Mấy năm đi dạy đại học, không phải đi chấm thi tập trung bao giờ. Những năm trước, việc tổ chức thi cử - chấm thi giao cho khoa, mà các thầy cô ở khoa biết rõ là các giảng viên thỉnh giảng bao giờ cũng bận rộn, nên thường linh động cho người cầm bài thi đã rọc phách đến tận cơ quan. Chấm xong, vào điểm, gọi một cú điện thoại là có người đến lấy bài trả lại cho khoa.
Nhưng từ năm nay, Phòng đào tạo của trường trực tiếp phụ trách thi cử, nên mọi chuyện đi vào quy lát. Sinh viên thi xong, tôi nhận được email thông báo thời gian, địa điểm chấm thi và người phụ trách việc này để có chuyện gì thì trực tiếp thương thảo lại. Ngày mà Phòng đào tạo hẹn lại đúng vào hôm tôi bận, nên phải gọi điện lại để thu xếp thời gian khác.
Người phụ nữ nghe điện trả lời giọng ngọt ngào: "Vâng, thưa thầy, thầy đến vào ngày hôm sau cũng được ạ".
Y hẹn, từ đầu giờ sáng tôi đã có mặt ở Phòng đào tạo tại tầng 6. Người phụ nữ mà tôi cần tìm ngồi ở một góc phòng. Chị đang bận rộn với các phong bì đựng bài thi khác nhau, mải miết phân loại và điền những form gì đó. Nghe tôi tự giới thiệu, chị tươi cười: "Vâng, mời thầy ra bàn kia ngồi uống nước, đợi em một lát".
Người phụ nữ cũng phải tầm U40, tức kém tôi vài tuổi. Chẳng có cớ gì mà chị phải gọi tôi bằng "thầy", xưng "em" như thế cả!
5 phút sau, chị xong công việc dở dang, lấy từ trong tủ ra hai phong bì to màu nâu chứa 97 bài thi mà tôi phải chấm. Chị gọi tôi: "Mời thầy ra ký nhận bài thi ạ". Tôi ký, chị trao bài thi và nói tiếp bằng giọng lễ phép y như vậy: "Mời thầy lên phòng 703 tầng 7 chấm bài. Các thầy cô khác đang chấm ở đó cả".
Phòng 703 đóng cửa im ỉm, nhưng bên trong sáng đèn. Biết có gõ cửa cũng không ai trả lời (vì là phòng chung và ai cũng đang bận chấm bài), nên tôi đẩy cửa bước vào. Hai chiếc bàn to kê giữa phòng, hai thầy và 5 cô nghe tiếng kẹt cửa đều quay ra nhìn. Tôi chào họ, mọi người cười chào lại, một thầy dẹp bớt các bài thi trên bàn và chỉ cho tôi chiếc ghế bên cạnh: "Anh vào đây!".
Không khí phòng chấm thi sặc mùi giấy. Ngoài tiếng sột soạt giở giấy, chỉ còn nghe tiếng quạt trần và máy điều hòa kêu vo vo. Phòng hơi mát quá so với cái nóng 36 độ bên ngoài. Thỉnh thoảng có tiếng húng hắng ho của ai đó. Nước chè được pha sẵn để ở một góc phòng. Thầy đối diện tôi thủ theo một chai La Vie. Cô giáo trẻ bên trái tôi thì uống "nóng trong người" của Dr. Thanh.
Mọi người im lặng, miệt mài làm việc. Thầy ngồi bên phải tôi (người đã dọn chỗ cho tôi ngồi) chấm môn Lịch sử triết học Ấn Độ. Ông vừa chấm vừa nhăn nhó rất khổ sở. Bài thi toàn điểm làng nhàng: 4; 4,5; 5; 5,5. Cứ chấm được mươi bài ông lại đứng dậy đi ra ngoài. Chắc để hút thuốc.
Tôi đọc liền mười bài để xác định một "giọng" chấm chung. Có cảm giác sinh viên đã không chú trọng những lời tôi dặn dò trên lớp. Chấm tiếp, tôi thấy buồn vì chất lượng bài thi của khóa này nhìn chung thấp hơn so với 3 khóa sinh viên tôi đã dạy. Nhiều em không hiểu rõ đề thi muốn gì, liệt kê kiến thức một cách thừa thãi và chẳng chịu động não phân tích một chút, hoặc quá lười lấy ví dụ minh họa. Khá nhiều bài thi cũng được điểm làng nhàng 5-6 như môn của ông thầy bên cạnh.
Đề thi ra 2 chọn 1, nhưng cũng phải có đến mươi em không hiểu vô tình hay hữu ý làm cả hai đề. Kết cục là chẳng đề nào được trình bày và đào xới tử tế, nên cũng chỉ đạt điểm trung bình.
... Chấm xong một phong bì, tôi bước ra khỏi phòng. Ở hành lang rộng bên ngoài, người ta đang sắp xếp bàn ăn theo kiểu buffet. Trường có cuộc liên hoan chiêu đãi gì đó vào buổi trưa.
Quay trở lại phòng, thấy một phụ nữ to béo mặt mũi phúc hậu tầm ngũ tuần, ngồi cạnh tôi thế chỗ của thầy lịch sử triết học Ấn Độ. Chị vừa lấy bài thi ra vừa nói: "Cái phòng đào tạo này nói bao lần vẫn thế. Chỉ đưa mỗi bài thi mà chẳng đưa đề thi thì biết chấm thế nào?". Tôi nói vui: "Đọc bài thi rồi suy ra đề chị ạ. Chắc họ nghĩ giảng viên phải đủ trình độ để suy luận ngược lại như thế!". Chị cười: "Vâng, thì cũng chỉ còn cách đó thôi".
Càng về trưa, thì mùi thức ăn ngoài hành lang lùa vào càng nức mũi mỗi khi có người ra vào. Hic, chấm thi trong bối cảnh này thật chẳng khác nào... tra tấn dạ dày. May mà có 2 bài thi điểm 10, 1 bài 9,5 điểm và ba bài 9 điểm. Coi như là niềm vui an ủi với người đi dạy, vì vẫn có một số sinh viên lĩnh hội được kiến thức của môn học và làm được điều mà thầy giáo mong muốn.
Mãi rồi cũng chấm xong và điền điểm vào bảng tổng hợp. Khi tôi đem đồ nghề bước ra hành lang, thì bàn ăn buffet đã bày biện xong, trang trí khá đẹp mắt. Chưa thấy khách đâu cả. Phải rảo bước cho thật nhanh...
Khi tôi quay lại Phòng đào tạo thì bàn của người phụ nữ trống không. Hỏi cô gái đang ngồi mải miết dán ảnh vào những phôi bằng tốt nghiệp, thì cô nói chị ấy đi họp. Tôi gọi di động, giọng người phụ nữ lại vang lên ngọt ngào: "Thầy ơi, thầy đợi em 5 phút, em về ngay đây ạ".
Chưa đầy 2 phút sau, chị đã quay lại. Chị đưa hai tay nhận bài thi, hỏi tôi lại một vài chi tiết cá nhân, điền vào một tờ giấy rồi đưa cho tôi: "Mời thầy xuống phòng tài vụ ở tầng 4 lĩnh thù lao chấm thi". Tôi cảm ơn và chào chị.
Phòng tài vụ có ba người. Tôi đưa giấy cho người đàn ông tầm 30 ngồi sát cửa ra vào. Anh chỉ tay sang người phụ nữ duy nhất trong phòng: "Mời thầy sang gặp chị kia". Tôi quay sang chỗ chị. Chị lặng lẽ đón lấy tờ giấy, viết lách gì đó rồi mời tôi ký. Tôi đọc tờ giấy: thù lao chấm 97 bài thi và ra 2 đề thi. Tổng cộng: 331 nghìn đồng.
Rồi tôi lại đem cái giấy ấy đến chỗ người đàn ông. Hóa ra anh là thủ quỹ. Ở đây cái gì cũng đặc biệt! Anh đếm đủ tiền và trao cho tôi bằng hai tay. Nói chung đi chấm thi khá dễ chịu vì được làm việc trong một môi trường có văn hóa với những hành vi ứng xử rất mô phạm.
Lâu nay đi dạy tôi chẳng chú ý đến thù lao. Dạy năm trước, năm sau người ta mới chuyển tiền đến. Số tiền chẳng đáng là bao. Đã xác định đi dạy là cho vui, nên chuyện tiền nong không còn quan trọng. Nhưng hôm nay trực tiếp nhận tiền cho việc ra đề, chấm thi mới thấy băn khoăn. Hóa ra chấm một bài thi hết môn của một sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 3 nghìn đồng/bài, ra đề thi hết môn cho sinh viên năm thứ ba đại học chỉ được 15 nghìn đồng/đề (*).
Tiền thù lao ít ỏi như thế thì làm sao có thể là chất xúc tác cho thầy cô dốc hết tâm huyết với nghề nhỉ?
_____
(*) Tính lại thì thấy thù lao ra một đề thi là 20.000 đ.
Ảnh: Trong một phòng chấm thi (ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết)