15/10/06

ISTANBUL - HỒI ỨC CỦA THÀNH PHỐ (3)



Trích "Istanbul - Hồi ức của thành phố" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, người vừa đoạt giải thưởng Nobel Văn chương 2006.

MẸ

Trung tâm cổ của Istanbul nằm trên bán đảo có một mặt giáp biển Marmara, một mặt giáp Bosphorus và và mặt kia là Vịnh Sừng vàng (Golden Horn); từ giữa thế kỷ 19 nó bắt đầu mất đi nhiều diện mạo lịch sử của mình; do đế chế sụp đổ, thua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác nên… những vị chức sắc Ottoman bị Âu hoá du nhập vào cái thành phố đang bị bần cùng hoá và đương đầu với bùng nổ dân số này những toà nhà kềnh càng, dị hợm. Nhưng cũng nhờ chính những vị chức sắc, những người có của và các vị hoàng thân quốc thích này mà những yali nơi họ đến ẩn mình khỏi thành phố vào mùa hè còn tồn tại thứ văn hoá đặc sắc không bị thế giới bên ngoài dòm dỏ. Thời đó không thể đi dọc bờ mà đến được những chốn ấy, thậm chí đến giữa thế kỷ 19 khi đã có tầu thủy đi đến đó, thì chúng vẫn chưa trở thành một phần của Istanbul. Do vậy người nước ngoài không dễ mà đặt chân đến. Ngay cả những cư dân của các yali cũng không để lại ghi chép về dinh thự của mình, về nền văn hoá bị cô lập, vì vậy mà kiến thức của chúng ta trong lĩnh vực này phần lớn dựa vào những ký ức hoài niệm của hậu thế thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba.

Khi chuyến du ngoạn của mẹ và anh em tôi kết thúc (chúng tôi có trải qua vài thời điểm “nguy hiểm” – khi thì thuyền bị dòng hải lưu cuốn theo, khi thì bị tròng trành vì sóng từ những con tàu đi ngang qua), người chèo thuyền không đợi đi đến mũi Rumeli Hisari, nơi dòng hải lưu tiến đến sát bờ, mà cho chúng tôi xuống ở Ashiana. Từ đó chúng tôi cuốc bộ đến pháo đài Rumeli Hisari được xây dựng ở đoạn hẹp nhất của eo biển Bosphorus. Anh em tôi rất khoái những khẩu thần công thời Mehmed II dựng làm cảnh bên tường pháo đài; trong cái nòng khổng lồ của chúng, nơi đêm đêm trở thành nơi trú chân của những kẻ say rượu và vô gia cư, có những mẩu kính, những mảnh giẻ bẩn thỉu, đầu mẩu thuốc lá và vỏ đồ hộp; nhìn vào đó chúng tôi hiểu rằng di sản lịch sử vĩ đại của Istanbul và Bosphorus đối với nhiều người sống ở đó khi ấy chỉ là một thứ gì đó tăm tối, bí hiểm và khó hiểu.

Khi chúng tôi đến bến tầu thuỷ, mẹ chỉ vào tiệm cà phê nhỏ cạnh đó, con đường lát những phiến đá vuông vắn có vỉa hè và nói: “Trước kia ở đây có một căn nhà gỗ. Khi ấy mẹ còn là cô bé và ông ngoại thường dẫn mẹ đến đây vào mùa hè”. Dinh thự mùa hè ấy đối với tôi là ngôi nhà kinh khủng, cũ kỹ và sập xệ, hoàn toàn xứng đáng biến khỏi mặt đất. Câu chuyện đầu tiên mà tôi được nghe liên quan đến ngôi nhà ấy không sao gột bỏ được khỏi đầu – đó là câu chuyện về một cô tiểu thư khuê các, chủ ngôi nhà này, sống ở tầng một, bị bọn trộm giết chết trong bối cảnh rất bí hiểm hồi giữa thập niên 1930. Phát hiện ra câu chuyện u ám ấy có tác động đến tôi, mẹ đổi chủ đề, chỉ tay vào những dấu vết còn sót lại của kho thuyền đã bị phá huỷ. Mẹ cười (giọng mẹ đượm buồn), kể rằng có lần ông ngoại không thích thức ăn do mẹ nấu, mẹ bực bội quăng cả nồi thức ăn qua cửa sổ xuống con nước sâu và ngang tàn của Bosphorus.

Khi mẹ cãi nhau với bố, mẹ thường đến nhà người bà con sống ở Istine trong cái yali có cửa sổ nhìn ra xưởng đóng tầu; tôi nhớ ngôi nhà ấy sau này cũng biến thành đống hoang tàn. Những năm tháng khi tôi còn tấm bé, lớp người mới giàu (nouveau rich) bắt đầu đắp mỡ cho tư sản Istanbul, chẳng thèm đoái hoài đến những ngôi nhà yali ở Bosphorus. Mùa đông, khi lạnh giá và gió đông bắc thổi, sống trong những yali cũ kỹ chẳng thích hợp tẹo nào; sưởi ấm những ngôi nhà ấy thật phức tạp và tốn kém. Lớp người mới giàu của thời đại cộng hoà, không được hùng mạnh như những lãnh chúa Ottoman cảm thấy mình là người Âu châu nhiều hơn, khi sống trong những ngôi nhà nhiều tầng ở khu vực xung quanh quảng trưởng Taksim và nhìn ngắm Bosphorus từ đằng xa. Do vậy họ đã không mua yali của các gia đình Ottoman nay đã rời xa quyền lực, của con cái những lãnh chúa đã bị bần cùng hoá, của họ hàng những người như Hisaru. Sinh sống trong những ngôi biệt thự gỗ bên eo biển Bosphorus là những vị cựu đại thần lẩm cẩm và cháu chắt của những lãnh chúa, thỉnh thoảng họ lại đưa nhau ra toà vì tranh chấp gia sản. Rơi vào tình trạng không được giữ gìn, yali bắt đầu mục ruỗng, sơn bong ra và những bức tường gỗ bị xỉn mầu vì giá lạnh và ẩm ướt; hy vọng tại đây sẽ xây những toà nhà cao tầng, người ta thường bí mật phóng hoả yali, vì thế nên chúng ngày một ít đi trong những năm tuổi thơ của tôi và đến thập niên 1970, khi thành phố bắt đầu lớn nhanh, đa phần yali đều biến mất.

Vào cuối những năm 1950, cứ đến chủ nhật là chúng tôi lại đánh xe hơi dọc theo Bosphorus để hít thở không khí. Bố hoặc chú tôi thường cầm lái. Có thể gia đình tôi cũng cảm thấy hơi rầu lòng trước sự biến mất của văn hoá Ottoman, nhưng do chúng tôi thuộc tầng lớp tư sản mới – tư sản cộng hoà, nên đối với “nền văn minh Bosphorus” chúng tôi không có cảm giác mất mát buồn bã, mà lại thấy hãnh diện và hài lòng - bởi chúng tôi được thừa hưởng sự vĩ đại của nó, sự tiếp nối của nó.

Quỳnh An dịch qua bản tiếng Nga

Lưu ý: Bản dịch có bản quyền, mong các bạn thông cảm, không copy sang các blog hoặc sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Xin cảm ơn.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết