31/10/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (2)



NGƯỜI CHỒNG BỘI BẠC

Chị cố trấn tĩnh. Đầu chị như muốn nổ tung. Trái tim chị đau nhức, nước mắt chực trào ra. Nhưng chị cố giữ. Trời ơi, suốt 3 tháng qua, chị đếm từng ngày từng giờ để trở về ngôi nhà thân yêu. Hơn 20 năm sống chung, anh luôn khiến chị an tâm về sự chung thuỷ của mình. Thế mà cái điều mà chị ít lo nhất trong khi đi vắng đã xảy ra. Đúng là đàn ông chẳng biết đằng nào mà lần. Mà tại sao anh ta lại có thể tằng tịu với con bé xấu thế này kia chứ??? Nếu anh say mê cô nào xinh đẹp còn đỡ. Đằng này... Điều đó khiến chị thực sự đau đớn!

Chị lôi sềnh sệch con bé oshin trở lại phòng nó, cẩn thận đóng cửa phòng. Nhìn như khoan vào gương mặt to như cái đĩa của nó, chị dằn giọng: "Đã có chuyện gì xảy ra ở nhà hả?". Con bé đỏ bừng mặt. Cách đây ít phút, mặt nó còn xanh như tàu lá, mà nay đã đỏ tía lên. Nó vân vê gấu áo, mắt nhìn xuống đất, nói lí nhí: "Dạ, dạ, có chuyện gì đâu? Nhà vẫn... bình thường!". Chị rít lên: "Mày nói dối! Nhất định phải có chuyện gì. Nói ngay, nếu không tao sẽ ngang họng mày ra". Con bé hoảng sợ trước thái độ giận dữ chưa từng thấy ở bà chủ, nó bật khóc nức nở, ngồi sụp xuống giường và dúi mặt vào gối.

Chị lật con bé lại, dịu giọng: "Thôi, nín, nín ngay. Mày nói ngay cho cô biết ở nhà đã xảy ra chuyện gì?". Thấy bà chủ có vẻ thay đổi thái độ, con bé oshin càng khóc tợn. Nó khóc vì sự tủi thân. Suốt ba tháng qua, nó tận tâm lo từng miếng cơm hớp nước cho chồng con bà chủ, cứ hy vọng rằng khi về bà chủ sẽ khen. Không ngờ, chỉ vì nó cảm, phải nằm trong phòng, không ra chào bà chủ , mà bà đã riết róng như vậy. Nó gào: "Đã nói là đếch có chuyện gì cả. Ở nhà một mình phải làm hết mọi việc, khổ bỏ xừ, về đếch khen mà lại còn mắng!".

Chị chột dạ, không thể để nó hét lên như vậy được. Nhỡ hàng xóm láng giềng biết chuyện thì mất mặt. Tuy đang vô cùng tức giận vì ghen tuông, chị vẫn đủ tỉnh táo để mường tượng ra toàn bộ hậu quả mà gia đình chị sẽ phải gánh chịu nếu vụ oshin có bầu này bung ra. Nhà chỉ có một người đàn ông. Gặng hỏi nó thêm cũng vô ích, nó mà làm um lên thì chị và các con chị sẽ chẳng còn mặt mũi nào mà sống ở cái khu này. Chị nói: "Thôi được, mày cứ nghỉ đi. Tao sẽ nói chuyện với mày sau". Chị bước ra ngoài, bỏ mặc con bé tiếp tục tức tưởi trong phòng.

Tối đó, con bé oshin vẫn nấu cơm cho cả nhà như bình thường, nhưng không ăn. Chị cố gắng giữ vẻ mặt bình tĩnh để nói chuyện với hai cô con gái và trả lời dè dặt những câu hỏi của anh. Sau đó, lấy cớ còn mệt, chị ngủ chung với đứa con gái út. Đêm hôm ấy chị mất ngủ. Chị trằn trọc lo tìm cách tháo gỡ vụ này và lột mặt nạ của người chồng bội bạc. Chị khóc ròng vì không ngờ chính mình lại bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Đến gần sáng chị mới thiếp đi.

Sáng sau, chị bảo con bé oshin chị đưa nó đi khám bệnh. Nhưng chị không đưa nó đến bệnh viện, mà đến phòng khám sản của một chị bác sĩ quen. Con bé tồ tề không hề biết nó được khám gì, nhưng kết quả đã khẳng định nghi ngờ của chị. Nó có bầu được hai tháng!

(còn tiếp)

30/10/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (1)



CUỘC ĐỜI TUYỆT ĐẸP
Anh là hoạ sĩ chuyển sang nghề viết văn. Được mệnh danh là đẹp giai nhất nhà, vì anh là người đàn ông duy nhất bên cạnh 4 người đẹp. Đó là vợ anh, 2 cô con gái và cô oshin giúp việc.

Oshin vợ anh đưa từ quê ra từ khi nó mới 13 tuổi. Nghe nói nó cũng bà con dây mơ rễ má gì đó với vợ anh, nhưng mà xa "bắn đạn cối 7 ngày không tới". Nó gọi vợ anh là cô và gọi anh là chú.

Con bé oshin không thể liệt được vào phái đẹp, thậm chí có thể gọi là xấu. Hồi nó mới lên, cô con gái đầu của anh đang tuổi dậy thì phổng phao cứ nhìn con bé gầy gò ngơ ngác này mà không lý giải được tại sao lại có đứa con gái chỉ kém nó có 3 tuổi mà chẳng biết bất cứ một gì trong số những thứ mà bọn bạn bè tuổi teen của nó đều biết.

Cô cả bắt tay cải tạo oshin, cho nó mặc những thứ quần áo nó đã mặc chật nhưng còn lạnh lặn và mốt, giúi vào tay nó những cuốn Hoa học trò, hướng dẫn nó cách chat chit. Nhưng ngoài việc mặc thừa quần áo, nó hình như chẳng lĩnh giáo được gì hơn, vẫn tồ tề như thế, khiến cô cả chán chẳng buồn dạy bảo gì thêm nữa.

Được cái con bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, không nề hà việc gì. Nó không nhanh nhẹn, nhưng việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt. Luôn muốn giúp đỡ mọi người và nghe lời. Đặc biệt nó không hề có tính tắt mắt. Hồi đầu vợ anh còn lưu ý cả nhà cẩn thận, nhưng về sau thấy để quên tiền ở chỗ hớ hênh cũng không mất, nên không cần nhắc nhở nữa.

Nó dần dà bước vào cuộc sống gia đình anh và trở thành một phần không thể thiếu. Và cũng chẳng còn ai để ý đến chuyện nó xấu đẹp, vô duyên và hay dùng chữ "đếch" để làm từ phủ định nữa. Sự hiện diện của nó trong gia đình anh là đương nhiên và không còn ai đặt ra câu hỏi nào về nó.

Đó là chuyện của ba năm trước. Còn bây giờ cô oshin nhà bạn tôi đã bước sang tuổi 17. Phổng phao da thịt thậm chí còn hơi quá cỡ. Nó đã biết để ý chuyện lạ trong khu, kháo chuyện gia đình các nhà hàng xóm trong bữa cơm chiều.

Vợ anh có lần nói: "Chuyện nhà người ta, mày đừng có dây dưa, kẻo phiền lắm", ý chừng cũng là câu nhắc nhẹ: "Đừng có đem chuyện nhà này ra ngoài đường kể". Con bé hiểu, nó ngượng nghịu: "Tại đi chợ người ta cứ kể, chứ cháu cũng có để ý đâu". Vợ anh hài lòng về câu trả lời của nó.

Thế rồi vợ anh được cơ quan cử đi nước ngoài dự một khoá huấn luyện 3 tháng. Mọi việc hậu cần ở nhà chị đều giao cho Oshin cả. Cô con gái cả đã học năm thứ hai đại học, bận học, bận viết blog, bận bạn bè nên chẳng nhúng tay vào việc gì.

Cô con gái út thì kém chị 10 tuổi, năm nay lên 9 nhõng nhẽo khủng khiếp và rất kết bố. Nó sẽ nghĩ đủ việc cho anh làm trong 3 tháng và chị cảm thấy yên tâm khi có "cảnh sát nhỏ" này canh chừng anh.

3 tháng sau chị về. Ở nhà mọi thứ khá gọn gàng ngăn nắp. Anh chồng có vẻ hơi mệt mỏi, nhưng vẫn phong độ. Duy chỉ có một cái mùi mà chị nhận ra ngay vì đó là cái mùi chị rất ghét: mùi dầu cù là. Chị nhìn quanh, chồng chị và hai đứa con gái hình như đều không ai bệnh tật gì. À, còn con oshin. "Nó đâu nhỉ" - chị hỏi. Anh chồng đáp: "Nó bị cảm mấy hôm nay, nôn oẹ tùm lum. Đang nằm trong phòng".

Chị vào phòng oshin. Nó nằm trên giường, đắp cái chăn mỏng ngang ngực. Ôi chao, mấy tháng trước nó hồng hào khoẻ mạnh, mà nay trông xanh xao quá. Chị sờ tay vào trán nó, không thấy sốt. Chị hỏi: "Cháu bị cảm lâu chưa?". Nó đáp: "Dạ gần tuần nay rồi ạ!". "Sao không làm nồi nước xông như cô đã bảo?". Nó nhăn nhó: "Cháu làm rồi, làm ngay sau cái hôm đầu tiên. Nhưng mà đếch khỏi, cô ạ".

Chị bật điện, nhìn nó và giật mình. Chị hất tấm chăn, dựng nó dậy và lôi ra phòng ngoài, chỗ có ánh nắng từ giếng trời lọt vào. Chị nhìn nó chằm chằm, cái nhìn soi mói khiến con bé bối rối. Và chị chợt hiểu ra. Linh cảm đàn bà và kinh nghiệm 2 lần có con khiến chị choáng váng: Đích thị con bé oshin có bầu!

(Còn tiếp)

24/10/06

TRƯỜNG MẪU GIÁO CHO TRẺ U30



Tôi có một anh bạn là doanh nghiệp. Bỏ nghiệp phóng viên sang làm một thứ cũng gần với báo chí là quảng cáo, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngứa nghề viết vài bài đăng cho vui. Bạn bè anh đa phần cũng là nhà báo, anh vẫn duy trì quan hệ với họ, một phần vì đó là những mối quan hệ lâu năm, phần là do quảng cáo với báo chí vẫn gần gũi và cần thiết cho nhau.

Ngày nọ, ông bạn cũ gọi điện cho anh. Đó là nhà báo tiếng tăm, thuộc diện "nói có người nghe đe có người sợ". Ông bạn cũ hơn anh 5 tuổi, nhưng ở cùng toà soạn ngày xưa nên họ xưng hô "mày tao" bỗ bã. Anh quý ông ta ở cái tài viết báo và tính khí ngang tàng, ông phục anh ở khả năng biết mềm hoá những thông tin kinh tế khô khan và sự đào hoa. Ông gọi anh đến một nhà hàng không cao cấp lắm, nhưng cũng không lúi xùi. Anh nhận lời ngay, bạn bè mà, gọi là phải đến ngay dẫu có việc nhờ vả nhau hay không.

Anh đến và ái ngại khi nhìn thấy ông bạn có vẻ tiều tuỵ. Má hơi hóp vào, mặt đầy nếp nhăn, hàm râu quai nón một thời khiến gương mặt ông kiêu hùng nay lởm chởm. Duy chỉ có cái bắt tay vẫn chặt như xưa. Chỉ tay vào người đàn ông trạc tuổi hai người đứng bên cạnh, ông nói: "Đây là cháu gọi tao bằng chú ruột. Tao là con út trong gia đình 7 anh chị em, nên con ông anh cả kém chú có 3 tuổi".

Kém ba tuổi, tức là hơn anh 2 tuổi. Người cháu béo tốt, dáng vẻ ông chủ, đưa hai tay bắt tay anh rất lễ phép: "Chào anh ạ, nghe chú nói nhiều về anh, hôm nay mới gặp. Thật quý hoá quá!". Nói đoạn anh ta hối hả quay sang giục bồi mang rượu và đồ ăn lên. Trong thái độ của người cháu có cái gì đó xun xoe và anh đánh hơi ra vụ ăn uống này không đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa những người bạn lâu ngày không gặp. Tuy nhiên, họ vẫn vui vẻ cụng ly.

Người chú gắp cho anh một miếng baba, hỏi thăm tình hình làm ăn. Anh trả lời công ty anh làm ăn tàm tạm, thời buổi cạnh tranh cao, kiếm tiền ngày một khó khăn hơn. Rồi anh cũng hỏi thăm tình hình ông ta, khéo léo mớm để xem ông sẽ lộ bài như thế nào. Hoá ra ở toà soạn mọi việc vẫn bình thường. Từ nhà báo ông đã trở thành công chức, vì tuổi cao lên và không xông xáo "đánh đấm" được như ngày xưa. Ông chuyển sang ngạch biên tập và nói chung cũng tạm hài lòng với công việc này.

Họ cứ vơ vẩn vờ vẫn nói chuyện với nhau về mọi chủ đề: chính trị một tí, thời cuộc một tí, người đẹp một tí, nói xấu sếp một tí... Người cháu thì vẫn nhiệt tình phục dịch ông chú và bạn, nhưng không chịu hé mồm về mục đích của một gặp.

Cuối cùng, khi nước trà và hoa quả tráng miệng đã mang lên, người chú mới châm thuốc, rít một hơi ngon lành rồi cất giọng khàn khàn, nhưng lại sử dụng đại từ nhân xưng khác:

- Này ông, ông nhớ thằng con trai tôi chứ? Nó tốt nghiệp đại học rồi. Bảo thế nào cũng không theo nghiệp cha. Chỉ thích làm ăn thương trường. Thằng này tính hơi ngang. Ông cháu tôi cũng có công ty, nhưng tôi e dao sắc chắc chẳng gọt được chuôi. Trong đám bạn của tôi, nó chỉ nể phục mỗi ông. Mà tôi nghĩ cũng chỉ có ông mới kèm cặp được nó. Ông nhận nó vào công ty ông, cho nó làm việc gì cũng được, miễn là đừng để nó xa tầm mắt của ông.

Anh không quen với lối xưng hô ông-tôi thay cho mày-tao này. Nó khiến anh bối rối. Người chú tiếp tục nói như sợ nếu dừng lại thì không thể nói hết ý của mình:

- Ông không phải trả lương cho nó đâu. Thằng anh này sẽ trả. Mỗi quý nó sẽ trả cho ông 15 triệu. Ông chỉ cần trả cho thằng con tôi 1,5 triệu/tháng. Số tiền còn lại tuỳ ông sử dụng, có thể coi như khoản đóng góp tạo chỗ làm. Nhưng tôi cần ông rèn thằng con tôi. Nếu không có ông, tôi sợ nó không nên người.

Nói đến đây, cây bút ngang dọc một thời chùng giọng xuống. Mắt ông đỏ hoe. Chỉ cần nói thêm một câu nữa thôi, là ông sẽ khóc ngay. Anh chợt thấy xấu hổ nếu để con người này phải rơi lệ cầu xin anh, nên nhận lời: "Được rồi, tôi sẽ nhận cháu. Từ thứ hai tuần tới nhé". Hai chú cháu nhà nọ cầm tay anh lắc mạnh để thể hiện họ biết ơn anh như thế nào.

Trở lại phòng làm việc trên tầng 18 của mình, anh thấy băn khoăn trước quyết định có phần vội vã ban nãy. Có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này. Anh mông lung nhìn qua cửa kính xuống dòng xe cộ đan xen tấp nập bên dưới, và trong đầu anh chợt loé lên câu nói của người cha: "Miễn là đừng để nó xa tầm mắt của ông".

Anh hối hả quay điện thoại tìm người bạn khác cũng làm ở toà soạn cũ và vài phút sau nhận được lời giải đáp. Cậu con trai quý tử của nhà báo ngang tàng kia thực sự là con nghiện. Ông bạn anh hai năm nay khóc hết nước mắt, khuyên giải con đủ điều. Cậu cả thương bố đã đi cai nghiện cả năm vừa trở về. Nhưng chẳng có gì bảo đảm cậu sẽ thoát khỏi nguy cơ tái nghiện. Thế là anh được lựa chọn như một cái phao cứu sinh.

Ồ không! Anh sẵn sàng làm cái phao cứu sinh cho bố con họ, nhưng trong trường hợp khác, chứ không phải trường hợp này. Anh đã mất 10 năm gian khổ để xây dựng nên cái công ty này và giờ đây nó đang là một trong 10 công ty quảng cáo hàng đầu. Công ty anh không thể có một thằng nghiện làm ở đây, dẫu nó là con ông trời cũng thế. Nó đến đây, anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ làm hỏng toàn bộ hệ thống nhân sự biết phối hợp hài hoà và chạy việc đã ngon trớn. Không, anh không thể hy sinh sự nghiệp này để làm cái phao cho họ. Dẫu có ích kỷ và nhẫn tâm thì anh cũng phải từ chối. Cty của anh không phải là cái nhà trẻ!

Anh tức tốc gọi điện thoại cho ông bạn, nhưng ông không trả lời. Có thể ông đang hân hoan sau khi gửi được con vào một chỗ mà ông yên tâm; có thể ông đoán biết thể nào cũng có cuộc điện thoại này và vô vàn những cái có thể khác giải thích tại sao ông không nghe máy. Thế càng may, anh nhắn tin cho ông: "Xin lỗi, tôi không thể nhận cháu vào công ty!".

23/10/06

TẠI SAO TA YÊU MÙA THU?


Mùa thu ở miền Bắc là mùa đẹp nhất trong năm. Có quá nhiều lý do để yêu mùa thu. Dưới đây là ít nhất 10 lý do theo ý kiến chủ quan của tôi.

1. Thời tiết đẹp: Cái nắng nôi đổ lửa của mùa hè chấm dứt. Mùa thu đến với trời xanh, gió mát, không khí trong lành. Cảnh sắc đẹp đến nao lòng đã được rất nhiều thi nhân, nhạc sĩ, nhà văn đưa vào tác phẩm của mình khiến nhiều thế hệ độc giả, thính giả, khán giả rung động.

2. Hoa sữa: Dường như là đặc sản của mùa thu Hà Nội. Hoa sữa là biểu tượng của mùa thu và nhờ nó mà mùa thu trở nên đẹp hơn, lãng mạn hơn, sang trọng hơn.

3. Những ngày lễ: Trước hết phải kể đến lễ Quốc khánh 2.9; ngày giải phóng thủ đô 10.10; Ngày phụ nữ Việt Nam 20.10. Mỗi ngày lễ một vẻ, nhưng đều là dịp để cảm nhận mùa thu trọn vẹn.

4. Trung thu: Ngày lễ đặc biệt của mùa thu dành cho trẻ con. Nhưng Trung thu làm náo nức cả người lớn. Bánh trung thu chẳng những trẻ con mà người lớn cũng thích.

5. Mặc đẹp: Thời tiết tuyệt vời là cơ hội có một không hai cho chị em phô diễn vẻ đẹp và thời trang.

6. Mùa cưới: Mát rồi, rủ nhau cưới đê! Nhưng cưới nhiều cũng mệt, vì phải ăn “cơm bụi giá cao” nhiều.

7. Baby boom: Thành quả của những đám cưới cuối năm trước thường được chào đời vào mùa thu năm sau. Cơ quan, công ty nào cũng có 5-7 sinh nhật vào mùa này, ăn uống đập phá mệt nghỉ.

8. Đồ ăn: Sau mùa hè chủ yếu ăn rau luộc, mùa thu là khi các món ăn bắt đầu đa dạng. Lẩu đã có thể ăn thoải mái mà không sợ nóng. Cốm mùa thu thì quá ngon. Và cả bánh Trung thu đã nêu ở trên.

9. Mua sắm: Nhiều cửa hàng giám giá khuyến mãi. Tuy nhiên, không khuyến mãi thì cũng nhiều người đi mua quần áo, giầy dép, găng tay, khăn mũ mới cho mùa đông.

10. Mùa bóng đá mới: Nhiều nước Châu Âu bắt đầu mùa bóng đá mới. Cánh đàn ông say sưa với TV và cá độ.

Còn bạn yêu mùa thu vì lẽ gì? Hãy viết vào comment để tôi bổ sung vào danh sách này.

21/10/06

NHỮNG NGƯỜI KHIÊNG CÁ



Thơ NGÔ MAI PHONG

NHỮNG NGƯỜI KHIÊNG CÁ

Tóc nâu bời bời
Bờ hông núng nảy
Những cô chài khiêng cá vào chợ sớm

Cát đúc vồng chân sô-cô-la

Này em
Cho anh khiêng với
"Thôi đừng, người đánh đổ mất."
Những đôi mắt hình cá ướt át
Lướt qua anh như qua rong rêu

Họ vẫn đi mãi mỗi sớm mai này
Đẹp mãi trên cát này
Giữa những khoang thuyền bàng bạc bóng tối
Lửa đốt lên xao động cỏ lông chông

Cho dù đi tàn những giấc mơ
Cũng không tới được bãi bờ này
Bởi khuôn mặt anh

Không có trong cuộc đời của họ
Những tóc nâu bời bời
Những bờ hông núng nảy

Những đôi mắt hình cá...

Tranh khắc gỗ "Chợ cá" của Nguyễn Tường Vinh

free hit counters

20/10/06

BIA HƠI VỚI NGƯỜI ĐẸP



Sáng nay (20.10) hơi nhiều việc. Xong xuôi, ngẩng lên nhìn đồng hồ thì đã 12.15. Cơ quan vắng tanh, mọi người đã rủ nhau đi ăn. Hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam, các phòng ban chắc đi liên hoan chúc mừng chị em cả. Từ cái hồi không còn là thành viên của đơn vị nào, bỗng nhiên cảm thấy bơ vơ, không còn được tham dự vào sinh hoạt tập thể nữa. Phòng này lại ngỡ ban kia gọi mình đi rồi, rốt cục là chẳng có ai gọi cả.


Sực nhớ ra còn 2 cô bạn thân vẫn còn độc thân. Ê hèm, hội độc thân đi ngồi với nhau vậy. Gọi cho cô thứ nhất thì được báo cô thứ hai đang ngồi ở văn phòng của cô thứ nhất rồi. Cả hai đang chờ điện thoại xem có ai nhớ tới nữa không. Đét lai là 12.30, nếu quá thời hạn mà không ai gọi thì hai nàng sẽ tự chiêu đãi nhau.

Hic, 12.20 thì điện thoại của nàng thứ nhất (tên Miêu) reo. Đấy là do tôi gọi: "À, may quá, cuối cùng cũng có người gọi. Ngoét (nàng thứ hai) đang ở đây rồi. Anh qua ngay nhé" - Giọng Miêu đầy phấn chấn trong ống nghe.

Hà Nội mùa thu đúng là quá đẹp và là món quà vô giá cho phụ nữ Hà Thành. Mặc dù đã sang tuổi băm, nhưng trông hai nàng đều xinh đẹp và ăn mặc rất gợi cảm. "Đi đâu nhỉ?". "Quán bia hơi Hàng Vải" - Ngoét nói ngay.

Tôi trố mắt, không tin vào tai mình. Ngoét - phụ trách phòng PR của một cty lớn, nói thông thạo 2 ngoại ngữ. Miêu - nhà tạo mẫu đang nổi. Hai nàng cành vàng lá ngọc này sao lại hạ cố đòi đi uống bia hơi? "Đi bia hơi rất vui. Nhộm nhoạm một tí, nhưng đồ ăn ngon, và chẳng ai thèm để ý đến mình. Đỡ mệt vì phải giữ gìn ý tứ" - hai nàng giải thích.

Quán bia hơi ở ngã tư Hàng Vải, có 3 khu ngồi trong ba trên bốn căn nhà toạ lạc ở chỗ 2 phố giao nhau. Tôi hỏi cậu giữ xe: "Anh ngồi chỗ nào?". Cậu chàng đáp: "Anh cứ đi theo hai chị kia. Hai chị í là khách quen ở đây". Ôi trời, hoá ra hai cô bạn của tôi không chỉ thích đi uống bia hơi, mà còn là khách ruột của quán này.

Ngoét thuộc thực đơn. Nàng gọi rau muống xào, nửa con vịt nướng, một niêu nồi đất ốc nấu chuối đậu. Bia hơi thì đương nhiên bồi mang đến 3 cốc rồi, khỏi phải gọi. Trong khi chờ thức ăn, cả ba keng bia và ăn hết 3 gói lạc rang.

Miêu than: "Ba tuần nay em không gặp con này anh ạ". Hoá ra Ngoét bị rơi vào vòng cương toả của boi-phờren. Anh chàng từ Đức về phép. Ngoét bảo: "Ba tuần qua em bị quản thúc. Hôm nay mới được tự do, mới thấy mình được sống lại. Thật đúng là cuộc sống single muôn năm". Thôi nào, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, keng một cái cho sự tự do!

Chuyện trò cà kê dê ngỗng sang chuyện một chị bạn chung của cả hội, đã hai lần chồng rồi mà vẫn phải ly dị để được sống một mình. Tôi buột miệng: "Tội cho Đậu, chẳng tìm được thằng đàn ông nào tử tế". Ngoét chộp ngay cái ý đấy: "Anh nói đúng, chẳng có thằng đàn ông nào tử tế". Ô, thế thì tôi cũng chẳng tử tế à??? Miêu chữa: "Có đàn ông tử tế, nhưng ít lắm và mình khó gặp được họ".

Ngoét đã vài ba lần yêu. Nhưng rồi lần nào cũng thoát khỏi lưới tình. Cứ mỗi lần như thế lại thở phào như thoát nạn. Tôi lý sự: "Cao thủ không phải là thoát khỏi lưới tình. Phải làm sao để cho nó thấy là lừa được mình vào tròng, như thế mới là cao thủ". Ngoét ngớ ra: "Ừ nhỉ, anh nói đúng đấy. Hoá ra từ trước đến giờ trình của em thấp quá!". Lại keng một phát nữa cho cái chân lý đơn giản ấy. Đến đây thì phát hiện ra trình uống bia của hai nàng đều tăng so với trước kia.

Tóm lại, Ngoét sẽ chấm dứt cuộc sống tự do của nàng vào tháng Năm năm sau. Nàng sẽ phải chia tay với Hà Nội, để sang Đức đoàn tụ với chồng. Vào quán cà phê, nàng không gọi món ruột mơ muối nữa, mà gọi cà-phê: "Em phải quen với các thức uống cao cấp, kẻo sang Đức lại không có cái món quê mùa này nữa" - Ngoét đùa.

Miêu trề môi: "Thôi cố mà xơi mơ muối, ô mai. Kẻo sang Đức thì đến hột mơ cũng không có mà mút. Đến lúc ấy đừng gọi tôi ồi ồi gửi sang nhé!".

Sang Đức. Có chồng. Có gia đình. Có con. Nhưng sẽ mất tự do. Sẽ mất bạn bè. Sẽ mất những đồ ăn thức uống phố phường dân dã. Sẽ mất cả những ngày thu ngập nắng nhưng mát lành để ăn mặc phô phang. Sẽ mất cả ngày 20.10. Và sẽ mất cả cái không khí bia hơi nhộn nhạo của một buổi trưa mùa thu đầy gió.

(Ảnh chôm từ Internet, xem cho mát mắt!)

19/10/06

BẠN CÓ NGHIỆN INTERNET?



Có cái chứng mới là “nghiện Internet” à? Những thông tin rút ra từ một nghiên cứu về sử dụng và lạm dụng Internet cho thấy tâm lý học đang nghiên cứu vấn đề này rất nghiêm túc.

Cho đến giờ phút này, phần lớn công tác nghiên cứu tập trung mô tả những cá nhân coi việc sử dụng Internet là tập quán không thể thiếu. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa trả lời được câu hỏi về sự phổ biến của loại hoạt động này và liệu nó có “đủ tiêu chuẩn” để lọt vào danh sách những “rối loạn chức năng tâm lý” hay không.

Bạn có thể bị coi là “nghiện Internet” nếu có các triệu chứng sau:

  • sử dụng Internet thường xuyên
  • cảm thấy các quan hệ cá nhân của mình bị tổn thương vì lên Net quá nhiều
  • giấu diếm vào Net khi không thực sự có nhu cầu
  • thấy đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến Net khi không online
  • cảm thấy khó ở nếu không được vào Net vài ngày liền
  • lên Net để chạy trốn các vấn đề hoặc giải toả bực tức
  • đã định giảm thời gian lên Net, nhưng chưa có hiệu quả
  • luôn ở trên Net nhiều hơn thời gian trù định

Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã gửi SMS những câu hỏi này đến 2.500 người. Và họ thấy hoảng khi hầu hết người trả lời đều nói “có” với 1 trong 8 câu hỏi trên. Nhìn chung, Internet đã trở thành thuốc để người ta tự chữa bệnh cho mình – đó là nhận xét của ông Aboujaoude, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của ĐH Y khoa Standford (Mỹ).

Họ đã vẽ lên hình ảnh của con nghiện Internet là “độc thân, có bằng đại học, từ 30 tuổi trở lên, mỗi tuần sử dụng Net hơn 30 giờ vào những mục tiêu không thực sự cần thiết”.

Người nghiện Internet thường làm gì? Họ không nhất thiết phải đánh bạc hay vào các website khiêu dâm. Mối quan tâm chủ yếu của họ là chat, shopping, vào những website phù hợp với sở thích; viết blog (ái chà, tất cả những người viết blog cẩn thận nhé), gửi và nhận email...

Nghiện Internet tưởng chừng như vô hại, song nó có thể khiến người ta bị suy nhược cơ thể, mất ngủ, khô mắt, mất dần khả năng giao tiếp xã hội, bị chấn thương về bàn tay và ngón tay... Viết đến đây thì thấy đau ngón tay lắm rồi... Đành dừng vậy, kẻo bị nghiện thì chết.

18/10/06

PHỤ NỮ THÍCH ĐÀN ÔNG MẶC GÌ?



Phụ nữ thích đàn ông đi giày thể thao, họ ghét đàn ông mặc những bộ trang phục hoa hoè hoa sói. Làm sao để biết được đàn ông mặc có vừa mắt phụ nữ hay không? Hãy tham khảo kết quả thăm dò mà các phóng viên của tờ Cosmopolitan thực hiện.

1. Tôi thích cặp giò đàn ông trong chiếc quần:

A. Chinos: 6.5%
B. Levi's: 80.6%
C. Quần của bộ comple: 9.7%
D. Quần soóc rộng: 3.2%

2. Màu sặc sỡ nhất mà đàn ông có thể mặc là:

A. Xanh nước biển: 41.9%
B. Xanh lá cây: 3.2%
C. Hồng: 12.9%
D. Màu phù hợp với mắt anh ta: 35.5%

3. Trang phục sexy nhất mà đàn ông nên mặc:

A. Bộ tuxedo: 22.6%
B. Quần jeans sờn rách và áo phông trơn màu trắng: 67.7%
C. Quần lót loại boxer-brief mà Marky Mark quảng cáo: 6.5%
D. Quần bơi mini kiểu Italian: 3.2%

4. Đàn ông nên có mùi:

A. Không có mùi gì cả: 58.1%
B. Mùi anh lính cứu hoả đầy mồ hôi: 6.5%
C. Nước cologne vị chanh: 16%
D. Rượu wisky Scotland: 19.4%

5. Nếu được thay đổi phong cách một người đàn ông, đó sẽ là:

A. Tôi sẽ yêu cầu anh ta trả hơn 15 đô cho một lần cắt tóc: 25.8%
B. Tôi sẽ dạy anh ta sự tinh tế trong sử dụng hoặc không sử dụng nước hoa: 3.2%
C. Tôi sẽ vứt ngay những cái quần 2 ply và thay vào đó những cái không ply: 35,5%
D. Đôi giày, lạy chúa tôi, đôi giày: 25.8%

6. Thứ đồ của đàn ông mà tôi thích mượn nhất:

A. Chiếc áo sơ mi sờn bị mất cúc: 45.2%
B. Quần lót: 6.5%
C. Áo choàng mặc sau khi tắm: 12.9%
D. Áo lót đông xuân dài tay: 32.3%

7. Sự vi phạm thời trang phổ biến ở đàn ông mà tôi hay phải chứng kiến:

A. Tất (vớ) thể thao đi với giày Tây: 25.8%
B. Quần quá cộc: 32.3%
C. Sử dụng sai loại vải: 12.9%
D. Bộ complet quá to: 25.8%

8. Một người đàn ông ăn mặc đẹp hơn tôi:

A. Có lẽ anh ta sử dụng tất cả các sản phẩm dưỡng tóc đắt nhất của tôi: 12.9%
B. Anh ta là người hùng của tôi: 16.1%
C. Ồ, bạn có biết bạn đang nói chuyện với ai không?: 19.4%
D. Chắc không quan tâm đến việc hò hẹn với loại người như tôi: 51.6%

9. Người đàn ông của tôi đẹp nhất khi đi:

A. Giày để chơi quần vợt: 35.5%
B. Giày da cao cổ: 32.3%
C. Giầy da lộn: 6.5%
D. Giầy Tây bóng loáng: 19.4%

Còn bạn thì sao? Nếu bạn là nữ bạn có hài lòng với phục trang của bạn trai hay chồng bạn không và muồn anh ấy thay đổi cái gì?

Nếu bạn là nam, bạn có muốn áp dụng ngay một trong những lời gợi ý trên đây không?

17/10/06

NÓNG NHƯ PHỞ - TRÀO LƯU SỐNG VIỆT Ở MỸ



Cách đây hơn một năm, Peter Nguyễn - một chàng trai người Mỹ gốc Việt đã được tạp chí Counselor bình chọn là một trong 30 doanh nhân tuổi dưới 30 thành đạt của Mỹ. Anh đã dùng phở - món ăn truyền thống của người Việt để dấy lên một trào lưu mới về phong cách sống trên đất Mỹ. Trào lưu ấy có tên gọi rất giản dị - “Nóng như phở” (Hot as Pho).

Mỹ là mảnh đất khiến người ta có thể thành công sau một đêm, nếu biết đi đúng hướng. Peter Nguyễn đã đạt được thành công như vậy, nhờ biết phát huy nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực của người Việt để trở thành trào lưu phong cách sống thích hợp với cộng đồng đa văn hoá ở Mỹ.

Đối với nhiều người dân Mỹ thì phở chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống của người Việt được du nhập và cải biến chút ít cho phù hợp với gu ăn uống đa dạng của cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa văn hoá ở Mỹ. Nhưng năm 2005, Peter Nguyễn đã định nghĩa lại từ này theo cách thức sáng tạo và thời thượng. Thông qua thương hiệu thời trang “Hot as Pho” (www.hotaspho.com), Peter Nguyễn đã thay đổi văn hoá của cộng đồng người Mỹ gốc Việt theo cách thức chưa một ai làm.

Thời trang thương hiệu “Nóng như phở” rất trang nhã và phá cách với một loạt áo phông có những dòng chữ trên ngự như “pho shizzle”, “what the pho” và “wanna pho”. Bên cạnh thời trang, Peter Nguyễn còn là chủ của những nhà hàng bán phở. Ở đó thực khách có thể vừa ăn phở, vừa mua cả những chiếc áo phông “Nóng như phở”.

“Tôi khởi nghiệp bằng dự án “Nóng như phở” để góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng người Việt tại Mỹ. Giờ đây nó đã trở thành thương hiệu thời trang và website số 1 của người Việt ở Mỹ” – Peter Nguyễn nói. Anh cũng đồng thời là đồng sở hữu Shox Inc. – công ty quốc tế về in ấn, quảng bá và marketing trên mạng trị giá nhiều triệu USD.

Sinh ra tại San Jose (bang California), năm lên 6 tuổi Peter Nguyễn cùng gia đình chuyển đến bang Florida sinh sống. Năm ngoái, anh tốt nghiệp Đại học Florida tại Gainesville ở tuổi 22. “Bố mẹ tôi không kể nhiều lắm về lịch sử. Tôi cũng không trông chờ hệ thống trường công dạy tôi về văn hoá của tôi. Nếu ta không biết ta xuất thân từ đâu thì làm sao ta xác định được con đường mà ta sẽ đi” – Peter Nguyễn tâm sự.

Giống như nhiều thanh niên gốc Việt chuẩn bị vào đời, anh cảm thấy hoang mang, không biết sẽ lập nghiệp với bản sắc văn hoá nào: “Nếu tôi Việt Nam quá, tôi có thể sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ; nếu tôi Mỹ quá, thì cha mẹ tôi sẽ giết tôi mất” .

Học đại học năm thứ nhất, Peter ấp ủ dự án “Nóng như phở” khi vỡ lẽ ra rằng anh không hề biết gì về lịch sử, văn hoá, đời sống của đất nước và nhân dân mà anh xuất thân. Tìm hiểu sâu hơn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, Peter Nguyễn thấy rằng văn hoá Việt Nam tại đây rất manh mún và thiếu sự liên kết chặt chẽ.

Là một người trẻ, anh biết rằng Internet sẽ là cách tốt nhất giải quyết vấn đề này và liên kết người Việt từ khắp mọi miền của nước Mỹ với nhau. “Nếu không đạt được bước tiến tiếp theo trong việc định hình văn hoá, thì sẽ không còn văn hoá nữa mà chỉ còn những truyền thống đang mai một và có nguy cơ bị biến mất hẳn” – Peter Nguyễn suy nghĩ như vậy.

Dự án “Nóng như phở” của anh được triển khai nhằm mục tiêu cung cấp hành trang văn hoá Việt Nam và tạo sự vững tin cho thanh niên, bởi “thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng người Việt”.

Peter Nguyễn đang ấp ủ một kế hoạch khá tham vọng khác: xây dựng một nhà hàng Á Châu kiểu mới, mang tính đột phá và theo đuổi các hoạt động từ thiện nhằm mang lại lợi ích cho cả Việt Nam lẫn cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Từ 6 năm nay Peter Nguyễn giữ quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức thanh niên khác nhau của người Việt. Anh từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Việt Nam của Đại học Florida và tích cực vận động để trường đưa môn nghiên cứu Châu Á vào giảng dạy.

“Tôi dự định sẽ tiếp tục đi nhiều nơi trên đất Mỹ để truyền cảm hứng cho thanh niên Việt kiều, tư vấn giúp họ vượt qua những nghịch cảnh để họ có thể thực hiện được mục đích và giới thiệu cho họ bề dầy lịch sử của Việt Nam”.

Các cửa hiệu lành mạnh nơi người Việt có cơ hội khảo sát nền văn hoá máu thịt và bộc lộ cảm giác tự hào đối với di sản văn hoá phong phú của mình ở Mỹ đã trở nên nhiều hơn trong thời gian gần đây nhờ những nhân tố tích cực như Peter Nguyễn.

Suy nghĩ của Peter Nguyễn có thể hơi già so với tuổi 23 của mình. Nhưng rõ ràng đó là một trong những cách đi đúng đắn để xây dựng một cộng đồng người Việt vững mạnh và có bản sắc, phù hợp với thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ.

15/10/06

HÀ NỘI TRƯNG HOA GIẢ ĐÓN KHÁCH QUÝ



Một người bạn từ Sài Gòn ra. Trên đường từ sân bay về nội đô đi qua mấy đường phố Hà Thành đang náo nức không khí chuẩn bị đón chào các nhà lãnh đạo APEC đến dự Thượng đỉnh Hà Nội, bỗng thấy ngỡ ngàng và gọi điện cho tôi:

- Ủa, sao lạ quá zậy kà? Hà Nội trưng hoa giả đón khách à nghe!

Tôi cãi: "Làm gì có chuyện đó? Chắc anh ở trong Nam ra thấy thu Hà Nội đẹp quá nên loá mắt nhìn nhầm đó!"

Anh bạn tôi cười lục khục trong ống nghe : " Không có nhầm đâu nghe. Mắt tui tinh lắm, cả hai con đều 12/12. Hoa giả 100% đó bồ".

Tôi cứng họng vội vã chạy xe đến nơi trang hoàng hoa lá gần nhà nhất là ngã tư Khách sạn Daewoo. Và thật không tin vào mắt mình: Toàn bộ cái cổng vòm bằng cỏ xanh mướt có dòng chữ "APEC VIETNAM 2006" bằng hoa với hai màu vàng và đỏ đích thị là hoa nhựa...

Tại sao nhỉ? Hà Nội - thủ đô của ngàn năm văn vật của một đất nước nhiệt đới 4 mùa hoa trái mà lại đón bạn bè thế giới bằng hoa giả sao?

Tìm hiểu ra thì mới biết hoá ra là thế này. Bà Nguyễn Vũ Thanh Thanh - Giám đốc Cty công viên cây xanh Hà Nội nói với báo Lao Động như sau: "Đúng là hiện có nhiều địa điểm đang sử dụng hoa giả để trang trí như đường Nguyễn Chí Thanh, khu vực Bờ Hồ... Hoa nhựa có đặc điểm màu sắc rực rỡ, phong phú, tạo ấn tượng giữa những không gian rộng. Kinh phí mua hoa nhựa cũng rẻ hơn hoa thật (khoảng 230.000đ - 250.000đ/m vuông). Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ sử dụng hoa nhựa tại những cổng chào hoặc vách trụ cổng vì với những cổng chào cao, nếu dùng hoa thật sẽ rất khó chăm sóc".

Trả lời câu hỏi: "Tại khu vực Bờ Hồ, hoa nhựa cũng đang được sử dụng để ghép chữ và không phải trên các cổng chào? Có thông tin cho rằng, các vườn ươm của Cty không đáp ứng đủ các loại hoa nên phải dùng hoa nhựa thay thế?", bà Thanh đáp: "Theo chỉ đạo của Sở Giao thông - Công chính Hà Nội, để đảm bảo trang trí đường phố thủ đô từ nay tới Hội nghị APEC (thời gian kéo dài hơn 1 tháng), tại khu vực Bờ Hồ sẽ thực hiện cắm hoa cúc giả trên nền cây tía tô thật. Sở dĩ phải sử dụng hoa giả tại đây vì nếu sử dụng toàn bộ hoa thật sẽ gây lãng phí bởi sau từ 3 - 4 ngày là hoa sẽ héo, phải thay hoa mới. Tuy nhiên, toàn bộ các khu vực bùng binh, các đường dẫn chính, các khu vực xung quanh địa điểm diễn ra hội nghị, nơi nghỉ của các đoàn quốc tế, Cty vẫn sử dụng hoa thật".

Theo bà Thanh, số loài hoa tại các vườn ươm của Cty khá phong phú, với khoảng 30 loài. Bà khẳng định rằng số lượng loài hoa này sẽ đảm bảo trang trí cho thành phố những ngày lễ kỷ niệm lớn.

Hic, giải thích như thế có hợp lý không nhỉ? Theo tính toán sơ bộ, thì nếu áp dụng phương án trên, thành phố sẽ tốn khoảng 700 triệu đồng để trang trí bằng hoa (cả giả lẫn thật), còn nếu trang trí toàn bằng hoa thật không, thì không thấy đưa ra con số. nhưng tính mạnh tay tối đa tốn gấp đôi là cùng.

Có tốn hơn, nhưng hàng vạn khách quốc tế (toàn những người có quyền, có tiền, có thế) sẽ được thấy một Hà Nội thật đẹp và quyến rũ. Họ sẽ có thiện cảm với Hà Nội, thêm yêu quý Hà Nội. Còn với hoa giả, thì chẳng cứ gì họ, đến người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung còn cảm thấy dị ứng nữa là.

Tiết kiệm là tốt, nhưng tiết kiệm không đúng lúc đúng chỗ thì cũng chẳng phải là tiết kiểm. 1,5 tỉ tiền hoa để làm được một chiến dịch quảng bá hình ảnh Hà Nội, gương mặt và tâm hồn của cả đất nước, thì không phải là vứt tiền qua cửa sổ. Còn chỉ chi 700 triệu đồng, nhưng tạo ra phản cảm, thì số tiền ấy mới là mất toi.

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (3)



Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

MẸ

Trung tâm cổ của Istanbul nằm trên bán đảo có một mặt giáp biển Marmara, một mặt giáp Bosphorus và và mặt kia là Vịnh Sừng vàng (Golden Horn); từ giữa thế kỷ 19 nó bắt đầu mất đi nhiều diện mạo lịch sử của mình; do đế chế sụp đổ, thua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác nên… những vị chức sắc Ottoman bị Âu hoá du nhập vào cái thành phố đang bị bần cùng hoá và đương đầu với bùng nổ dân số này những toà nhà kềnh càng, dị hợm. Nhưng cũng nhờ chính những vị chức sắc, những người có của và các vị hoàng thân quốc thích này mà những yali nơi họ đến ẩn mình khỏi thành phố vào mùa hè còn tồn tại thứ văn hoá đặc sắc không bị thế giới bên ngoài dòm dỏ. Thời đó không thể đi dọc bờ mà đến được những chốn ấy, thậm chí đến giữa thế kỷ 19 khi đã có tầu thủy đi đến đó, thì chúng vẫn chưa trở thành một phần của Istanbul. Do vậy người nước ngoài không dễ mà đặt chân đến. Ngay cả những cư dân của các yali cũng không để lại ghi chép về dinh thự của mình, về nền văn hoá bị cô lập, vì vậy mà kiến thức của chúng ta trong lĩnh vực này phần lớn dựa vào những ký ức hoài niệm của hậu thế thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba.

Khi chuyến du ngoạn của mẹ và anh em tôi kết thúc (chúng tôi có trải qua vài thời điểm “nguy hiểm” – khi thì thuyền bị dòng hải lưu cuốn theo, khi thì bị tròng trành vì sóng từ những con tàu đi ngang qua), người chèo thuyền không đợi đi đến mũi Rumeli Hisari, nơi dòng hải lưu tiến đến sát bờ, mà cho chúng tôi xuống ở Ashiana. Từ đó chúng tôi cuốc bộ đến pháo đài Rumeli Hisari được xây dựng ở đoạn hẹp nhất của eo biển Bosphorus. Anh em tôi rất khoái những khẩu thần công thời Mehmed II dựng làm cảnh bên tường pháo đài; trong cái nòng khổng lồ của chúng, nơi đêm đêm trở thành nơi trú chân của những kẻ say rượu và vô gia cư, có những mẩu kính, những mảnh giẻ bẩn thỉu, đầu mẩu thuốc lá và vỏ đồ hộp; nhìn vào đó chúng tôi hiểu rằng di sản lịch sử vĩ đại của Istanbul và Bosphorus đối với nhiều người sống ở đó khi ấy chỉ là một thứ gì đó tăm tối, bí hiểm và khó hiểu.

Khi chúng tôi đến bến tầu thuỷ, mẹ chỉ vào tiệm cà phê nhỏ cạnh đó, con đường lát những phiến đá vuông vắn có vỉa hè và nói: “Trước kia ở đây có một căn nhà gỗ. Khi ấy mẹ còn là cô bé và ông ngoại thường dẫn mẹ đến đây vào mùa hè”. Dinh thự mùa hè ấy đối với tôi là ngôi nhà kinh khủng, cũ kỹ và sập xệ, hoàn toàn xứng đáng biến khỏi mặt đất. Câu chuyện đầu tiên mà tôi được nghe liên quan đến ngôi nhà ấy không sao gột bỏ được khỏi đầu – đó là câu chuyện về một cô tiểu thư khuê các, chủ ngôi nhà này, sống ở tầng một, bị bọn trộm giết chết trong bối cảnh rất bí hiểm hồi giữa thập niên 1930. Phát hiện ra câu chuyện u ám ấy có tác động đến tôi, mẹ đổi chủ đề, chỉ tay vào những dấu vết còn sót lại của kho thuyền đã bị phá huỷ. Mẹ cười (giọng mẹ đượm buồn), kể rằng có lần ông ngoại không thích thức ăn do mẹ nấu, mẹ bực bội quăng cả nồi thức ăn qua cửa sổ xuống con nước sâu và ngang tàn của Bosphorus.

Khi mẹ cãi nhau với bố, mẹ thường đến nhà người bà con sống ở Istine trong cái yali có cửa sổ nhìn ra xưởng đóng tầu; tôi nhớ ngôi nhà ấy sau này cũng biến thành đống hoang tàn. Những năm tháng khi tôi còn tấm bé, lớp người mới giàu (nouveau rich) bắt đầu đắp mỡ cho tư sản Istanbul, chẳng thèm đoái hoài đến những ngôi nhà yali ở Bosphorus. Mùa đông, khi lạnh giá và gió đông bắc thổi, sống trong những yali cũ kỹ chẳng thích hợp tẹo nào; sưởi ấm những ngôi nhà ấy thật phức tạp và tốn kém. Lớp người mới giàu của thời đại cộng hoà, không được hùng mạnh như những lãnh chúa Ottoman cảm thấy mình là người Âu châu nhiều hơn, khi sống trong những ngôi nhà nhiều tầng ở khu vực xung quanh quảng trưởng Taksim và nhìn ngắm Bosphorus từ đằng xa. Do vậy họ đã không mua yali của các gia đình Ottoman nay đã rời xa quyền lực, của con cái những lãnh chúa đã bị bần cùng hoá, của họ hàng những người như Hisaru. Sinh sống trong những ngôi biệt thự gỗ bên eo biển Bosphorus là những vị cựu đại thần lẩm cẩm và cháu chắt của những lãnh chúa, thỉnh thoảng họ lại đưa nhau ra toà vì tranh chấp gia sản. Rơi vào tình trạng không được giữ gìn, yali bắt đầu mục ruỗng, sơn bong ra và những bức tường gỗ bị xỉn mầu vì giá lạnh và ẩm ướt; hy vọng tại đây sẽ xây những toà nhà cao tầng, người ta thường bí mật phóng hoả yali, vì thế nên chúng ngày một ít đi trong những năm tuổi thơ của tôi và đến thập niên 1970, khi thành phố bắt đầu lớn nhanh, đa phần yali đều biến mất.

Vào cuối những năm 1950, cứ đến chủ nhật là chúng tôi lại đánh xe hơi dọc theo Bosphorus để hít thở không khí. Bố hoặc chú tôi thường cầm lái. Có thể gia đình tôi cũng cảm thấy hơi rầu lòng trước sự biến mất của văn hoá Ottoman, nhưng do chúng tôi thuộc tầng lớp tư sản mới – tư sản cộng hoà, nên đối với “nền văn minh Bosphorus” chúng tôi không có cảm giác mất mát buồn bã, mà lại thấy hãnh diện và hài lòng - bởi chúng tôi được thừa hưởng sự vĩ đại của nó, sự tiếp nối của nó.

Quỳnh An dịch qua bản tiếng Nga

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.

14/10/06

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (2)



Eo biển Bosphorus

Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

BOSPHORUS - LINH HỒN CỦA THÀNH PHỐ

Bosphorus đối nghịch với cảm giác bại trận, phế đế, đàn áp, buồn đau và nghèo khổ. Trong tiềm thức của tôi nói gắn liền với ý chí cuộc sống, tràn đầy xúc cảm và niềm vui. Bosphorus là linh hồn của Istanbul, nơi tiếp sinh lực cho Istanbul. Thế mà trước đây cư dân thành phố không mấy đánh giá cao Bosphorus - đối với họ nó đơn thuần chỉ là cái eo biển có cảnh sắc đẹp làm lối ra vào của tàu thuyền, và trong hai trăm năm trở lại đây nó trở thành địa điểm xây dựng những cung điện và biệt thự mùa hè.

Trước đây đôi bờ eo biển Bosphorus là nơi quần cư của những làng chài người Hy Lạp; nhưng bắt đầu từ thế kỷ VVIII tại đây người ta bắt đầu xây dựng những yali (*) cho những người thuộc tầng lớp trên của đế chế Ottoman. Và khi đó Geksu, Kyuchuksu, Bebek, Cantilli, Rumelikhisary và Canlykhzha trở thành những tổ ấm cửa đóng then cài nằm ngoài tầm ảnh hưởng của văn hoá Istanbul và Ottoman. Những yali do các ông hoàng bà chúa của đế chế Ottoman xây cất cho bản thân, hay do những người giàu có xây cất vào những năm tồn tại cuối cùng của đế chế, sang thế kỷ 20 vào những năm cao trào ái quốc gắn với quá trình hình thành thể chế cộng hoà, đã trở thành biểu tượng bản sắc Thổ - Ottoman nói chung và hình tượng của bản sắc ấy trong kiến trúc nói riêng. Kiến trúc sư Sedad Hakky Eldem đã thu thập bản vẽ thiết kế của những ngôi nhà này, những tấm hình từ ngày xưa, hay những bức hoạ do Melling vẽ chẳng hạn, trong cuốn sách có nhan đề “Ký ức trên eo biển Bosphorus”; yali đã trở thành nguồn cảm hứng cho ông khi ông thiết kế những ngôi nhà “hiện đại hoá” của mình – chúng cũng có những cửa sổ hẹp và cao, những tiền sảnh rộng, những hàng cột thanh mảnh. Nhưng những ngôi nhà của Sedad Hakky Eldem cũng như những sáng tạo của những người đi theo trào lưu của ông chỉ là cái bóng của nền văn hoá đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng.

Những chuyến du ngoạn trên eo biển Bosphorus bao giờ cũng khiến chúng tôi thích thú bởi cảm nhận được ở đây, trong trái tim của thành phố rộng lớn, cổ kính và mồ côi này có sự sống của tự do và sức mạnh của biển cả sâu thẳm, mạnh mẽ. Ngự trị trên chiếc tàu thuỷ cắt những ngọn sóng… trên Bosphorus, ta có cảm giác mọi dơ dáy và khói bụi của thành phố quá đông dân đã ở lại trên bờ, ta thấy nó tràn đầy sức mạnh của biển và hiểu rằng ngay cả ở đây, trong cái tổ kiến đầy người này, ta vẫn có thể được đối diện với chính ta và là người tự do. Cái không gian nước ở trung tâm thành phố này không giống với những dòng kênh ở Amsterdam hay Venice, không giống những con sông chia Paris và Roma ra làm đôi, - không ở đây có sự chuyển động của những dòng hải lưu, có những làn gió khoáng đạt thổi và có những con sóng vươn mình chồm lên từ những độ sâu tối tăm.

Cưỡi lên dòng hải lưu, ta bay đi giữa những con tàu thuỷ- đò-dọc, ngang qua những người phụ nữ trung niên vừa uống trà vừa nhìn ngắm ta; ngang qua những ngôi nhà và những yali nhiều tầng, ngang qua những tiệm cà phê, ngang qua những cậu bé mặc quần đùi nhảy xuống nước, ngang qua những người cầm cần ngồi câu cá trên bờ, ngang qua những chiếc canô chở du khách thăm vịnh, ngang qua đám học sinh tan trường cắp cặp đi dọc bờ biển, ngang qua những tù nhân chen chúc trong xe buýt vươn tầm mắt ra ngoài cửa sổ, ngang qua những biệt thự ẩn mình trong màu xanh vườn cây (rất khó nhìn thấy chúng từ trên bờ, do vậy ta sẽ nhận ngay ra chúng khi đi trên eo biển Bosphorus); ngang qua những đường phố uốn lượn dẫn lên những quả đồi xa, những ngôi nhà cao tầng…

Đằng sau tất cả những điều ấy, hiển hiện và bay qua trước mặt ta là Istanbul - những khu phố xa xăm, những cây cầu, ngọn tháp, những khu vườn, công trình mới xây – mà mỗi ngày lại trở nên nhiều hơn. Cưỡi tàu thuỷ, canô hay thuyền (như thời tôi còn bé) trên eo biển Bosphorus đều có thể ngắm nhìn cận cảnh Istanbul với công hiệu như nhau: nhà nối nhà, phố nối phố, và từ xa có thể thưởng ngoạn hình bóng của thành phố hắt lên đường chân trời thay đổi liên tục giống như ảo ảnh.

Ngay từ khi còn bé, khi cùng mẹ đi dạo chơi bằng xe hơi, tôi đã có cảm nhận rằng một trong những ưu điểm chính của Bosphorus là ở đây có thể nhìn thấy dấu vết của cái thời khi mà văn minh và văn hoá Ottoman bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhưng vẫn chưa mất đi bản sắc và sức mạnh của mình. Tôi xăm soi cánh cổng sắt chắc chắn của một chiếc yali, bức tường cao, rộng và vững chãi của một ngôi khác, những bức tranh gỗ được chạm khắc công phu của ngôi thứ ba, nhìn khu vườn rợp bóng cây trải dài từ bức tường của một biệt thự đến tít tận đỉnh cao của khu đồi. Tôi nhìn những cây thông Bosphorus mọc trong đó, lòng tự nhủ rằng đây là tất cả những dấu vết của một nền văn minh đã lùi xa vào dĩ vãng, rằng ở đây trước kia đã sinh sống những con người tương tự như chúng ta, nhưng có cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi hiểu rằng cái thời đó đã trôi qua lâu rồi và cảm nhận rằng chúng ta dù sao cũng khác với những con người đó – so với họ ta thật nghèo nàn, yếu ớt và quê mùa.

_______
(*)Yali: biệt thự bằng gỗ (tiếng Thổ)

(Còn tiếp)

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.

13/10/06

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (1)



Nhà văn Orhan Pamuk

Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

ÁN MẠNG SALADZHAK
Năm 1958, trước khi tôi học đọc học viết, tại Istanbul xảy ra một án mạng nổi danh với tên gọi “vụ giết người ở Saladzhak”. Xung quanh vụ án mạng có những tình tiết khiến tôi phải rùng mình: đêm tối, con thuyền, nước eo biển Bosphorus… Ký ức về vụ án mạng không chỉ bện thành hình ảnh đen trắng của những con nước Bosphorus đọng lại trong tâm khảm tôi, mà còn trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng theo tôi trong suốt cuộc đời. Lần đầu tiên tôi được nghe về sự kiện này là từ câu chuyện của những người trong nhà; cả Istanbul bàn tán về nó, tất cả các báo đều đề cập cho đến khi nó trở thành một cái gì đó như là huyền thoại.

Một người phụ nữ nhờ một ngư phủ trẻ tuổi nghèo khó chèo thuyền đưa chị ta cùng hai đứa con và một cô bé bạn của chúng ra biển. Tay ngư phủ say bí tỉ; hắn định cưỡng hiếp người phụ nữ nên đã đẩy lũ trẻ ra khỏi thuyền và dìm chết chúng. “Tên ác thú ở Saladzhak” đã reo rắc nỗi kinh hoàng khắp thành phố khiến tôi và anh trai có thời gian bị cấm giúp ngư dân phơi lưới cạnh ngôi nhà nghỉ hè của chúng tôi ở Heibeliada, thậm chí bị cấm một mình ra vườn bao quanh ngôi nhà. Và giờ đây, khi nhiều năm đã trôi qua, mỗi lần đọc tin tức về tội phạm trên báo chí Istanbul (tôi rất thích công việc này), thì trong hình dung của tôi lại hiện lên hình ảnh đen trắng: những đứa trẻ vùng vẫy trong nước, cố gắng bám vào mạn thuyền, người mẹ của chúng kêu thét, còn tên ngư phủ ra sức đập mái chèo vào đầu chúng.

Sau án mạng Saladzhak, mẹ và anh em tôi thôi không dạo thuyền trên eo biển Bosphorus nữa. Thế mà trước đó có thời gian ngày nào chúng tôi cũng đi dạo bằng thuyền, bởi vì trước đó anh em tôi bị ho gà. Thoạt đầu anh tôi bị ốm, sau đó 10 ngày đến lượt tôi bị lây và nằm bẹp một chỗ. Bị ốm cũng có điều dễ chịu là mẹ tôi trở nên vô cùng âu yếm, bà toàn nói những lời dịu dàng mà tôi rất thích, và mang về những thứ đồ chơi mà tôi đòi mua. Tôi thấy bực mình không phải vì bị ốm, mà là không được tham dự vào những bữa ăn sáng ăn trưa ở phòng chúng tôi hoặc ở tầng trên. Tôi chỉ có thể tò mò lắng nghe những câu chuyện, những lời nói đùa bên bàn ăn và tiếng thìa dĩa va chạm vào nhau từ đằng xa vọng tới.

Ông bác sĩ nhi khoa Albert đến thăm bệnh cho anh em tôi. Từ bộ ria mép cho đến chiếc vali dụng cụ của ông đều khiến chúng tôi hoảng sợ. Sau khi tôi và anh tôi cắt cơn sốt, ông khuyên mẹ tôi nên đưa anh em tôi ra biển dạo chơi để hít thở không khí trong lành như một biện pháp chữa bệnh trong thời gian nhất định. Thế là trong đầu óc tôi, từ “Bosphorus” bị lẫn lộn với khái niệm “hít thở không khí”. Không những thế, trong tiếng Thổ Bosphorus có nghĩa là “bogaz” (*). Có lẽ vì thế mà tôi đã không hề ngạc nhiên khi biết rằng một trăm năm trước Tarabya, khi đó vẫn chưa là chốn bát phố nổi tiếng với đầy những nhà hàng và khách sạn dành cho khách du lịch, mà mới chỉ là làng đánh cá êm đềm của người Hy Lạp (nơi nhà thơ nổi tiếng Kavafisa đã trải qua những năm tháng tuổi thơ), được đặt tên là “trị liệu”. Và cũng có thể, chính vì vậy, khái niệm “Bosphorus” và “chữa bệnh” đã hoà làm một trong nhận thức của tôi. Hình ảnh Bosphorus luôn tác động lên tôi đầy sảng khoái.
_______
(*) Bogaz: cổ họng (tiếng Thổ)

(Còn tiếp)

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.


ĐI CỨU TRỢ GẶP TAI NẠN



Vào lúc 2 giờ 35 phút sáng nay 13.10, trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà (cách TP Nha Trang khoảng 15 km về phía Nam) đã xảy ra một tai nạn giao thông thảm khốc, làm chết tại chỗ 12 người, 3 người bị thương nặng.

Tại hiện trường, chiếc xe loại 15 chỗ ngồi biển số 53M 5009 bị phá nát, nhiều bộ phận thi thể nạn nhân vương trên mặt đường. Theo tin ban đầu: Xe khách biển số 75H 8283, chạy theo hướng Bắc- Nam và xe biển số 53M 5009 chạy ngược chiều đã lao vào nhau.

Trong số 13 người đi trên xe 53M 5009, gồm tài xế và 12 cán bộ phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong cơn bão vừa qua, chỉ có ông Phạm Ngọc Lý, Chủ tịch UBMT Tổ quốc phường còn sống. Ông Lý bị gãy xương vai, xương ngón tay và chấn thương nhiều chỗ trên đầu và mặt.

Trên xe 75H 8283, tài xế bị gãy chân, phụ xe và nhiều hành khách bị thương nhẹ. Ông Lý cho hay, các cán bộ của phường 13 bị thiệt mạng gồm có: ông Trương Quang Bửu, Thường trực Đảng uỷ phường; ông Trần Đình Liêm, Chủ tịch UBND phường; ông Nguyễn Cần, Chủ tịch Công đoàn phường; Bùi Thị Kim Phượng, Bí thư Chi bộ phường; Nguyễn Thị Tư, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường; ông Lê Phương Hoà, thư ký UBND phường; ông Trần Đình Lăng, cán bộ quản lý đô thị phường, ba dân quân tên là Quý, Sơn, Nam...

Những chiến sĩ khắc phục hậu quả thiên tai đã hy sinh như vậy. Hãy gửi đến thân quyến của họ những lời chia buồn sâu sắc của bạn.
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết