6/5/10

NICARAGUA CẠNH TRANH VỚI PANAMA



Đầu tháng 10.2006, Tổng thống Nicaragua lúc đó là ông Enrique Bolanos Geyer đã tuyên bố Nicaragua sẽ xây dựng một kênh đào mới nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương để cạnh tranh với kênh đào Panama. Tuy nhiên, Panama không khoanh tay đứng nhìn, mà lên kế hoạch mở rộng kênh đào Panama, quyết không để một phần trong khoản lợi khổng lồ rơi vào túi của nước láng giềng.

Ý tưởng xây dựng kênh đào Nicaragua được đưa ra từ gần một thế kỷ trước. Năm 1914, người ta đã nghĩ đến việc phải cạnh tranh với kênh đào Panama. “Nhưng khi đó người ta buộc phải nói “không” với dự án kênh đào Nicaragua vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, kênh này sẽ dài hơn kênh Panama. Thứ hai, tại Nicaragua có một số núi lửa đang hoạt động có thể thể gây nguy hiểm đến an toàn hàng hải” – Colin Luis, học giả của Trường Kinh tế London (Anh) cho hay.

Thời gian trôi đi và chính quyền Nicaragua quyết định xem xét lại dự án và thu hút các nhà đầu tư. Nicaragua là một trong những nước nghèo nhất ở khu vực Trung Mỹ. Theo số liệu của CIA, thu nhập bình quân đầu người của nước này năm 2005 đạt 2.900 USD, 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nợ nước ngoài của Nicaragua lên đến hơn 3 nghìn tỉ USD, trong khi nước này lại không có nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể nào. “Xây dựng kênh đào sẽ giúp người dân có được thu nhập, chỗ làm và giúp kinh tế đất nước phát triển”, ông Jean-Paul Fague - một chuyên gia khác của Trường Kinh tế London nhận định.

Ngoài lý do kinh tế, một trong những nguyên nhân chính khiến ban lãnh đạo Nicaragua trở lại với dự án này là sự xuống cấp và quá tải của kênh đào Panama. Việc đưa vào sử dụng những tàu chở container có tải trọng lớn (ví dụ như tàu Emma Maersk dài 397m và rộng 56m) khiến cho kênh đào Panama trở nên kém hấp dẫn đối với các hãng vận tải đường biển. Tàu Emma Maersk không đi lọt qua kênh đào và buộc phải tìm những hải trình khác.

Nhưng chính quyền Panama cũng lên kế hoạch mở rộng kênh đào của mình. Tháng 7.2006, Tổng thống Panama lúc đó là Martin Torrijos đã ký đạo luật về tái thiết kênh đào, trong đó có việc xây dựng thêm làn thứ ba. Kế hoạch hiện đại hoá kênh đào do chính người đứng đầu tập đoàn Hutchison Whampoa trình bày. Tập đoàn Hồng Kông này lâu nay gánh trách nhiệm kiểm soát hạ tầng của kênh đào Panama. Việc mở rộng kênh đào Panama ngốn khoảng 5 tỉ USD và dự kiến được hoàn tất vào năm 2011.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng nếu kênh đào Panama được mở rộng và hiện đại hoá, thì kênh đào mới ở Nicaragua sẽ trở nên ế ẩm và Nicaragua sẽ chìm sâu vào vũng lầy nợ nần. Ông Rudolfo Sabonche, một nhân vật trong ban điều hành kênh đào Panama cho rằng nếu thực hiện cả hai dự án kênh đào Panama và Nicaragua thì thế giới không có đủ tầu biển để đảm bảo đủ công suất cho hai kênh đào ở cạnh nhau cùng hoạt động. “Đây thực sự là một ý tưởng ngu ngốc cả từ góc độ địa lý lẫn góc độ kinh tế. Cần gì phải xây dựng thêm một kênh đào nữa, trong khi có thể mở rộng kênh đào Panama. Các nhà đầu tư sẽ không dại gì mà đổ tiền vào kế hoạch đó” – ông Jean-Paul Fague bình luận.

Hai năm sau, chính quyền mới ở Nicaragua của Tổng thống Daniel Ortega lại xem xét dự án xây dựng kênh đào mới với quyết tâm cao hơn. Tháng 9.2008, Phó Thủ tướng LB Nga Igor Sechin đã đến thăm Nicaragua và hội kiến với Tổng thống Ortega. Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Samuel Santos tuyên bố: “Nga rất quan tâm đến khả năng tham gia vào việc xây dựng kênh đào nối hai đại dương dành cho tầu biển tải trọng lớn trên lãnh thổ Nicaragua”.

Theo kế hoạch mà Nicaragua đề xuất, kênh đào sẽ đi qua sông San Juan và hồ Nicaragua, tổng chiều dài là 286km, độ sâu 22m (kênh đào Panama sâu 12,5m), bề ngang tối đa là 114m. Với kích cỡ như vậy, hành lang đường thuỷ này của Nicaragua cho phép tầu biển có trọng tài 270 nghìn tấn qua lại dễ dàng, trong khi kênh đào Panama chỉ có thể cho phép tầu có trọng tải 70 nghìn tấn đi qua, và thậm chí ngay cả sau khi hiện đại hoá cũng chỉ cho phép tầu có trọng tải 130 nghìn tấn đi qua. Không những thế kênh đào Nicaragua còn tỏ ra hiệu quả hơn so với kênh Panama khi có tới 4 luồng đường và có thể nâng tầu lên 60m so với mặt nước biển (so với 26m của kênh Panama).

Chính quyền Nicaragua cho rằng hoạt động của kênh sẽ được bảo đảm nhờ vận chuyển hàng hoá đang ngày một gia tăng giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez muốn chuyển đích xuất khẩu dầu lửa từ Mỹ sang Trung Quốc. Nước này đã bày tỏ tinh thần sẵn sàng chở dầu lửa của Venezuela trên những tầu chở dầu lớn và cũng quan tâm tới việc bỏ vốn đầu tư xây dựng kênh.

Theo tính toán của Grand Canal Foundation, đơn vị đề xuất xây dựng kênh đào Nicaragua, dự án sẽ cần tới nguồn vốn khoảng 25 tỉ USD với thời gian xây dựng là 10 năm. Công trình cần tới 40 nghìn công nhân, tạo ra 20 nghìn việc làm trong lĩnh vực điều hành kênh. Bên cạnh đó 120 nghìn việc làm sẽ được tạo ra trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ cảng. Kênh đào mới sẽ biến Nicaragua thành một trong những nước giàu có nhất khu vực Trung Mỹ trong vòng 20 năm.



14 comments:

Đỗ on lúc 08:36 7 tháng 5, 2010 nói...

Kênh đào Panama tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhiên liệu cho tàu bè qua lại ĐTDương và TBDương. Kênh có 2 chiều đi về và tàu lớn chạy vào ban đêm, tàu nhỏ ban ngày, tàu được lai dẫn bởi 4 đầu máy xe lửa trước sau định vị để chạy vào các âu tàu nâng lên và hạ xuống (3 lẩn lên 3 lần xuống). Hiện nay mật độ cũng chưa đến nỗi. Anh bạn tôi mới đi về, làm thủ tục, chờ đợi khoảng nửa ngày là vào kênh.

ANH on lúc 09:18 7 tháng 5, 2010 nói...

Việc xây dựng kênh đào sẽ là một thử thách không nhỏ với Nicaragua. Chờ xem phần thắng trong cuộc cạnh tranh này sẽ đổ về bên nào mà hơn 10 năm nữa thì lâu quá:). Tuy nhiên hy vọng mối lợi khổng lồ từ kênh đào Panama sẽ san bớt sang Nicaragua để góp phần thay đổi được đời sống kinh tế của dân họ.

Hình như anh gõ nhầm tên của Nicaragua thành Panama trong câu "và Panama sẽ chìm sâu vào vũng lầy nợ nần"?

Hehe, anh Cường phải vội dập độ sôi nổi của entry trước bằng một entry chủ đề kinh tế là nguội ngay

L2C on lúc 09:47 7 tháng 5, 2010 nói...

Hay nhỉ, một bài toán cả kinh tế, chính trị và địa lý cho chính quyền Nicaragua. Giống bài thi của em quá, một mớ số liệu và túm lại cái gì?

Đọc ở đây thấy trong cân nhắc của chính quyền Nicaragua, họ nhìn vào mong muốn của bản thân(giúp người dân có được thu nhập)và chút quan tâm (đã cam kết chưa nhỉ) của Nga và Venezuela nhiều hơn là ngoại tình và thực trạng nhỉ.

Nhiều số liệu thế mà em vẫn thấy thiếu để đi đến kết luận. Nhưng em đã chốt được rồi khi làm so sánh này rồi: 5 tỉ USD mở rộng kênh đào Panama và dự kiến được hoàn tất vào năm 2011 vs. 25 tỉ USD để xây kênh đào Nicaragua với thời gian xây dựng là 10 năm.

Hay là đằng nào cũng đã nợ 3 nghìn tỷ USD đô rồi, thêm 25 tỉ nữa thấm tháp gì, hihi.

Titi on lúc 10:15 7 tháng 5, 2010 nói...

Em cũng khoái dự án này.
Thứ nhất, nó cho thấy chính phủ Nicaragua ít nhất là không ngồi chờ sung rụng (để tham ô) nữa.
Thứ hai, thà làm và chịu căng thẳng một thời gian còn hơn cứ kệ cho tình hình bi đát không có thuốc chữa.
Thứ ba, đây là thời điểm thích hợp nhất để Nicaragua thuyết phục các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của những nước giàu đổ công sức, tiền của giúp người dân nghèo nước mình có thể đổi đời với dự án.

LU on lúc 10:16 7 tháng 5, 2010 nói...

he he, bi giờ thì được học chính trị nghiêm túc. Em viết tiếng Việt khá lên một chút, biết về Việt Nam nhiều hơn một chút, và mỗi ngày có tin tức báo chí mới nhất để cập nhật đầu óc là nhờ thầy Cường. :)

MHTL on lúc 11:56 7 tháng 5, 2010 nói...

@ LU: Bây chừ phải tập soi (chê) thầy Cường (kiểu bới lông-tìm vết) chứ khen thầy thì khen cả ngày.:)

MHTL on lúc 11:57 7 tháng 5, 2010 nói...

Mà thầy cũng "phải" có khuyết điểm chứ TiTi nhể :))

Titi on lúc 12:01 7 tháng 5, 2010 nói...

Ối giời! Sao anh Minh com gì cứ quàng em vào thế? Em đâu có chê anh C cái giề. Em chỉ thích cù cho anh ấy cười sằng sặc thoai :-D

VMC on lúc 14:15 7 tháng 5, 2010 nói...

@Đỗ:
Anh nói hoàn toàn đúng.

@ANH:
Cám ơn em đã nhặt sạn dùm.

VMC on lúc 14:18 7 tháng 5, 2010 nói...

@Like2chat:
Thêm từng đấy nợ thì đúng là có thấm tháp gì đâu. Vấn đề là cái kênh đấy (nếu được xây dựng) sẽ vẫn tồn tại và biết đâu Nicaragua vẫn có cớ sinh nhai.

VMC on lúc 14:20 7 tháng 5, 2010 nói...

@Titi:
Thôi cứ làm đã, ít nhất là có hạ tầng, đúng không Titi?

@LU:
Ài ài, sinh viên gì mà... cao tuổi thế? SV của tui toàn 9X đó nghe.

VMC on lúc 14:21 7 tháng 5, 2010 nói...

@MC3:
Ai mà chả có khuyết điểm, Mr Minh ơi.

@Titi:
Định cù bằng truyện cười hay bằng tay đấy?

LU on lúc 20:10 7 tháng 5, 2010 nói...

anh Cường : he he, anh Cường mà có sinh viên như em thì chứng tỏ anh Cường là thầy giỏi lắm đó ạ. Em, Lu bụ bẫm, chỉ mới mài đủn quần ở đại học có gần 10 năm thôi, và đang là thủ lỉnh của một nhóm đờn ông thông minh. Em có được thành công vì em nghe theo lời ba em dạy, phải biết học ở người khôn. Thế nên ra đời em cứ thấy đờn ông thành đạt khôn ngoan là em nhận mần thầy ;))

Titi on lúc 21:19 7 tháng 5, 2010 nói...

Em cù bằng gì thì cũng để bạn bè cười vui và yêu đời hơn. Có thể tượng tượng xa xôi và hưng phấn, nhưng cấm chỉ định với những tâm hồn không bit tự trào :-D

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết