1/10/06

HÀ NỘI, CON THUYỀN, PHÙ SA (2)



Tiểu luận về Hà Nội của HỒ ANH THÁI

Kỳ 2: NÍU NO HÀ LỘI THANH NỊCH

Những nơi đô thị như Paris, London, New York là nơi quần cư của người tứ xứ. Tiếng Anh tiếng Pháp đại trà ở những nơi đó khó mà coi là khuôn vàng thước ngọc. Hà Nội thì sao? Xu hướng đô thị hóa và quản lý đô thị khá lỏng lẻo mấy chục năm qua cũng đang làm tiếng Hà Nội có phần nào hỗn độn. Như giao thông. Như nếp sống bày bừa làng xã đang biến Hà Nội thành một cái làng có đường phố, sự quá tải về số lượng người không điều tiết sớm, một ngày nào đó người ra vào thành phố hàng ngày cũng bị hạn chế như phải đăng ký xe máy hôm nay vậy.

Còn nhớ đầu những năm 1980 người ta nhận thấy hiện tượng này: những người líu lo "Hà Lội thanh nịch và lên thơ" thuộc hai loại: hoặc là dân ngoại thành, hoặc là dân chợ giời. Các chàng các nàng chíp chíp kiu kiu trong vòng bán kính mười kilômét tính từ Bờ Hồ, ban ngày cấy lúa trồng rau trồng hoa, tối đến huỳnh huỵch đạp xe đến vũ trường, cứ dép lê mũ cối mà đăngxinh. Vừa đăngxinh vừa bô bô một thứ tiếng Hà Nội đố nhau xem đó là nờ cao hay nờ nùn.

Nhưng tại sao lại là dân chợ giời nữa? Đám thanh niên chúng tôi hồi ấy tự giải thích thế này: đa số dân chợ giời cũng từ các miền quê mới đổ tới. Ngay cả dân gốc gác vài đời định cư ở chợ giời cũng quen dần lời ăn tiếng nói kiểu này. Một người khách mang hàng vào chợ là một con mồi. Cả một toán người ùa tới quây con mồi vào giữa, mồm năm miệng mười, mua tranh bán cướp. Những kẻ trả giá dìm giá ấy chỉ là "chân gỗ", có nhiệm vụ uy hiếp cho con mồi hoang mang nhụt chí. Rốt cục chỉ có một kẻ chủ mưu đứng ra mua giá hời. Đám "chân gỗ" hầu như đều cố tình phạm lỗi phát âm elờ enờ, gây cảm tưởng quê kệch chất phác. Bao nhiêu người đã đứng khóc giữa chợ giời vì cái thứ tiếng "hà lội" quê mùa ngớ ngẩn ấy.

Nhưng bây giờ, liệu có thể coi là Hà Nội đang tràn ngập cái thứ tiếng mà cách đây vài ba chục năm còn là tiếng ngoại thành, tiếng chợ giời?

Nói như thế không có nghĩa là ca sĩ ngày nay không còn luyện thanh phát âm nhả chữ theo giọng Hà Nội. Tiếng Hà Nội vẫn còn đó. Hồn Việt tiếng Việt vẫn phải nương vào giọng phát âm Hà Nội để biểu đạt âm thanh ở mức đẹp nhất. Một thứ tiếng trong trẻo, nhẹ nhõm, nhẹ đến mức phạm luật phát âm, người nghe khó phân biệt xờ với sờ, chờ với trờ - "xắt xon chung hiếu", "chương chình xản xuất". Nhưng cái nhẹ nhõm khiếm khuyết vẫn được yêu, như người ta yêu cái dịu dàng có phần yếu đuối của thiếu nữ. Các diễn viên thanh nhạc mọi miền khi hát lên vẫn hát bằng tiếng Hà Nội. Hai tiếng "Hà Nội" phát ra đẹp nhất có lẽ là từ giọng soprano Lê Dung khi chị hát Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Sinh thời Lê Dung nói với đồng nghiệp: "Tôi không phải là người Hà Nội, chúng ta đây cũng hiếm có ai gốc Hà Nội, nhưng hai tiếng Hà Nội khi hát lên thì nhất thiết phải sang phải đẹp".

Đâu phải ai cũng nghĩ được và làm được như vậy. Ca sĩ đằng trong nếu không nỗ lực một cách có ý thức thì phát âm vẫn ngòng ngọng, chơn chớt, như Tây nói tiếng ta, như "Tây Annam nói tiếng Annam". Khán giả không sành thì lấy làm thích thú cái giọng phát âm ngồ ngộ "như Tây". Đến lượt một số ca sĩ sinh trưởng Hà Nội có sẵn giọng nói trời cho, ảo vọng ăn khách xui họ cũng nắn tiếng méo giọng theo kiểu ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Nghe họ hát mà có cảm giác bị pha tiếng. Sự báng bổ xúc phạm nhất còn không bằng pha tiếng kia mà.

Còn nữa, có một vị chức sắc lên tivi nói: "Hôm nay tôi hoan nghênh các i-em làm xanh sạch đi-ẹp chi-o thành phố". Tiếng địa phương mang vào Hà Nội thì tiếng nào cũng nặng, nhưng nghe một nhà quản lý ở Thủ đô "yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ" như thế, lại ưu tư: giá mà điều chỉnh từ cái nho nhỏ như phát âm cho dân dễ nghe hơn? Một chính khách đúng nghĩa còn là một diễn viên, một nhà hùng biện. Nhập gia tùy tục thì đâu có sợ tự làm mất gốc.

Tiếng Hà Nội không ngừng phát triển, như mọi sinh ngữ khác. Tiếng Hà Nội 1954, tiếng Hà Nội 1975. Hai thứ tiếng ấy vào đến phương Nam có bảo tồn đến mấy cũng không trụ vững được trước sức xâm nhập của môi trường và sự phát triển của ngôn ngữ. Lạ. Người Nam bộ tập kết ra Bắc hai mươi mốt năm ít thấy pha tiếng, nhưng người Bắc vào Nam dăm bảy năm tiếng đã cưng cứng khê khê như giọng Thanh. Lạ nữa. Tiếng Hà Nội 54 vào Nam rồi du cư sang Tây sang Mỹ, xa cách thế càng quyết tâm bảo lưu bảo tồn bảo thủ. Đi khỏi Hà Nội 1954, rời khỏi Sài Gòn 1975, ngôn ngữ sống trong lòng đôi ba người như một tiêu bản sống chia rẽ chiến tuyến. Một người phiên dịch trong cộng đồng mở miệng nói: Ngôi nhà này hiện đại nhỉ. Bị chấn chỉnh ngay: Đấy là nói giọng Cộng, phải nói là: Tòa Binđinh tân kỳ nhỉ. Nói sông núi đẹp tươi thì bị chỉnh thành ngôn ngữ của nửa thế kỷ trước: Non sông cẩm tú... Cố níu giữ tính chiến tuyến và giai cấp của ngôn ngữ. Còn giọng, nhiều ông bà già Việt Kiều đến bây giờ vẫn còn nói giọng 1954. Nghe lạ. Buồn cười. Quê quê thế nào. Tên cụ là Dư, chắc thế, cứ nhất quyết đòi viết đúng trong văn bản là Rư, phát âm cũng rung bần bật cả lưỡi lên, R-R-R-Ư, ngày xưa nhà cụ ở phố Thợ Ruộm, chứ không phải Thợ Nhuộm. Nhà văn Tô Hoài mỉm cười: Tiếng Hà Nội ngày xưa đấy. Vậy ư? Nhưng tiếng Hà Nội bây giờ khác rồi: tròn, sáng, trong, vang, sang, nhẹ. Lại vẫn nhà văn Tô Hoài: Nhưng hơi điệu.

(còn tiếp)

(*): Đầu đề này là do VMC đặt.
Ảnh Hồ Hoàn Kiếm của Bác sĩ Charles-Edouard Hocquard giai đoạn 1884 - 1885.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết