7/5/10

SẾU BAY...



Cuối tháng Tư cách đây 15 năm, tôi có dịp qua nước Nga. Xứ sở Bạch Dương lúc đó đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng thời hậu Liên Xô. Các cửa hàng trống rỗng. Những gương mặt hoang mang. Nhưng tất cả dường như dịu lại khi nói về lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Đức (9.5.1945 - 9.5.1995). Ngày Chiến thắng bao giờ cũng là ngày lễ trong sáng nhất ở Nga...

Giới thiệu lại bài phóng sự đã đăng trên báo Lao Động số 56, ra ngày 9.5.1995.

SẾU BAY TRÊN MÁTXCƠVA

"Xe tăng lần đầu tiên sẽ tiến vào Mátxcơva theo đại lộ Kutuzovski". Dòng tít chạy dài trên một tờ báo khiến những người yếu bóng vía hoảng sợ, liên tưởng đến những sự kiện bi thảm của hai cuộc chính biến xảy ra liên tiếp tại thủ đô nước Nga trong đầu thập niên 1990 - tháng 8/1991 và tháng 10/1993. Tuy nhiên, thông tin này lại làm nức lòng dân chúng Nga - những người không bao giờ tưởng tượng nổi một ngày lễ thực thụ mang tầm vóc quốc gia lại thiếu lễ duyệt binh.

Sẽ có duyệt binh - cuộc duyệt binh lớn nhất nước Nga kể từ năm 1954 đến nay. Duyệt binh kỷ niệm loài người chiến thắng con quái vật khủng khiếp - chủ nghĩa phátxít. Quyết định tổ chức duyệt binh như mọi lần được cấp cao nhất - Hội đồng An ninh trực thuộc Tổng thống thông qua, nhưng để đi đến quyết định đó người ta phải vượt qua một chặng đường chẳng mấy dễ dàng.

Có quá nhiều sức ép để nước Nga do dự. Thủ tướng Đức Helmut Kohl tuyên bố: "Tôi sẽ đến Mátxcơva dự lễ kỷ niệm chiến thắng phátxít Đức, nếu người Nga không tổ chức duyệt binh". Một số tổ chức quá khích thì cho rằng cuộc biểu dương lực lượng lần này gián tiếp uy hiếp tinh thần của nước cộng hòa ly khai Chechnya và những ai định noi gương Chechnya.

Như mọi năm, tháng Tư là thời điểm của cuộc tuyển quân mùa xuân. Các chàng trai Mátxcơva sinh năm 1977 đến điểm tuyển quân của các quận đội không chỉ một mình. Đi cùng với họ là những bà mẹ - những người phụ nữ tuổi 40 còn rất đẹp. Họ tụ tập phía bên ngoài, giương cao các biểu ngữ: "Chúng tôi không cho phép các con trai của chúng tôi đến Chechnya". Đối với họ thời kỳ đề nghị và yêu cầu đã qua. Sau cuộc chiến ở Afghanistan, các bà mẹ Nga đã ý thức được rằng: chính họ chứ không ai khác quyết định vận mệnh các con trai họ.

Tôi đã có mặt cùng họ trước cửa quận đọi Petrovsky. Nhưng khi tôi nâng máy lên định chụp vài kiểu ảnh, thì một người đàn ông tiến sát đến và nói đủ nghe bằng một thứ tiếng Nga cố tình méo mó: "Tao bảo đảm gương mặt mày lành lặn, nếu mày buông máy xuống". Một kẻ cuồng tín của Dudaev, hẳn thế. Hắn không muốn chiến tranh chấm dứt trên chính quê hương hắn. Hắn muốn giết chết những chàng trai đẹp đẽ kia.

Chechnya - nỗi ám ảnh của tất cả mọi người Nga trong thời điểm này. Tàu điện ngầm có lẽ là thứ duy nhất mà người dân Mátxcơva vẫn còn tự hào. Trật tự, chính xác, thuận tiện, nhanh chóng, yên bình vẫn là những tổ chất được duy trì từ khi hệ thống này ra đời. Chỉ có điều, giá vé metro không phải là 5 kopek nữa, mà là 600 rúp. Và khi tầu dừng lại, người lái tầu không chỉ nói: "Hãy thận trọng, cửa mở. Bến sau là...", mà còn thêm một câu nữa: "Quý khách kính mến, đừng quên đồ đạc của mình khi ra khỏi tầu".

Thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn Nga giải thích: "Sau khi có chuyện ở Chechnya, chúng tôi rất sợ metro bị khủng bố. Một vụ nổ ở metro đủ làm cho cuộc sống ở Mátxcơva tê liệt. Điều đó còn khủng khiếp hơn bất cứ cuộc chính biến nào. Nếu thấy ai đó để quên đồ, người ngồi cạnh có nhiệm vụ phải nhắc nhở". Chợt nhớ, hơn 50 năm trước, tầu điện ngầm đã là nơi chở che cho hàng triệu người dân Mátxcơva khỏi những trận oanh tạc của không quân Hitler. Thế mà giờ đây... sau Tokyo, đến lượt tầu điện ngầm Mátxcơva trở thành điểm nhạy cảm. Tôi buồn rầu nghĩ rằng có thể đến một lúc nào đó, muốn vào metro, người ta phải đi qua phòng kiểm tra vũ khí như khi đi máy bay vậy.

Thôi hãy bỏ sang một bên những chuyện không mấy vui trong bối cảnh ngày lễ trọng đại này. Ngoài cuộc diễu binh đồ sộ đang là nỗi háo hức của tất cả mọi người, các phương tiện thông tin đại chúng Nga còn hàng ngày thông tin cho dân chúng về một sự kiện khác - tiến độ thi công tưượng đài kỷ niệm 50 năm chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa phát xít. Tượng đài được đặt tên là Nika - khắc họa người đàn bà Nga thuần khiết, tay nâng vòng hoa vàng, cao 142 mét, nặng 25 tấn, đứng sừng sững trên đồi Poklonnaya. Công trình này chẳng thua kém gì tượng đài "Bà mẹ Tổ quốc" ở Volgograd.

Tuy phải đến 7 giờ 30 sáng 9/5 tượng đài mới được khánh thành, nhưng từ cuối tháng 4 người dân Mátxcơva đã lũ lượt kéo đến chiêm ngưỡng. Cả những cặp vợ chồng trẻ cũng đến đây đặt hoa trong ngày cưới của mình. Volodia và Lena là một cặp như thế. Chú rể có tuổi đời bằng một nửa tuổi chiến thắng nói với tôi: "Cả đời mới có một lần cưới. Nếu không đặt hoa ở đây ngày hôm nay, thì chẳng còn dịp nào nữa".

Chưa có bệ đá hoa cương, đôi vợ chồng trẻ đặt những bông hoa tuylip lên một tấm bêtông lấm cát. Mặc dù phải ngừng tay, nhưng những công nhân xây dựng không cản trở họ. Rồi thật bất ngờ, những chàng trai mặc quần áo bảo hộ lao động ấy đồng thanh hô: "Gorko, gorko!" ("Hôn đi!" - theo phong tục Nga). Cô dâu chú rể ôm hôn nhau thắm thiết. Chứng kiến nụ hôn hạnh phúc của họ có cả bức tượng đài còn dang dở.

Tôi đến phố cổ Arbat. Không còn những ngõ nhỏ phố nhỏ hun hút gió lạnh, xám xịt và hoang vắng của năm 1937 - thời điểm nặng nề trong lịch sử Xôviết được Anatoly Rybakov miêu tả trong "Những đứa con phố Arbat". Con phố này hôm nay nhộn nhịp các nhà tiểu thương và họa sĩ lang thang. Có rất nhiều sạp hàng bán quân trang Hồng quân - đầy đủ tất cả mọi thứ. Một tên gangster ở Chicago có thể trở thành một sĩ quan Hồng quân trong vòng 5 phút đồng hồ. Hoàn toàn hợp pháp. Du khách nước ngoài khoái nhất khoản này. Họ nhộn nhịp chọn hàng, tíu tít mặc cả bằng thứ tiếng Nga ngọng nghịu. Edouard, chàng trai người Pháp, xúng xính trong chiếc áo choàng bằng dạ (shinel), xoay người trước mặt bạn bè: "Thế nào, đẹp không? Tớ sẽ diện thế này trong lễ kỷ niệm Chiến thắng tại Paris".

Một đám đông tụ tập giữa phố, y như có vụ va quệt trên đường phố Hà Nội. (Người Nga bây giờ chỉ tụ tập khi có biểu tình hay mít-tinh. Các đám đông xếp hàng mua đồ không còn nữa. Có người nói đùa: "Không phải xếp hàng chúng tôi thấy buồn"). Thì ra đó là một dàn nhạc lưu động. Tôi biết những dàn nhạc kiểu này xuất hiện từ cách đây 5 năm. Một cách kiếm sống của những người thất nghiệp có chút năng khiếu. Tôi ngạc nhiên vì không thấy họ chơi những bản nhạc jazz của phương Tây như mọi lần. Toàn các giai điệu trầm hùng và thiết tha của những bài hát nổi tiếng thời Chiến tranh Vệ quốc: Cachiusa (đương nhiên), Cuộc chiến tranh Thần thánh, Vassiliok...

Những người đứng xem (trong số đó có cả các chàng lính trẻ) tạm thời quên mình là ai cùng những nỗi ưu tư ngày thường để hòa giọng vào những giai điệu ấy. Rồi tất cả bỗng chùng xuống nhường chỗ cho một giai điệu sâu lắng: tiếng đàn phong cầm của người ít tuổi nhất trong dàn nhạc - cậu bé chừng 12, chắc phải bỏ học kiếm bánh mì trên đường phố: "Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn? Đã chiến đấu cùng nhau bao năm đường xa..."



Đám đông yên lặng. Rồi dường như không thể chịu đựng nổi nữa, một ông già chống ba toong bước lên, đặt tờ bạc 10 nghìn rúp (khoảng 2USD) vào chiếc mũ để dưới đất, rồi hấp tấp thoát khỏi đám đông. Tôi trông thấy những giọt nước mắt trên đôi gò má nhăn nheo của ông. Người cựu binh ấy là Sergey Vasilevich. "Ông bạn già Dmitry của tôi đã chết cách đây một tuần. Chúng tôi cùng là thủy thủ ở Odessa thời chiến tranh. Ông ấy đã hứa với tôi sẽ sống qua ngày 9/5 để cùng nhau trở về hải cảng, thả hoa xuống biển tưởng nhớ đến những thằng bạn đã hy sinh. Thế mà chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa... Ông ấy chết ở trại dưỡng lão. Có mỗi một mình..." - Sergey Vasilevich kể.

Ông vừa đi xin giấy phép đi đến Odessa. 50 năm trước, ông đã tống cổ bọn phờ-rít (tiếng lóng gọi lính Đức) ra khỏi hải cảng này, nhưng bây giờ ông không thể tự do đi đến thành phố đó. Nó đã thuộc về một nước khác. "Nhưng tôi vẫn là người may mắn, - Sergey Vasilevich nói. - Đi Ukraina hơi nhiêu khê, nhưng còn có thể đi được. Mấy ông bạn của tôi ngày xưa chiến đấu ở vùng Baltic giờ không thể nào quay lại đó được. Không được phép. Hơn nữa ở đó bây giờ người ta không còn kỷ niệm Ngày Chiến thắng nữa".

Sergey Vasilevich im lặng - nỗi đau không lời của những người cựu chiến binh. Cách đây hơn 50 năm, khi còn cầm súng, chắc họ không thể tưởng tượng được điều này và giờ đây khi đã trở thành những ông già trên 70, họ hoàn toàn bất lực trước những dích dắc của các nhà chính trị. Tôi hỏi ông: "Các cựu chiến binh như ông sóng thế nào?" Sergey Vasilevich khẽ khàng đáp: "Cũng tốt thôi. Trợ cấp của nhà nước thì chẳng đủ sống. Con trai và cháu nội tôi là những nhà kinh doanh. Chúng chịu khó xoay xở và rất chiều tôi. Chỉ tội nghiệp cho Dmitry. Ông ấy chết mà không có ai bên cạnh". Rồi ông chìa cho tôi hai chiếc vé tầu nhanh: "Tôi đã xin tiền của con trai tôi để mua vé cho cả ông ấy..."

50 năm đã trôi qua kể từ ngày chủ nghĩa phátxít bị đánh bại. Điều đó không có nghĩa là nó đã chết. Chủ nghĩa phátxít đã manh nha sống lại, không chỉ hạn chế trong phong trào đầu trọc ở Đức, mà còn lan sang cả nước Nga nữa. Những tổ chức tội ác, theo báo chí Nga mô tả, đã công khai đặt trụ sở tại Mátxcơva, công khai treo biểu tượng chữ thập ngoặc của Hitler. Càng đến gần Ngày Chiến thắng, công luận càng lớn tiếng đòi hỏi tổng thống thông qua một sắc lệnh riêng chống lại chủ nghĩa phátxít đang phục sinh. Anh có thể tin vào gì tùy ý, nhưng nếu anh chọn biểu tượng và công cụ của niềm tin là bạo lực, thì nhà nước buộc phải ra tay.

Tình hình nước Nga chẳng đơn giản chút nào và cuộc đấu tranh để có được sự phát triển bình thường và lành mạnh cho đất nước này chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai. Cho nên, tôi chợt nghĩ, trong bối cảnh như vậy tổ chức được một ngày lễ Chiến thắng có tầm vóc cũng là một chiến thắng của những lực lượng tiến bộ Nga.

Chiến tranh đã chấm dứt, những những hồi ức về mọi cuộc chiến tranh đều không trôi vào quên lãng. Nước Nga vừa đưa ra những con số thống kê mới: không phải 20 triệu, mà là 27 triệu người Xôviết đã chết trong chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Không lẽ những người đang sống có thể phản bội họ? Đến đây, tôi muốn dừng lại đôi phút ở một suy nghĩ khác. Ông Lev Gushin, Tổng biên tập tuần báo "Ngọn lửa nhỏ" viết: "Cúi đầu trước các cựu chiến binh, chúng ta hãy cùng nhau thú nhận rằng cần phải tìm những hình thức khác giáo dục lòng yêu nước, thay vì đi thăm lại chiến trường xưa, những cách thức khác để biểu dương sức mạnh của một cường quốc thay vì các cuộc duyệt binh".

Chắc chắn không phải tất cả nước Nga sẻ chia quan điểm ấy. Đối với Sergey Vasilevich thì điều đó càng không thể chấp nhận được. Ông sẽ đi Odessa và thả hoa xuống biển, vừa tự thả, vừa thả hộ ông bạn già Dmitry. Tuy nhiên, cả Sergey Vasilevich và cả những người lính trẻ tôi đã gặp trên phố Arbat đều đã tự tìm thấy cho mình hình thức giáo dục lòng yêu nước mới: cậu bé 12 tuổi kéo đàn phong cầm da diết: "Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn?"



Tôi đứng trên một cây cầu bắc ngang dòng sông Mátxcơva. Hình như cũng chính tại nơi đây Boris và Veronica - những nhân vật trong một tác phẩm điện ảnh bất hủ đã nhìn thấy sếu bay. Những con sếu - biểu tượng thanh bình của nước Nga đã không bay qua khi tôi đứng đó. Nhà thơ Rasul Gamzatov đã viết rằng mỗi một con sếu là linh hồn của một người lính ngã xuống trong chiến tranh. Chắc hẳn đàn sếu mà tôi mong đợi đang trú ngụ ở đâu đó, bởi các linh hồn chẳng chết bao giờ.




17 comments:

LU on lúc 20:26 7 tháng 5, 2010 nói...

Khi nào có dịp em sẽ book vé đi một vòng sang Nga để xem những kiến trúc độc đáo của xứ sở này. Cô bạn làm ở đại lý du lịch bảo rằng visa từ Mỹ xin đi Nga thì duyệt hơi bị rắc rối, đấy là do phía bên Nga chứ ko phải bên Mỹ.

VMC on lúc 20:57 7 tháng 5, 2010 nói...

@LU:
Đi Nga nhớ book tour có đông người. Phụ nữ Châu Á sang đó theo kiểu backpacker không an toàn.

Titi on lúc 21:25 7 tháng 5, 2010 nói...

Bài hay và nhiều thông tin.
Em thích câu cuối: Những linh hồn chẳng chết bao giờ. Và muốn tiếp nối rằng: Nước Nga hãy tiếp tục mạnh mẽ bằng tinh thần Vệ QUốc khi xưa :-)

Hậu Khảo cổ on lúc 22:42 7 tháng 5, 2010 nói...

"Khi đàn sếu bay qua" - bộ phim về chiến tranh hay nhất mà chị được xem, vì chị nghĩ chiến tranh là mất mát và đau đớn chứ ko chỉ là bản anh hùng ca ngòai chiến trường.
"Giờ này anh ở đâu hỡi người bạn cũ cùng trung đòan, đã dấn bước bên nhau trên chặng đường xa..." - anh Hai của chị rất thích bài hát này...

Nặc danh nói...

Em cũng có cùng một tí ý kiến giống với chị Hậu về việc đọc entry này lại nhớ đến bộ phim Khi đàn sếu bay qua. Cách đây hai năm em được xem lại phim đen trắng The Cranes are Flying (phụ đề tiếng Anh) tại liên hoan phim Gấu Bạc. Mục đích chiếu lại phim này chủ yếu là để người xem hôm đó tham khảo về kỹ thuật ánh sáng, góc quay của một bộ phim được sản xuất ở giai đoạn 1950-1960. Lúc đó em chỉ để ý đến Veronika. Thích cái kết trong phim của Điện ảnh Xô viết , bao giờ cũng có tia sáng hy vọng ở phần cuối của bộ phim. Sự hy sinh được tô đậm không phải với mục đích lấy nước mắt, mà nhà biên kịch + đạo diễn đã chuyển tải một cách xuất sắc thông điệp : có những cuộc đời phải hy sinh để nhiều cuộc đời khác trở nên tươi đẹp hơn.

VMC on lúc 00:18 8 tháng 5, 2010 nói...

@Titi:
Nước Nga lớn mạnh rồi. Hôm nay sẽ có cuộc duyệt binh cực lớn trên Quảng trường Đỏ.

@Chị Hậu:
Em cũng thích hai tác phẩm mà chị và anh Hai chị thích.

VMC on lúc 00:21 8 tháng 5, 2010 nói...

@HPLT:
Phim này đã đoạt Cành cọ Vàng tại Cannes đó. Tác phẩm kinh điển về những mất mát của con người trong chiến tranh. Phim quay tuyệt đẹp, diễn xuất của hai diễn viên chính thì ở mức đỉnh cao. Tóm lại, nó xứng đáng có tên trong danh mục những phim hay nhất của mọi thời đại.

Vân Lam on lúc 02:21 8 tháng 5, 2010 nói...

Quá nhiều thông tin về nước Nga ở đây. Xem như em được 'xóa mù' về Nga một bước dài từ khi đọc blog anh. :)

Lana on lúc 07:34 8 tháng 5, 2010 nói...

Bài viết mang hơi thở và tâm hồn Nga 'kiêu hãnh và nhân hậu'. Cảm ơn bài viết.

Những con sếu luôn là hình ảnh tuyệt đẹp với người dân Nga. Rất nhiều những tác phẩm điện ảnh, văn học, thơ có hình ảnh đàn sếu VMC nhỉ?
Lại nhớ Nga rồi...

Đỗ on lúc 10:27 8 tháng 5, 2010 nói...

Tôi đọc bài lại thấy sao năm ấy ('95) nước Nga buồn và mệt mỏi đến vậy sao?

VMC on lúc 10:38 8 tháng 5, 2010 nói...

@Vân Lam: Cảm ơn em.

@Lana:
Nhớ một chút cho lòng dịu lại...

@Đỗ:
1993 - 1998 là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của Nga trong lịch sử hiện đại, anh Đỗ à.

L2C on lúc 20:56 8 tháng 5, 2010 nói...

Hơn chục năm qua rồi, nước Nga giờ đã được liệt vào hàng những nước có giá sinh hoạt cao nhất thế giới, và nhiều nouveau riche chứ, phải không bác VMC?

Cách đây gần chục năm, em xuống Yalta, đã thấy dân Nga xuống đó nghỉ toàn trong tư thế khách sộp rồi.

VMC on lúc 21:04 8 tháng 5, 2010 nói...

@Like2chat:
Những người Nga nouveau riche không chỉ đầy Yalta, mà còn đầy ở French Riviera (các bãi biển miền nam nước Pháp), Monaco, Rimini (Italia) nữa em ạ. Nhưng những người Nga nghèo thì cũng nhiều lắm. Nước Nga bị phân hóa rất mạnh về hai cực. Nhưng trong mấy năm gần đây tầng lớp trung lưu bắt đầu nhiều lên và cuộc sống của mọi người cũng khấm khá hơn.

Thuy Dam Minh on lúc 22:45 8 tháng 5, 2010 nói...

Tự nhiên anh lại nhớ Những Linh Hồn Chết của Gô-Gôn, Mùa Lá Rụng của Béc-Gôn...

VMC on lúc 23:02 8 tháng 5, 2010 nói...

@A Thụy:
Nên nhớ thêm tới Gắng sống đến bình minh, Tuyết bỏng, Sống mà nhớ lấy, Bình minh nơi đây yên tĩnh, Bến bờ... nữa anh ạ. Toàn những tác phẩm hay.

NOO on lúc 15:24 10 tháng 5, 2010 nói...

Nước Nga đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên em sang công tác lại thì thấy dịch vụ (nhất là khách sạn) vẫn như xưa.Thời em học bên đó đúng lúc khó khăn, khi Eltsin soán ngôi Gorbachov...
Em vẫn mê "Khi đàn sếu bay qua", "Bài ca người lính", "Số phận một con người"...
Xem cái duyệt binh của Nga trên Quảng trường đỏ hôm qua, em nổi cả gai ốc bác ạ, nhiều cảm xúc quá...

VMC on lúc 16:39 10 tháng 5, 2010 nói...

@NOO:
Hôm qua xem duyệt binh, anh cũng có ấn tượng rất mạnh.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết