11/10/06

NHÀ BÁO VÀ PHONG BÌ



Một lần tôi đi dự một hội nghị quan trọng do một cơ quan lớn của Việt Nam phối hợp cùng một tổ chức còn lớn hơn của nước ngoài tổ chức. Khách sạn sang trọng, các cô lễ tân xinh tươi cười chúm chím. Một cô chững chạc nhất đưa cho tôi tập tài liệu dày cộp. Chiếc phong bì bên trong rơi ra làm tôi luống cuống.

"Cảm ơn, tôi không thể nhận," tôi nói và giúi trả lại. "Đồ hâm," một giọng thoáng qua sau lưng khi tôi đã quay bước.

Chẳng biết cái văn hóa phong bì xuất hiện từ khi nào, nhưng suốt một thời gian dài, ai cũng coi đó là thứ không thể thiếu sau các cuộc họp. Và mặc cho bao nhiêu lời kêu gọi bãi bỏ, thậm chí cả những quy định cấm đoán, nó vẫn tồn tại. Trong giới báo chí, nó cũng không phải là ngoại lệ.

Nhớ thời cách đây khoảng 15-17 năm, khi lương cán bộ mới đi làm như tôi chưa được 10 USD thì mỗi lần đi họp báo của các công ty nước ngoài mới tiến vào Việt Nam, "nội dung" phong bì có thể lên tới vài chục USD. Thậm chí có lần một người bạn được tặng nguyên một chiếc máy nghe nhạc Sony Walkman trị giá đến cả trăm bạc. Bản thân tôi từng được tặng một chiếc xe ủi mô hình cực kỳ tinh vi, nghe nói giá thành sản xuất cũng khá đắt.

Họp báo hồi đó không nhiều, nhưng giới phóng viên vẫn thủng thẳng chẳng lo gì, bởi mỗi tuần một lần "đậm" thì đã đủ "nhòe cả tháng". Song mức nhiều hay ít khi đó dường như là "ngẫu hứng" của các công ty.

Bây giờ thì có khác một chút. "Nội dung" có ba-rem hẳn hoi. Và cái phong bì kèm theo tập tài liệu chưa có nghĩa là có tin được đăng trên báo, chỉ là chút "thuốc nước" để cảm ơn sự hiện diện của quý nhà báo mà thôi. Muốn đăng với độ dài ra sao, ca tụng đến mức nào thì lại phải thêm một cái phong bì nữa.

Ngay cả những cuộc họp báo của một số cơ quan quản lý nhà nước cũng có phong bì - rất nhẹ nhàng thôi, 20.000 đồng, nhưng cứ phải "mời anh ký vào đây." Đương nhiên, tin báo in có giá của báo in, tin truyền hình có giá của truyền hình.

Không ít lần nhóm phóng viên, biên tập viên chúng tôi ngồi tranh luận với nhau về chuyện này. Có người lập luận rằng: bên tổ chức đưa phong bì cho tất cả mọi phóng viên có mặt, mình không nhận không được; hoặc "mình không nhận thì bị loại khỏi cuộc chơi, lần sau không được mời". Người khảng khái nhất thì tuyên bố "tôi cầm nhưng viết tin thế nào là ở tôi." Chẳng ai tự nhận là viết theo chỉ đạo của cái phong bì.

Trên diễn đàn của một lớp báo chí (đã tốt nghiệp), tôi tình cờ thấy một câu chuyện thế này: một chị phàn nàn rằng hôm trước đi họp, về mở phong bì thấy rỗng. Thế là các loại ý kiến tư vấn ào ạt tuôn ra: người thì bảo "lần sau chị cạch mặt nó ra", kẻ thì nói "em mà bị như thế thì sẽ cho doanh nghiệp đó... biết tay". Ô, thế là người ta cũng bực tức, cũng hằn học khi không có phong bì đấy chứ. Và khi tâm trạng như thế, có gì đảm bảo là các đại nhà báo của chúng ta sẽ đảm trách tốt cái vai trò cung cấp thông tin trung thực cho độc giả.

Và buồn thay, việc bên chủ quản phải tự "biết điều" mà lo nội dung cho phù hợp đã trở thành chuyện hiển nhiên. Và có những lúc các nhà báo mặc cả không khác hàng cá hàng tôm về chuyện tiền nong, hoặc thản nhiên thả một câu hỏi: "Phong bì đâu?"

Tôi chắc rằng chẳng có tờ báo nào cho phép phóng viên nhận phong bì, nhưng văn hóa phong bì đã trở thành chuyện thường ngày nên chẳng ai nghĩ đến chuyện cấm đoán. Cũng có những lúc bài lên "phô" quá, chưa ngửi đã thấy đầy hơi tiền, nhưng biên tập viên dễ dãi, hoặc không cứng rắn nổi trước những lời nỉ non "anh giúp cho em" nên bài vẫn ngự hiên ngang trên báo.

Có người tiếp tục bao biện rằng thu nhập thấp là nguyên nhân, nhưng tôi biết có nhiều phóng viên thuộc các báo, đài "giàu" vẫn nhận phong bì như thường. Thậm chí họ còn có "mức" riêng cao hơn. Mối quan hệ cần nhau giữa doanh nghiệp (và cả các cơ quan khác) và phóng viên khiến cho phong bì không thể thiếu vắng.

Vài người trong nhóm phóng viên của chúng tôi đưa ra ý tưởng thử nghiệm: tuyệt đối không nhận phong bì và viết theo ý mình, để cho doanh nghiệp "đừng tưởng bở là mấy trăm bạc có thể xé toạc tờ báo", rằng để cho họ phải "nể" mình. Nhưng chưa có ai áp dụng chiêu này vào thực tế.

Giật mình tỉnh dậy. Hóa ra là tôi ngủ gật giữa cuộc họp báo quá buồn tẻ. Tôi đứng lên đi về khi cuộc họp chưa kết thúc. "Anh ơi, em quên chưa gửi anh tài liệu," một cô gái chạy theo. tôi hỏi. "Dạ thôi ạ, cảm ơn anh đã đến. Có gì em gọi anh sau nhé." "Có cần phải ký không em,"

Tôi nhét chiếc phong bì vào túi áo ngực, lấy xe máy để chạy sang cuộc họp báo tiếp theo.

__

Bài của tác giả Minhlq - diễn đàn Vietnam Journalism

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết