24/5/10

VÌ SAO NGƯỜI THÁI ĐĂNG QUANG TẠI CANNES?



Một tờ báo mạng rút tít "Bất ngờ lớn tại Cannes 2010: Thái Lan giành Cành cọ vàng!". Có thật là bất ngờ không?

Để đăng quang tại một liên hoan phim hàng đầu thế giới như Cannes, thì không thể có chuyện "bất ngờ".

Thái Lan, có lẽ được điện ảnh du nhập cùng thời với Việt Nam, tức là đầu thế kỷ 20, nhưng nhanh chóng nhận được sự hợp tác của Hollywood từ thập niên 1920 và đạt được một số thành tựu nhất định. Năm 1923, khi người Việt Nam bắt tay với người Pháp làm bộ phim đầu tiên "Kim Vân Kiều" thì người Thái hợp tác với kịch tác gia kiêm đạo diễn Mỹ Henry MacRae làm bộ phim Miss Suwanna of Siam.

Sau này, trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, điện ảnh Thái đứng đằng sau điện ảnh miền Nam Việt Nam với những tên tuổi lẫy lừng như Lê Dân, Lê Hoàng Hoa, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh... Điện ảnh Việt Nam của cả hai miền thời kỳ đó đã ghi dấu ấn tại những liên hoan phim quốc tế danh tiếng như Berlin, Mátxcơva..., trong khi điện ảnh Thái mới chỉ lọt qua vòng ghi danh ứng thí.

Sự xuất hiện của video đã khiến cho điện ảnh của cả Việt Nam lẫn Thái Lan bị lao đao trong thập niên 1990. Nhưng có một điều khác biệt: Tại VN các rạp chiếu phim bị biến thành siêu thị, quán bar, nhà hàng, vũ trường, thì tại Thái Lan các multiplex cứ nối đuôi nhau ra đời và ngày này qua tháng khác chiếu phim Hollywood. Có lẽ người Thái hiểu rằng chẳng thể hồi sinh một nền điện ảnh, nếu không có một hệ thống rạp tốt và nuôi dưỡng thói quen xem phim của công chúng.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã đào huyệt cho tư duy điện ảnh theo lối cũ ở Thái Lan. Ba đạo diễn hàng đầu của Thái là Nonzee Nimibutr, Pen-Ek RatanaruangWisit Sasanatieng cho rằng phải làm những bộ phim thực sự hấp dẫn thì mới thu hút được các nhà đầu tư bỏ tiền cho điện ảnh. Họ làm phim ma (Nang Nak), phim kinh dị (Tears of the Black Tiger), phim hành động (Bang Rajan), phim đồng tính (Iron Ladies)...

Tuy đây là những bộ phim mà yếu tố thương mại được đặt lên hàng đầu, nhưng giá trị nghệ thuật và ứng dụng công nghệ làm phim hiện đại không vì thế mà bị xem nhẹ. Kết quả là họ đã tạo nên một làn sóng điện ảnh mới (The Thai New Wave), lôi kéo hàng chục triệu khán giả đến rạp, tạo ra kỷ lục doanh thu mọi thời đại đối với phim Nang Nak (gần 150 triệu baht).


Cách đây 10 năm, có mặt tại Bangkokk nhân một sự kiện của ASEAN, tôi đã đến rạp xem Bang Rajan. Đó là bộ phim hành động sử thi thuật lại cuộc chiến của dân làng Bang Rajan chống lại quân xâm lược Burma (Miến Điện). Bao nhiêu trai xinh gái đẹp của Thái được huy động hết vào phim này, nên người dân làng giáp biên trở nên xinh đẹp và hấp dẫn lạ lùng. Quan hệ giữa Thái Lan và nước láng giềng Myanmar thì dường như chưa bao giờ bớt nóng, nhưng cái không khí yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm trong điện ảnh được miêu tả hừng hực. Không ít cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng cũng chẳng hiếm những cảnh nóng và lãng mạn (điện ảnh mà không có cảnh nóng thì có còn là điện ảnh không nhỉ?).

Hỏi một người bạn Thái là giảng viên của ĐH Chulalongkorn: "Các bạn không ngại bộ phim làm cho tinh thần chống Myanmar dâng cao gây cản trở quan hệ hai nước à?", thì anh trả lời: "Các nhà làm phim có làm quá hơn một chút, nhưng cuộc chiến ở Bang Rajan là có thật. Xem phim, ai cũng hiểu đó là điện ảnh, chứ không phải 100% là lịch sử".

Ít lâu sau, Hoàng hậu Thái Sirikit đích thân vận động tiền bạc cho dự án phim sử thi đắt nhất Thái trước nay có tên The Legend of Suriyothai (Huyền thoại Suriyothai) kể về cuộc chiến Xiêm - Miến đẫm máu hồi thế kỷ 16. Hoàng cung Thái Lan vàng son, những bộ trang phục lộng lẫy, những đại cảnh giao chiến có voi và hàng nghìn người tham gia đã ghi một dấu ấn khó phai trong lòng khán giả Thái.

Các nhà làm phim Thái không chỉ hợp tác với Hollywood để có được công nghệ làm phim tân kỳ nhất, mời nhạc sĩ Anh Richard Harvey viết nhạc cho phim, mà còn cầu cạnh cả các nhà quay phim hàng đầu của Nga để quay những đại cảnh chiến tranh mà điện ảnh thời Liên Xô rất có thế mạnh. Suriyothai sau đó được đạo diễn Mỹ lừng danh Francis Ford Coppola biên tập lại và phát hành rộng rãi ở Mỹ.

Trong vòng hơn một thập niên qua, điện ảnh Thái đã phát triển khá toàn diện, với đủ mọi thể loại điện ảnh từ phim bi, sử thi chính thống, cho đến phim hài, phim hành động, phim kinh dị, phim viễn tưởng, phim ca nhạc, phim teen... Năm nào điện ảnh Thái cũng có ít nhất một tác phẩm làm mưa làm gió trên màn ảnh nội địa. Liên hoan phim Bangkok đang vươn lên trở thành một LHP quốc tế mạnh của khu vực Đông Nam Á.

Sự hồi sinh mạnh mẽ của điện ảnh Thái đã sản sinh ra Apichatpong Weerasethakul (năm nay vừa tròn 40 tuổi). Apichatpong là đạo diễn tiên phong của dòng phim độc lập ở Thái. Là đạo diễn và đồng đạo diễn cho 6 phim, anh đã ngay lập tức gây được sự chú ý với lối làm phim rất riêng, khai thác những đề tài nhạy cảm, đề cập những vấn đề rất Thái, nhưng lại khéo léo lồng ghép vào đó những giá trị toàn cầu.

Tiêu biểu trong số đó là Blissfully Yours, thuật lại tình cảnh éo le của một chàng trai nhập cư bất hợp pháp người Miến trên đất Thái, cũng như mối tình giữa chàng trai với một cô gái Thái. Phim đoạt giải ở thể loại "Một cái nhìn" (Un Certain Regard) tại LHP Cannes 2002. Hai năm sau Apichatpong đem đến Cannes tác phẩm mới có nhan đề "Tropical Malady" (Bệnh nhiệt đới) đề cập các chủ đề cũng rất nhạy cảm là đồng tính và tâm linh. Phim chia ra hai phần, với hai nội dung hầu như khác biệt, không liên quan đến nhau. Phim đoạt giải thưởng của Ban Giám khảo tại LHQ Cannes.



Năm nay, Apichatpong xuất hiện tại Cannes với tư cách cựu chiến binh. Bộ phim "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" (Bác Boonmee, người nhớ được kiếp trước) thuật lại những ngày cuối cùng trong cuộc đời của ông Boonmee. Cuộc gặp gỡ với những người thân, trong đó có hồn ma của vợ và con trai, đã giúp ông Boonmee khám phá những cuộc đời trong quá khứ của mình, cũng như nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của ông. Phim đã vượt qua những tác phẩm nặng ký của Mike Leigh (Anh), Xavier Beauvois (Pháp), Nikita Mikhalkov (Nga) để đoạt "Cành cọ Vàng".

Như thế có thể thấy thắng lợi của Apichatpong không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được chuẩn bị trong cả một thời gian dài, với những bước đi bài bản của toàn bộ nền điện ảnh (bao gồm cả đầu tư cơ sở vật chất, marketing, PR...). Dòng phim thương mại và dòng phim độc lập song hành đảm bảo một nền điện ảnh vừa có khán giả vừa có giải thưởng. Có khán giả không khó lắm, nhưng có giải thưởng tại các LHP danh tiếng thì quả là câu chuyện dài. Trở ngại chính trên con đường này là thói quen tư duy.

Trung Quốc từ cách đây 2 thập niên đã phớt lờ để Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca tự do sáng tạo và giành giải thưởng tại Cannes, Venice. Người Thái cũng đi theo con đường đó của Trung Quốc thôi. Và nếu chúng ta cũng đi theo lộ trình đó, thì hoàn toàn có thể hy vọng từ thắng lợi ban đầu còn khiêm tốn của Phan Đăng Di tại Tuần lễ phê bình ở Cannes vừa qua.

Quả ngọt không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nó chỉ có thể là kết quả của một quá trình vun trồng lâu dài và khó nhọc.



21 comments:

Titi on lúc 16:44 24 tháng 5, 2010 nói...

Ôi. Chẳng có nền điện ảnh nào tội nghiệp như điện ảnh Việt nam , mang đủ thứ trách nhiệm do những người chẳng biết gì về điện ảnh chụp lên nó :-(

Unknown on lúc 16:45 24 tháng 5, 2010 nói...

Em chỉ thích phim hành động Thái thôi, em mê mệt anh Tony Jaa, và bất cứ phim nào đánh đấm có dùng Moay Thái, hehe

Thuy Dam Minh on lúc 17:40 24 tháng 5, 2010 nói...

Anh có 2 sự liên tưởng:
Thứ nhất là phim hành động của Thai. Anh rất thích serie phim Truy tìm Tượng Phật. Theo anh, diễn viên chính (tên Thái khó nhớ quá, hu hu) phim này chắc phải sánh ngang Jackie Chan, Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát. Thật công bằng mà nói, ta chưa có phim hành động nào tầm như thế. May ra thì The Rebel được coi là tạm ổn. Nhưng được mỗi phim ấy xong là im luôn.

Nhân thể nói phim, nói đến bóng đá. Thập niên 60 Việt Nam mình (Nam Việt Nam) thắng Thai dễ, thắng cả Nhật luôn. Giờ thì lâu lâu thắng Thai một trận, còn là toàn thua. Nhật thì ta đừng hòng thủ hòa chứ đừng mơ thắng.

Đúng rồi! "Quả ngọt không tự nhiên từ trên trời rơi xuống".

marcus nói...

Đúng ạ, chẳng bất ngờ gì cả. Có bất ngờ với người Việt thì là sao Thái Lan họ vượt xa ta quá, càng ngày càng xa.

Vân Lam on lúc 19:50 24 tháng 5, 2010 nói...

Anh viết hay quá!
Em cũng có xem phim Thái, chủ yếu là phim kinh dị. Không ngờ kết quả lần này họ đạt được thật mĩ mãn. :)

(p/s : em đố anh tìm được chỗ anh type nhanh quá thiếu một hoặc hai chữ sau đó. :P)

VMC on lúc 20:02 24 tháng 5, 2010 nói...

@Titi:
Nghe em ta thán mà thấy tội nghiệp.

@Dứa:
Em xem phim "Võ sĩ xinh đẹp" về một anh chàng xuyên giới tính vô địch Moay Thai sau các trận tỉ thí với các võ sĩ nam chính hiệu nai vàng chưa?

VMC on lúc 20:03 24 tháng 5, 2010 nói...

@A Thụy:
Lại bao giờ cho đến ngày xưa hả anh?

@Marcus:
Đúng là người Thái đã vượt xa chúng ta trong cả điện ảnh lẫn thể thao.

@Vân Lam:
Đọc lại rồi mà vẫn chưa phát hiện ra VL à.

Nặc danh nói...

anh VMC
......đã giúp ông Boonmee khám phá những cuộc đời trong quá của mình.....Thiếu chữ khứ của quá khứ.

VMC on lúc 21:25 24 tháng 5, 2010 nói...

@HPLT @ VL:
Cám ơn các em. Đã sửa lỗi.

LU on lúc 21:57 24 tháng 5, 2010 nói...

Quả ngọt không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nó chỉ có thể là kết quả của một quá trình vun trồng lâu dài và khó nhọc.

Em kết câu này, đúng là không điều gì tự nó mà có cả. Ngày trước VN hơn Thái cho thấy rằng dân mình ko phải bẩm sinh là dở, là tệ, là bất tài. Chỉ vì mình ko biết giử gìn cái tinh hoa vốn có, mình coi thường nó, nên nó mới chết đi. Em tin chắc người Việt mình ko dở, chỉ do mình ko tin tưởng vào khả năng của mình, ko chịu khó học hỏi nên ngày càng tụt lùi thôi. Nhật tại sao vượt lên? đó là họ biết học hỏi tiếp thu những thành tựu của thế giới. Nhưng sau này có ý kiến cho rằng, giới trẻ Nhật đang bắt đầu có tư tưởng hưởng thụ, ko còn được tính hay lam hay làm, chịu khó của thế hệ trước nữa. Việt Nam, em thấy có tình trạng ít tin tưởng vào chính khả năng của mình, chưa làm đã vội lo sẽ hỏng, chưa đi đã vội sợ đi không tới. Nếu những đứa trẻ cũng được nhồi nhét tư tưởng này thì thế hệ chúng nó sẽ có ý nghĩ, "không cần làm chi cho mệt, vì có làm cũng sẽ không thành công!"

Titi on lúc 23:02 24 tháng 5, 2010 nói...

Vâng, tội nghiệp lắm. Điện ảnh là môn nghệ thuật tổng hợp kiêm diễn đàn tư tưởng kiêm sân chơi kỹ thuật tinh vi nên phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng cũng như đặc biệt phải có tài chính rủng rỉnh, hoặc ít nhất là sự say mê quên cả tài chính. Hè hè...thế mà theo như cả nhà đã nhất trí là người Việt chỉ có cá nhân giỏi chứ không có team giỏi, có ý tưởng qui mô nhỏ chứ chưa có những ý tưởng ở tầm vĩ mô thực sự khả thi. Vì thế mừ điện ảnh cứ mãi chỉ là niềm mơ ước đuổi theo chân thiên hạ thoai.
Nhìn đồng nghiệp vất vả đấu tranh với đủ loại cửa trong nghề nữa mới gọi là chán ngán.
Em đang hy vọng ở những bạn Vịt kifu làm phim độc lập. ÍT nhất, các bạn ấy không bị cơ chế VN bào mòn cạn cùng sức lực và lòng kiên nhẫn với nghề :-D

MC3 on lúc 23:11 24 tháng 5, 2010 nói...

Phim Thái giành Cành cọ vàng, nhưng phim VN cũng giành Mâm xôi vàng, danh giá đâu kém mà.

Đỗ on lúc 09:00 25 tháng 5, 2010 nói...

Trên các kênh của truyền hình VN ngày nào cũng chỉ thấy phim HQ và TQ, tôi chưa được xem một bộ phim Thái nào bao giờ, quê thật.

Unknown on lúc 09:26 25 tháng 5, 2010 nói...

Phim đó em coi 2 lần, đều qua HBO cả.

Sao anh Cường ko viết tiếp về bộ sậu quê mùa thời trang phường chèo của nhà mình sang dự Cannes nhỉ :))

VMC on lúc 09:43 25 tháng 5, 2010 nói...

@LU:
Người Việt thì nhất định là không dở rồi. Nhưng vấp phải những trở ngại để phát triển tài năng thì như Titi nêu trong comment.

@MC3:
Không phải ngẫu nhiên mà được "Mâm xôi vàng" đâu Minh. Cũng phải đạt một số tiêu chí nhất định đấy.

VMC on lúc 09:46 25 tháng 5, 2010 nói...

@Đỗ:
Các kênh truyền hình nhà ta có phát một số phim Thái, nhưng toàn phim opera sà phòng và mì ăn liền. Cũng chán lắm.

@Dứa:
Anh không theo dõi gánh hát nhà mình được cử đến Cannes. Thực ra là một hãng rượu nào đó mời đến góp vui, chứ không phải BTC của LHP.

LU on lúc 12:23 25 tháng 5, 2010 nói...

anh Cường : em khoái cách giải thích của anh, có sự công bằng cho người Việt. Không phải là em dân tộc tính cao quá, nhưng em tin chắc người Việt ko dở, chỉ cần có cơ hội và sự khuyến khích.

doanh on lúc 14:08 25 tháng 5, 2010 nói...

Bài này bác viết tốt, nhiều thông tin và rõ ràng. Em cũng khoái phim Thái, xem không bị cảm giác tuyên truyền văn hóa như các bạn TQ, HQ, có thể là nó gần với mình hơn. Ở bên đây mấy tiệm băng đĩa VN bán nhiều phim Thái lắm, có cái rất hay, có cái dở tệ. Em thik phim ma Thái, bùa ngải này nọ, oài, rất quái.

Các bạn đạo diễn mình thi thoảng vẫn khoe là sang Thái làm hậu sự, í quên, hậu kỳ đấy thui. Em thấy VN thua Thái toàn diện, từ nông nghiệp trở đi.

Các bạn nữ Thái hình như cũng dễ thương hơn, hehe - câu này để câu tiếp comment vào nhà bác C :-D

Unknown on lúc 16:32 25 tháng 5, 2010 nói...

Em mới chỉ xem thể loại xà phòng Thái, đọc entry này thấy tò mò quá cơ, thanks

VMC on lúc 16:38 25 tháng 5, 2010 nói...

@LU:
You are right.

@Gauxx
Cảm ơn PhD-to-be đã khen.
Các bạn nữ Thái dễ thương, dáng đẹp, nhưng mặt thì dứt khoát thua phụ nữ VN, Gấu ạ.

@Lan:
Đó là một nền điện ảnh rất đáng được khám phá.

Unknown on lúc 17:01 25 tháng 5, 2010 nói...

Một chút ếch kiểu phi máy bay xem hoa thì em thấy Charlie Nguyen, Dustin Nguyen hay Lý Huỳnh, Lý Hùng cũng là điều gì đó cho một người việt như em có quyền hi vọng rồi - đó là những nỗ lực tuyệt vời

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết