đạt kiến thức cơ. Nhưng nhiều thày cô đâu có yên tâm? Ngược lại, họ lại cho đó là nghĩa vụ của phụ huynh và càng nhiều thì càng ít.
Thứ 3: giáo viên bên mình bị ì trệ trong khâu tự hoàn thiện mình liên tục để cập nhật kiến thức. Cũng không có quyền để dạy khác giáo án đã được duyệt hàng chục năm. Song song nữa, lại ỷ vào việc học trò quen học gạo, cứ thế nhồi nhét mà không ý thức rằng kiến thức ấy không giúp gì mình sau này, nhưng miễn là thày cô vẫn cho điểm cao, vẫn tốt nghiệp. Bệnh hình thức nặng ạ.

Nhưng em nói có một ý đúng. Đó là cả xã hội ta đang bị bệnh hình thức, tham nhũng ... nhưng giảng bài hay thì chẳng liên quan đến những thói xấu ấy đâu. Ví như anh C chủ blog này vẫn giảng bài hút học trò mà không cần nhận tiền đút riêng, ròi bạn Gấu vẫn tự cày cuốc viết báo để nâng tay nghề giảng dạy về báo chí đó .

HB nói...

Em lại xin phép anh VMC trao đổi với chị Titi:
- Thứ nhất: em hoàn toàn đồng ý với chị làm nghề gì phải hiểu sâu sắc về nghề đó, biết cách tạo hứng thú và làm cho người học có cách tiếp thu tốt nhất là điều cơ bản của GV. Em nghĩ nhiều nước họ làm được vậy, ngoài lý do con người còn bởi họ có điều kiện hơn nước ta, nước ta vẫn thiên về kiến thức sách vở, học mà chưa hành bởi thực tế, cơ sở vật chất, điều kiện chưa cho phép. Nước ngoài hs học môn sinh được đưa đến vườn bách thảo, bách thú. học hóa được quan sát thí no...Nước mình may chăng ở các tp lớn mới có đk đó mà em nghĩ cả ở tp thì cũng chỉ số ít làm được điều đó. Và muốn thay đổi chắc phải thay đổi cả hệ thống.

- Thứ hai: Em không đồng ý với chị điều này, GV là công chức nhà nước, được nhà nước trả lương, tại sao phụ huynh lại phải "nhã ý góp thêm thu nhập cho cô thầy", đã có "nhã ý" đó nói hơi lớn lên thì là "nhã ý hối lộ", và đã có chuyện đó thì sẽ nảy sinh vấn đề người giàu, người nghèo, góp ít, góp nhiều và tất nhiên thầy cô sẽ có sự phân biệt đối xử theo. Thu nhập của GV do nhà nước lo chứ ko phải do các bậc phụ huynh

- Thứ ba: Đúng vậy, GV luôn phải gò ép theo một khung chương trình, một giáo án, đề cương nhất định, có rất nhiều kiến thức mà GV buộc phải nhồi nhét. Với các GS-TS đầu ngành, các thầy cô lâu năm có kinh no rồi thì sẽ đỡ nhưng với các GV trẻ thì rất khó dám thay đổi, bởi vì nếu ko theo đúng chương trình thì chính họ bị kỷ luật.

Em cũng nói thêm chuyện "quà cáp" cho thầy cô hầu như chỉ xảy ra ở các tp lớn, "phú quý sinh lễ nghĩa" chứ học trò quê vẫn chỉ có bông hoa hái trong vườn tặng cô nhân ngày mùng 8/3 hay 20/11, mà thầy cô vẫn có những bài giảng hay cho hs,sv. Và em tin nước ta vẫn có rất, rất nhiều các thầy cô tâm huyết, yêu nghề đấy ạ.

Titi on lúc 22:58 29 tháng 5, 2010 nói...

HB: tranh cãi kiểu này có khi cả tháng chưa ngã ngũ vì em thì bênh đồng nghiệp còn chị thì bênh học trò. Mà rõ là nghề giáo hình thành ra là vì học trò đấy chứ?
Chị tin đa số giáo viên ta yêu nghề nhưng chị không tin họ biết nghề giáo thực sự là phải làm gì đâu. Phải vì học trò, em đồng ý chứ. Truyền đạt gì và truyền như thế nào không phải vì họ có gì trong đầu mà vì học trò cần cái gì.
Thế mà chị thấy em bênh đồng nghiệp toàn vì những lí do rất cao như chính phủ với lại vì chính giáo viên, có thấy chữ nào vì học trò đâu? Phụ huynh họ có ý gì thì cũng là vì học trò đấy. Cô thày có hiểu vì học trò là gì không em?
Em xin lỗi những nhà giáo giỏi vì đã nói toàn mặt trái của nghề này ở ta. Nhưng em tin là các thày cô ở VN phải thừa nhận rằng đa số các nhà sư phạm của ta quá lạc hậu và bảo thủ. Các vị đọc những đề mục của entry này xem các vị đã vì học trò, vì nghề của mình được bao nhiêu?

HB nói...

Dạ, em đồng ý dừng tranh luận ở đây. Đúng như chị nói có thể em bênh đồng nghiệp và cũng là bao biện cho chính em nhưng em xin phép nói thêm chị nhé! Ko nói em khó chịu chị ạ, hì.
Chị nói phải vì học trò, đúng vậy và em thì tin chắc GV nào cũng biết điều đó vì khi soạn giáo án mục tiêu của bài giảng là "học xong bài này học sinh, sv có khả năng...." chứ ko phải là "GV truyền đạt được cho hs, sv..." tức là vì học trò đấy ạ. Tất nhiên lý thuyết là vậy còn thực tế thì có thể như chị phán xét.
Vì chị nói đến học trò nên em cũng muốn nói thêm, học trò ngày nay cũng có rất nhiều vấn đề em ko nhắc lại những vụ nổi cộm về đạo đức đó chắc chị cũng biết ạ. Đồng nghiệp em vẫn nói với nhau "nghề của mình giờ là nghề nguy hiểm đấy" và ko những học trò mà cả phụ huynh cũng đe doạ được các thầy cô (nói điều này chị đừng bẻ lại em là thầy cô có thế nào hs mới vậy nhé, vì nói ra thì như chị nói cả tháng chưa ngã ngũ). Nên em chốt lại đừng đổ lỗi hết cho GV, GD từ gia đình cũng quan trọng ko kém từ nhà trường.
Cảm ơn chị đã dành thời gian trao đổi cùng em!

Titi on lúc 23:23 29 tháng 5, 2010 nói...

Chính bản thân chị chưa học một giờ sư phạm nào nhưng chỉ vì yêu trẻ mà chị tự động đọc sách về sư phạm ròi rút ra bao điều thú vị về nghề này. Một trong những điều quan trọng nhất trong việc truyền đạt kiến thức là thấu hiểu đối tượng và tự tin về những điều mình đang truyền đạt. Từ thấu hiểu mà không áp đặt đối tượng, từ thấu hiểu mà khiến đối tượng tiếp thu tự nguyện ròi có đà mà tiến xa hơn điều được nghe...
Sư phạm không phải truyền giáo, sư phạm là trồng cây non, không cẩn thận, cây vẫn sống đấy nhưng dặt dẹo. Một cây dặt dẹo đã uổng ròi, một rừng cây, một dân tộc dặt dẹo sẽ tang thương như thế nào?

Titi on lúc 23:26 29 tháng 5, 2010 nói...

Ồ, đừng đi quá xa topic nghề giáo em ui. Vai trò giáo dục của gia đình dù rất quan trọng nhưng không hề là nguyên nhân của việc giáo viên ta chậm tiến em ợ :-(

Titi on lúc 23:33 29 tháng 5, 2010 nói...

Chị không tin một giáo viên thực sự vì học trò mà bị ngược đãi, hành hung. Chắc chắn giáo viên đó đã quá cứng nhắc, coi trọng thành tích học tập hơn cả sĩ diện, lòng tự trọng của học trò. Không gia đình nào tự dưng muốn con em mình bạo hành thầy cô. Bệnh thành tích đã làm hại đến quan hệ thầy trò đấy em.

Fan hâm mộ thầy Cường nói...

Oạch, nhẩy vô can. Thưa mợ Titi và mợ HB, ai cũng đúng mặt này hay mặt khác. Bác chủ blog đi khò rồi nên không can thiệp nữa. Hôm nay bác í mệt vì phải bênh nhiều người quá. Tạm dừng hiệp một đi vậy. Mợ Titi, blog là nơi chia sẽ, đâu phải đấu trường mà ăn thua đủ chi cho mệt. Nghe khen có lý luận sắc bén là cứ xông lên.ừ thì mợ giõi, mợ hay, được chưa, vui chưa?
HB trao đổi bi nhiêu đó là cũng đủ rồi. Hai mợ cứ dạ thưa chị em lúc này, dăm phút nữa mà qua lại là hoá MÀY TAO. Xin can, xin can. Ai cũng đúng cã.

HB nói...

Hì, em lại bao biện chị nhé! Cái này thì từ chinh kinh no bản thân em: ko liên quan đến bệnh thành tích chị ạ, vụ SV trong SG tạt axit vào thầy giáo đang dạy trong lớp, nhiều người bảo thầy giáo cứng nhắc, sao ko nhắm mắt cho em ấy qua để ra trường. Người ngoài cuộc nói đơn giản vậy nhưng muốn qua thì phải có bài thi, phải có điểm chứ. Như cái còm đầu tiên của em, em luôn cố gắng thực hiện điều 13 nhưng điều 10 đôi khi dù đã cố gắng nhưng em cũng chịu. Em đã từng nâng bài thi từ 2,5 điểm lên 5 điểm cho SV qua nhưng mà dưới đó, thậm chí có bài giấy trắng thì em chịu. Thầy cho qua chẳng may ai giở bài đó ra thì thầy giải thích sao cho nổi ạ?
Thôi em dừng tại đây chị nhé! Chúc chị cuối tuần vui vẻ!

HB nói...

Xin lỗi đã làm phiền anh VMC! Cảm ơn anh và chúc anh mọi điều tốt đẹp!

VMC on lúc 11:03 30 tháng 5, 2010 nói...

@Fan:
Cảm ơn em đã có ý kiến. Nhưng tôi biết rõ Titi, và qua cách phát biểu rất xây dựng của HB thì cũng hiểu HB là một người có văn hóa, cho nên họ tranh luận thì có vẻ gay gắt như vậy, nhưng không thể quay ra "mày-tao" được đâu. Em yên tâm.

@HB:
Cảm ơn em đã có những comment nói rõ ý kiến từ phía một nhà giáo. Có những tâm sự trong nghề mà đâu phải người ngoài nào cũng biết. Thông tin nhiều chiều là rất quan trọng em ạ. Em không làm phiền anh và mọi người đâu. Chúc em một ngày Chủ nhật vui.

HB nói...

Cảm ơn anh VMC đã lắng nghe và thấu hiểu. Chúc anh luôn vui vẻ, hạnh phúc!

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết